Đời sốngTin mớiTin tức

Chuyển việc đầu năm: Nên cân nhắc kỹ lưỡng

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm sự dịch chuyển lao động diễn ra mạnh mẽ nhất trong năm. Nhiều bạn trẻ “nhảy việc” tìm kiếm cơ hội mới để thử thách bản thân hoặc mong muốn có thu nhập khá hơn, môi trường làm việc dễ thăng tiến.

Chuyển việc đầu năm: Nên cân nhắc kỹ lưỡng
Đầu năm, cả nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc đều tăng.

Thời điểm vàng để “nhảy việc”?

Năm nay, thị trường lao động được đánh giá không có nhiều biến động, tình trạng “nhảy việc” cũng xảy ra rất ít ở các khu công nghiệp – khu chế xuất. Thế nhưng, với nhiều lao động trẻ, đầu năm vẫn là thời điểm “vàng” để tìm kiếm cơ hội mới với lý do doanh nghiệp cần nhân lực để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng đưa ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Sau 1 năm gắn bó với công việc kế toán cho một doanh nghiệp dệt may, anh Nguyễn Văn Hùng (Thanh Trì, Hà Nội) đã quyết định chuyển sang làm giao dịch viên trong lĩnh vực ngân hàng. Anh Hùng cho biết: “Với một sinh viên mới ra trường, công việc và mức lương ở công ty cũ của tôi là chấp nhận được. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc cũ, tôi không thể phát huy hết khả năng của mình. Tôi đã bắt đầu công việc mới được hơn 1 tuần và cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của bản thân tôi sẽ vượt qua”.

Được đánh giá cao về năng lực, có nhiều sáng kiến tăng doanh thu cho cơ quan, nhưng chị Đào Vân Anh (Mai Dịch, Hà Nội), nhân viên marketing của một doanh nghiệp điện tử vẫn quyết định rời bỏ công việc cũ. Lý do “nhảy việc” của chị Vân Anh là vì “công việc cũ tốn quá nhiều thời gian khiến tôi không có điều kiện để chăm sóc con cái và gia đình. Với kinh nghiệm và năng lực của bản thân, tôi có khá nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, để tìm được một công việc ưng ý, thoải mái về thời gian cũng không dễ”.

Cẩn trọng khi thay đổi công việc

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, thực tế có trường hợp doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, lĩnh vực “lôi kéo” nhân công có năng lực, chuyên môn kỹ thuật của đối thủ bằng cách đưa ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, tâm lý chung của các nhà tuyển dụng vẫn khá ngại chọn lao động luôn muốn thay đổi công việc. Bên cạnh đó, đầu năm nhu cầu tuyển dụng nhiều, nhưng nhu cầu tìm việc cũng không ít. Nguyên nhân do sinh viên mới tốt nghiệp, lao động bị mất việc cuối năm trước… đều mong muốn tìm được công việc tốt, thậm chí có một việc làm để tránh thất nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Ban chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) khẳng định, năm nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tình trạng thiếu hụt lao động vì lý do “nhảy việc” giảm đáng kể. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và người lao động. Các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với công đoàn cơ sở chăm lo tốt đời sống, chính sách an sinh xã hội để giữ chân công nhân. Đa số người lao động có ý định thay đổi nơi làm việc đều mong muốn công việc mới phù hợp với năng lực, thu nhập khá hơn hoặc rộng đường thăng tiến.

Song, “nhảy việc” cũng là con dao 2 lưỡi nếu người lao động “đứng núi này trông núi nọ”, không lựa chọn được vị trí phù hợp cho bản thân. Do đó, người lao động hãy cân nhắc và xác định mục tiêu kỹ lưỡng trước khi quyết định thay đổi công việc. Đặc biệt, nếu người lao động không chuẩn bị sẵn những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực định “nhảy việc” thì khi công tác ở vị trí mới sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.
Theo Báo An ninh Thủ đô

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button