Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Bài học dành cho startup rút ra từ cơn giận của Steve Jobs

Cuộc thương lượng bất thành là tiền đề cho tính năng mới trên iTunes và cơn giận của Steve Jobs là bài học để đời đối với CEO iLike.

Bài học dành cho startup rút ra từ cơn giận của Steve Jobs

Doanh nhân Ali Partovi, cựu CEO của ứng dụng nghe nhạc iLike, kể: “Khi cả thế giới kỷ niệm ngày mất Steve Jobs, tôi nhớ lại một bài học mà ông ấy đã dạy cho tôi. Cuộc gặp giữa tôi với Steve đã không kết thúc tốt đẹp. Đó là một trong những kỷ niệm buồn nhất của tôi, cũng là lời cảnh báo cho các công ty khởi nghiệp về sự nguy hiểm của việc thổi phồng giá trị của mình”.

Partovi đã lăn lộn ở thung lũng Silicon gần ba thập kỷ, từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ lớn như Oracle, Microsoft cũng như đầu tư vào các kỳ lân DropBox và Airbnb. Ông cho biết đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi bước chân vào thế giới công nghệ nhưng không thể quên kỷ niệm với Jobs.

Hơn mười năm trước, Partovi thành lập mạng âm nhạc iLike với người anh em song sinh của mình. Nền tảng giúp giới thiệu và tải nhạc dựa trên sở thích cho người dùng Facebook và iTunes. Dịch vụ ra mắt năm 2006, thu hút hơn 50 triệu người dùng và được định giá 50 triệu USD.

Đến 2008, iLike đối mặt với nhiều khó khăn do áp lực từ chủ sở hữu bản quyền âm nhạc trên Facebook. Các nhà sáng lập iLike lên kế hoạch cho một vòng gọi vốn mới, mong muốn định giá công ty khoảng 150 triệu USD. Dù một số nhà đầu tư tỏ vẻ quan tâm, họ không thật sự muốn rót tiền vào. Trong lúc đó, Apple ngỏ ý muốn mua lại iLike.

Khi Partovi giới thiệu về dịch vụ của mình tại trụ sở Apple, Jobs ngồi dưới và tỏ vẻ hài lòng. “Không thể tin mọi chuyện suôn sẻ như vậy. Khi ông ấy điều khiển ứng dụng của chúng tôi trên iPad và bật cười, đó là khoảnh khắc tươi sáng nhất cuộc đời tôi”, nhà sáng lập iLike nói.

Sau khi xem xét một lượt, Jobs nói: “Tôi thích các cậu. Sản phẩm rất đặc biệt và phù hợp với Apple. Chúng tôi muốn mua lại công ty. Tôi sẽ để Eddy Cue thảo luận chi tiết với”.

Nhưng nhà sáng lập iLike khi đó nóng lòng hỏi: “Trước khi rời đi, chúng ta có thể thảo luận về mức giá ông đang cân nhắc không?”.

CEO Apple nhìn chằm chằm vào Partovi, hỏi ngược lại: “Giá trị hiện tại của các cậu là bao nhiêu và định giá vòng gọi vốn cuối là bao nhiêu?”.

CEO iLike đáp: “50 triệu USD và chúng tôi đang có 50 triệu người dùng thường xuyên”.

Lập tức, Jobs trả lời: “Vậy chúng tôi có thể mua công ty với giá 50 triệu USD”.

Partovi cảm thấy bối rối. Ông nói: “Steve, tôi nghĩ công ty của mình có giá trị ít nhất gấp ba lần con số này. Sự thật là như thế”.

Partovi biết mình đang nói dối, nhưng những điều xảy ra sau đó vẫn khiến ông thật sự choáng váng.

“Cậu nói biết công ty xứng đáng nhiều hơn? Cậu có đề nghị nào khác không? Vớ vẩn, cậu đang nói dối tôi, khốn nạn thật”, Jobs nói và đùng đùng bỏ đi, để lại Partovi và những người khác như hóa đá tại chỗ. Ông và Eddy Cue ái ngại nhìn nhau, không biết nói gì.

Vài tuần sau đó, Eddy Cue sắp xếp các cuộc đàm phán, Partovi cũng chấp nhận giá thấp hơn nhưng đích thân Jobs từ chối thương vụ. Jobs cho hay: “Tôi sẽ không tin bất cứ điều gì cậu nói. Mọi thứ bây giờ không còn quan trọng”.

Partovi nhận ra bài học cay đắng mà cố CEO Apple dạy cho ông khi ấy chính là lòng tin. Một lời nói dối có thể phá huỷ lòng tin và kỳ vọng mà không có cách nào lấy lại được.

Không lâu sau đó, Apple cho ra mắt iTunes Genius Sidebar với tính năng giống iLike. Facebook cũng giới thiệu dịch vụ tương tự. Mất đi thế độc tôn, chưa đầy một năm sau, Patovi phải bán iLike cho MySpace với giá 20 triệu USD và cũng ngừng hoạt động ba năm sau đó.

“Khi bạn đàm phán các giao dịch quan trọng, đừng chơi trội. Đặc biệt, đừng đùa với những người khổng lồ. Lập trường cứng rắn trên bàn đàm phán không phải lúc nào cũng cần”, ông chia sẻ. “Jobs dạy tôi giữ ranh giới quan trọng giữa khoe khoang và nói dối. Đôi khi chỉ là một lời nói. Nếu vượt qua ranh giới, bạn sẽ bị tiêu diệt. Tôi rất biết ơn bài học của ông ấy”.

Câu chuyện của Partovi nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng với những ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng cựu CEO Apple không nên gạt bỏ các startup rồi lại xây dựng tính năng tương tự. Về bản chất, đó vẫn là sao chép và đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn. Có thể ngay lúc đó, Jobs đã nhận ra Apple có thể tự xây dựng công cụ của riêng mình với chi phí rẻ hơn.

Số khác lại bày tỏ lòng ngưỡng mộ về sự hiểu biết của Jobs. Ông hiểu rõ tình hình tài chính và tính năng của iLike, và có đánh giá của riêng mình. Thực tế, một năm sau, giá của iLike chỉ còn 20 triệu USD. Nếu một công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng bị hủy hoại chỉ bởi một bản sao từ một gã khổng lồ, họ thực sự không có năng lực cạnh tranh cốt lõi.

Nguồn diendandoanhnghiep

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button