Doanh nhânNhân vật

Cô gái khởi nghiệp: từ tên lửa đến vệ tinh

Từng có ý định trở thành giáo sư về công nghệ tên lửa nhưng ngã rẽ bất ngờ của khoa học đưa Natalya Brikner trở thành một doanh nhân trẻ nổi tiếng của ngành công nghệ.

Natalya Brikner, nữ CEO 29 tuổi của hãng Accion ở Massachusetts, Mỹ - Ảnh: Careercontessa
Natalya Brikner, nữ CEO 29 tuổi của hãng Accion ở Massachusetts, Mỹ – Ảnh: Careercontessa

Theo trang công nghệ uy tín TechnologyReview, cô gái sinh trưởng tại một thị trấn nhỏ ở bang miền tây bắc nước Mỹ Oregon từng có sở thích khám phá bầu trời, quan sát những ngôi sao và nghĩ về những người ngoài hành tinh có thể đang ở đâu đó giữa chúng.

Khi còn đang làm luận án tiến sỹ tại Phòng thí nghiệm sức đẩy không gian của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cô đã nghĩ mình sẽ trở thành một giáo sư trong lĩnh vực này. Nhưng rồi một dự án cô làm chung với một bạn cùng phòng thí nghiệm đã gây được chú ý trong ngành công nghiệp tên lửa. Cả hai đã tạo ra mô hình hoạt động đầu tiên sử dụng công nghệ sức đẩy cho các vệ tinh cỡ nhỏ.

Luôn biết mình muốn gì!

Năm 2014, Brikner và Louis Perna đã thành lập công ty Accion Systems để áp dụng công nghệ của họ trong lĩnh vực thương mại. Một năm trước, họ đã lần đầu tiên chứng tỏ ứng dụng của công nghệ này trong vũ trụ.

Cả Brikner và Perna đều chưa bao giờ trở thành giáo sư, nhưng hiện tại, Brikner trong cương vị giám đốc điều hành (CEO) startup Accion có trụ sở tại Massachusetts đang bận rộn hoàn tất các đơn hàng đầu tiên cho hệ thống lực đẩy, một sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo (start-up) gây được tiếng vang trong ngành khoa học vũ trụ.

Một số khách hàng tiềm năng quan tâm tới lĩnh vực viễn thông, theo đó có thể tận dụng công nghệ của Accion để đưa các vệ tinh cung cấp Internet băng thông rộng từ quỹ đạo trái đất tầm thấp (LEO). Cũng có những khách hàng có tham vọng ứng dụng lớn hơn với hoạt động quân sự trong không gian.

Các động cơ tên lửa nhỏ cỡ đồng xu chứa một lực đẩy có thể giúp các vệ tinh nhỏ thường được dùng để thu thập hình ảnh và các dữ liệu khác từ Trái đất khả năng tự định vị. Một ngày nào đó, công nghệ này cũng có thể được phát triển với quy mô lớn hơn để ứng dụng được với các vệ tinh lớn hơn.

So với khoảng thời gian còn là nghiên cứu sinh, Brikner hiện dành rất ít thời gian cho nghiên cứu. Cô dành khoảng 20% thời gian của mình cho việc suy nghĩ tìm tòi các ý tưởng cho các đề xuất và săn lùng “các khoảng trắng công nghệ” trong lĩnh vực vệ tinh và các lĩnh vực khác, một việc đem lại rất nhiều niềm vui cho cô. Trong quỹ thời gian còn lại, cô lãnh trọng trách điều hành một công ty đang phát triển.

Cô gái khởi nghiệp: từ tên lửa đến vệ tinh 1
Ảnh: Careercontessa

Theo người cộng sự Perna của cô thì Brikner luôn nổi bật vì khả năng nhận thức và tư duy phân tích. Cô tự tin và luôn là người không hề biết sợ hãi một cách duy lý.

Perna nói: “Natalya luôn luôn và lúc nào cũng là người quả quyết. Cô ấy hiểu rõ mình thích gì và không bao giờ tốn thời gian cho những việc vô giá trị”.

Hỏi, Tiếp nhận và Cho đi

Tự mô tả mình là một người lãnh đạo gián tiếp, Brikner luôn tập trung cho vấn đề phát triển con người và công ty. Cô thích kéo mọi người ra khỏi những “vùng an toàn” của họ, cô bắt các nhân viên phải học hỏi thêm những kỹ năng và sau đó, buộc họ xuất hiện tại các cuộc hội thảo của công ty để chia sẻ kiến thức.

Nữ giám đốc điều hành (CEO) 29 tuổi cũng cho biết cô chưa bao giờ ngại nhờ ai giúp đỡ. Luôn có những người cố vấn trong lúc cô tiến hành các nghiên cứu, các sinh viên và những doanh nhân đi trước cô vài năm, họ là những người đã sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ cô.

Cô tri ân người thầy và cũng là người cố vấn cho cô, bà Anna Rowley, một chuyên gia tư vấn tâm lý có hiểu biết rộng về các hãng công nghệ lớn, đã giúp cô dần thích nghi với vai trò tại Accion và truyền động lực cho nhóm làm việc của cô.

Cô gái khởi nghiệp: từ tên lửa đến vệ tinh 2

Brikner chia sẻ: “Tôi nhận ra là mọi người thường hết sức sẵn lòng giúp đỡ miễn là bạn tìm tới họ và thừa nhận rằng bạn cần hỗ trợ. Mọi người đều rất hào phóng với thời gian của họ”.

Bản thân cô cũng đã bắt đầu có những việc làm đền đáp lại. Tại trường trung học, cô dành vài giờ một tuần để làm công tác cố vấn. Cô cũng cung cấp dịch vụ cố vấn cho các công ty mới thành lập.

Theo chia sẻ của Brikner, bản thân cô cũng từng phải đương đầu với “chủ nghĩa phân biệt giới tính, chủ nghĩa phân biệt tuổi tác và muôn vàn thứ chủ nghĩa khác” do đó cô làm hết sức mình để xóa bỏ điều đó bằng cách đưa các bé trai và bé gái cùng tiếp xúc với khoa học từ sớm. Cô cũng chọn các nhà cố vấn và tư vấn cũng ủng hộ các giá trị của mình.

Accion không phải công ty khởi nghiệp đầu tiên của Brikner. Lúc vừa tốt nghiệp, cô đã thành lập công ty Asteria với lĩnh vực kinh doanh dựa trên công nghệ tên lửa hóa học micro, tuy nhiên sau đó nhận thấy nền tảng hoạt động của nó còn quá yếu ớt nên cô đã đóng cửa công ty này trước khi nó kịp sinh lời.

Kim Thoa | Theo Tuổi trẻ online

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button