Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Cô chủ 9X về quê khởi nghiệp mì ngô sau khi công ty “đóng băng” vì đại dịch

Quyết định “khăn gói” về quê khởi nghiệp mì ngô, Hồng phải bỏ đi hàng tấn ngô, ghi chép kín cả sách mà sợi dây kinh nghiệm rút mãi chưa hết. Với sự kiên trì, cô gái người Nùng đã tạo ra sản phẩm mì ngô.

Cô chủ 9X về quê khởi nghiệp mì ngô

Cô gái người Nùng về quê khởi nghiệp mì ngô

Xoay xở ngang dọc để tìm hướng đi mới sau khi công ty du lịch bị “tê liệt” do ảnh hưởng của Covid-19. Trong một lần tình cờ nói chuyện với nhóm xuất khẩu nông sản.

Cô chủ 9X Hoàng Thị Minh Hồng (28 tuổi) nhận được một gợi ý sản xuất và cung cấp mì làm từ ngô cho một công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang những nước phát triển trên thế giới. Gợi ý này đã tạo sự hứng thú và như chiếc phao cứu cô thoát ra khỏi những ngày tháng buồn chán vì công ty “đóng băng”.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xã Quyết Thắng, Lạng Sơn, Hữu Lũng. Ngô là cây lương thực quen thuộc từ thời thơ ấu, nó từng là tài sản của gia đình, nuôi hai chị em lớn khôn với ký ức về những bữa cơm độn ngô, cháo nấu ngô, bỏng ngô, bánh chông chênh…

Khi đi sâu nghiên cứu, Hồng biết được, tại châu Âu dòng mì pasta được làm từ ngô canh tác tự nhiên, được xem là loại mì cao cấp bởi trong ngô không có Gluten – một chất mà những người ăn uống lành mạnh đang cố tránh.

Nguồn cảm hứng từ cây ngô trỗi dậy, sau 2 tuần cân nhắc và lên kế hoạch bài bản. Hồng quyết định “khăn gói” về quê khởi nghiệp với cây ngô, để làm ra những sợi mì sạch. Cô thành lập Hợp tác xã mang tên Vietnam Napro.

Qua tìm hiểu, “Ngô không biến đổi gen và được trồng theo phương pháp canh tác tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Nó được đánh giá là một loại ngũ cốc vàng của thế giới và nằm trong danh mục thực phẩm bảo vệ sức khỏe và nhiều lợi ích khác”: Hồng cho biết.

Tại nước ta, bún mì là một món ẩm thực “quốc dân”, tuy nhiên làm bún mì từ ngô vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hướng đến. Vì vậy, cô tham vọng mình sẽ trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này.

Cô gái người Nùng quả quyết: “Tôi muốn làm những sợi mì sạch thuần khiết, chỉ có thành phần nguyên liệu tự nhiên từ những bắp ngô không biến đổi gen được chăm sóc, vun trồng rất tỉ mẩn”.

Ngô trồng để làm mì phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe

Bắt đầu vùng nguyên liệu rộng 3ha dưới chân núi, Hồng yêu cầu mọi người trồng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như lựa chọn giống ngô bản, canh tác tự nhiên, dùng phân chuồng ủ hoai mục, không dùng thuốc diệt cỏ. Mỗi cây ngô được chăm bón, làm sạch cỏ tỉ mẩn bằng cách xới cỏ rồi vun đất vào từng gốc, năng suất có thấp hơn nhưng Hồng thu mua với giá thành cao nên bà con trong hợp tác xã ai nấy đều vui vẻ.

Cô gái Hồng 9X chia sẻ thêm, sau Tết 2022, diện tích vùng trồng ngô sẽ tăng lên để không chỉ phục vụ sản xuất mì mà còn làm thêm các sản phẩm khác từ hạt ngô. Ước tính tổng diện tích trồng ngô tương lai ít nhất là 15ha.

Những khó khăn ban đầu

Có đam mê, sự kiên trì chưa đủ, Hồng gặp rất nhiều khó khăn trong lần đầu tiên làm sản xuất. Hàng tấn ngô bỏ đi, ghi chép kín cả sách mà sợi dây kinh nghiệm rút mãi chưa hết. Suốt gần một năm, mì vẫn không thể ăn được vì vón cục, bết dính, cứng, đứt gãy, thậm chí cho vào máy mà không ra được sợi.

Trong khi đó, các thành viên trong gia đình liên tục mâu thuẫn vì việc làm mì không thành, Hồng nhớ lại quãng thời gian khó khăn: “Những người thân liên tục gặp tai nạn nghề nghiệp. Bố mình đã phải nằm viện vì bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy. Cậu em chồng cũng bị thương vì giúp chị. Có những giọt máu đã rơi xuống như thế, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống và không thể đếm nổi những đêm mình thức trắng”.

Thế rồi, bằng sự kiên trì và nỗ lực, cuối cùng cô gái trẻ đã tìm ra được một công thức chuẩn và bí quyết để cho ra những sợi mì mềm mịn, dẻo dai và thơm ngon đặc trưng.

Ngô được lột bỏ vỏ, vỡ nhỏ, đem vo hạt, sàng đãi sạch sẽ với nước sạch, sau đó nghiền thành bột. Tiếp tục ủ bột trong 3 ngày 3 đêm, cho đến khi dậy lên mùi thơm như mùi hoa quả lên men. Tiếp tục trộn cùng bột dong riềng, ép thành sợi, cắt sợi và chọn lọc đóng hộp.

Để thu được 1kg mì ngô như hiện tại bán ra thị trường sẽ phải mất 6kg ngô hạt. Thành phần để làm ra mì ngô gồm có: Bột ngô, bột dong riềng đỏ và nước sạch.

Công ty đóng băng vì Covid-19, cô chủ 9X về quê khởi nghiệp với mì ngô. Mì có hương vị thoang thoảng nhẹ mùi ngô, vị thanh, mát, sợi mì ăn giòn, dai, mềm mịn và đậm vị.

Mì ngô dễ dàng chế biến thành các món ăn ngon miệng: từ các món nước châu Á, các món bún phở nước Việt Nam, đặc biệt các món sốt, trộn Spaghetti mì ăn không hề bị ngấy do không có thành phần trứng hoặc bơ như mì Ý phương Tây.

Hồng thú nhận, hành trình khởi nghiệp của cô may mắn vì có một gia đình luôn yêu thương, đứng đằng sau hỗ trợ. Đặc biệt là em có em gái song hành, em gái không chỉ đóng góp vốn mà còn đưa cho chị những lời khuyên, góp ý kịp thời. Khi sản phẩm ra thị trường, câu chuyện về hành trình tạo ra sợi mì ngô đã nhận được sự lan tỏa hơn cả dự kiến của 2 chị em.

Hồng trải lòng: “Đã có lúc mình nản, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ có ý nghĩ muốn bỏ cuộc. Khi có chút nản lòng, mình sẽ nhìn lại bảng kế hoạch vẽ ra để bước tiếp”.

Khi những hộp mì ngô được mọi người đón nhận, cô gái 9X càng đam mê và tâm huyết hơn và có thêm động lực nghiên cứu các sản phẩm khác làm từ ngô. Trong thời gian tới, hợp tác xã của Hồng sẽ phát triển theo hệ sinh thái tuần hoàn từ trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi.

Trở về làm nông nghiệp trên chính mảnh đất quê mình, cô gái người Nùng biết được con đường mình muốn đi lâu dài với mong muốn có thể tạo ra được nghề truyền thống cho cả gia đình, địa phương.

Nguồn diendandoanhnghiep

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button