Kiến thức khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Bạn trẻ nên chọn khởi nghề hay khởi nghiệp

Khởi nghề hay khởi nghiệp? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng làm khó không ít bạn trẻ khi phân vân giữa hai lối đi: khởi nghiệp làm chủ hay khởi nghề làm thuê!

Bạn trẻ nên chọn khởi nghề hay khởi nghiệp

Khởi nghề hay khởi nghiệp?

Câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất hiện nay là “Tuổi nào có thể khởi nghiệp?”, đây là câu hỏi được một số bạn theo dõi live trên các trang thông tin của Đoàn – Hội gửi về cho khách mời sáng 27-3. Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM) và anh Trần Thanh Tùng (Hài độc thoại Sài Gòn tếu) là hai khách mời cùng chia sẻ tại diễn đàn.

Khi kể câu chuyện hơn chục lần khởi nghiệp thất bại với đủ các dự án, song anh Tùng cho biết chưa từng hối hận vì đã theo đuổi khởi nghiệp. Khởi nghiệp từ thời còn là sinh viên, bắt đầu bằng câu chuyện mua gấu bông tặng crush nhân lễ tình nhân, sau đó Tùng nhận ra mình thích kinh doanh dù học chuyên ngành khoa học máy tính.

Anh hí hỏm chia sẽ: “Bạn sẽ phải chuẩn bị cho mình kiến thức, mối quan hệ, nhất là tập hợp nhiều kỹ năng cần thiết nếu muốn khởi nghiệp. Nếu thất bại, bạn kéo cả đồng đội đi theo khi khởi nghiệp đấy”.

Chị Diệu Hằng cho rằng khởi nghiệp không có tuổi. Theo chị, khi trẻ, chọn khởi nghiệp cũng là cách để học từ thực tế bởi khi ấy chưa vướng bận nhiều, lỡ có thất bại (mà thống kê cho thấy phần lớn dự án khởi nghiệp đều thất bại ban đầu), dù “bị thương” cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến người khác.

“Trước 35 tuổi là vùng thoải mái nhất mà nhiều bạn chọn khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, cả cái sai và tích lũy kỹ năng cho mình” – chị Hằng chia sẻ.

Anh Tùng bổ sung khởi nghiệp sẽ ám ảnh bạn cả trong lúc ngủ, giấc mơ và chuẩn bị tâm lý để đối diện áp lực rất lớn.

“Sinh viên có thể suy nghĩ và khởi nghiệp, tìm cho mình lối đi nhưng tuyệt đối không được bỏ học. Là người khởi nghiệp từ thời sinh viên song tôi vẫn hoàn thành, tốt nghiệp đại học vì đó là khoảng tích lũy kiến thức, cả việc minh chứng chuyên môn cho bạn sau này khi làm việc với bên ngoài” – anh Tùng nhấn mạnh.

Chọn cho mình đam mê

Bạn Nguyễn Thành Nhân (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nêu ý kiến: “Sao không phải là khởi nghề và khởi nghiệp mà lại đặt câu hỏi khởi nghề hay khởi nghiệp?” với khách mời. Chia sẻ, chị Diệu Hằng nói tạm coi khởi nghề là bạn chọn đi làm với chuyên môn mình sẵn có, là làm thuê, thì khởi nghiệp một góc nào đó là bạn đang chọn làm chủ.

“Bạn chọn khởi nghề khi quyết định vào nơi phù hợp với chuyên môn mình đã học và chuyên sâu với nó. Còn chọn khởi nghiệp, bạn sẽ đi theo đam mê của mình, không chỉ là chuyên môn sẵn có mà phải rất nhiều thứ khác, từ mối quan hệ đến các kỹ năng đều tự học” – anh Tùng bổ sung.

Một bạn xem live đặt câu hỏi: “Làm sao biết khi nào nên dừng việc khởi nghiệp?”. Thẳng thắn, anh Thanh Tùng nói: “Là khi bạn đã lỗ vốn, mắc nợ thì phải dừng”. Tiếp lời, chị Diệu Hằng đặt câu hỏi ngược lại khán giả: “Nếu bạn biết mình đang đi trên con đường xấu và không có khả năng đi tiếp, tại sao không chọn con đường khác?”.

Lời khuyên của cả hai vị khách mời chính là hãy tìm người đồng hành. “Có nhiều người đi trước mà bạn hoàn toàn có thể học hỏi từ họ, hãy tìm người hướng dẫn để họ chỉ bảo kinh nghiệm cho bạn” – chị Hằng nói. Trong khi anh Tùng đưa ra một lời khuyên quen thuộc: “Đứng trên vai người khổng lồ” để học cách họ làm và tích lũy bài học cho bản thân.

Nguồn cafeland

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button