Khởi Nghiệp | StartupKiến thức khởi nghiệp

Kiến thức khởi nghiệp: Kỹ năng nào quyết định sự thành bại của Startup?

Mặc dù sự thông minh và kiến thức là thành tố quan trọng để bắt đầu khởi nghiệp, những kĩ năng cảm xúc mới là chìa khóa mang lại sức mạnh cho startup.

Kiến thức khởi nghiệp: Kỹ năng nào quyết định sự thành bại của Startup?
Ảnh minh hoạ

Một cách khách quan, không ít nhà đầu tư trong nước và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đều thấy rằng nguồn cung doanh nhân khởi nghiệp của Việt Nam khá hiếm hoi. Những lãnh đạo startup người Việt đã gọi vốn thành công và được đánh giá cao như Abivin, Tomochain, Medlink, Tiki, Kyber Network, ELSA, Finhay… đều có nền tảng du học nước ngoài hoặc từng làm cho các công ty nước ngoài. Dĩ nhiên không ít startup tốt có người sáng lập xuất thân thuần trong nước. Mặc dù cả hai nhóm đều có điểm chung là cần nỗ lực rất lớn để mở rộng và kết nối các mối quan hệ, nhưng nhóm trong nước phải vượt qua trở ngại lớn hơn bởi “cả môi trường và nền giáo dục Việt Nam vẫn đang đặt nặng IQ hơn EQ, trong khi khởi nghiệp rất quan trọng EQ”, ông Trần Thanh Hải, Nguyên CEO Be Group, chia sẻ trong một buổi trao đổi về kinh tế nền tảng số diễn ra vào cuối tháng 2/2020.

Trí tuệ cảm xúc (EQ hoặc EI) là khả năng nhận biết, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân cũng như của những người xung quanh – đặc biệt trong các tình huống chịu nhiều áp lực. Theo chuyên gia về trí tuệ cảm xúc Francis L. Kaya, cuộc sống công nghệ hiện nay – mở rộng ra là di sản của một xã hội thực dụng và chú trọng vật chất từ thời cha mẹ chúng ta tạo ra – đã khiến nhiều người trong thế hệ Millennials (sinh sau năm 1980 đến năm 2000) quên đi sự cảm thông, lòng trắc ẩn và những cảm xúc chân thật. Nhiều sinh viên trong quá trình học tập lại thường mải mê theo đuổi việc học kiến thức, làm thêm… mà bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng xã hội và quản lý cảm xúc. Kết quả là dù có tấm bằng loại giỏi hoặc kinh nghiệm làm việc, họ vẫn có thể bị từ chối cơ hội vì không biết cách ứng xử, thích nghi hoặc kiềm chế cơn nóng giận. Trong khi đó, những cá nhân sở hữu sự nhạy cảm về cảm xúc và các mối quan hệ thường nhanh chóng thích nghi với nhiều tình huống, có khả năng lắng nghe và bình tĩnh trước những rắc rối, dễ tạo ra sự hợp tác cũng như có khả năng thúc đẩy sự hòa hợp trong một tập thể.

Trong cộng đồng khởi nghiệp và đặc biệt là giới công nghệ, lâu nay chúng ta tập trung phát triển một nền văn hóa coi trọng chuyên môn cứng. Trớ trêu thay, các kỹ năng mềm lại khó đào tạo hơn và đóng vai trò quan trọng hơn.

Tại Shark Tank mùa 3 năm ngoái, từ khóa nổi tiếng mà nhà đầu tư Nguyễn Hòa Bình – sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech – phải thốt lên “Start up Việt Nam bây giờ bị ‘ngáo giá’ hay sao ấy?” Nhiều Shark cho rằng những sai lầm mà các startup Việt mắc phải khi lần đầu khởi nghiệp là ‘ngộ nhận, lạc quan, tự tin thái quá, ít lắng nghe, thiếu kỉ luật, thiếu minh bạch…’. Các shark cũng đã lưu ý rằng, vốn hay các chiến thuật marketing có thể thúc đẩy tăng trưởng cho các công ty mới thành lập, nhưng kỹ năng và tính cách của họ mới là yếu tố chủ yếu quyết định sự thành bại của startup.

Chúng ta cũng từng chứng kiến những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đổ hàng chục triệu USD vào một nền tảng có khả năng rủi ro cao và lỗ ròng trong 2-3 năm đầu tiên. Điều gì khiến họ quyết định có vẻ “phiêu lưu” như vậy? Ngoài kì vọng về lợi nhuận trong tương lai, thì động lực còn ở ‘sự tin cậy’ mà người chủ startup đã tạo dựng đối với các nhà đầu tư. Năm ngoái, Abivin đã giành giải nhất Startup World Cup và nhận được khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD. Quỹ đầu tư Fenox Ventures đứng sau lưng giải thưởng cho biết họ đã cân nhắc giữa hai ý tưởng của Indonesia và Việt Nam. “Đội Indonesia rất tốt. Nhưng khi xem xét ý tưởng logistics của Việt Nam, dù ý tưởng không hấp dẫn bằng nước bạn, nhưng cách họ trao đổi và trình bày tự tin đã thuyết phục được hội đồng” đại diện quỹ nói. Kỹ năng cảm xúc không phải là yếu tố duy nhất giúp các cuộc thuyết trình thành công, nhưng nó đóng vai trò quan trọng khi doanh nghiệp thể hiện trước đối tác, qua đó góp phần tạo dựng lòng tin.

Bên cạnh đó, công việc kinh doanh không chỉ dựa vào việc bạn có sản phẩm tốt đến đâu. Trong khi những người làm kĩ thuật có một phạm vi rõ ràng xoay quanh sản phẩm dịch vụ và việc cải thiện những tính năng của nó, thì những người lãnh đạo (gồm cả Founder, CEO hoặc người quản lý) phải vật lộn trong một bối cảnh rộng lớn và ranh giới mở hơn là các quản trị các mối quan hệ với khách hàng. Những cuộc trò chuyện là chìa khóa để kết nối và chốt đơn hàng. Chúng chỉ thực sự hiệu quả khi ta hiểu được điểm nhìn và nhu cầu của đối phương. Khi một người thể hiện sự đồng cảm hoặc thành thật, đối tác có xu hướng sẵn sàng mở lòng chia sẻ kinh nghiệm và khi đó hai bên có thể quyết định liệu có thể tin tưởng để hợp tác kinh doanh hay không.

Một nghiên cứu của Christina Boedker, giảng viên trường kinh doanh của ĐH New South Wales (Úc) thực hiện trên 5600 người tại 77 tổ chức đã kết luận rằng khả năng đồng cảm và trắc ẩn của người lãnh đạo có tác động lớn nhất đến lợi nhuận và năng suất của tổ chức đó. Những công ty có doanh thu đứng đầu thế giới như Google, Facebook nổi tiếng là nơi làm việc đầy năng động và thấu hiểu nhân viên.

Ở cấp độ cá nhân, mặc dù các doanh nhân khởi nghiệp thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn người bình thường, nhưng bất kì quyết định nào của startup vẫn nên là những rủi ro có tính toán. Bằng việc không để cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực che mờ phán đoán của bản thân, doanh nhân có thể lùi lại một bước, nhìn vào bức tranh lớn và đưa ra quyết định hợp lý hơn. Kiểm soát cảm xúc bản thân cũng tạo ra sự lạc quan, bền bỉ, dẻo dai – những đặc điểm quan trọng để người lãnh đạo có thể điều hướng giữa một loạt thăng trầm trong vòng đời kinh doanh.

Các thành tố EQ của Goleman

Cụm từ “Trí tuệ cảm xúc (EQ)” đã được nhà báo khoa học Daniel Goleman phổ biến trong cuốn sách cùng tên năm 1995. Goleman cho rằng các năng lực cảm xúc không phải là tài năng bẩm sinh, mà có khả năng học được. Chúng cần được đào tạo liên tục, phát triển và đạt đến hiệu năng nổi trội.

Kiến thức khởi nghiệp: Kỹ năng nào quyết định sự thành bại của Startup?

Về mặt khoa học, mô hình 4 thành tố ban đầu của Goleman bị chỉ trích là tâm lý học bình dân, gây ra một loạt tranh cãi quanh việc trí tuệ cảm xúc là một kiểu “trí thông minh” hay là các “kĩ năng”, liệu các yếu tố trong mô hình là “năng lực” hay “đặc điểm” của cảm xúc. Tuy nhiên về mặt đại chúng và truyền thông, mô hình của Goleman được biết đến rộng rãi và xem như một công cụ giúp nhân sự điều hướng ở nơi làm việc. Mô hình hiện nay của Goleman là mô hình hỗn hợp gồm 5 thành tố:

Tự nhận thức (Self awareness): khả năng biết cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu, động lực, giá trị và mục tiêu của một người và nhận ra tác động của họ đối với người khác, trong khi sử dụng bản năng để dẫn dắt quyết định.

Tự điều tiết (Self Regulation): việc điều khiển cảm xúc rối loạn của bản thân và thích nghi với hoàn cảnh luôn thay đổi.

Động lực (Motivation): nhận thức được những gì thúc đẩy mỗi người.

Thấu cảm (Empathy): xem xét, cảm nhận, hiểu và phản ứng được với cảm xúc của người khác, đặc biệt khi đưa ra quyết định.

Kỹ năng xã hội (Social skills): quản lý các mối quan hệ để hòa hợp với những người xung quanh.

Nguồn khoahocphattrien.vn

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button