Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTin mới

4 điều khiến Singapore trở thành quốc gia khởi nghiệp

Cách đây không lâu, cộng đồng kinh tế và các nhà hoạch định chính sách ở Singapore còn than thở về tình trạng khan hiếm doanh nghiệp, đến mức lãnh đạo các công ty lớn quyết bắt tay nhau để tìm một Sim Wong Hoo tiếp theo cho Singapore. Sim Wong Hoo là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hãng công nghệ Creative. Ông được dân Singapore coi như người hùng.

4 điều khiến Singapore trở thành quốc gia khởi nghiệp
Chính phủ Singapore thành lập các trung tâm SME để giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua khó khăn ban đầu, tiếp cận thông tin, vốn… dễ dàng hơn. Ảnh: Spring SME Center

Năm 2002, nhóm làm việc Mỹ thuộc Mạng lưới Singapore ở nước ngoài gửi hàng loạt kiến nghị lên Ủy ban Kinh tế Singapore, trong đó đề xuất phá bỏ khái niệm “bát cơm sắt” (bảo đảm việc làm) trong lĩnh vực dân chính bằng cách sa thải những người làm việc kém hiệu quả, cắt giảm lương công chức để những người có tiềm năng kinh doanh không còn động lực cố bám trụ trong đội ngũ này. Những đề xuất đó không được chấp nhận, nhưng từ đó, môi trường kinh doanh, đầu tư của Singapore tiến triển với những bước nhảy vọt.

Theo Báo cáo kinh doanh 2016 do Ngân hàng Thế giới công bố gần đây, Singapore đứng đầu nhóm các nước thân thiện nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) và điều hành doanh nghiệp. Ðây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Singapore giữ vị trí này. Ðể vươn lên vị trí đó, Singapore đã quyết tâm và xác định chiến lược đúng đắn.

Chính phủ Singapore và các tổ chức liên quan coi phát triển doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động của họ, để từ đó xây dựng môi trường thuận lợi cho những người muốn khởi nghiệp và kinh doanh ở đây.

Xác định thiếu tiền là khó khăn chính đối với những người khởi nghiệp, Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến để giúp họ tiếp cận vốn. Những sáng kiến này bao gồm cung cấp tiền mặt, tài trợ vốn, vườn ươm doanh nghiệp, cho vay nợ và ưu đãi thuế.

Ðổi vốn lấy cổ phần

Chính phủ Singapore và các tổ chức liên quan coi phát triển doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động của họ, để từ đó xây dựng môi trường thuận lợi cho những người muốn khởi nghiệp và kinh doanh ở đây.

Các nhà nhà đầu tư có thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn để đổi lấy cổ phần trong công ty mới thành lập. Dạng cấp vốn này rất lý tưởng đối với những start-up cần thêm vốn, đặc biệt trong giai đoạn phát triển ban đầu. Ngoài những nguồn tư nhân cấp vốn cổ phần còn có những chương trình cấp vốn cổ phần cùng đầu tư do chính phủ Singapore triển khai nhằm tạo nên chất xúc tác cho nguồn vốn từ tư nhân rót cho doanh nghiệp mới thành lập. Nói cách khác, chính phủ cùng một nhà đầu tư bên thứ ba rót tiền cho start-up. Các chương trình rót vốn cổ phần được chính phủ hỗ trợ gồm những loại sau:

-Chương trình Spring Seeds (Những hạt giống mùa xuân): là chương trình đầu tư cổ phần mà trong đó Spring Seeds Capital (thuộc chính phủ Singapore) cùng nhà đầu tư bên thứ ba độc lập rót vốn cho các start-up thương mại có trụ sở tại Singapore, theo tỷ lệ 1-1, với mức tiền đầu tư tối đa 1 triệu đô la Singapore (S$). Lượt đầu tư đầu tiên thường giới hạn ở mức S$300.000. Spring Seeds Capital và nhà đầu tư bên thứ ba thường lấy cổ phần trong công ty với tỷ lệ tương ứng với mức tiền họ rót vào.

-Chương trình Những thiên thần kinh doanh (BAS): Spring Seeds Capital cùng các thiên thần kinh doanh (được phê duyệt) đầu tư vào các start-up định hướng tăng trưởng và sáng tạo, theo tỷ lệ 1-1, với mức tiền đầu tư tối đa S$1,5 triệu. Spring Seeds Capital và nhóm thiên thần kinh doanh sẽ nắm giữ số cổ phần theo tỷ lệ tương ứng với vốn đóng góp.

-Chương trình đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu (EVF): được Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) quản lý, trong đó các công ty tài chính mạo hiểm có thể huy động ít nhất S$10 triệu từ các nhà đầu tư bên thứ 3 và sẽ nhận được mức đầu tư tỷ lệ 1-1 từ NRF, với tổng mức tiền tối đa S$10 triệu để đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ đang ở giai đoạn đầu. Những doanh nghiệp công nghệ đáp ứng đủ tiêu chuẩn có thể tiếp cận trực tiếp những công ty tài chính mạo hiểm để kêu gọi mức tiền đầu tư lên đến S$3 triệu.

4 điều khiến Singapore trở thành quốc gia khởi nghiệp

Chính phủ tài trợ tiền cho startup

Một trong những lợi thế để khởi nghiệp ở Singapore là những người khao khát kinh doanh có thể tiếp cận các khoản tài trợ được nhiều cơ quan chính phủ giải ngân để hỗ trợ start-up. Mỗi khoản tiền tài trợ như vậy đều đi kèm với những điều kiện và điều khoản, bao gồm các tiêu chí chất lượng, phương pháp giải ngân. Thông thường, các khoản tiền tài trợ chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong số vốn mà doanh nghiệp cần. Chủ doanh nghiệp sẽ phải tự xoay khoản vốn còn lại. Hầu hết các khoản tài trợ cho start-up được thiết kế theo cách khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển hoặc phục vụ xã hội. Những người muốn khởi nghiệp phải cân nhắc điều khoản tài trợ trước khi nộp đơn lên cơ quan chính phủ tương ứng.

Thành lập các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp

Ðây là nguồn đầu tư vô cùng hữu ích đối với các doanh nhân khởi nghiệp không chỉ tìm kiếm nguồn tiền mà còn mong muốn được chỉ dẫn và học hỏi bí quyết kinh doanh. Nhìn chung, các vườn ươm kinh doanh tạo ra không gian thực cho doanh nghiệp mới hoạt động và tiếp cận các dịch vụ chia sẻ nhau với chi phí tiết kiệm, được hướng dẫn hoạt động và hỗ trợ tài chính trong giai đoạn phát triển ban đầu. Mô hình này rất lý tưởng cho các start-up muốn tìm kiếm hỗ trợ thường xuyên, được tư vấn, rót vốn và kết nối với chi phí thấp. Có ít nhất 4 chương trình vườn ươm đang hoạt động ở Singapore. Ví dụ, trong Chương trình Vườn ươm công nghệ NRF, 15 vườn ươm công nghệ được lựa chọn để nuôi dưỡng các start-up công nghệ cao của Singapore bằng cách tư vấn và rót vốn cho họ. NRF sẽ cung cấp tới 85% khoản tiền cùng đầu tư cho mỗi start-up trong vườn ươm, với số tiền tối đa là S$500.000. Vườn ươm sẽ phải đầu tư số tiền còn lại với tỷ lệ ít nhất 15%. NRF và vườn ươm sẽ nắm giữ cổ phần trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với tiền đầu tư.

4 điều khiến Singapore trở thành quốc gia khởi nghiệp

Hỗ trợ startup vay vốn

Ðây là lựa chọn đầu tư đáng tin cậy cho những người khởi nghiệp muốn huy động vốn mà không phải chia sẻ phần lợi nhuận của họ. Ðiểm bất lợi của chương trình này là doanh nghiệp phải trả nợ đúng hạn và phải trả nợ ngay cả khi kinh doanh lỗ.

Chương trình bảo đảm vay (LIS) bảo đảm các khoản vay khỏi nguy cơ doanh nghiệp phá sản. Chính phủ sẽ cùng chia sẻ phí bảo hiểm với doanh nghiệp start-up. LIS hỗ trợ cả những cơ sở thương mại, kinh doanh trong và ngoài nước và không đặt giới hạn vay tối đa. Tỷ lệ phí bảo hiểm, lãi suất và thời hạn vay được quyết định bởi đơn vị bảo hiểm dựa trên hồ sơ rủi ro của bên vay. Chính phủ hỗ trợ bảo hiểm tối đa 50%. Cấu trúc trả nợ và yêu cầu tài sản thế chấp sẽ do các tổ chức tài chính tham gia quyết định.

Ngoài ra, một trong những sáng kiến đáng chú ý nhất của chính phủ Singapore là dành cho các start-up nhiều ưu đãi thuế. Ðạo luật giảm thuế trở thành động lực cho các doanh nhân mở công ty và tạo thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế. Các trường đại học và trường cao đẳng cũng đóng vai trò đáng kể trong việc nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp của sinh viên và giảng viên, cũng như tạo nền tảng để họ biến ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực. Từ năm 2011 đến cuối năm 2015, chỉ riêng Ðại học Cộng nghệ Nanyang nâng đỡ 163 start-up. Nhờ những nỗ lực như vậy, số lượng start-up ở Singapore tăng hơn 90% từ khoảng 2.800 doanh nghiệp năm 2004 lên 5.400 năm 2014. Các doanh nghiệp trẻ tạo thêm khoảng 345.000 việc làm trong giai đoạn này.

Doanh nghiệp start-up được định nghĩa là doanh nghiệp có tuổi đời dưới 5 năm, thuê ít nhất 1 nhân viên. Những doanh nghiệp này thường cung cấp sản phẩm, dịch vụ hay quy trình sáng tạo liên quan internet như thương mại điện tử, máy tính, viễn thông hay tự động hóa. Các start-up cũng có thể thiết kế hoặc ứng dụng những quy trình đổi mới cho phát triển, điều tra, nghiên cứu thị trường mục tiêu.

Trúc Quỳnh | Theo Techinasia, Tiền Phong

Xem thêm: Vì sao Singapore trở thành một trung tâm khởi nghiệp?

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button