Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Chàng sinh viên góp tiền học bổng, bán sáo, làm thêm để khởi nghiệp

Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên, trong tay chỉ có chục triệu đồng, chàng trai trẻ ở Lâm Đồng đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm, giúp hàng chục người dân địa phương có việc làm.

Chàng sinh viên và ước mơ sản phẩm xanh sạch ViệtChàng sinh viên góp tiền học bổng, bán sáo, làm thêm để khởi nghiệp

Chàng trai trẻ Nguyễn Lê Hoàng Nhân (sinh năm 1998) sinh sống tại Lâm Đồng đã bắt tay vào khởi nghiệp với cây tre, nứa ngay từ khi còn là sinh viên.

Năm 2017, khi đang học chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Đà Lạt, cậu sinh viên đã bắt đầu làm sáo trúc bán để dành dụm tiền khởi nghiệp.

Chia sẻ với PV Infonet, Nhân cho hay, do đam mê tham gia các hoạt động đoàn ở trường, Nhân thường cùng các bạn sinh viên, đoàn viên, người dân ở Đà Lạt tổ chức các chương trình đi nhặt rác tại khu chợ đêm, quảng trường… Thời điểm đó, khi đọc được lời kêu gọi của Thủ tướng chung tay chống rác thải nhựa, kêu gọi khởi nghiệp để tạo ra những sản phẩm xanh thay thế cho rác thải nhựa đã thôi thúc Nhân quyết tâm khởi nghiệp ‘xanh’ từ cây tre.

Nhân bắt đầu hành trình khởi ngiệp khi trong túi chỉ có khoảng chục triệu đồng từ tiền học bổng, việc bán sáo, tiền đi làm thêm… Cứ gom góp tiền, mỗi lần Nhân lại mua một chiếc máy 3-4 triệu đồng. Chàng trai nhẩm tính giai đoạn ban đầu mua sắm máy móc hết khoảng 20 triệu đồng để thực hiện dự án khởi nghiệp Đà Lạt Bamboo của mình.

Ban ngày đi học, tối về Nhân lại mày mò nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm. Những ngày được nghỉ học, Nhân lại đi tìm nguyên liệu sản xuất thử nghiệm, rồi đi tìm máy móc để làm.

Mất gần một năm, cuối năm 2018, sản phẩm đầu tiên là ống hút bằng tre được Nhân chào bán ra thị trường.

Thế nhưng, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của Nhân lúc ấy gần như là con số 0 tròn trĩnh. Ống hút bằng tre ra mắt thị trường giá thành cao hơn rất nhiều so với ống hút nhựa, gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục khách hàng để bán sản phẩm… Vì thế Nhân phải tiếp tục cải tiến máy móc, nghiên cứu thêm để hạ giá thành sản phẩm.

Sau đó, khi phong trào tẩy chay rác thải nhựa được nhiều người ủng hộ, vô tình các sản phẩm của Nhân được biết đến nhiều hơn, cùng với sự hỗ trợ của đoàn trường, hình ảnh sản phẩm được quảng bá rộng rãi, nhờ đó số lượng sản phẩm bán ngày càng tăng cao.

Kể lại lại quãng đường đầy khó khăn, Nhân nhớ nhất vào năm 2019, khi xưởng làm ra được rất nhiều sản phẩm nhưng không bán được; lúc đó cũng chưa đầu tư kho cất giữ sản phẩm mà chỉ cất giữ bình thường khiến toàn bộ hàng nghìn sản phẩm bị mốc, hỏng phải bỏ hết.

Sự cố này gây thiệt hại cho Nhân khoảng 100 triệu đồng nhưng cũng giúp chàng trai rút ra được nhiều kinh nghiệm từ khâu bảo quản sản phẩm, từ đó cũng giúp Nhân hiểu được phải làm những sản phẩm thị trường cần, thay vì làm thứ mình có.

Doanh thu 300-400 triệu đồng mỗi tháng

Sản phẩm từ tre nứa

Theo Nhân chia sẻ, để làm được sản phẩm phải biết khai thác chọn lọc, phải chọn cây tre đúng độ tuổi để khai thác. Kết hợp trồng những bụi tre mới với bà con nông dân ở những khu đất trống đồi trọc để tạo nguồn nguyên liệu bền vững.

Nhân bật mí“Tùy từng sản phẩm sẽ lựa cây tre, cây nứa từ 1-3 năm tuổi mới có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Trải qua nhiều công đoạn chế biến từ nguyên liệu tre chặt mang về phơi, rồi cắt thành từng khúc đem luộc, đến việc hấp tinh dầu, hấp tiệt trùng… Đáng chú ý, công đoạn luộc nguyên liệu qua nước muối nhằm khử mọt và loại bỏ độ ngọt ở cây tre rất quan trọng”.

Nhân có suy nghĩ từ khi bắt đầu làm cho đến bây giờ, đó là khi đã tạo được sản phẩm xanh thì sản phẩm phải đảm bảo an toàn với sức khỏe con người, vì thế sẽ không sử dụng chất hóa học trong quá trình sản xuất, chống mốc cho sản phẩm.

Thay vào đó, Nhân sử dụng công nghệ sấy tiệt trùng, kết hợp hấp bằng tinh dầu dừa để tăng khả năng chống mốc. Công đoạn này, theo Nhân đó là sự khác biệt tạo ra sản phẩm của Nhân với các đơn vị khác.

Nhân nói: “Phương án này giải quyết được 90% khả năng gây mốc cho sản phẩm, 10% còn lại phụ thuộc vào cách bảo quản của người sử dụng”.

Xưởng sản xuất của Nhân hiện làm ra khoảng 20 sản phẩm từ tre như: bút tre, ly cốc, hộp đựng trà, thìa dĩa, ống hút, bình giữ nhiệt,… Trong đó ống hút, cốc tre, và hộp đựng trà khô là những sản phẩm bán chạy trên thị trường.

Hiện mỗi tháng Nhân bán được 50.000 chiếc ống hút, cùng hàng nghìn sản phẩm khác. Mức giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một sản phẩm đã giúp chàng trai trẻ có tổng doanh thu mỗi tháng từ 300 – 500 triệu đồng. Như vây, một năm doanh thu đạt vài tỷ đồng. Nhân chia sẻ, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu về đạt khoảng 40% trên doanh thu.

Đáng chú ý, giữa năm 2020, sản phẩm của Nhân đã lên đường xuất khẩu sang Úc khi có một đơn vị ở TP.HCM nhập nửa container ống hút tre. Đến nay, xưởng đã xuất bán được 3 lần các sản phẩm sang Úc với 1,5 container ống hút cùng với một số sản phẩm khác. Hiện, Nhân cũng đang chờ phản hồi về sản phẩm mẫu tại thị trường Đức và Nhật Bản.

Ngoài bán buôn ở các mối nhà hàng, resort… hiện Nhân cũng bắt đầu bán lẻ trên trang thương mại điện tử Shopee, Lazada để bất kỳ người tiêu dùng nào có nhu cầu cũng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm làm bằng tre

Tốt nghiệp đại học năm 2020, Nhân hiện đang công tác tại văn phòng UBND huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Song song với đó, xưởng sản xuất tre rộng 1.500m2 vẫn đang hoạt động đều đều, ngoài ra xưởng sản xuất còn tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho 10-20 người dân địa phương. Mức lương nhân công trung bình 5-7 triệu đồng/người/tháng. Một số nhân viên làm chuyên môn lương cao hơn, khoảng 8-10 triệu đồng/tháng.

Nhân mong muốn tiếp tục đưa các sản phẩm tre của mình đến nhiều hơn với bạn bè quốc tế, để khi chỉ cần nhìn sản phẩm là họ sẽ biết đến Việt Nam quê hương của mình.

Chàng trai 23 tuổi cũng mong rằng sẽ tạo được thu nhập ổn định, việc làm nhiều hơn nữa cho bà con ở quê hương. Đặc biệt, Nhân muốn khai thác tốt hơn nữa tiềm năng của cây tre, cây nứa ở Lâm Đồng để ngày nào đó có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, hạn chế những đồ dùng làm từ nhựa, đặc biệt là không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Để thực hiện mong muốn ấy, hiện chàng trai đang nghiên cứu làm sản phẩm dùng một lần từ mo cau và các loại lá như lá sen, lá chuối, lá vả,… Hy vọng một ngày không xa sản phẩm sẽ thành công và được thương mại hóa.

Đối với các bạn trẻ đang có ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, Nhân muốn nhắn nhủ rằng, khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng chỉ cần cố gắng kiên trì, học hỏi thật nhiều và kiên định với mục tiêu đã đặt ra.

Nguồn diendandoanhnghiep

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button