Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

‘Bắt trend’ khởi nghiệp từ đại dịch Covid-19

Tháng 9-2020, giữa lúc nền kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, Lê Hoàng Uyên Vy (thường gọi Vy Lê) đã quyết định thành lập Do Ventures – một quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ gọi vốn cho các khởi nghiệp từ đại dịch.

Từ lúc ra đời đến thời điểm hiện tại chưa tròn năm nhưng đây là một trong những quỹ đầu tư xếp loại năng động có nhiều thương vụ nhất trong năm 2020.

Bắt trend khởi nghiệp từ đại dịch

Vy tiết lộ động lực để cô cho ra đời một quỹ đầu tư giữa lúc nhiều startup đang ngắc ngoải: “Đại dịch là thời điểm đầy khó khăn nhưng lại thuận lợi để khởi nghiệp một quỹ đầu tư. Các startup chịu tác động nặng nề nhất, đặc biệt là dịch vụ du lịch, bán lẻ, lưu trú, giáo dục…

Giữa lúc họ cần rót vốn nhất thì các quỹ đầu tư nước ngoài lại không vào được. Đây chính là lúc các quỹ đầu tư nội địa phát huy lợi thế”.

Lực đẩy khởi nghiệp từ đại dịch

Vy phân tích thêm: “Khi các nhà đầu tư quốc tế không tới được mà chỉ có thể tiếp xúc online thì các quỹ nội địa cũng có thể làm trung gian, tham gia quá trình thẩm định để giúp các startup gọi vốn”. Với lợi thế đó, chưa đầy một năm sau khi ra mắt, Do Ventures đã công bố 4 thương vụ là Palexy (2020) và F99, Manabie và MFast (2021).

Chia sẻ góc nhìn về đại dịch, Vy cho rằng tuy là điều không ai mong muốn nhưng sau một đại dịch, rất nhiều hành vi trong xã hội sẽ thay đổi và là cơ hội để kỹ nghệ mới phát triển. Vy cho rằng nó đang tạo ra đòn bẩy để những ngành trực tuyến phát triển nhanh hơn.

Vy dẫn thực tế: “Trước đây doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với công nghệ phục vụ làm việc từ xa, dùng chỉ mức độ tương đối. Nhưng Covid-19 xảy ra và không còn lựa chọn, bắt buộc doanh nghiệp phải dùng các công cụ như Zoom, công cụ quản lý nội bộ, phê duyệt nội bộ. Đây là cơ hội của các doanh nghiệp chuyển đổi số để giới thiệu sản phẩm, đưa vào sử dụng và được trả tiền”.

Trong năm qua, quỹ Do Ventures đã đầu tư vào một công ty “có lực đẩy từ đại dịch”. Đó là F99, một nền tảng bán thực phẩm và trái cây tươi sống online.

Trước đây người ta quen trực tiếp đi chợ, siêu thị, tự tay chọn đồ tươi sống, nhưng trong đợt COVID-19, hàng thực phẩm tươi sống đã nô nức lên online.

Từ Grab Mart, Tiki Ngon cho đến mua siêu thị ở Now. Vy dẫn chứng thêm: “Người tiêu dùng chịu dùng, chịu thử. Họ thấy tiện lợi, chất lượng tốt thì họ sẽ tiếp tục”.

Đầu tư vào các startup về công nghệ trí tuệ nhân tạo AI

Quỹ đầu tư của Vy đang tập trung vào các startup có khả năng tích hợp công nghệ vào sản phẩm, trong đó AI được coi là một trong những công nghệ cốt lõi có thể được áp dụng ở hầu hết mọi ngành. Cô tin rằng khả năng ứng dụng công nghệ sâu sẽ cho phép các startup phát huy hết tiềm năng.

Vy tin tưởng: “So với các hệ sinh thái đã rất phát triển như Silicon Valley, mức độ ứng dụng AI của startup Việt Nam vẫn rất hạn chế, những sản phẩm thực sự lấy AI làm trung tâm chưa nhiều.

Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế về tiềm năng thu thập dữ liệu và nhu cầu sử dụng những giá trị AI có thể mang lại: dân số gần 100 triệu người với cơ cấu trẻ, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, số lượng người dùng Internet đạt gần 70 triệu, tỉ lệ người sử dụng di động khoảng 70%. Thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các startup có thể mang lại”.

Cuối tháng 12-2020, Do quỹ Access Ventures và Ventures công bố đầu tư 1 triệu USD vào Palexy – một công ty ứng dụng AI cung cấp giải pháp cho các nhà bán lẻ. Đây là startup của Thông Đỗ – founder Việt từng gây tiếng vang tại Thung lũng Silicon.

Palexy là khoản đầu tư thứ hai được công bố của Do Ventures kể từ khi quỹ ra mắt hồi tháng 9, với khoản quỹ đầu tiên 50 triệu USD từ các nhà sáng lập, một số quỹ đầu tư từ Singapore và Hàn Quốc.

Trước đó Do Ventures công bố rót 20 tỉ đồng vào F99 – nền tảng kinh doanh trái cây và thực phẩm trực tuyến vừa thành lập được hơn một năm.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button