Kiến thức khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupQuản trịQuản trị kinh doanh

5 lý do khiến nhân viên bỏ cuộc với doanh nghiệp startup

Có vô số lý do khiến nhân viên nghỉ việc rời bỏ startup: Công việc khác lương cao hơn, dành thời gian cho gia đình hay sự nghiệp riêng. Tuy nhiên, việc liên tục để mất đi những nhân viên chủ chốt có thể khiến công ty của bạn gặp vấn đề.

5 lý do khiến nhân viên bỏ cuộc với doanh nghiệp startup

Theo Nikhil Kapur, giám đốc quỹ đầu tư Singapore Gree Ventures, thì nhà sáng lập công ty cùng với các cố vấn và các nhà đầu tư đóng vai trò chủ yếu trong việc xây dựng một đội ngũ làm việc năng suất. Còn theo nhà khởi nghệp Adrian Li, giám đốc quỹ đầu tư Convergence Ventures, việc giữ chân nhân viên phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo của công ty.

Vậy làm cách nào để hạn chế sự ra đi của các nhân tài?

1. Áp lực căng thẳng

Áp lực căng thẳng thường là nguyên nhân đầu tiên khiến nhân viên bỏ cuộc với các start-up

Nikhil Kapur cho biết, không nhân viên nào có thể chịu được áp lực cường độ cao trong môi trường start-up. Đây cũng là một sai lầm phổ biến của nhà sáng lập công ty, khi lãnh đạo cứ mở rộng nguồn tài trợ, trong khi nhân viên thì không thể thích ứng kịp. Theo John Thornton, giám đốc công ty tuyển dụng trực tuyến TribeHired ở Thái Lan, start-up sẽ thường xuyên thay đổi định hướng hoạt động nhiều lần, cường độ công việc cũng càng cao lên, điều này khiến cho các nhân viên gặp khó khăn. Và họ sẽ từ chức nếu tình hình không được giải quyết.

Theo Kapur và Thornton, các nhà sáng lập công ty phải có một đội ngũ có thể đảm trách việc phát triển của công ty trong một năm đầu. Đồng thời ngay từ đầu nhà tuyển dụng phải minh bạch trong quá trình phỏng vấn và phải giải thích rõ ràng với nhân viên những công việc mà họ có thể phải đối mặt.

2. Trả lương trễ

Thornton nhận xét một trong những lý do phổ biến khiến các nhân viên nghỉ việc là do công ty không trả lương đúng hạn. Điều này còn có thể gây nên tiếng xấu cho công ty trong cộng đồng khởi nghiệp. Theo Thornton, tiền lương và các khoản chi phí bồi thường cho nhân viên nên là ưu tiên hàng đầu đối với một công ty start-up nếu muốn giữ chân nhân viên.

3. Thiếu động lực và sự giao tiếp

Có động lực, nhân viên của bạn sẽ vượt qua được khó khăn

Kapur cho biết anh đã từng thấy có nhà sáng lập không có tầm nhìn rõ ràng cho công ty, cũng như không có chiến lược để đạt được tầm nhìn đó. Tuy nhiên, cũng có nhà sáng lập có tầm nhìn rõ ràng, nhưng lại không có được cách thức giao tiếp hiệu quả với nhân viên của mình.

5 lý do khiến nhân viên bỏ cuộc với doanh nghiệp startup

Trụ cột của bất kì start-up thành công nào cũng là có một tầm nhìn rõ ràng và một phương thức lãnh đạo hiệu quả. Theo Adrian Li, nhà lãnh đạo công ty phải chú trọng đến vấn đề giao tiếp truyền thông trong công ty, “luôn luôn hiện diện” và xây dựng được một văn hóa giao tiếp mạnh mẽ, không chỉ giữa lãnh đạo với nhân viên mà còn giữa nhân viên với nhân viên.

4. Chảy máu chất xám

Đừng để nhân viên của bạn bị đối thủ lôi kéo với điều kiện làm việc tốt hơn

Trong bất cứ ngành nào cũng vậy, Thornton cho biết các nhân viên trong công ty start-up thường được các công ty đối thủ săn đón và đề nghị trả lương cao hơn. Một nhân viên có kinh nghiệm càng cao thì càng được săn đón mạnh mẽ. Đôi khi các nhân viên sẽ cảm thấy tốt hơn nếu chuyển sang công ty khác. Theo Thornton, công ty cần dự liệu trước việc này. Các nhà lãnh đạo cần nắm được những thông tin cơ bản về công việc hằng ngày của nhân viên để đảm bảo rằng nhân viên có được điều kiện làm việc tốt nhất và họ thật sự đang vui vẻ với công việc của mình.

5. Thiếu sự hỗ trợ

 Đa số các nhân viên nghỉ việc vì cảm thấy không được quan tâm hỗ trợ

Theo Kapur, một lý do chủ yếu khiến các nhân viên lựa chọn công ty start-up thay vì một công ty lớn khác là do môi trường phát triển và có thể học được nhiều thứ. “Nếu cả hai đều không có được, các nhân viên sẽ có xu hướng không thể chịu được áp lực nữa.”

Người sáng lập công ty nên quan tâm đến sự phản hồi từ các nhân viên, rằng họ cảm thấy thế nào, liệu công ty có phải nơi để họ phát triển nghề nghiệp hay không, họ thích làm công việc gì, và họ không thích điều gì khi làm việc. Điều này có thể thực hiện ở công ty với số nhân viên từ 20-30 người. Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) cũng cần được liên kết với quá trình này để đánh giá nhân viên.

Thiên Kim | Theo Thanh Niên

Xem thêm: Văn hóa Doanh nghiệp có vấn đề khi Nhân viên nghỉ liên tục

5/5 - (2 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button