Quản trị kinh doanhQuản trịTin mới

Bí quyết đầu tư tài chính – “bỏ trứng vào nhiều giỏ”

Mới đây trên tờ Inc., giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Alumnify (một công ty cung cấp ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp startup kêu gọi vốn) – triệu phú Aj Agrawal đã đưa ra một số lời khuyên theo phương châm đầu tư “bỏ trứng vào nhiều giỏ” để giúp cho tài sản cá nhân của bạn không bị sụp đổ “kép” như hiệu ứng domino từ những cuộc khủng hoảng tài chính có thể tái diễn trong tương lai.

Cách phân biệt đầu cơ và đầu tư của Warren Buffett / 3 khoản đầu tư cho bản thân mà doanh nhân cần ưu tiên

Bí quyết đầu tư tài chính -

Bất động sản

Lý thuyết an toàn của bất động sản xuất phát từ một kiến thức cơ bản chúng ta đã từng được học, 71% bề mặt trái đất là nước. Trong khi dân số thế giới không ngừng gia tăng (theo điều tra của Cục Thống kê dân số Mỹ, trong 7 năm, từ năm 2009 là 6,8 tỷ người đến ngày 1/1/2016 là 7,3 tỷ người, dân số thế giới đã tăng 500 triệu người) thì diện tích đất đai lại đang không ngừng giảm xuống do biến đổi khí hậu toàn cầu (theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nước ta sẽ mất ít nhất 12,2% diện tích đất trong 80 năm tới).

Aj Agrawal cho rằng bạn nên thận trọng với những bất động sản có tính thanh khoản quá cao, bởi rủi ro lớn từ việc định giá bất động sản, chi phí duy trì và đặc biệt là những bất động sản này luôn chịu ảnh hưởng bởi “sức khỏe” của nền kinh tế. Có thể kể đến những dự án bất động sản triệu đô từng gây sốt tại những khu đất vàng hiện đang “đắp chiếu” ở nước ta do bị tác động lớn từ cuộc khủng hoảng năm 2008 như: Viễn Đông Meridian (180 triệu USD), Kenton Residences (30 triệu USD), Waterfront (750 triệu USD)…

Vì vậy, hãy chọn cách đầu tư dài hạn và an toàn, có thể đó là những bất động sản xa trung tâm thành phố, cũ kỹ hoặc ít người qua lại. Có thể những bất động sản này có tính thanh khoản thấp hơn nhưng quan trọng là bạn không phải bỏ quá nhiều chi phí để duy trì, đồng thời có thể cho thuê để mang về lợi nhuận đều đặn và đặc biệt là hiếm khi giá trị của bất động sản này bị giảm giá trị trong tương lai.

Tác phẩm nghệ thuật, cổ vật giá trị

Theo Aj Agrawal, hầu hết những người sẵn sàng chi tiền để mua một tác phẩm nghệ thuật hay những cổ vật sẽ chỉ quan tâm đến giá trị của tác phẩm đó, vì vậy họ sẽ không mặc cả từng xu và không quan trọng nền kinh tế tài chính thế giới đang lên xuống như thế nào.

Ở nước ta, dù kênh này còn khá mới mẻ và chưa hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước nhưng giá trị của những tác phẩm nghệ thuật và những cổ vật trong suốt quá trình lịch sử phát triển hơn ngàn năm của Việt Nam đang dần tạo ra sức hút không hề nhỏ trên thị trường đấu giá thế giới.

Việc những bức họa của các họa sĩ Việt Nam có giá hàng tỷ đồng nhưng không mấy người Việt biết tới như bức tranh Người bán gạo (1932) của Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 3,03 triệu đô la Hongkong (hơn 8 tỷ đồng) tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong và thậm chí từng bị định giá ban đầu chỉ khoảng 1,5 triệu đồng do nhầm tưởng bức họa này là tác phẩm của một họa sĩ Trung Quốc, hay bức Thiếu nữ hái hoa của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 339.797 USD (hơn 7 tỷ đồng) hứa hẹn sẽ tạo ra một kênh đầu tư an toàn và tiềm năng cho những nhà đầu tư Việt trong thời gian tới.

Vàng

Thứ kim loại quý này từ lâu đã trở thành kênh đầu tư phổ biến vì luôn duy trì tốt giá trị của mình. Tính từ năm 2008 (giá vàng ở Việt Nam dao động ở mức 17,64 triệu đồng/lượng) đến năm 2016 (dao động ở mức 33,4 triệu đồng/lượng), kênh đầu tư này vẫn mang về tỷ suất lợi nhuận khá tốt cho nhà đầu tư bất chấp cuộc khủng hoảng hay suy thoái toàn cầu ở giai đoạn này. Dù có thời điểm giá vàng ở Việt Nam lên tới 49 triệu đồng/lượng (2011 – 2012) rồi sau đó giảm xuống chỉ còn 31 triệu đồng/lượng, thì đầu tư vào vàng chỉ rủi ro so với chính nó chứ không phải so với những kênh đầu tư khác.

Ngoài ra, giống như chứng khoán, bạn không cần phải có một khoản tiền lớn vẫn có thể đầu tư vào vàng, điều này còn giúp bạn rèn luyện thói quen đầu tư hằng ngày cho bản thân.

Điều duy nhất Aj Agrawa khuyên bạn nên thận trọng với kênh đầu tư này chính là chính sách của chính phủ. Ở Mỹ, chính phủ có thể tịch thu vàng từ két sắt của bạn nếu đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, điều Tổng thống Franklin D. Roosevelt từng làm trong cuộc siêu khủng hoảng năm 1929 – 1933 (bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán tại phố Wall ngày 29/10/1929 – còn được gọi là ngày thứ Ba đen tối).

Tuấn Thành / Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Xem thêm: 7 sai lầm cần tránh khi đầu tư tài chính 2016

5/5 - (4 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button