Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Bài toán doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa phải là gọi vốn triệu đô

Thay vì làm theo phong trào hay hướng đến xoá đói giảm nghèo, khởi nghiệp giờ đây đã hướng đến làm giàu, tạo ra thị trường với nhiều phân khúc mới.

Có thể kêu gọi được những dòng tiền đầu tiên đối với các startup Việt hiện nay có lẽ cũng đã là một dấu hiệu đáng mừng khi các nhà đầu tư thiên thần vẫn còn khá e dè trong đầu tư công nghệ mới.

Bài toán doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa phải là gọi vốn triệu đô
CEO Logivan Phạm Khánh Linh

Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, sau ba năm kể từ khi Thủ tướng phát động chương trình quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất. Thay vì làm theo phong trào hay hướng đến xoá đói giảm nghèo, khởi nghiệp giờ đây đã hướng đến làm giàu, tạo ra thị trường với nhiều phân khúc mới.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập – CEO Tiki cũng đánh giá, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) ngày càng giỏi lên, các nhà sáng lập cũng sắc sảo và tham vọng hơn. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng cần một giải pháp lâu dài bởi khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Trong đó, vốn là một vấn đề lớn mặc dù việc gọi vốn gần đây đối với nhiều startup có vẻ đã dễ hơn.

Mặc dù liên tục nhận được các khoản đầu tư hàng triệu USD song CEO Logivan Phạm Khánh Linh đánh giá, bài toán của các startup Việt Nam hiện nay chưa phải là gọi vốn triệu đô mà là gọi những dòng vốn đầu tiên bởi các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam vẫn còn khá e dè trong đầu tư công nghệ mới.

Bà Linh cho biết, các startup hiện nay thường dựa vào nguồn vốn sẵn có khi mới bắt đầu, đặc biệt từ ba nguồn mà bà Linh gọi là 3F gồm bạn bè (friend), gia đình (family) và những người khờ khạo (fool). Để hỗ trợ về vốn cho khởi nghiệp, CEO Logivan cho rằng các ngân hàng có thể xem xét đến những chính sách tốt hơn về tín dụng để họ có thể bước đầu đi xa hơn và sau đó tiến hành gọi vốn.

Có cùng quan điểm, CEO Tiki nhận định, việc kêu gọi những khoản đầu tư hàng triệu, hàng tỷ USD có vẻ như vẫn đang nằm ngoài khả năng của các startup hiện nay bởi lẽ khi đổ tiền vào một doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận ‘làm sao đầu tư 1, thu về 10’ và thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường rất khó để đưa công ty lên sàn.

Bài toán được đặt ra là làm thế nào để các công ty có thể lên sàn. Ông Sơn cho biết, nhiều sàn chứng khoán của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng tốt.

Thị trường Việt Nam chưa đủ lớn để có các công ty tỷ USD

Nền kinh tế số Việt Nam ước tính có quy mô 9 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD vào năm 2025. Ông Sơn đánh giá, con số này sẽ lớn hơn rất nhiều, cụ thể ở mức khoảng 50 tỷ USD. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được nền kinh tế số lớn như vậy, Việt Nam sẽ phải cần tới 10-13 tỷ USD tiền đầu tư.

“Nếu không huy động được vốn từ người dân, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì sẽ rất khó khăn”, lãnh đạo Tiki nhận định.

Bài toán doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chưa phải là gọi vốn triệu đôÔng Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập – CEO Tiki

Ngoài việc cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng sinh lời trong tương lai của các startup thì quy mô thị trường cũng là yếu tố cần cân nhắc, cũng giống như bài toán ‘con gà quả trứng’. Việt Nam có thể là một thị trường hấp dẫn và đủ lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, song lại quá nhỏ bé để xây dưng các công ty có giá trị tỷ đô.

Do đó, lãnh đạo Tiki cho rằng cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.400 tỷ USD và lớn hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang cho phép chúng ta đi xuyên biên giới.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ – ASEAN cũng cho biết, việc xác định vai trò của mình trong nền kinh tế khu vực và thế giới là một trong những yếu tố khiến các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ quan tâm đến Việt Nam. Điều này được ông Thành nhấn mạnh chung đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Theo ông Thành, khi xác định sân chơi toàn cầu, Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và triển khai luật chơi quốc tế. Ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi, cơ chế khuyến khích phù hợp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần phát triển chính sách và quy trình tổng thể để bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ ở thị trường trong nước mà phải cả ở thị trường nước ngoài.

“Một khi doanh nghiệp tin tưởng vào ý chí và năng lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư tại Việt trong các giao dịch trên thị trường quốc tế, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư”, ông Thành nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cần có tư duy quản lý để phát triển (pro-growth) thay thế tư duy quản lý truyền thống hay lo sợ rủi ro. Tư duy quản lý truyền thống mãi đi sau vì bao giờ cũng phải chờ người khác làm trước để học. Tư duy quản lý để phát triển mới thực sự tạo cơ hội bứt phá, đi trước người khác, sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định.

Đối với những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo dựa trên những công nghệ mới mang tính đột phá, thay đổi cả luật chơi, cuộc chơi, cần thiết kế mô hình quản lý mới phù hợp, thậm chí phải xây dựng lại từ đầu.

Trong giai đoạn quá độ, cần tư duy quản lý theo hướng nới lỏng, cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, thay vì tư duy siết chặt, tức là ép các mô hình kinh doanh mới chui vào khuôn khổ quản lý cũ.

Theo ông Jerry Lim, CEO Grab Việt Nam, nền kinh tế tư nhân cũng cần phải hợp tác với chính phủ để khơi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức, đảm bảo nhiệt huyết. Chẳng hạn, các doanh nghiệp như Grab cũng có thể tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp startup khi họ muốn đi ra khu vực.

Trong khi đó, ông Csaba Bundik, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đã có một số chính sách để không những hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn hỗ trợ các nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Chính phủ Malaysia tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thiên thần bằng các ưu đãi về thuế. Nếu đầu tư vào một startup, hai năm sau sẽ được giảm thuế thu nhập, nghĩa là thay vì trả thuế thì sẽ đi đầu tư.

Ông Csaba Bundik đề xuất, nếu một nhà đầu tư tiên thần đầu tư và thua lỗ thì Chính phủ có thể hỗ trợ, bù lỗ để họ yên tâm đầu tư vào các mô hình mới. Có thể tạo các quỹ viện trợ hoặc các cơ chế hỗ trợ khác để gánh đỡ rủi ro cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, hỗ trợ chỉ là một phần, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần tự mình nỗ lực để có thể vươn xa hơn.

Chẳng hạn, Skype bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ ở Estonia, ngay từ đầu không được bảo hộ. Nếu có thể sống sót qua cạnh tranh khắc nghiệt ngay từ ban đầu thì khả năng thành công về sau sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo Theleader
4/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button