Thương mạiKinh doanh

Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Những người sinh năm 1998 và 2010 thuộc thế hệ Z. Thống kê ước tính sẽ chiếm 1/5 lực lượng lao động trong nước tương đương với khoảng 15 triệu người vào năm 2025; theo báo cáo “Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai” mới được giới thiệu của Nielsen, một công ty thông tin và nghiên cứu toàn cầu.

Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai
Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai – Ảnh minh họa, nguồn kenh14.vn

Báo cáo này của Nielssen cũng khai phá các khía cạnh quan trọng của thế hệ này như thông tin nhân khẩu học và phân tích sức ảnh hưởng của họ khi mua sản phẩm ngành hàng tiêu dùng nhanh, về phong cách sống và công nghệ là những điểm cần thiết để tiếp cận thế hệ này.

Mặc dù thế hệ Z vẫn còn trẻ, nhưng sức ảnh hưởng của họ rất đáng chú ý. 70% đáp viên thế hệ Z trong khảo sát cho biết họ có ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của gia đình khi mua các sản phẩm sử dụng trong nhà, thực phẩm và thức uống.

Theo như số liệu đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam, nhóm thực phẩm ngẫu hứng và thức uống, hai trong số các nhóm sản phẩm chịu tác động bởi sự tham gia mua hàng thế hệ Z, có tổng thị phần trị giá 6,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017.

Không chỉ giới hạn ở các loại sản phẩm trên, thế hệ trẻ này nói rằng họ là người ra quyết định cho các hoạt động giải trí bên ngoài, ăn tối và các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và đồng hồ thông minh. Với các số liệu trên cho thấy thế hệ Z đang mang lại ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nói chung và một vài ngành hàng nói riêng.

Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai

“Không thể phủ nhận rằng trẻ em có sức ảnh hưởng lớn đến trong việc ra quyết định mua hàng của người lớn. Các bạn trẻ ngày này có thể quan sát, yêu cầu và lựa chọn hàng hóa với sự cho phép trong khi đi mua sắm cùng với người lớn, cũng như khi mua hàng một mình tại các cửa hàng. Sự gia tăng các hộ gia đình có thu nhập kép ở Việt Nam đã tiếp tục trao quyền cho những bạn trẻ, để họ có thể tham gia sâu sắc hơn vào việc mua sắm của gia đình từ khi còn nhỏ” theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam cho biết.

“Khi sức mua của những người trẻ tuổi này tiếp tục tăng lên, thì các nhà tiếp thịquảng cáo nên quan tâm nhiều hơn đến việc đưa ra các phương pháp hiệu quả để tiếp cận những người tiêu dùng trong tương lai này.”

Một số điểm nổi bật chính từ báo cáo bao gồm:

Mạng xã hội đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, nhưng phương tiện truyền thông truyền thống cũng không kém phần quan trọng

Giống như Millennials, thế hệ này dành một lượng thời gian đáng kể trên các trang mạng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và YouTube. Và tương tác đa kênh dường như quan trọng hơn với thế hệ này.

99% đáp viên thế hệ Z có tài khoản trên Facebook, 77% đáp viên có tài khoản Zalo và 64% có tài khoản YouTube.

Thế nhưng, khi hỏi về việc xem chương trình truyền hình trên tivi thì 90% đáp viên có trả lời họ xem ti vi hằng ngày trong vòng 1 tháng qua.

Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai

Cuộc sống thế giới ảo và thực đều quan trọng với thế hệ Z

Thế hệ Z chưa bao giờ biết đến một thế giới mà không có sự tồn tại của internet hoặc điện thoại di động. Vì họ được lớn lên trong thời đại công nghệ thông tin, những thứ mà họ không thể sống thiếu được cho là điện thoại di động (45%) và Internet (21%).

Khi các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ, họ sử dụng các công cụ này cho các mục đích khác nhau như kết nối với bạn bè và gia đình (93%) và cập nhật những gì đang xảy ra xung quanh (73%). Đáng chú ý hơn, họ còn sử dụng các kênh truyền thông xã hội để thể hiện ý kiến ​​và niềm tin của mình (55%) và thể hiện các hoạt động hàng ngày (42%).

Tuy nhiên, các hoạt động giải trí bao gồm đi uống trà sữa hoặc gặp bạn bè tại các quán cà phê, đi xem phim, đi siêu thị, tụ tập tại cửa hàng tiện lợi hoặc ghé thăm nhà bạn bè cũng là những hoạt động tiêu biểu mà họ yêu thích.

Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai

Bà Quỳnh nhấn mạnh “Các đặc điểm đã nêu cho thấy rằng thế hệ Z đang tiếp cận và tương tác với các thương hiệu ở rất nhiều kênh. Do vậy, khi muốn tiếp cận thế hệ này, chiến lược tiếp cận đa kênh là chiến lược thích hợp nhất. Các thương hiệu đừng quá chú trọng vào kênh trực truyến mà bỏ quên kênh truyền thông truyền thống hay các cửa hàng vật lý. Việc nhận đúng thông điệp thông qua những nền tảng phù hợp vào đúng thời điểm là điều quan trọng nhất để làm cho thế hệ Z chú ý đến thương hiệu nào đó”.

Thế hệ Z ít trung thành với một thương hiệu cụ thể và sẵn sàng thay đổi để có những trải nghiệm mới

Gần bốn trong số mười người được hỏi phản hồi rằng họ rất sẵn lòng để tiếp nhận hoặc thử các thương hiệu mới nếu họ cảm thấy thương hiệu đó thú vị mặc dù họ đã có một số thương hiệu yêu thích và thường xuyên sử dụng. Và chỉ có khoảng 16% trong số này rất cẩn thận lựa chọn thương hiệu nào đó trước khi mua và không có xu hướng thay đổi.

“Mong muốn thử hoặc được trải nghiệm những điều mới mẻ là điểm nổi bật ở thế hệ Z. Và đây cũng được xem là cơ hội tốt để các thương hiệu thu hút sự chú ý của họ đối với các sản phẩm mới ra mắt. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận những người tiêu dùng tương lai một cách hiệu quả đòi hỏi nỗ lực lớn hơn và hiểu biết nhóm người tiêu dùng này sâu sắc hơn”, bà Nguyễn Hương Quỳnh giải thích.

Hành vi Thế hệ Z – Thế hệ người tiêu dùng tương lai

Theo BrandVietnam

THẾ HỆ Z – thế hệ có nhiều thay đổi nhất mà chúng ta từng biết

Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào? 1

Khi nói đến Thế hệ X (những người sinh năm 1961 – 1981), người ta nghĩ đến sự tiết kiệm và giản dị. Nói đến Thế hệ Y (những người sinh năm 1981 – 1996), những từ thường được dùng là: tự tin, giỏi công nghệ.

Mỗi thế hệ – thường được chia theo từng “block thời gian” khoảng 15 năm, và mỗi thế hệ lại được tóm gọn thành một số đặc điểm tính cách nhất định. Và bây giờ, chúng ta đang đứng ở một thời điểm vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển giao tới thế hệ Z. Đây là thời điểm mà chúng ta bắt đầu nhìn ra những đặc điểm nổi bật của người trẻ thế hệ này và có sự so sánh tới chính bản thân mình.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Hầu hết các thành viên của Thế hệ Z vẫn còn đang đi học (trung học, thậm chí là… tiểu học), nên có lẽ còn hơi sớm để kết luận. Mà cũng vì vậy, nên cho đến giờ, phong cách ăn mặc của đa số nhóm này vẫn hướng về kiểu teenage giản dị: Quần jeans và giày thể thao. Nhiều nhà nghiên cứu lại coi cái kiểu “không thành phong cách” này là một phong cách: Là bản năng tự tách mình ra khỏi mọi trào lưu – của cả một thế hệ.”

Nhưng không hẳn vậy: Trong một bản điều tra có tên là “Hãy gặp những Centennial” (một cái tên khác của Thế hệ Z), thì số bạn trẻ (tuổi 12 đến 17) nói rằng mình “rất quan tâm đến việc quần áo có hợp thời trang hay không” lại ít hơn hẳn số người quan tâm đến thời trang của Thế hệ Y khi được điều tra vào 7 – 8 năm trước. Vậy nên các nhà nghiên cứu lại nhận xét, rằng Thế hệ Z thích thể hiện phong cách của riêng mình hơn là bắt chước bất kỳ một kiểu cách nào; rằng Thế hệ Z có một đặc tính mạnh mẽ là “you do you” (bạn tự làm/ tự tạo cho mình)”. Họ thích là những ng ười tạo ra xu hướng, chứ không thích chạy theo xu hướng mới.

Có phải thế chăng?

Mà dù phải hay không, đó cũng chỉ là phần tìm hiểu về ngoại hình của Thế hệ Z thôi! Trong khi, thế hệ mới này (mà người ta cho rằng bao gồm cả những em bé đang chập chững) còn có nhiều đặc điểm quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Cũng thật đáng để nói đến, bởi chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi, họ sẽ là thế hệ phát triển nhanh nhất cả trên thị trường mua sắm cũng như thị trường lao động toàn thế giới.

THẾ HỆ Z CŨNG LÀ THẾ HỆ I (IGEN)

Trong khi Thế hệ Y được coi là Thế hệ Kỹ thuật số, thì Thế hệ Z giờ được gọi là những công dân đám mây. Thế giới của họ là “iEverything” (lưu ý chữ i viết thường), bởi những người sinh từ khoảng năm 1996 đến năm 2000 thì khả năng lớn là trong tay họ có chiếc iPhone/ iPad từ khi… vài tháng tuổi.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Một điểm khác biệt chủ yếu với các thế hệ trước, đó là hầu hết các thành viên của Thế hệ Z không nhớ (và không tưởng tượng ra) cuộc sống trước khi có… mạng xã hội. Kết quả là, phần lớn cuộc sống của họ – từ việc trao đổi với gia đình, tương tác với bạn bè, cho đến việc mua sắm, học hành – đều được thực hiện online, chủ yếu là trên chiếc smartphone chứ không phải máy tính bàn hay laptop nữa.

Thế hệ Z cũng được học hỏi nhiều hơn hẳn những thế hệ trước. Không chỉ được bố mẹ tạo điều kiện cho việc học hành, mà họ còn thông thạo việc tìm hiểu trên mạng với những nguồn vô tận như YouTube và Pinterest. Ở đó, họ học từ việc nướng bánh đến lập trình. Việc này có thể có rất nhiều tác động đến mọi điều, từ các mối quan hệ, đến cách họ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, vì tự tìm hiểu mọi thứ trên mạng, nên tuy còn hơi sớm, nhưng đã có thể nhận xét là Thế hệ Z ngày càng giỏi trong việc tự nhận thức (về bản thân), tự lực, độc lập, thích đổi mới và hướng mục tiêu.

Là thế hệ lớn lên giữa các mạng xã hội nên Thế hệ Z cũng được coi là có khả năng tập trung cao độ kém hơn, mặc dù xử lý thông tin nhanh hơn các thế hệ trước. Facebook không còn chiếm vị trí số 1 trong các mạng xã hội ưa thích của Thế hệ Z nữa. Thực tế, một số cuộc điều tra cho thấy khoảng 1/5 số bạn trẻ “đời đầu” của Thế hệ Z không thích và không dùng Facebook. Họ thích những mạng xã hội bớt “loãng” hơn, như Snapchat hay Instagram.

THẾ HỆ Z LÀ MỘT THẾ HỆ THỰC TẾ & THÍCH… KIẾM TIỀN

Vì phần lớn Thế hệ Z chưa bước chân vào môi trường lao động, nên chúng ta sẽ phải chờ xem những đặc điểm của họ thể hiện ra thế nào khi họ trở thành những nhân viên, những người tiêu dùng, những nhà đầu tư… Tuy nhiên, Thế hệ Z có vẻ thực tế, thậm chí là thực dụng, hơn hẳn Thế hệ Y.

Điều này nghe có vẻ hơi lạ đời, vì thực tế, Thế hệ Y quan tâm đến giá cả, đến những đợt giảm giá và những coupon hơn Thế hệ Z – phần nào vì Thế hệ Y lớn lên trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Nhưng Thế hệ Z thực dụng hơn là ở chỗ họ đề cao và tìm cách tiết kiệm thời gian nhiều hơn.

Vì lớn lên cùng các thiết bị điện tử, nên Thế hệ Z có thể vừa tạo một văn bản trên máy laptop, vừa nghiên cứu thông tin trên máy tính bảng, vừa ghi chú vào một ứng dụng. Thậm chí, họ có thể làm những việc này trong khi ngồi trước màn hình TV và vẫn đang nói chuyện FaceTime với bạn bè.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Bạn hình dung ra rồi đấy: Họ là một thế hệ đa nhiệm (thậm chí là đa-đa-nhiệm). Để làm được điều này, họ phải dẹp bớt những việc gây mất thời gian, để ưu tiên, chú tâm vào những việc xứng đáng hơn. Họ dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm cách kiếm tiền từ sớm, chủ yếu bằng những cách cũng liên quan đến Internet như kinh doanh online, lập trình game, review sản phẩm bằng video… – một đặc điểm vốn đã được dự đoán do họ thích tự lập và thích môi trường làm việc độc lập (hơn là làm việc theo nhóm). Tính thực tế của Thế hệ Z cũng được thể hiện qua việc họ chăm chỉ và biết nghĩ đến tương lai – thế nên mới có nhiều hứng thú với việc kiếm tiền).

Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Trong khi Thế hệ Y bị phê bình về sự thiếu tập trung, thì Thế hệ Z thường kiên quyết và thích lập kế hoạch trước. Họ không thích mơ mộng viển vông. “Tôi cần một công việc kiếm ra tiền, nếu không thì đi học đại học chỉ là lãng phí” – Marcus, 17 tuổi, nói – “Tôi muốn có một sự nghiệp ổn định”.

Thế hệ Z có xu hướng nhắm tới những ngành nghề có thu nhập tốt như giáo dục, y tế, kinh doanh. Đối với họ, kiếm tiền chính là một cách để không phải dựa vào bất kỳ ai khác.

THẾ HỆ Z LÀ THẾ HỆ TOÀN CẦU HƠN NHƯNG THÍCH RIÊNG TƯ HƠN

Thế hệ Y được coi là thế hệ “toàn cầu” đầu tiên với sự phát triển của mạng Internet. Nhưng khi thế giới chuyển sang online ngày càng nhiều, thì Thế hệ Z sẽ còn trở nên toàn cầu trong cả tư duy và tương tác. Các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới có sự tương đồng sẽ tập hợp thành các nhóm trên mạng, và nhiều người sẽ còn có nhiều bạn ở nước ngoài hơn là ở trong nước! Tính toàn cầu này lại dẫn tới việc Thế hệ Z là một thế hệ rất đa dạng.

Nghe những điều này, bạn có thể cảm thấy Thế hệ Z khá giống với Thế hệ Y. Nhưng có một điểm khác biệt lớn, đó là quan điểm của hai thế hệ này về con người online của mình, bắt đầu từ tính riêng tư.

Thế hệ Y có đặc trưng là những bức ảnh selfie trên Facebook, trong khi đó, Thế hệ Z thích những mạng xã hội sinh sau Facebook, không đòi hỏi nhiều thông tin cá nhân, như Secret hoặc Whisper, hoặc Snapchat. Họ thậm chí cho rằng Thế hệ Y đã “sai lầm” khi đăng quá nhiều thông tin và hình ảnh cá nhân lên mạng.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Tính toàn cầu cũng khiến suy nghĩ của Thế hệ Z rộng mở hơn. Ví dụ, hôn nhân đồng tính không còn là vấn đề “gây tranh cãi” nữa, mà là chuyện bình thường. Càng ngày, họ càng ít phân biệt màu da. Một vị Tổng Thống Mỹ người da màu cũng không còn là “bước ngoặt lịch sử”, mà chỉ là một thực tế của cuộc sống. Những nhận thức này đều thoáng hơn hẳn những thế hệ trước đây, và cho thấy quan điểm “chấp nhận sự đa dạng” của Thế hệ Z.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Gộp hết mọi thứ lại – tính riêng tư, sự thận trọng, tính toán đến sự nghiệp tương lai – và bạn sẽ thấy Thế hệ Z bắt đầu giống với Thế hệ X nhiều hơn là Thế hệ Y. Và điểm đáng được đề cập đến ở đây là Thế hệ Z sẽ không chỉ là thế hệ quan tâm đến sự nghiệp nhiều nhất trong lịch sử, mà với những điều kiện sẵn có nhiều hơn Thế hệ X, thì iGen có khả năng sẽ còn là thế hệ giàu có nhất.

THẾ HỆ Z – THẾ HỆ MUỐN THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Đúng vậy, Thế hệ Z là những người muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới nhiều nhất từ trước đến nay. Ngoài công việc có thu nhập tốt, thì một bộ phận rất lớn những thành viên của iGen cho biết họ thích lựa chọn công việc tạo nên tác động tích cực đến thế giới/ xã hội theo cách nào đó. Ngày càng nhiều người thuộc Thế hệ Z tham gia công việc tình nguyện, và phần lớn iGen quan tâm đến môi trường, thích tìm hiểu về sản phẩm hữu cơ, sẵn sàng giúp đỡ người khác…

Một điều quan trọng nữa, đó là hầu hết Thế hệ Z hiện nay là những người dưới 20 tuổi, tức là, những khoảnh khắc bùng nổ của họ vẫn đang, hoặc thậm chí là chưa diễn ra. Trong khi đó, những tấm gương trước mắt họ là những tỷ phú tuổi hơn 20 đến 30 ngày càng nhiều.

Được nuôi dạy khác hẳn với Thế hệ Y, lại nắm trong tay công cụ hoạt động và sáng tạo rất hiệu quả là chiếc smartphone, lại sống trong các mạng xã hội với tính tương tác cao, cho nên, Thế hệ Z được kỳ vọng sẽ có những thành công rất lớn trong kinh doanh và sáng tạo, phát minh. Họ buộc thế giới phải chú ý đến họ, phải quan tâm đến những gì họ thích, thậm chí là những gì liên quan đến họ thì phải trung thành với họ, chứ không phải là họ chạy theo bất kỳ ai.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Ngoài ra, đối với những người không chỉ sử dụng công nghệ mà đan kết công nghệ vào cuộc sống hàng ngày như Thế hệ Z, thì không có gì gọi là ranh giới. Họ mặc những gì họ thích, để kiểu tóc mà họ thích, không cần theo bất kỳ quy chuẩn nào. Như Hollie Williamson, bạn teen người Anh với blog nổi tiếng “Ditzy and Whimzy”, nói về phong cách ăn mặc cũ kỹ và phối đồ chẳng cần cân nhắc: “Sự xấu xí cũng có thể là một xu hướng”. Sự phá vỡ những quy chuẩn cũ này tạo ra sự thoải mái cho cả một thế hệ, giúp họ dành nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng khác (những ý tưởng kinh doanh chẳng hạn). Về việc này, bạn hãy nghĩ đến lý do mà Steve Jobs và Mark Zuckerberg lúc nào cũng mặc cùng một kiểu quần áo – đó là để họ đỡ mất thì giờ cân nhắc xem hôm nay nên mặc gì.

Thế hệ Z là một thế hệ nhiều khác biệt, và họ sẽ không làm những gì những thế hệ khác muốn, mà họ sẽ làm những gì họ cho là đúng.

Về mặt này, họ không chỉ là nhóm người sẽ tạo nên nhiều thay đổi lớn, mà họ còn cần có được sự thông cảm và thấu hiểu của những người đi trước nữa. Giống như tác giả Logan Pearsall Smith đã nói gần 100 năm trước: “Đừng cười một người trẻ vì sự thiếu tự nhiên hoặc kiểu cách của họ; họ chỉ đang cố thử từ khuôn mặt này sang khuôn mặt khác để tìm ra khuôn mặt của riêng mình”.
Thế hệ Z là gì? Hành vi của thế hệ người tiêu dùng tương lai thế nào?

Nguồn kênh 14.vn

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button