Câu chuyện khởi nghiệpDoanh nhânKhởi Nghiệp | Startup

CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

Ông Đặng Công Nguyên, CEO của EWAY cho rằng các startup, đặc biệt là các startup công nghệ khá giống với việc bắn tên lửa lên trên khoảng không và phải đạt một vận tốc nào đó đủ lớn để chống lại sức hút của trái đất nếu không toàn bộ khối tên lửa sẽ rơi xuống đất.

CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

NẾU CHỈ HỌC LÝ THUYẾT SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÀM ĐƯỢC SẢN PHẨM

Nghe nói ông là dân Bách Khoa nhưng năm thứ 4 đã rời ghế nhà trường để ôm giấc mộng khởi nghiệp?

Tôi học công nghệ phần mềm ở Bách Khoa, theo góc nhìn của mọi người thì như là tôi bỏ học để khởi nghiệp. Thế nhưng lúc ấy tôi rất muốn tiếp tục học vì thực ra năm thứ năm Bách khoa gần như mọi người chỉ đi thực tập và làm luận văn chứ thực ra cũng không có nội dung gì học nhiều. Hồi đó, tôi có bảo lưu kết quả nhưng sau đó không học tiếp năm thứ 5 để lấy bằng đại học. Tôi rất thích học và đến hiện nay vẫn tiếp tục học, học rất nhiều những nội dung khác nhau. Khi tôi nghỉ học năm thứ 4, mọi người trong gia đình cũng chất vấn rất nhiều, vì bỏ học năm thứ 1 đã đành nhưng bỏ năm thứ 4 thì lúc đó các môn đã gần xong. Bỏ học đi khởi nghiệp cũng không phải điều tôi khuyến khích vì quan trọng nhất là phải biết mình làm gì, đôi khi các bạn trẻ chỉ nhìn thấy một khúc thì rất dễ suy diễn, cho rằng chỉ có bỏ học mới có thể thành công.

Ở Bách khoa thì đào tạo nền tảng công nghệ rất tốt, tôi học được rất nhiều từ những năm học Bách khoa. Tất nhiên, tôi còn rất điều thấy cần phải học, vì công nghệ không phải là vị công nghệ mà là để làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống, nền tảng mình học là công nghệ nhưng để làm ra sản phẩm công nghệ thì mình cũng sẽ phải học rất nhiều thứ khác nữa. Những bạn nào làm công nghệ mà chỉ học lý thuyết công nghệ thì sẽ không bao giờ làm được những sản phẩm.
CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

Ở Bách khoa thì đào tạo nền tảng công nghệ rất tốt, tôi học được rất nhiều từ những năm học ở đó. Tất nhiên, tôi còn rất điều thấy cần phải học, vì công nghệ không phải là vị công nghệ mà là để làm ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống. – Đặng Công Nguyên

Khi ông quyết định khởi nghiệp có gặp khó khăn gì không?

Sau khi tôi nghỉ học thì quyết định vào Sài Gòn và tiếp tục tham gia nhiều khóa đào tạo của nước ngoài như học về học về sales, marketing… Ban đầu, tôi chỉ định vào Sài Gòn làm 3 tháng vì chỉ bán cái máy tính được 7 triệu đồng để làm vốn ban đầu, nhưng sau đó tôi đã ở đó đến 2 năm rưỡi. Trước đó tôi chưa từng đi xa nhà, từ năm thứ nhất đến năm thứ 3 đại học còn bị gọi là mọt sách vì suốt ngày trên thư viện, vậy nên tôi muốn đến một nơi hoàn toàn xa lạ, không có điểm tựa, không có bạn bè thân thích, đấy cũng là khoảng thời gian để mình trưởng thành. Lúc đầu tôi thuê cái nhà chỉ khoảng 200 nghìn/tháng dành cho công nhân và rộng khoảng 14 m2. Tôi mở công ty đầu tiên sau 3 tháng thì hết tiền và lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hồi những năm 2002, 2003 mà chưa có bằng đại học thì sẽ rất khó xin việc nên tôi đành phải tự đi làm phần mềm. Công ty đầu tiên mà tôi thành lập từ năm 2003, còn EWAY là công ty thứ 6 mà tôi thành lập.

Công ty đầu tiên làm về website, thương mại điện tử. Đối với một doanh nghiệp Việt Nam thời đó thì chỉ làm một website tĩnh, chưa có tương tác chỉ để giới thiệu sản phẩm dịch vụ thì cũng là rất đáng giá. Hồi đó người ta đã trả chục triệu để làm website giới thiệu sản phẩm dịch vụ trên Internet nên lĩnh vực này khá mới mẻ và tiềm năng.
CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

Khi ông lập EWAY thì thời gian đầu có khó khăn không?

Như các startup khác ban đầu EWAY cũng rất khó khăn. Ý tưởng của tôi là muốn tổ chức một cuộc chơi lớn của các công ty lớn. Thế là nhiều các anh chị hỏi lớn là như thế nào? Tôi bảo lớn là phải đem giá trị được tới nhiều triệu người, lợi ích cho nhiều người. Và thứ hai cuộc chơi lớn phải có nhiều bên tham gia và được hưởng lợi ích từ đó.

Để lớn và bền vững thì những hoạt động chạy bằng cơm, bằng người thì rất là khó để mở rộng, muốn thế phải làm các sản phẩm công nghệ trong khi các anh chị cùng thành lập các công ty trước thì đều không phải dân công nghệ.

Tôi thấy các startup, đặc biệt là các startup công nghệ khá giống với việc bắn tên lửa lên trên khoảng không, không chỉ có Elon Musk mới làm tên lửa mà các startup đều “làm tên lửa”.

Quy trình là thế này, khi mình làm thiết kế một mẫu tên lửa thì mục tiêu là bắn vệ tinh lên trên khoảng không. Để tên lửa thoát ra được sức hút của trái đất thì phải đạt một vận tốc nào đó đủ lớn để chống lại sức hút, và đến một khoảng nào đó mới có thể quay quanh quỹ đạo, mới bắt đầu có thể du thám, còn nếu vận tốc không đủ thì toàn bộ khối tên lửa sẽ rơi xuống đất. Tôi vẫn suy nghĩ đến hình ảnh mà các startup khác với các doanh nghiệp khác, tức là các doanh nghiệp khác thì giống như bay bằng khinh khí cầu, mọi người cứ bơm cho khinh khí cầu bay lên đều đều và khó rơi, trong khi đó startup thì như bắn tên lửa thì rủi ro không đủ vận tốc là rất lớn, 99% là rơi xuống đất.

Các startup khác với các doanh nghiệp khác, tức là các doanh nghiệp khác thì giống như bay bằng khinh khí cầu, mọi người cứ bơm cho khinh khí cầu bay lên đều đều và khó rơi, trong khi đó startup thì như bắn tên lửa thì rủi ro không đủ vận tốc là rất lớn, 99% là rơi xuống đất – Đặng Công Nguyên

Thời gian đầu EWAY chưa có tiếng tăm gì thì việc đi kêu gọi khách hàng hợp tác có khó không?

Khó mà cũng không khó. Khó là nếu tư duy đi mời khách hàng bằng cơm, sales từng khách hàng một thì sẽ rất là lâu, ở EWAY các anh em luôn trao đổi cách làm thế nào có thể lớn lên được được, tức là phát triển đột phá dựa vào công nghệ. Phần lớn các người lãnh đạo ở EWAY thì đều là dân gốc công nghệ. Khi mà làm marketing hướng đến hàng triệu người thì luôn cần tư duy về công nghệ, bọn tôi phát triển những khách hàng thời kỳ đầu cũng đều là nền tảng công nghệ cho marketing.

Qua 6 lần lập công ty, ông rút ra bài học gì về khởi nghiệp?

Tôi không tin là có thể áp dụng chung một bài học để thành công cho khởi nghiệp, mà tùy vào từng trường hợp. Bây giờ mà tôi rút ra một bài học, bạn nào bắt chước làm rồi thấy thất bại liên tục thì cũng nguy. Đấy là cái mà tôi thấy giống nhau, nghĩa là các startup mà áp dụng bài học để làm giống nhau thì rất dễ thất bại.

Sản phẩm của VC Corp và Clever Ads có những cái tương tự, vậy sản phẩm của EWAY có gì ưu việt gì?

CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

Khác biệt lớn nhất giữa EWAY với VC Corp và Clever Ads ở mấy điểm. Thứ nhất là VC Corp tự xây các hệ thống truyền thông, nổi tiếng nhất là các kênh media, họ xây dựng đa kênh media rất tốt. VC Corp cũng là một đối tác rất lớn trong việc cung cấp traffic cho EWAY, hay nhìn từ một chiều nào đó thì họ cũng là một publisher (nhà phát hành) của EWAY. Bên cạnh đó VC Corp cũng có các sản phẩm dịch vụ, các game cho mobile, app cho mobile, thì lúc đó EWAY lại trở thành nhà phát hành cho VC Corp. Đối với Clever Ads thì hơi khác, Clever Ads là một agency làm đối tác của Google đầu tiên ở Việt Nam, sau đó là Facebook. CleverAds là làm sales cho các đối tác lớn còn EWAY là tự xây platform, gom traffic và xây dựng các hệ thống tracking để làm quảng cáo. Thứ hai nữa là đối tác, publisher của EWAY đa dạng hơn, không chỉ là Google, Facebook.

THẾ GIỚI ĐANG ĐƯỢC DẪN DẮT BỞI NHỮNG NGƯỜI CHƯA CÓ KINH NGHIỆM

Khi xây dựng EWAY, ông có triết lý gì cho công ty không?

Nếu quan sát tổ chức quản lý thì sẽ thấy EWAY có rất nhiều triết lý. Thứ nhất, EWAY thấy thế giới được tạo ra bởi các thế hệ tiếp theo, các thế hệ trẻ chưa có kinh nghiệm. Thường kinh nghiệm giống như những vết hằn trong đầu, và những biến cố hình thành nên kinh nghiệm thường là những biến cố thương đau, tức là trên một quãng đường mà anh chạy rất nhanh thì anh sẽ không nhớ quãng đường đó, nhưng nếu anh thụt hố, vấp ổ gà thì chắc chắn anh sẽ rất nhớ quãng đường đấy, nên kinh nghiệm thường là kinh nghiệm thất bại, ngã, và những kinh nghiệm đấy thường chỉ giúp cho mọi người tránh khỏi ngã chứ chưa chắc đã thành công. Vì thế tôi tin rằng thế giới được tạo ra bởi những người chưa có kinh nghiệm, thế giới đang được dẫn dắt bởi những người chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì chỉ là giúp ít vấp ngã, đỡ làm sai, còn đi tiên phong thì bao giờ cũng phải là người chưa có kinh nghiệm.

EWAY có không gian làm việc rất sáng tạo? Vậy EWAY có học từ mô hình nào không, tại sao lại thiết kế mô hình công ty như vậy trong khi đa phần các công ty khác tập trung vào việc cơm áo gạo tiền?

Bản thân tôi học công nghệ nên từng mong ước mình xây dựng một công ty mà ở đó mình sống và làm việc rất là trọn vẹn, mình cảm thấy sung sướng khi đến công ty làm cùng những người trong công ty. Về công ty này thì có mấy điểm. Thứ nhất là ở EWAY mọi không gian đều mở, mở đều mọi người giao tiếp với nhau nhiều hơn, vì bản thân người làm công nghệ đều dễ có xu hướng tự kỷ, vì thuần công nghệ thì rất khô khan, khi mình thêm cây cối trang trí thì sẽ bớt khô khan. Và khi làm ra một sản phẩm cho nhiều người dùng thì sẽ có cả yếu tố công nghệ cộng với các yếu tố nên thơ hơn như âm nhạc, màu sắc thì sản phẩm dễ đến tay người dùng hơn, có những cái dễ tiếp nhận hơn và tròn đầy hơn.

CEO EWAY: “Startup giống như phóng tên lửa, nếu không đủ vận tốc sẽ bị rơi”

Tôi tin rằng thế giới được tạo ra bởi những người chưa có kinh nghiệm, thế giới đang được dẫn dắt bởi những người chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm thì chỉ là giúp ít vấp ngã, đỡ làm sai, còn đi tiên phong thì bao giờ cũng phải là người chưa có kinh nghiệm.

Trong EWAY có phòng để cho nhân viên thiền. Tại sao EWAY lại xây dựng phòng đó?

Đây là cái trải nghiệm cá nhân, may mắn là tôi được học thiền từ năm 2001. Tôi học thiền đầu tiên từ Giáo sư Trần Văn Hà. Rất tình cờ là bác ấy hơn tôi đúng 1 vòng nguyên giáp, tức là tròn 60 tuổi, và gặp bác khi đang học lớp tư duy sáng tạo. Năm đấy là năm bác 81 tuổi, ngồi cạnh tôi bác ấy bảo lâu lắm mới được đi học. Bác ấy học một cách rất là thích thú và tôi rất ngạc nhiên là tại sao một người ở tuổi đó mà vẫn còn tràn đầy năng lượng. Hồi đó tôi có nói chuyện với các bạn trong lớp thì đùa rằng thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, thế là bác bảo cậu như thế là không được, cậu nghĩ như vậy là phí hoài một tuổi trẻ, tức là nếu cậu muốn cống hiến được nhiều hơn thì phải biết rèn luyện bản thân mình, để đến tuổi cao như bác mà vẫn cống hiến được cho cuộc sống. Tôi thì từng học rất nhiều môn nhưng bác dạy mình 2 môn trong khoảng 4 môn mà tôi thấy có nhiều nhất ảnh hưởng đến cuộc đời.

CHỈ NHỮNG NGƯỜI HẠNH PHÚC THÌ MỚI LÀM RA ĐƯỢC SẢN PHẨM TỐT

Qua trải nghiệm cá nhân, tôi thấy thiền sẽ tạo ra hạnh phúc tự tại và chỉ có những con người hạnh phúc mới làm ra được sản phẩm tốt. Nhiều khi anh em trong công ty nói vui là làm lấy hạnh phúc là chính. Hạnh phúc thì là yêu thích những việc mình đang làm, tập trung vào những việc mình đang làm.

Thực ra chỉ khoảng 2 năm trước EWAY mới bắt đầu có bộ phận làm nhân sự, không phải vì công ty không cần người làm nhân sự mà bởi vì công ty quá cần một người làm nhân sự đạt được nhiều tiêu chí, trong đó phải có học đạo Phật và học thiền. Nếu không yêu thương con người và hiểu biết sâu sắc về con người thì sẽ rất khó để phát triển con người.

Qua trải nghiệm cá nhân, tôi thấy thiền sẽ tạo ra hạnh phúc tự tại và chỉ có những con người hạnh phúc mới làm ra được sản phẩm tốt.

Đạo Phật và thiền hỗ trợ được gì cho hoạt động kinh doanh của ông?

Đạo Phật hỗ trợ được nhiều chứ. Đạo Phật đem lại cho chúng ta hạnh phúc và an lạc. Tôi cho rằng những con người hạnh phúc hơn sẽ làm ra những sản phẩm tốt hơn, những con người không cau có sẽ tạo ra sự dễ chịu hơn với khách hàng, đem lại niềm vui cho khách hàng tốt hơn.

Điều này là liên quan đến triết lý của một cá nhân nhiều hơn là triết lý kinh doanh, có điều con người tạo nên kinh doanh thế nên khi con người đủ trưởng thành thì kinh doanh sẽ là kết quả.

Thị trường trong nước chưa có nhiều công ty trong lĩnh vực này, và Internet thì đang phát triển, vậy tại sao EWAY lại đặt mục tiêu ra nước ngoài?

Bây giờ thực ra còn rất nhiều thị trường khác lớn hơn. Ví dụ như bây giờ mình nghĩ đến dân số 90 triệu, thì Indonesia dân số có đến 250 triệu dân. Rõ ràng nếu tôi nghĩ đến thị trường 90 triệu dân ở Việt Nam thì sẽ nhỏ hơn thị trường 1 tỷ dân ở khu vực Đông Nam Á.

Muốn thành công thì phải có khát vọng, vậy khát vọng của EWAY trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Đối với EWAY thì có một đích đến rất rõ ràng là đến năm 2020 trở thành công ty phân phối lớn nhất Đông Nam Á và khi đó bọn tôi có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Tầm nhìn thứ 2 là bọn tôi đặt ra EWAY sẽ trở thành công ty quảng cáo trực tuyến nằm trong top 3 của khu vực châu Á.

Cảm ơn ông

Những người thực hiện
Bài: Thái Khang
Ảnh: Nguyễn Hòa
Thiết kế và dàn trang: Hùng Dũng
Kĩ thuật: Quốc Trung
Nguồn ICTnews

Xem thêm: Startup là mạo hiểm, nhưng hãy mạo hiểm đúng cách

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button