Kỹ năng nghề nghiệpQuản trịTin mới

6 bí quyết đàm phán kinh doanh từ con gái Donald Trump

Ivanka Trump (35 tuổi), hiện là Phó chủ tịch phụ trách phát triển và M&A tại Trump Organization. Cô cũng là nhà sáng lập kiêm CEO thương hiệu thời trang Ivanka Trump Collection. Cô được đánh giá là một doanh nhân đầy quyền lực và luôn khao khát phá vỡ những định kiến của xã hội về hình ảnh người phụ nữ đi làm hiện nay.

6 bí quyết đàm phán kinh doanh từ con gái Donald Trump
Ivanka Trump. Ảnh: Michael Loccisano/Getty

Trên Motto – website chuyên cung cấp tin tư vấn của Time, Ivanka Trump đã chia sẻ các kinh nghiệm đàm phán của mình. “Tôi vừa thuyết phục thành công để được tái phát triển tòa nhà Old Post Office Pavilion cổ ở Pennsylvania Avenue, Washington. Tôi cũng là người chỉ đạo thương vụ mua lại khu Doral Resort & Spa cho công ty, khi còn đang nằm trên giường bệnh sau khi sinh bé thứ nhất. Nhân tiện nói về trẻ con, tôi được luyện kỹ năng đàm phán hằng ngày. Chẳng ai tranh luận quyết liệt hơn là một đứa trẻ đâu. Mà tôi lại có tới hai”, cô cho biết.

Dưới đây là một số lời khuyên rất hữu ích của nữ triệu phú Ivanka Trump:

1. Đặt mục tiêu trước

Dù đang muốn tăng lương hay chỉ muốn có thời gian làm việc linh hoạt hơn, bạn đều phải biết mình muốn gì trước khi tham gia đàm phán. Đây là quy tắc vàng. Nhưng phần lớn mọi người đều bỏ qua nó.

Nếu không có kế hoạch trước, tức là bạn đã cho phép đối phương định mục tiêu cho bạn.

2. Hiểu mục đích của đối phương

Điều giá trị nhất bạn có thể làm là phát hiện chính xác ưu tiên hàng đầu của đối phương là gì. Thỉnh thoảng, mục tiêu của họ sẽ xung đột với bạn. Và bạn phải tìm cách cho họ cái họ muốn, để họ cảm thấy là họ cũng có quyền lợi.

Đàm phán thường là nói về chuyện tiền nong, nhưng nhiều khi, nó là về cảm xúc, và còn phức tạp hơn thế nữa. Nếu nhận ra mục tiêu kinh tế có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của đối phương, bạn sẽ có nhiều cách khác để xử lý. Điều này sẽ cho phép bạn đạt thành quả có khi còn tốt hơn dự kiến.

3. Đàm phán trực tiếp

Đừng nói chuyện qua email, vì nó sẽ giúp bên yếu hơn có lợi thế, khi cho phép họ không phải đối mặt và có nhiều thời gian suy nghĩ câu trả lời. Bên cạnh đó, đọc câu chữ qua email cũng dễ khiến bạn hiểu nhầm giọng điệu của người viết. Đó sẽ là một vấn đề lớn.

Tôi luôn thích nói chuyện trực diện, thường là tại văn phòng tôi. Đó là nơi tôi cảm thấy thoải mái nhất.

4. Chú ý ngôn ngữ cơ thể

Cách bạn diễn tả bản thân, kể cả khi đang ngồi trên ghế, cũng là vấn đề. Hầu hết các thông điệp của chúng ta không truyền qua lời nói, mà qua vẻ mặt, cử chỉ, âm điệu.

Vì thế, không nên cắn móng tay, không đập nhịp chân, không tỏ ra bồn chồn. Đừng ngồi dồn về một bên ghế. Vì nó khiến bạn trông quá hồi hộp. Cũng đừng gập ngón tay hoặc gõ tay xuống bàn, vì nó khiến bạn trong hiếu chiến và tức giận. Khoanh tay là điều nên tránh, vì nó khiến bạn trở nên kém thân thiện.

Dù tim bạn đập nhanh đến mấy, hãy cố ngồi thẳng, duy trì giao tiếp bằng mắt và thở thật đều.

5. Nghe nhiều hơn nói

Khi người ta không thoải mái, và khi phải đàm phán, họ bắt đầu nói lan man để lấp đi sự im lặng. Những người đàm phán giỏi nhất mà tôi biết chỉ ngồi yên và lắng nghe. Họ càng ít tham gia, đối phương càng dễ rơi vào bẫy và phải đưa ra những thông tin mà ban đầu định giữ kín.

6. Luôn sẵn sàng rời đi

Nếu mọi thứ quá căng thẳng, hoặc bạn không thể đàm phán được điều có lợi, hãy gợi ý dành thêm vài ngày để suy nghĩ, rồi gặp lại sau. Việc đàm phán có thể xuôi chèo mát mái sớm nếu bạn cho phép các bên có thời gian dịu lại.

Hà Thu / Theo Vnexpress

4.7/5 - (7 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button