Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểm

Giám đốc Veritas: Thích làm thứ chưa ai làm

Một người bạn từ Canada về Việt Nam nhờ tìm giúp thương hiệu giày Veritas, cứ ngỡ đây là “hàng hiệu” nước ngoài nhưng thật bất ngờ, chủ nhân thương hiệu này lại là một thanh niên người Việt thuộc thế hệ 7X. 

Giám đốc Veritas: Thích làm thứ chưa ai làm 1

Sự khác biệt của Veritas là sản phẩm được thiết kế theo sở thích và ni chân của từng khách hàng chứ không sản xuất hàng loạt.

Học xong MBA tại Canada, Lê Thanh được nhận vào làm ở một tập đoàn lớn với mức lương cao, có thẻ xanh và cuộc sống ổn định. Nhưng với bản tính năng động, thích khám phá những công việc ít ai làm, Lê Thanh quyết định trở về Việt Nam, mở Công ty Veritas.

Thanh đến với nghề khá tình cờ khi gặp Thái Nguyễn – một thợ đóng giày chuyên nghiệp là Việt kiều ở Calgary (Canada) đang muốn chuyển hướng sang làm giày Bespoke (giày đóng riêng cho khách hàng) mà ở đây chưa có ai làm. Tuy nhiên, cái khó là làm sao tìm được “bàn chân 3D”.

Thấy ý tưởng của Thái Nguyễn cũng là sở thích của mình, Thanh tìm tòi và phát hiện ra một trường đại học ở Canada đang thử nghiệm máy scan 3D cho y khoa. Ý tưởng kết hợp mẫu giày y khoa thô kệch nhưng tốt cho sức khỏe vào vẻ đẹp thời trang của các mẫu giày thời thượng như Oxfords, Derbys, Buckles hay Boots… đã tạo niềm tin cũng như động lực để Thanh quyết định mua máy về làm thử.

Tìm được máy, tưởng chừng nắm chắc 80% thành công nhưng hóa ra không dễ, vì còn phải chuyển đổi từ bàn chân 3D sang cá nhân hóa từng bàn chân của khách hàng, kết hợp các thông số kỹ thuật để cho ra công thức riêng…

“Trải qua rất nhiều công đoạn nhỏ và mỗi công đoạn là một bài học phải trả rất nhiều phí, công sức, thời gian. Sản phẩm đầu tiên ra đời, mừng nhưng chưa thỏa mãn vì mới chỉ đáp ứng được tiêu chí về y khoa, vừa vặn, đi êm chân chứ chưa đẹp và thời trang”, Thanh chia sẻ. Lại mất thêm nhiều thời gian nghiên cứu, cuối cùng thành công cũng đến khi Veritas được thị trường và người dùng tại Canada nhanh chóng đón nhận với lượng khách đặt hàng ngày càng đông.

Tiếp tục đưa Veritas về Việt Nam để “làm cái việc chưa ai làm” và chinh phục khách hàng Việt, Thanh đặt ra kế hoạch đến năm 2018 phải tiến tới công nghệ cao hơn, đó là dùng điện thoại scan chân để đo ni chứ không dùng máy scan 3D nữa. Nhờ công nghệ phát triển quá nhanh, Thanh đã rút ngắn được thời gian một năm so với kế hoạch. Anh nói: “Kinh doanh cái mới và khác biệt sẽ có rủi ro và nhiều cái khó, song đó cũng là cơ hội”.

Hỏi Thanh có mạo hiểm không khi bán hết tài sản ở Canada để dồn vào Veritas tại Việt Nam, Thanh cho biết: “Tôi nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam vì đây là nơi gia công giày cho rất nhiều thương hiệu quốc tế, lại tiếp cận công nghệ thông tin nhanh”. Với giá một đôi giày trung bình khoảng từ 10 triệu đồng, một tháng Veritas nhận đặt hàng từ 50 – 60 đôi nên ngay từ tháng thứ hai kinh doanh, Thanh đã có lãi và sau 2 năm kinh doanh tại Việt Nam, Thanh đã đủ tự tin viết tiếp giấc mơ mang Veritas ra thế giới sánh với các thương hiệu có uy tín.

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa 2 đôi giày giá 1.000 USD và 100 USD? Câu trả lời của Veritas là đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, chất lượng cao và đảm bảo sức khỏe.

Thanh giải thích: “Sau khi có được thông số chính xác của bàn chân, chuyển đổi kiểu dáng giày theo ý khách hàng, Veritas sẽ làm khuôn mẫu và đẽo gọt cho đến khi phù hợp. Đây là công đoạn rất khó, nhất là để đảm bảo sức khỏe thì đôi giày phải vừa vặn với chân, trọng lượng được phân bố hợp lý để giảm bớt áp lực “gồng gánh” cơ thể cho đôi chân”.

Chia sẻ lý do chỉ tập trung cho giày nam trong khi nhiều khách hàng nữ cũng có nhu cầu, Thanh nói: “Tôi muốn tập trung làm một thương hiệu đặc trưng cho nam giới với phong cách rất riêng chứ không phải là thương hiệu thập cẩm nên không làm giày nữ, bóp, dây nịt… Trong kinh doanh, chỉ cần chuyên tâm với một lĩnh vực mình có thế mạnh sẽ có lợi thế cạnh tranh”.

Khi được hỏi: “Giả sử có một quỹ đầu tư muốn hợp tác với Veritas, Thanh có sẵn sàng?”, Thanh trả lời là “Có”, tuy nhiên, kinh nghiệm nhận rót vốn của Thanh là phải nắm quyền kiểm soát và thận trọng với tăng trưởng. “Nếu để nhận 5 triệu USD nhưng chỉ có 5% quyền kiểm soát thì tôi sẽ chọn 2 triệu USD để có 80% quyền kiểm soát. Đây chính là bài học tôi rút ra từ những thất bại của các bạn trẻ khởi nghiệp”, Thanh nói.

Chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới, Thanh cho biết sẽ tiếp tục tiến ra thị trường Hà Nội và tạo đà bước ra sân chơi thế giới. Thế nhưng, điều khiến Thanh trăn trở nhất là việc bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện vẫn chưa tốt, nhiều nơi sao chép sản phẩm của Veritas làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Thậm chí người dùng có biết cũng không quan tâm, trong khi ở nước ngoài, khách hàng chỉ cần biết là sản phẩm “nhái” thì sẽ tẩy chay, không mua. Đó cũng là cách họ bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Vậy nên, cần có môi trường kinh doanh lành mạnh cả về pháp luật lẫn ý thức để người kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Ý NHI/ DNSG Online

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button