7 kinh nghiệm startup của CEO Viettel dành cho khởi nghiệp trẻ
Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với cộng đồng startup những kinh nghiệm từ chính câu chuyện khởi nghiệp của Viettel.
- Startup là gì? Mục tiêu của startup có phải là để bán? / Điều nào đang kìm hãm sự phát triển của startup Việt Nam?
1. Sức mạnh của số 0
Thời kỳ khởi nghiệp, Viettel trong tay hầu như không có gì. Nhân sự có khoảng chưa đến 100 người, tổng tài sản (vốn) cỡ khoảng 2 tỷ đồng, vốn đó không phải tiền mà được vật chất hoá qua mấy cái ô tô cũ, cái nhà hai tầng.
Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy mình mới xả thân.
Những công ty thành công đều là những công ty xuất phát từ gara của nhà mình. Bill Gates, Steve Jobs thành công bằng tiền của mình. Sau 1 năm, khi mà mình đã hình thành ý tưởng, lộ ra khả năng rồi thì mình có thể tìm kiếm nguồn vốn.
Tôi vẫn nghĩ nhiều về chuyện mọi người hay vận động cho các quỹ khởi nghiệp. Tôi nghĩ quỹ này chỉ nên dành cho người chiến thắng, tức là ý tưởng đã lộ ra sản phẩm, dịch vụ có khả năng vào thị trường.
Chính sự không có gì lại là sức mạnh. Đầu năm 2004 tôi có đi Malaysia, đến đó có hỏi một người rất kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. Ông ấy hỏi “khó khăn lớn nhất của ông là gì”? Tôi bảo: “Khó khăn lớn nhất là chúng tôi là chẳng có gì”? Ông ấy nói: “Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy, khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng”. Sau này nghiệm ra thì thấy cực kỳ đúng. “Không có gì” là một sức mạnh vô cùng lớn của người khởi nghiệp.
Tôi cũng nghĩ mãi, số nào là số to nhất, chúng ta cứ nghĩ rằng, số 0 là bé nhất, nhưng thực ra đó là số to nhất vì nó chia được cho tất cả các số, tức là nó chứa được tất cả các số. Vậy khi khởi nghiệp, chúng ta phải có một ý tưởng độc đáo, hãy bắt đầu từ số 0 và luôn nhớ rằng, đó là sức mạnh lớn nhất của mình.
2. Dù đã thành công, vẫn tìm cách đưa mình về số 0
“Nhà Phật có lý thuyết về xả bỏ, tri thức mà chúng ta đã dùng đến một lúc nào đó cũng sẽ trở thành chướng ngại để chúng ta đi tiếp. Điều này được giải thích qua hình ảnh một người đọc sách.
Chúng ta đọc 10 cuốn sách thấy hay quá, liền cầm đem theo, khi gặp 10 cuốn sách hay nữa cũng lại mang theo. Nếu có 100 cuốn sách thì chúng ta không đi được nữa. Cách tốt nhất là hãy bỏ những cuốn sách đó đi, chỉ giữ lại tinh thần của nó và tìm những cuốn sách mới để nạp thêm những tri thức mới.
Ở Viettel, chúng tôi cũng luôn tìm cách để xả bỏ, để mình luôn luôn là số 0, từ đó, làm mới mình và khởi tạo những việc mới.
Năm 2006, khi Viettel đang bắt đầu thành công ở thị trường trong nước thì chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài. Thị trường đầu tiên là Campuchia. Lúc đó, chúng tôi cũng gần như bắt đầu từ số 0 vì tiếng không biết, văn hoá của họ mình cũng chưa biết, quy trình, quy định của đất nước Campuchia cũng phải tìm hiểu từ đầu.
Năm 2013, khi chúng tôi đã bắt đầu khẳng định được chiến lược và con đường đi của mình ở thị trường nước ngoài thì Viettel lại khởi tạo một cuộc chơi mới là CNTT. Giờ nguồn lực CNTT của Viettel chắc chỉ sau FPT.
Bây giờ, Viettel đang thực hiện ước mơ sản xuất thiết bị viễn thông. Năm 2016, Viettel đã cho ra trạm BTS 4G do chính kỹ sư của chúng tôi sản xuất. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một thiết bị hạ tầng viễn thông của người Việt Nam nghiên cứu và sản xuất chế tạo ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất chúng tôi cũng tham gia vào công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, Viettel đã sản xuất và cung cấp toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho lục quân và sắp tới sẽ làm chủ và sản xuất toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cho hải quân và không quân.
Viettel cũng có một ước mơ để không ai có thể gây chiến tranh với mình, vì thế chúng tôi nghiên cứu vũ khí công nghệ cao. Vì thật ra chẳng ai bán vũ khí công nghệ cao nhất cho mình.
Như vậy là, với việc khởi tạo những việc mới, tìm ra những không gian mới, Viettel lúc nào cũng là số 0. Nhưng mỗi khi bắt đầu từ số 0 thì chúng tôi luôn nghĩ tới tinh thần khởi nghiệp của mình ngay từ những ngày đầu đó là lăn xả, không ngại khó, không ngại khổ, quyết tâm làm đến cùng.
3. Hãy bắt đầu từ nỗi đau của chính mình
Cộng đồng startup hỏi tôi, khởi nghiệp bắt đầu từ đâu. Tôi thấy xung quanh chúng ta có rất nhiều việc để làm. Hãy bắt đầu tư nỗi đau của chính mình. Chẳng hạn như vấn đề tắc đường của Hà Nội.
Nếu chúng ta có thể viết được một phần mềm để thay đổi thời gian đèn xanh, đèn đỏ phù hợp với lưu lượng người đi qua từng ngã tư để không gây ùn ứ. Những phần mềm như vậy, các nhà mạng với nhân sự cồng kềnh và các quy trình cứng nhắc sẽ rất khó có thể cạnh tranh với sự nhanh nhẹn, linh hoạt của các startup. Công ty sáng tạo tốt nhất là công ty dưới vài chục người.
Nếu chúng ta len lỏi được vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội như vậy thì doanh thu của ngành viễn thông không chỉ là 3 – 4% GDP đâu, nó sẽ phải là 10%. Đây cũng chính là một cơ hội cho đất nước mình thông minh hơn, thậm chí có thể vượt cả Mỹ. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng các bạn có biết rằng, trong nhiệm kỳ của mình, tổng thống Obama chỉ đặt mục tiêu đưa được Internet đến 15.000 trường học, còn ở Việt Nam, Viettel đã đưa được Internet đến hơn 30.500 trường và miễn phí hoàn toàn.
Các bạn cần phải thấy mình may mắn khi khởi nghiệp đúng vào lúc ngành viễn thông có một thay đổi lịch sử như tôi đã nêu ở trên. Bởi vì đó là cơ hội không chỉ dành riêng cho Viettel hay các doanh nghiệp viễn thông. Đó là cơ hội dành cho tất cả những người ngồi đây, những doanh nghiệp CNTT, những công ty khởi nghiệp. Đây là cơ hội 100 năm mới có một lần. Bởi trong hơn một thế kỷ qua, ngành viễn thông không có gì thay đổi.
Chúng ta khoác cho nó một cái mũ là công nghệ cao nhưng thực chất việc chính là đi đào đường, chôn cáp, rồi xây mấy cái cột ăng ten. Thiết bị chủ yếu là đi mua, từ tổng đài, trạm BTS …. Đây là một trong các ngành cũ kỹ nhất. Nhưng bây giờ viễn thông không còn là viễn thông nữa, doanh thu từ miếng bánh chính là thoại và SMS đang bị các OTT lấy mất. Một cái thứ quan trọng nhất, to nhất bị lấy đi nó mới khiến cho chúng ta thay đổi được, mới khiến chúng ta chuyển mình được.
Từ năm 2013, Viettel đã nhìn thấy điều này và ngay tại thời điểm đó, Viettel đã hiểu đó là tương lai của mình, đó là kết hợp viễn thông với CNTT, các thiết bị điện tử chuyên ngành để đưa vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Viettel đã làm nhiều sản phẩm như vậy.
Thiết bị chống trộm xe máy chẳng hạn, nếu có người lấy cái xe máy của bạn, chỉ cần bấm một nút trên điện thoại là chiếc xe sẽ bị ngừng hoạt động. Thiết bị này với phần mềm điều khiển thì chỉ cần một vài người là làm được. Sản phẩm này không chỉ được bán ở Việt Nam, Campuchia mà ngay cả Châu Phi giờ cũng rất nhiều xe máy và chúng tôi cũng bán được ở đó.
Sức mạnh thứ 2 là chúng ta xuất thân từ một nước còn nghèo khó. Cái đó tạo ra 1 sức mạnh, khát vọng rất lớn. Không có gì thì phải xả thân. Sức mạnh đó khó có thể có được ở những nước phát triển.
4. Mô hình chỉ là công cụ. Điều quan trọng là tầm nhìn
Có thể lấy ví dụ từ câu chuyện Viettel đầu tư rất mạnh vào khu vực nông thôn. Khi ấy, Viettel cũng mới bắt đầu đầu tư vào dịch vụ di động. Tiền mặt mà chúng tôi có chỉ đủ để xây trạm ở 3 thành phố. Các doanh nghiệp đã kinh doanh trước đó cũng đi theo con đường đầu tư ở các thành phố lớn trước rồi mới mở rộng dần ra. Còn chúng tôi thì quyết tâm đầu tư rộng, lấy nông thôn bao vây thành thị. Mô hình ban đầu thu phí thấp để lấy được khách hàng và độ phủ thị trường. Nếu nhìn mô hình thì đơn giản như vậy thôi; nhưng nếu chúng tôi không có một tầm nhìn, không có tính toán thì đó là câu chuyện “chết người”.
Tại sao chúng tôi lại dám đầu tư mạnh như vậy? Bởi vì Viettel có phát hiện thế này, ở Việt Nam khoảng cách giàu nghèo vào loại thấp trên thế giới. Người nông dân vẫn có khả năng chi trả. Hai là đầu tư cho 1 trạm mất 1 tỷ đồng nếu có 1 người dùng thì chi phí rất cao. Nhưng nếu có 1.000 người dùng trên cái trạm ấy thì giá trị đầu tư cũng chỉ là 1,1 tỷ, chi phí giảm 1.000 lần.
Vì tính toán và tầm nhìn ấy nên Viettel mới quyết định đầu tư lớn như vậy. Đấy là một quyết định có thể nói là khủng khiếp, với một doanh nghiệp vốn liếng 15 triệu đô dám đầu tư 1 tỷ đô vào vùng nông thôn.
Quan trọng là đằng sau sự dấn thân đó là một phát hiện. Phát hiện ấy là công nghệ càng cao giá càng rẻ với điều kiện có nhiều người dùng.
Tầm nhìn đầu tiên là xuất phát từ nỗi đau. Thứ hai, mình xem mọi người làm như thế nào để tìm cách làm khác đi. Thế giới sáng tạo hôm nay, làm theo một cách, thường chỉ có một người thành công. Người thứ hai giống y như vậy sẽ ít khả năng thành công.
Có một lần tôi ngồi cùng trò chuyện với nhóm Think Tank. Mọi người bàn đến mô hình phát triển của Việt Nam. Bàn về mô hình phát triển của Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc … xem nên lựa chọn áp dụng mô hình nào cho Việt Nam.
Tôi thì cũng chưa nghiên cứu nhiều về nội dung này nhưng tôi có hỏi “liệu có mô hình nào mà có hai nước thành công không?”. Những người nghiên cứu kỹ rồi thì trả lời rằng, không có. Như vậy là chúng ta phải tìm ra hướng đi cho mình, còn những cách kia chỉ là gợi ý để cho chúng ta có những cách mới thôi.
Giống như khi đầu tư vào CNTT, Viettel cũng suy nghĩ xem có cách gì thắng được FPT hay không? Vì FPT đã làm CNTT trước Viettel 20 năm, lại thu hút dược nhiều người giỏi. Chúng tôi nghĩ rằng, điểm yếu của FPT là không có sự kết hợp với viễn thông. Và đó chính là điểm khác biệt của Viettel khi làm CNTT vì chúng tôi là nhà viễn thông mà.
FPT làm theo kiểu dự án CNTT trao tay thì rất tốt, còn Viettel làm hẳn ngược lại, đầu tư hạ tầng rồi cho thuê lại. Viettel viết phần mềm phần cứng, đầu tư làm thành dịch vụ rồi cho thuê trả tiền hàng tháng. FPT rất tập trung vào gia công cho nước ngoài. Nhưng Viettel chọn hướng làm sản phẩm phục vụ thị trường của mình.
Trong cuộc sống, mình đi sau để giỏi hơn người đi trước là rất khó và cửa rất hẹp nhưng mình làm khác người khác tức là mình đã giỏi hơn người đấy rồi. Nhưng khác phải đúng chứ chỉ là khác người sẽ rất nguy hiểm.
5. Có sản phẩm xuất sắc sẽ đi ra được toàn cầu
Chúng ta nghĩ rằng, việc đi ra nước ngoài có vẻ khó khăn, to tát, nhưng thực ra, nếu chúng ta có một sản phẩm xuất sắc, thì sẽ đi ra được toàn cầu. Thế giới trước kia đóng, chúng ta chỉ sản xuất để bán trong nước mình thôi, bởi vậy, sản phẩm có thể chưa cần tốt lắm. Nhưng nếu bây giờ, tốt cũng không cạnh tranh được mà phải là xuất sắc, phải là duy nhất.
Câu chuyện của Huyndai có lẽ cũng đáng để chúng ta cùng suy nghĩ. Từ khi đất nước Hàn Quốc còn chưa được biết đến, ông Tổng giám đốc Huyndai đã nghĩ là liên doanh với nước ngoài để bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài chứ không phải để tăng tỷ lệ nội địa. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ là chúng ta phải đi ra, phải toàn cầu là cách duy nhất để tồn tại.
Để có sản phẩm xuất sắc, điều quan trọng là tự mình phải làm. Tôi thích câu chuyện của Facebook, ban đầu đó chỉ là mạng xã hội để phục vụ những người viết ra nó. Khi chúng ta làm cho chính chúng ta thì mình sẽ khó tính, khi chúng ta làm hài lòng chính chúng ta thì sản phẩm là xuất sắc.
Viettel có sản phẩm là Voffice. Sản phẩm này giúp cho cán bộ quản lý của Viettel có thể rời bàn làm việc mà vẫn xử lý được các công việc giấy tờ của mình. Sản phẩm ấy vốn đã có khoảng 3 năm rồi nhưng chưa tốt lắm. Khi tôi làm Tổng giám đốc thì lúc nào cũng có 1 chồng giấy tờ ở trên bàn, tôi nghĩ là lúc nào mình cũng có thể chết ngập trong đống giấy ấy.
Trụ sở của Viettel thì ở xa trung tâm thành phố, mỗi lần đi họp mất cả tiếng đồng hồ, đường thì lại tắc. Vì thế, tôi bắt buộc phải dùng Voffice. Tôi dùng được 2 năm thì sản phẩm hoàn hảo. Nhiều Tổng giám đốc các công ty khác thấy tôi dùng cũng thích. Khi mình làm cho chính mình sử dụng thì sẽ xuất sắc. Có xuất sắc thì mới đưa ra toàn cầu. Tôi là người khó tính, đòi hỏi cao, các bạn viết phần mềm gần như phải sửa hàng ngày.
Chúng ta cũng hay nghĩ rằng, chỉ có công ty lớn, nhiều tiền thì mới đi ra nước ngoài được. Nhưng thực ra, công ty lớn thì có điểm yếu chết người là to, xoay sở khó khăn. Có hòn đá to thì phải có hòn đá nhỏ lấp vào các khe nhỏ. Và còn rất nhiều chỗ cần những hòn đá nhỏ như vậy. Nhưng nhỏ mà đi ra được toàn cầu là lớn.
Ngành viễn thông, trước đây, cả thế giới chỉ có 6 công ty sản xuất thiết bị viễn thông thôi, ông nào cũng to. Nhưng bây giờ nhiều công ty to ấy đã chết hoặc là bị mua lại, và có hàng nghìn công ty nhỏ, doanh số khoảng 200 triệu USD/ năm.
Trong 30 công ty đầu tư quốc tế thì Viettel từ một nước nghèo nhất. Nhưng vì thế mà kinh doanh ở những thị trường có doanh thu trung bình trên 1 thuê bao (ARPU) thấp thì Viettel vẫn có lãi.
Người Việt Nam đã quen với vất vả và rất giỏi xoay sở nên khi đưa người sang, một mình quản lý một huyện rộng hơn cả một tỉnh ở Việt Nam, tiếng không biết, không có mối quan hệ nào, tự phải thuê nhà ở, tự tìm cách thuê người làm và chỉ sau 6 tháng là có thể nói được tiếng địa phương và điều hành 40 người sở tại.
Các công ty to thì họ chỉ ở thành phố và phải thuê khách sạn để ở. Chính vì thế, các công ty to chỉ đưa được 5 người sang, còn Viettel thì có thể đưa được hàng trăm người sang, vừa điều hành, quản lý vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai công việc.
Chúng ta phải nhìn vào chính những điểm yếu của mình và sử dụng nó để tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
6. Người ta chạy ra thì mình chạy vào
Trong lịch sử ngành viễn thông thì Viettel là công ty đầu tiên ra đời thứ 4 và đã vươn lên thứ nhất. Chúng tôi đạt được thành tích này sau 4 năm. Nhưng năm 2015, chúng tôi lại tự phá vỡ thành tích của mình. Đó là chỉ trong vòng 6 tháng từ thứ 4 vươn lên thứ 1. Đây là câu chuyện của Viettel tại Burundi.
Đúng lúc Viettel khai trương thì Burundi xảy ra đảo chính. Khi đó tất cả các công ty nước ngoài đều chạy hết sang nước bên cạnh. Các công ty ở đây chủ yếu đều là người nước ngoài. Lúc đó Giám đốc của công ty Lumitel (thương hiệu của Viettel tại Burundi) là Nguyễn Anh Sơn đã gọi điện báo cáo tình hình với tôi. Tôi có hỏi “Em định thế nào?”. Sơn trả lời “Em sẽ vẫn ở lại, nó không bằng hồi xưa Mỹ đánh bom Việt Nam đâu”.
Tôi lại hỏi “anh em thì sao?”. Sơn nói “Em đã có kế hoạch lo cho anh em rồi vì chúng ta có hầm máy (nơi dùng để đặt tổng trạm), nếu có vấn đề gì thì em sẽ cho anh em xuống hầm”. Có lẽ do cậu Sơn này vốn xuất thân từ bộ đội, cũng đã qua thời chiến tranh nên có thể tính toán và lường được những khó khăn gặp phải. Năm nào, người Viettel cũng được cho đi huấn luyện quân sự 1 tháng nên tinh thần rất vững và không thấy lo sợ.
Khi người Burundi thấy người Việt Nam không bỏ đi như các công ty khác, họ rất nể phục và chính bản thân họ cũng quyết tâm bám trụ với công ty. Chính vì thế, mạng lưới của Lumitel đã được duy trì xuyên suốt. Trong thời gian đó toàn bộ thuê bao của 3 nhà mạng kia chuyển hết sang Lumitel và công ty trở thành nhà mạng thứ 1 chỉ trong 6 tháng.
Câu chuyện này trở thành lịch sử vì để từ vị trí thứ 4 lên thứ 1 là vô cùng khó khăn. Nhờ có thành tích vừa rồi mà cậu ấy được thăng quân hàm vượt cấp và được bình bầu là nhân vật xuất sắc trong năm.
Tôi nhớ mãi ông Lý Gia Thành người giàu nhất Hong Kong nói rằng người ta chạy vào thì mình lại chạy ra, người ta chạy ra thì mình chạy vào.
7. Sáng tạo là sự va đập
Tôi rất thích suy nghĩ này, sáng tạo thực sự là sự va đập của 2 ý tưởng và sinh ra ý tưởng thứ 3. Khi bạn startup hay bất cứ giai đoạn nào của chặng đường mình đi, hãy tăng cường nói chuyện với mọi người, bạn sẽ sáng tạo rất nhiều ý tưởng trong lúc va chạm đó. Các bạn có một cái gì đấy thành công ở Việt Nam thì Viettel sẽ hỗ trợ mang sang quốc tế. Bây giờ Viettel có 10 nước nên bạn thích đi nước nào trước thì chọn, tôi rất ủng hộ và sẽ hỗ trợ.
Nguyễn Tuấn ghi | Theo Dân trí