Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTin mới

Doanh nhân Hiếu Songnam và con đường đưa ốc vít ra thế giới

Phạm Trung Hiếu lẳng lặng xếp bao lớn, bao bé ốc vít, ke nhựa xuất xưởng tới những thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bạn bè gọi đơn giản là Hiếu Songnam, đằng sau mái tóc cắt cua và tính cách hóm hỉnh của doanh nhân 8X là cả một quãng đường dài “dò dẫm”, để cuối cùng đến với ốc vít như một sự… chủ động nắm lấy cơ duyên.

Khởi nghiệp… từ thất bại liên tiếp

Sinh năm 1980, Hiếu vừa đi học vừa tham gia “bán dạo” kem, bàn chải đánh răng, mỹ phẩm cho một công ty của Pháp, vừa tham gia làm biên tập, quảng cáo cho một tạp chí của văn phòng Quốc hội từ khi là sinh viên năm thứ 2, khoa Quản trị Kinh doanh ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Ít tiền, không có người nâng đỡ, cậu sinh viên con nhà nghèo quê xứ Nghệ xác định rằng, mình cũng không mấy thông minh nên trước hết là phải cần cù chăm chỉ, và sẽ luôn tham vọng nhưng không tham lam.

Chàng trai trẻ đầy tham vọng quyết định lao vào thương trường, với vai nhân viên kinh doanh bán gạch ốp lát, máy bơm nước, dụng cụ cầm tay, vật liệu xây dựng. Và anh nhanh chóng tìm được đối tác để sản xuất bàn là, bàn chải đánh răng tự động mang thương hiệu H2. Thừa thắng xông lên, Hiếu kêu gọi bạn bè, đối tác góp vốn vào dự án dựng lên một hệ thống quán cà phê 8X vốn “đình đám” một thời.

Doanh nhân trẻ Phạm Trung Hiếu – người đưa ốc vít ra thị trường thế giới.
Doanh nhân trẻ Phạm Trung Hiếu – người đưa ốc vít ra thị trường thế giới.

Rất bền bỉ, rất tham vọng và đầy hứng khởi, trải qua hàng loạt dự án, nhưng thành quả cuối cùng Hiếu nhận được trong giai đoạn đó chủ yếu là… thất bại. Cái lớn nhất chàng trai trẻ nhận được là kinh nghiệm về thực tế ác liệt của thương trường. Bình tâm lại sau những thất bại, doanh nhân trẻ nghĩ rằng: trước tiên hãy làm tốt điều gì đó để kiếm tiền nuôi thân, chứ đừng huyễn hoặc mình để đi tìm danh hão.

Cơ duyên từ… ốc vít

Đã nếm khá đủ đắng cay sau chuỗi lăn lộn khởi nghiệp đầu đời, Hiếu lang thang, lân la tìm hiểu thời thế, nơi các bậc đàn anh đi trước vốn cũng từng cay đắng trên thương trường… Cơ duyên dẫn anh tìm tới lãnh đạo Tập đoàn Eurowindow trong một cuộc gặp tình cờ.

Muốn được tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp, cậu thanh niên “trẻ ranh” Phạm Trung Hiếu phải đối mặt với câu hỏi: “Chú thì làm được cái gì?”. Ở thời điểm năm 2003 khi trong tay chỉ có kinh nghiệm của thất bại, Hiếu chắc nịch: “Cái gì em làm cũng được, nếu các anh cho đơn hàng!”.

Và với Eurowindow ở thời điểm đó chính là lời “thách thức” cung cấp… ốc vít chất lượng cao, vốn đang là mảng phụ kiện còn tồn tại một số vấn đề trong sản phẩm của tập đoàn.

Chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực ốc vít nhưng “đâm lao phải theo lao”, Hiếu tận dụng vốn tiếng Anh và sục sạo trên mạng Internet tìm đối tác, kinh nghiệm từ khắp thế giới. Câu hỏi hóc búa là làm sao để có được ốc vít với chất lượng vượt trội? Lanh lợi như một công dân trẻ của thế giới phẳng, Hiếu tìm ra cách đặt hàng khuôn từ châu Âu và chuyển khuôn sang thuê gia công sản phẩm tại nước thứ 3, theo các tiêu chuẩn được anh nghiên cứu. Với tất cả chi phí là 13 triệu đồng để cuối cùng anh có 3 kg ốc vít chất lượng cao làm mẫu trong tay, và tự tin chuyển tới tới chào hàng Eurowindow.

Trả hàng được lời thách đố, nhưng không chờ đợi nhiều, Hiếu lại loay hoay đi tìm công việc bán hàng khác để mưu sinh. Cho tới một chiều cuối năm… Hiếu đột ngột nhận được thư mời hợp tác cung cấp sản phẩm chính thức từ Eurowindow. Đó là cơ duyên, bước ngoặt lớn được hình thành từ sự tự tin và kinh nghiệm của Hiếu sau chuỗi ngày vất vả. Cuộc chơi ốc vít bắt đầu đầy hứng khởi…

Sản phẩm ke chống bão của Song Nam (dãy hàng dọc bên phải) và một số hàng nhái kiểu (bên trái) xuất hiện trên thị trường.
Sản phẩm ke chống bão của Song Nam (dãy hàng dọc bên phải) và một số hàng nhái kiểu (bên trái) xuất hiện trên thị trường.

Chỉ trong vài năm, từ 3 kg ốc vít chào hàng ban đầu, nay Hiếu đã đầu tư xây dựng được 2 nhà xưởng với hàng chục bộ thiết bị máy móc tự động hiện đại, sản xuất ra gần 400 sản phẩm linh phụ kiện từ nhựa, thép cung ứng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Là doanh nhân thế hệ mới, Hiếu duy trì quan điểm “Chỉ sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, phải để người Việt Nam tự hào về hàng hóa thương hiệu Việt…”.Công ty Songnam non trẻ ra đời bằng lãi đơn hàng trước bù cho nâng cấp, đầu tư máy móc sản xuất sản phẩm cho đơn hàng sau. Anh tìm hiểu thị trường nước ngoài, nhanh chóng đa dạng hoá mẫu mã, chủng loại sản phẩm, rồi tung lên Internet và nhanh chóng tìm được thêm nhiều khách hàng. Cứ như vậy, sản lượng, chủng loại ốc vít của Songnam trong tay Hiếu lớn nhanh như thổi.

Từ các các loại ốc vít, bulong, tắc kê nở nhựa, long đen, đệm, zoăng …. đến nay, Songnam đã cung ứng các khách hàng lớn tại Việt Nam như Panasonic, LG, Toto, Inax, Eurowindow, Austdoor…. và xuất khẩu đi 6 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Đức…

Nếu như ngày đầu có đến 80% sản phẩm của Hiếu là cung cấp cho Tập đoàn Eurowindow, thì đến nay cũng số lượng đó chỉ còn chiếm 1% trong tổng số hàng xuất ra của Songnam. Một số loại vít cùng ke nở chất lượng cao chuyên dùng cho tường bê tông lắp cánh cửa, hay vít nhỏ chống rung lắc của Songnam đã không có đối thủ trên thị trường. Thậm chí Hiếu đã làm được điều dường như không tưởng, đó là giành chiến thắng khi “bơi” ngược dòng xuất khẩu được ốc vít sang thị trường khổng lồ Trung Quốc.

“Songnam tức là dòng ‘Sông Nam’ của người Việt. Tôi muốn doanh nghiệp của mình, sản phẩm của mình sẽ dù có cứng về lý học hay ‘trơ’ về hóa học, nhưng nó như dòng sông mang mơ ước về tố chất của một nước Việt Nam thời đại mới: Tốt và Đẹp… “Do it once, do it right”, đó cũng là khẩu hiệu mà tôi muốn chuyển tới cho khách hàng”, Hiếu tâm sự như thế khi cắt nghĩa về thương hiệu của mình.

Nhưng bí quyết kinh doanh gì khiến Songnam tìm được nhiều khách hàng như thế từ khắp thế giới?. “Vẫn là Internet, tôi tìm tới khách hàng và khách hàng tìm tới tôi chủ yếu vẫn thông qua Internet. Tối giản chi phí, thời gian, mà hiệu quả cao. Từ trước tới nay vẫn đơn giản vậy thôi…” ông chủ trẻ tiết lộ.

Trên tuyến đầu trước “bão hàng nhái”

Là người dân nước nhiệt đới gió mùa gặp nhiều mưa bão, chỉ một lần quan sát những chiếc đinh vít bắt mái tôn thường bị hoen gỉ, kém chắc trong mùa mưa, Hiếu tự tay sáng tạo ra chiếc ke bắt vít mái tôn bằng nhựa kỹ thuật kháng thời tiết, có gioăng cao su chống dột, có nắp đậy tránh mưa gió, chống móp méo mái tôn và đặc biệt đơn giản trong thi công. Thử nghiệm ở Phòng thí nghiệm gió – Viện Khoa Học Vật liệu xây dựng, mái tôn lắp ke chống bão của Songnam chịu được sức gió cấp 17 vẫn vững chãi, trong khi bắt bằng các loại vít thường thì chỉ gió cấp 8–12 là bay.

Loạt sản phẩm ke nhựa chống bão của Songnam nhanh chóng được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng cũng rất nhanh sau đó, ông chủ Songnam phải đối mặt với một trận bão khác với cấp độ cũng không kém phần ghê gớm – hàng giả, hàng nhái!

Thị trường hiện đã xuất hiện hàng loạt sản phẩm nhái kiểu dáng của Songnam với nhựa kém chất lượng, không đạt đủ điều kiện kỹ thuật, nguồn gốc không rõ ràng nhưng nhiều khi bán đắt hơn cả sản phẩm chính hãng.

“Chỉ một sản phẩm ke chống bão, tôi rất buồn khi thấy người tiêu dùng bị thiệt thòi khi mua phải hàng nhái chất lượng thấp, mà nhiều khi vẫn tưởng là sản phẩm của Songnam. Nhưng tôi vẫn tin bằng cái tâm của mình sẽ làm ra được những sản phẩm thiết thực với cuộc sống và người tiêu dùng sẽ dần nhận ra đâu là sản phẩm chất lượng thực sự…”.

Luôn mày mò học hỏi và cầu tiến, Hiếu Songnam chưa dừng bước. “Sẽ không chỉ là gần 400 loại ốc vít”, doanh nhân trẻ khẳng định sẽ tiếp tục vươn lên bằng đầu tư sâu vào công nghệ sản xuất, sáng tạo, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Theo Linh Nhi / Nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button