Hong Kong – “người dẫn đầu” hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Á?
Các phương tiện truyền thông đang nói về Hong Kong như một Silicon Valley tiếp theo của phương Đông. Với nhiều sự kiện nổi bật của doanh nghiệp lẫn chính phủ thường xuyên được tổ chức, Hong Kong có vẻ đang phát triển như một “người dẫn đầu” hệ sinh thái khởi nghiệp ở châu Á.
- Châu Á sắp trở thành Thung lũng Silicon mới
- Indonesia muốn tạo 1000 công ty khởi nghiệp trị giá 10 tỷ đô
Tuy nhiên, là người sinh sống và làm việc hơn 5 năm tại Hong Kong, James Giancotti – CEO hệ thống đánh giá startup Oddup (cung cấp cho nhà đầu tư các phân tích chi tiết và toàn diện về khả năng thành công của một startup), cựu nhân viên ngân hàng đầu tư, nhà tư vấn chiến lược cho Goldman Sachs, J.P. Morgan và Deloitte Consulting, đồng sáng lập 2 startup thành công tại Úc – có một số cơ sở nhất định để cho rằng vẫn cần phải đặt nghi vấn về việc Hong Kong có là một Silicon Valley tiếp theo của châu Á hay không.
Trên Forbes, James Giancotti có bài phân tích cho nhận định của mình:
Qua nhiều năm, Hong Kong vẫn tiếp tục phát triển mạnh với vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính quốc tế. Hong Kong là một trong những nơi có tỷ lệ tăng trưởng startup cao nhất thế giới với số lượng dự án mới được ra mắt ngày càng tăng qua mỗi năm.
Theo báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp Hong Kong của Oddup, có 2.021 startup mới tại Hong Kong trong năm 2015, tăng 63% so với năm 2014. Một trong những thông tin thú vị nữa là lời tuyên bố mới đây của Viện Công nghệ Massachusetts rằng sẽ thành lập trung tâm sáng tạo đầu tiên ở Hong Kong trong năm nay. Đây là những dấu hiệu lạc quan cho thấy Hong Kong có thể là điểm đến lý tưởng cho các doanh nhân trẻ.
Đà tăng trưởng này là yếu tố quan trọng giúp Hong Kong tiếp tục phát triển như một “thành phố của thế giới” ở châu Á.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần phải vượt qua trước khi Hong Kong có thể đón nhận “danh hiệu” là Silicon Valley của phương Đông.
Hong Kong giáp biên giới với thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) – một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới. Vấn đề cần đặt ra là Hong Kong sẽ “đối xử” với Thâm Quyến như bạn bè hay đối thủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Hong Kong sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các startup như: là một trong những nơi có mức thuế suất dành cho doanh nghiệp thấp nhất thế giới, bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ và có những điều kiện, quy định về kinh doanh thuận lợi nhất nhì châu Á. Tuy nhiên, xét về lợi thế cạnh tranh ở lĩnh vực nguồn kinh phí, nhân lực và giá cả mặt bằng cho thuê thì Thâm Quyến lại nổi trội hơn nhiều.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hong Kong được “cường điệu” đến mức vô tình làm mờ đi một thực tế là thành phố này vốn nổi tiếng có mức sống cao và sự phát triển chậm chạp của kế hoạch thu hút nhân tài từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, những trở ngại khác có thể kể đến như: thiếu sự hỗ trợ điều hành của chính phủ trong việc kêu gọi tài trợ, đóng góp vốn từ cộng đồng (crowdfunding) cũng như phát triển các nền tảng fintech, khoảng cách ngày càng rộng về kinh tế – xã hội và mâu thuẫn chính trị với Trung Quốc đại lục, thiếu kinh phí hỗ trợ các startup từ giai đoạn hạt giống lên giai đoạn Serie A…
Hong Kong được cho là có sự pha trộn độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, nhưng cuộc biểu tình tại Hong Kong vào năm 2014 lại là một minh chứng rõ ràng cho sự mâu thuẫn và khác biệt văn hóa giữa những người ở Hong Kong và ở Trung Quốc đại lục. Nhiều doanh nghiệp đã từng “để mắt” đến Hong Kong nhằm gián tiếp đặt chân vào thị trường hấp dẫn là Trung Quốc giờ đang xem xét thay đổi chiến lược, thay vì đi đường vòng thì tấn công trực tiếp vào Trung Quốc lại là lựa chọn hợp lý hơn.
Bích Trâm | Theo Doanh Nhân Sài Gòn