Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam cần rèn luyện ý thức và chính mình

“Chúng tôi chỉ nhập tôm chứ không nhập nước đá” – câu nói của một quan chức trong liên minh kinh tế Á – Âu nói với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi tiến hành ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam mà báo chí đăng mới đây khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ. Như cách ông Bùi Quang Vinh nói sau khi kể câu chuyện này trước Quốc hội: “Họ nói rất đau”.

Việt Nam sẽ tự hại mình nếu còn những DN làm ăn không tử tế với đối tác nước ngoài
Việt Nam sẽ tự hại mình nếu còn những DN làm ăn không tử tế với đối tác nước ngoài

Kể câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh nói chúng ta cần nhìn lại mình để làm ăn cho đàng hoàng, minh bạch. Bởi cơ hội hiện nay là rất lớn nhưng Việt Nam sẽ tự hại mình nếu còn những DN làm ăn không tử tế với đối tác nước ngoài.

Cơ hội mà ông Bùi Quang Vinh nói không hề xa xôi, ông cũng bày tỏ rằng khi chứng kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam với 5 nước trong liên minh kinh tế Á Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Nga, và Kyrgyzstan), khối kinh tế có GDP hơn 4.000 tỷ USD, ông đã rất tự hào. “Một mình chúng ta ký liền một lúc với 5 nước, trong đó có cường quốc như Nga. Chúng tôi ngồi nhìn rất tự hào vì thấy nước mình cũng có vị thế. Họ tha thiết đề nghị mở cửa cho Việt Nam vì đánh giá Việt Nam có vị thế kinh tế đăc biệt quan trọng ở Đông Nam Á, cho rằng nền kinh tế chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ nên họ đề nghị ký” – ông Bùi Quang Vinh nói.

Theo ông Vinh, sau hiệp định này, tất cả các hàng rào thuế quan sẽ bằng 0. Hàng dệt may từ 11- 12% sẽ bằng 0, hàng thủy sản 18% cũng bằng 0. Và họ mở cửa cho chúng ta vào. “Cơ hội là như vậy nhưng thách thức rất lớn, đòi hỏi phải làm ăn đàng hoàng, tử tế” – ông nhấn mạnh thêm một lần nữa.

Đàng hoàng và tử tế chỉ tư cách của một con người, cũng là chỉ tư cách của một DN. Tư cách ấy nó quyết định tư thế của DN Việt khi ra bên ngoài. Tuy nhiên, sự đàng hoàng, tử tế của DN cũng như nhân cách của mỗi người không thuộc về bản năng, không phải tự nhiên mà được hình thành từ nhiều nhân tố, chịu sự tác động của nhiều phương diện khác nhau, đó là sự tác động của môi trường sống trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường, môi trường sống ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi doanh nhân, DN.

Hội nhập không còn là chuyện ngày mai mà chúng ta đang đứng ở trong nó. Hội nhập đầy khốc liệt nhưng cũng là môi trường để DN Việt ý thức và rèn luyện mình để có được cung cách làm ăn đàng hoàng tử tế.

Từng làm việc và tiếp xúc với các DN hỗ trợ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… tôi hiểu lý do vì sao DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lại không được các thương hiệu lớn như Canon, Samsung, Yamaha, Toyota… tin dùng. Không phải vì họ “cục bộ”, và càng không phải DN Việt không có đủ trình độ, năng lực để làm công nghiệp hỗ trợ, thậm chí những sản phẩm chi tiết nhỏ, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ lại chính là thế mạnh của DN Việt chúng ta.

Vấn đề ở chỗ, DN phụ trợ của họ hầu hết là DN của Nhật, Hàn Quốc đều có tuổi đời từ 30 – 50 năm. Họ không chỉ có qui mô lớn mà họ còn đặc biệt coi trọng vấn đề bảo mật an ninh.

Đặc biệt với các DN Nhật, họ xây dựng thành chuỗi cung ứng, coi trọng uy tín và hết sức cẩn trọng; vấn đề an ninh kinh tế phải được tin tưởng – điều đó vô cùng quan trọng vì liên quan tới việc chuyển giao công nghệ.

Câu chuyện “nước đá và tôm” chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng là lời cảnh báo lớn đối với cách làm ăn còn chụp giật của nhiều DN Việt hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ các nước sở tại lên án, tẩy chay những DN chụp giật đó mà chính cộng đồng DN Việt Nam cũng phải tiên phong trong chuyện này để bảo vệ hình ảnh và thanh danh của giới doanh nhân cũng như nghề kinh doanh của Việt Nam.

Đỗ Mạnh Toàn
Giám đốc Cty TNHH MTV Toàn Thắng/ DDDN.com.vn

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button