Doanh nhânNhân vật

CEO Finhay tâm sự startup thất bại trước khi sáng lập công ty

CEO Finhay coi những thất bại trước khi khởi nghiệp thành công là chi phí học hành và giúp anh có được những kinh nghiệm quý giá khi khởi nghiệp.

CEO Finhay tâm sự startup thất bại trước khi sáng lập công ty

Nghiêm Xuân Huy tốt nghiệp Đại học Sydney và từng làm chuyên viên tư vấn tài chính cho tập đoàn bảo hiểm AMP. Sau 9 năm học tập và làm việc tại Australia, Huy quyết định về nước khởi nghiệp với Finhay nhằm kết nối giới đầu tư nhỏ lẻ có vốn chỉ từ 50.000 đồng với các quỹ tài chính tại Việt Nam. Tháng 4 năm nay, CEO sinh năm 1991 này được vinh danh trong Top những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á.

Tham dự một chương trình mới đây do Startup Grind Vietnam tổ chức, Nghiêm Xuân Huy cho biết anh từng 2 lần startup thất bại trước khi sáng lập Finhay.

Nhận thấy tại Australia chi phí cho việc tuyển bồi bàn khá lớn, Huy nảy ra ý tưởng về một ứng dụng gọi đồ ăn tại bàn mà không cần đến bồi bàn.

“Mục tiêu của chúng tôi là giúp giải quyết bài toán chi phí. Tuy nhiên khi bỏ tiền vào và bắt đầu làm, chúng tôi nhận ra rằng thị trường không cần sản phẩm này”, CEO Finhay nhớ lại.

Theo Nghiêm Xuân Huy, có một số nguyên nhân khiến sản phẩm của anh khó thành công. Để sử dụng ứng dụng này các bàn trong nhà hàng phải đánh số, có máy nhận “order” (đặt hàng) nhưng không phải nhà hàng nào ở Australia cũng có những điều trên. Startup của Huy phải đến cấp số và máy cho họ. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng cũng không cung cấp wifi miễn phí, chi phí mua máy có 3G sẽ đắt đỏ hơn.

Một vấn đề nữa mà Huy và các cộng sự gặp phải đó là khó khăn trong việc thuyết phục các chủ nhà hàng và đầu bếp thay đổi vì họ thấy quy trình vẫn ổn.

“Sau 6 tháng, chúng tôi nhận ra startup không thể đi xa. Lúc đó chúng tôi mất khoảng 10.000 đô la Australia cho dự án này. Dù tiếc tiền nhưng tôi coi đó là “learning cost” – chi phí học hành”, Huy chia sẻ.

Từ thất bại của startup này, CEO Finhay rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Theo anh, với những người founder, họ thường nghĩ ý tưởng của mình rất hay nhưng nhiều khi thị trường thực tế lại không có nhu cầu. Bên cạnh đó, startup nên biết dừng lại đúng thời điểm. “Startup đầu tiên thất bại tôi từng duy trì nó đến 3 năm nhưng cái thứ 2 này chỉ trong 6 tháng”, Huy nói.

Những thất bại cũng giúp anh có “business sense” (sự nhạy bén trong kinh doanh) và cái nhìn toàn cảnh về cách vận hành một doanh nghiệp tốt hơn.

Chia sẻ về việc lọt vào Forbes 30 under 30, Huy cho rằng đó là may mắn vì trong danh sách đề cử có rất nhiều người giỏi. Nhờ đó anh mở rộng được mạng lưới các mối quan hệ, tiếp cận với những người trước đây không có cơ hội cũng như chia sẻ các ý tưởng kinh doanh, hỗ trợ cho startup của mình.

Nguồn NDH

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button