Kiến thức khởi nghiệpDoanh nghiệpDoanh nhân

Cần định giá chính xác nguồn vốn phi tài chính khi khởi nghiệp

Trước khi kỳ vọng vào việc nhận vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư tài chính, mỗi sáng lập start-up cần nhìn lại bản thân xem đã tự trang bị về khả năng, mối quan hệ cũng như uy tín hay chưa. Bởi, nhiều khi dòng tiền sẽ chảy khi các nguồn lực phi tài chính tạo được sức mạnh cộng hưởng.

.
Ông Nguyễn Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học – công nghệ Việt Nam (SVF)

Ông Nguyễn Duy Hiếu, Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học – công nghệ Việt Nam (SVF) ví von, điểm yếu của đa số dự án khởi nghiệp mà ông và SVF đã từng tiếp cận là rất “phong phú và đa dạng”.

Có thể là mô hình kinh doanh chưa đủ tiềm năng để đạt điểm bùng nổ. Cũng có thể là việc áp dụng công nghệ chưa thực sự được đội ngũ vận hành quan tâm hay chính bản thân người sáng lập start-up chưa đủ năng lực lãnh đạo…

Từ một người từng khởi nghiệp chỉ với ý tưởng trong tay, ông Nguyễn Duy Hiếu cho rằng, khởi nghiệp là để kiếm tiền chứ không phải ngược lại. Nghĩa là nếu mang tư duy kiếm tiền để khởi nghiệp, sáng lập dường như sẽ tự giới hạn mình trong một khuôn khổ nào đó. Mà thường thì sự sáng tạo sẽ dần hao mòn nếu chỉ quanh quẩn với những vòng tròn giới hạn.

Thử đặt câu hỏi “Khi nào chúng ta thiếu và cần vốn?” cho các start-up. Câu trả lời luôn là: “Mọi giai đoạn trong quá trình phát triển”.

Nhưng, theo ông Hiếu, điều đầu tiên mà các sáng lập viên cần quan tâm có lẽ là nguồn vốn phi tài chính – đó là khả năng giải quyết vấn đề của người sáng lập, chứ không chỉ là nguồn vốn tài chính. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào mô hình kinh doanh mà trước hết là đầu tư vào con người có khả năng.

“Chúng ta nên xác định khả năng là nguồn vốn phi tài chính, để đầu tư cho nguồn vốn này. Đi kèm đó là mở rộng các mối quan hệ với bạn bè, đối tác – cũng là một nguồn vốn phi tài chính, mang đến nhưng cơ hội kinh doanh tạo ra các nguồn tài chính”, ông Nguyễn Duy Hiếu nói.Thực tế, một số nhà đầu tư đặt niềm tin vào người sáng lập dự án nếu có những thói quen của người thành công như kiên trì tập thể dục mỗi buổi sáng thì sẽ có sức khỏe tốt, luôn học hỏi lắng nghe cũng như không quá thể hiện mình…

“Nhà đầu tư có nhiều khẩu vị khác nhau. Tuy nhiên, có 2 yếu tố mà họ luôn nhìn vào một dự án trước khi rót vốn là tiềm năng thị trường ra sao cũng như đội ngũ vận hành có khả năng làm cho điều đó xảy ra hay không. Đam mê là thứ phải có đằng sau các dự án vì phải nhờ nó mới giúp bạn kiên trì hành động và không bỏ cuộc khi khó khăn hay vấp ngã”, ông Hiếu nói.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng nhấn mạnh vào nguồn vốn thứ ba là uy tín với những giao kết đã được đưa ra.

“Khi tổng ba nguồn vốn phi tài chính (gồm khả năng, mối quan hệ và uy tín) đủ lớn, sẽ tạo nên con đường để nguồn vốn tài chính với những dòng tiền chảy về dự án’, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.

.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư của Công ty Savills Việt Nam

Bàn về các điểm yếu của start-up Việt, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư của Công ty Savills Việt Nam cũng nhắc tới những khó khăn về nguồn lực tài chính để thương mại hóa các sản phẩm được hình thành từ những ý tưởng khởi nghiệp.

Nguồn tiền để các sáng lập xoay sở cho dự án có thể đến từ tích lũy bản thân, vay mượn gia đình, bạn bè,…hay thậm chí là mọi khoản tiền được chi tiêu đều từ vay ngân hàng.

“Dù nợ vay hay vốn chủ sở hữu thì đều phải lượng hóa được lợi nhuận, thua lỗ của mình nằm ở đâu dù có sử dụng vốn từ nhiều nguồn khác nhau”, ông Sử Ngọc Khương chia sẻ.

Để hấp dẫn được các quỹ hay các nhà đầu tư, dự án cần có các chỉ tiêu tài chính rõ nét thể hiện được vốn chủ sở hữu, nợ, lợi nhuận sau thuế…

Nhưng có một điều quan trọng mà nhiều dự án khởi nghiệp đã không chú tâm khi bước vào giai đoạn phát triển, đó là sự thống nhất trong quản trị doanh nghiệp, từ phân chia lợi ích đến kỳ vọng về tầm vóc phát triển của doanh nghiệp.

Sẽ không hay cho bất cứ dự án nào khi mà các đồng sáng lập không tìm được tiếng nói chung cũng như có câu trả lời không giống nhau về lý do bắt đầu khởi nghiệp. Vì khi đó, họ sẽ đưa ra những quyết định khác nhau mỗi khi dự án gặp vấn đề cần giải quyết.

“Những cá nhân “xương sống” của dự án phải thống nhất về tầm nhìn – sứ mệnh – giá trị cốt lõi trước khi về chung nhà và bắt tay thực hiện”, ông Hiếu tư vấn.

Cùng với đó, cần phân tách rõ ràng vai trò và tách nhiệm của từng vị trí lãnh đạo trong bộ máy. Sẽ chỉ có một người được quyền ra quyết định dù đang tồn tại những ý kiến trái chiều bởi thời điểm cần phải đưa quyết định, bởi thời gian không đợi chờ bất cứ một ai.

Âu Hồng Phúc

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button