Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Hong Kong miền đất hứa cho fintech

Thời gian qua, chính phủ cũng như các tổ chức kinh tế và giới doanh nhân Hong Kong đang chung sức biến xứ Cảng Thơm trở thành miền đất hứa cho các startup tài chính công nghệ (fintech). 

Hong Kong miền đất hứa cho fintech 1

Với sự hậu thuẫn của chính quyền, các tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính nói chung và doanh nhân công nghệ Hong Kong nói riêng đang tiến hành rót vốn đầu tư một cách đáng kể vào nơi đây cũng như triển khai nhiều bước đi táo bạo nhằm thiết lập chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực fintech.

Tăng cường kết nối ngoài

Fintech đã và đang cách mạng hóa hoạt động kinh doanh của nhà băng cũng như làm thay đổi mối quan hệ giữa các tổ chức tài chính với khách hàng. Tại Hong Kong, chính phủ nhấn mạnh việc xem fintech như một đích ngắm quan trọng và sẽ gắng sức thúc đẩy sự phát triển của nó để góp phần biến Hương Cảng trở thành một trung tâm huyết mạch dành cho fintech.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, các chuyên gia tại Hong Kong đã khởi xướng nhiều sáng kiến nổi bật để nuôi dưỡng fintech và một trong số đó là “Fintech Supervisory Sandbox” (Không gian Giám sát Fintech) của Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA). Chương trình này cho phép các ngân hàng cùng đối tác – những công ty tài chính công nghệ, bao gồm cả startup, được tham gia vào phát triển cũng như thử nghiệm nhiều sản phẩm, mô hình và công nghệ mới. Gần đây, HKMA cũng đã công bố kế hoạch nâng cấp dự án của mình với việc sẽ triển khai thêm nhiều tính năng mới.

Bên cạnh đó là sự ra đời của những sáng kiến tương tự đến từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch và Cơ quan Bảo hiểm nhằm dọn đường cho sự đổi mới trong thị trường tài chính. Ngoài ra, HKMA cũng đã tiến hành hợp tác với Viện Khoa học Ứng dụng và Nghiên cứu Công nghệ Hong Kong để xây dựng nên một “Trung tâm Cải tiến Tài chính công nghệ” cũng như đề xướng kế hoạch ươm mầm tài năng mang tên “Chương trình khởi động nghề fintech”.

Thêm vào đó, chính quyền Hong Kong và những nhà quản lý kinh tế nơi đây cũng đang bận rộn thiết lập quan hệ hợp tác cùng với các trung tâm fintech khác trên toàn cầu. Tháng 9 qua, Hong Kong và Vương quốc Anh đã ký hiệp định “Fintech Bridge”, trong đó khẳng định việc hợp tác giữa 2 khu vực trên phương diện G2G (chính phủ với chính phủ), R2R (nhà điều phối với nhà điều phối) và I2I (nền công nghiệp với nền công nghiệp). Thỏa thuận này sẽ mang lại khuôn khổ vững chắc cho doanh nghiệp hai bên trong việc sử dụng các phương tiện cũng như những sự hỗ trợ có sẵn để tìm kiếm nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong điều kiện pháp lý cho phép.

Ngoài hợp tác với Vương quốc Anh, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hong Kong còn tiến hành ký thỏa thuận chung với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai và Ủy ban Chứng khoán Malaysia. Những hiệp định trên sẽ góp phần nâng cao sự hợp tác trong trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên liên quan.

Đẩy mạnh hỗ trợ trong

InvestHK, một tổ chức của chính phủ thúc đẩy đầu tư trong nước và giúp các công ty nước ngoài và Đại lục đã thành lập tại Hong Kong, đang điều hành một đội fintech chuyên nghiệp, với nhiệm vụ khuyến khích các công ty nước ngoài tập trung vào fintech để thành lập trụ sở hoặc mở rộng tại xứ Cảng Thơm. Họ tin rằng cách làm này sẽ tạo ra “hiệu ứng tuyết lăn”, nói đơn giản thì có nghĩa là việc nhỏ nhưng liên tục sẽ tạo ra kết quả lớn.

Charles dHaussy – người đứng đầu InvestHK, cho biết: “Người tài sẽ hấp dẫn người tài và đầu tư sẽ kéo theo đầu tư. Nguồn nhân lực sâu rộng của Hong Kong và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nó sẽ đóng vai trò quan trọng khi nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho fintech. Đối với tài chính công nghệ, việc lôi cuốn nguồn nhân lực quốc tế là vô cùng cần thiết cho quá trình chuyển giao và chia sẻ kiến thức. Cho nên, chúng tôi không chỉ hướng đến việc kéo và giữ chân nhà đầu tư mà còn hướng đến hiền tài từ khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, nguồn nhân lực trong nước cũng quan trọng không kém, thậm chí là có phần nhỉnh hơn”.

Trong mắt của người đứng đầu InvestHK, “Hong Kong là vùng đất đầy triển vọng để trở thành đầu não fintech”. Những lợi thế cạnh tranh được ông trích dẫn là quy mô của thị trường chứng khoán với 126 công ty mới niêm yết trong năm 2016. Các công ty này đã gọi được tổng cộng 25 tỷ USD, đưa Hong Kong trở thành thị trường đứng top toàn cầu khi doanh nghiệp IPO vào năm ngoái.

Với 155 ngân hàng, 600 nhà đầu tư chứng khoán và hơn 2.000 tỷ USD tài sản đang được quản lý, ông Charles dHaussy cho biết Hong Kong sẽ đem lại “một thị trường khổng lồ đối với các công ty fintech muốn trở thành nhà cung cấp thứ ba cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nguồn cung nhân lực dịch vụ tài chính có kỹ năng”.

Hong Kong được cho là có nhiều “tố chất” để trở thành đất hứa cho fintech. Đơn cử, hệ thống pháp luật và dịch vụ tài chính phát triển mạnh mẽ cùng với nhu cầu đổi mới rất cao. “Văn hóa giao thương” vốn đã cắm rễ trong lòng người dân Hương Cảng sẽ giúp nuôi dưỡng các doanh nghiệp và hun đúc sự mạnh dạn trong việc đề xuất cũng như triển khai ý tưởng mới.

Ngoài ra, nằm gần Trung Quốc đại lục và sở hữu nhu cầu nội địa về công nghệ cao, Hong Kong tiềm ẩn quy mô phát triển cực kỳ to lớn. Hiện tại, Hương Cảng có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động cao nhất châu Á, đạt hơn 237%. “Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu dành cho các dịch vụ tài chính và khởi nghiệp tại nơi đây là gần như vô hạn”, ông Charles dHaussy nhận định.

LÊ DUY/ DNSG Online
5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button