Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Khởi nghiệp cần tư duy vận hành cấp tiến

Một doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo cần hướng đến vận hành một cộng đồng có tư duy mới, lấy con người và công việc tạo ra giá trị làm trọng tâm. Khái niệm này cần được xác tín ngay khi khởi nghiệp, để có thể lựa chọn mảng phù hợp, phát huy được năng lực sáng tạo.

%post_name% - %random%
Hàng đầu tiên từ trái sang: Ông Trần Văn Sang (Dalat Ecofarm), ông Hoàng Tiễn (Coffee Bike), bà Nguyễn Thị Linh Thảo (Toong Coworking Sapce), ông Trần Gia Vĩnh (Passio Coffee) và ông Nguyễn Đức Máy (Technology Solution in Agriculture)

Đó là ý kiến chia sẻ của các doanh nhân trẻ tại hội thảo Khởi nghiệp sáng tạo – một phần của chương trình Hội trại sinh viên Lập nghiệp thời 4.0, đã diễn ra vào ngày 30/5 với sự tham gia của 40 doanh nhân và gần 500 sinh viên từ các trường đại học ở TP.HCM. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018 – chương trình thường niên đã bước sang năm thứ 8 của Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Mở đầu buổi trao đổi, sinh viên Lê Ngọc Biết – khoa Marketing của Đại học Hutech – cho biết: “Tôi đến đây để lĩnh hội kiến thức và lắng nghe các anh chị chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi kỹ năng “phòng bệnh và chữa bệnh” nếu gặp phải khó khăn khi khởi nghiệp. Nên bắt đầu như thế nào để hạn chế rủi ro và khi gặp rủi ro thì thoát ra như thế nào”.

Trong khi đó, bạn Võ Viết Tiến – Đại học Tôn Đức Thắng chất vấn: “Quan điểm của anh chị về khởi nghiệp sáng tạo? Những yếu tố quan trọng nào cần thiết nhất cho xu hướng này?”.

Ở đâu trong thị trường ngách?

Ông Trần Gia Vĩnh – đồng sáng lập chuỗi Passio Coffee chia sẻ: “Thương trường là chiến trường, luôn có nhiều rủi ro “rình rập” người khởi nghiệp, vấn đề là phải có năng lực để đối mặt với thất bại”.

Viện dẫn mô hình Diamond với 9 bước, từ lựa chọn sản phẩm, thị trường, kỹ năng vận hành cho đến nguồn lực con người, tài chính… với những đòi hỏi khác nhau, ông đúc kết: “Dù lựa chọn mô hình nào cũng phải từ những bước cơ bản nhất: Lĩnh vực, ngành nghề đam mê, nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng và thế mạnh sản phẩm, còn những kỹ năng mềm hay yếu tố cá nhân mỗi người sẽ tự trải nghiệm và khám phá”.

Chuỗi Passio Coffee nằm ở phân khúc thị trường rộng, được thiết lập ở giai đoạn thị trường chuẩn bị chuyển đổi khi kinh tế phát triển, là thị trường sẵn có với nhiều phân khúc nhu cầu và là lĩnh vực được đánh giá bùng phát trong tương lai.

“Hiện nhiều người quen khẩu vị cà phê “ép tim”, nhưng thời gian tới những máy xay cà phê hiện đại ra đời sẽ tách caffein khi rang xay, có thể trở thành ngách để người khởi nghiệp đáp ứng”, ông Vĩnh gợi ý.

Cũng khởi nghiệp với cà phê, ông Hoàng Tiễn – sáng lập Coffee Bike cho biết ông lựa chọn vì đam mê. Sau khi khảo sát thị trường, ông Tiễn nhận thấy khi vào quán mua cà phê mang đi giá sẽ cao hơn vì phải trả phí cho cả không gian bên trong.

Nên, Coffee Bikechọn cách giảm tối đa chi phí bằng mô hình xe tích hợp máy pha cà phê hiện đại, qua đó hạ giá bán cho sản phẩm có cùng chất lượng để cạnh tranh. “Khi đã xác định “ngách”, để tăng doanh thu bắt buộc phải sáng tạo, dù ngách nhỏ nhưng cố gắng thắng phân khúc đó để duy trì mô hình kinh doanh”, ông Tiễn nói.

Thất bại do chọn sai thị trường là kinh nghiệm được ông Nguyễn Đức Máy – đồng sáng lập Technology Solution in Agriculture – chia sẻ. Sản phẩm R&D (nghiên cứu và phát triển) của công ty ông ra đời cách nay vài năm – lúc thị trường đang “nóng”, người người nói về công nghệ cao, nhà nhà nói về nông nghiệp sạch.

Nhưng, cuối cùng nông dân – đối tượng chính của sản phẩm – không quan tâm bởi họ chỉ cần sản phẩm phù hợp khả năng chi trả. Sau nhiều năm không thiết lập được thị trường, công ty quay lại khảo sát sâu hơn để định vị lại sản phẩm.

Thông điệp “giải pháp thông minh cho nông nghiệp” đã được thay thế bởi “nông nghiệp tự động hóa”, theo đó giá phải rẻ, sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng để nông dân từng bước tiếp cận kỹ thuật mới trong quá trình “thông minh hóa nông nghiệp” còn rất lâu dài.

“Các bạn khởi nghiệp về công nghệ nên chú ý, thị trường quốc tế đi trước khá lâu với những sản phẩm tương tự có đầy đủ tính năng và lợi thế giá thành vì quy mô lớn. Chúng tôi luôn phải đặt câu hỏi: Ai sẽ chọn sản phẩm của mình? Khi chúng tôi chọn lại sản phẩm tự động tưới tiêu theo hẹn giờ, giá thành vừa phải thì công việc bắt đầu thuận lợi”, ông Máy nói.

%post_name% - %random%

Nền tảng khởi nghiệp sáng tạo là tư duy cấp tiến

Theo bà Nguyễn Thị Linh Thảo – quản lý chuỗi văn phòng chia sẻ Toong Coworking Space, có nhiều câu trả lời cho khái niệm “khởi nghiệp sáng tạo”, nhưng hiện đang là kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi kinh doanh phải là tiến trình tối ưu hóa các tài sản sở hữu trí tuệ.

Tất cả các giải pháp, phát minh, quy trình ra đời nhằm hiện thực hóa ý tưởng theo cách thức mới và tác động lại thị trường, làm thay đổi chuỗi giá trị liên ngành. “Toong ra đời như một nền tảng tương tác giúp khách hàng giảm chi phí, hướng đến các doanh nhân cấp tiến là chủ các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ, tạo ra dịch vụ mới bằng cách thức mới”, bà Thảo cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sang – Giám đốc Tiếp thị Dalat Ecofarm – cho biết, công ty nổi tiếng thị trường nhờ trái dưa lưới – loại quả có trên thế giới từ rất lâu nhưng Việt Nam chưa trồng được. Thời điểm Dalat Ecofarm bắt đầu kinh doanh, một quả có giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng, thậm chí trái dưa quý của Nhật có giá cả chục triệu đồng.

Dalat Ecofarm nghiên cứu sản xuất, ứng dụng công nghệ lai tạo giống đã đưa dưa lưới ra thị trường với giá thấp hơn (hiện là 68.000 đồng/ký) để mở rộng độ phủ. “Bài toán là sáng tạo cách nào để đưa sản phẩm vào thị trường”, ông Sang nói.

Bà Thảo phân tích, quy trình sản xuất công nghệ cao đạt hiệu quả tốt, tối ưu hóa chi phí để cạnh tranh của Dalat Ecofarm chính là giá trị của sở hữu trí tuệ, bằng cách đó sản phẩm của Dalat Ecofarm ra thị trường khác với các sản phẩm khác và khách hàng chấp nhận sử dụng.

Đó chính là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bà Thảo cũng lưu ý các sinh viên: kinh tế học hiện đại phân định hàng chục ngành công nghiệp sáng tạo, như marketing – truyền thông tạo ra rất nhiều giá trị thặng dư cho kinh doanh, hay thiết kế công nghiệp giúp tăng giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ từ nội thất, thời trang đến điện ảnh, sản xuất…

Các doanh nhân cũng khuyến cáo sinh viên muốn khởi nghiệp cần lưu tâm đến các yếu tố pháp lý, từ việc quản trị tài sản trí tuệ để tránh rủi ro lâu dài cho đến cách thành lập DN, các luật định tài chính, thuế, thương hiệu, tài sản thế chấp… Ông Máy dẫn chứng trường hợp một kỹ sư công nghệ thông tin viết được một ứng dụng du lịch, được Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế mua lại nhưng do không thành lập DN, phải nhờ một DN có pháp nhân ký hợp đồng, cuối cùng bị mất sản phẩm.

“Chú trọng đến các yếu tố pháp lý ngay từ đầu cũng quan trọng như đi tìm sản phẩm, khi cần mới bảo vệ được DN và thương hiệu của mình”, ông Máy nhấn mạnh. Bà Thảo cũng nhắc nhở chú ý đến quyền sở hữu trí tuệ, vì khi startup gọi vốn đầu tư, đây sẽ là một rào cản nếu không được chú trọng bảo vệ ngay từ đầu.

Theo bà Thảo, vấn đề tài chính cho các công ty khởi nghiệp rất quan trọng vì đó là công cụ giúp hiện thực hóa ước mơ, hỗ trợ mưu sinh. Xu thế của khởi nghiệp sáng tạo là hướng đến sự tác động lớn hơn về mặt xã hội, như tạo cơ hội việc làm, sự tin cậy, phát huy năng lực lãnh đạo…

“Cần hiểu khởi nghiệp sáng tạo nghĩa là vận hành với tư duy mới, lấy con người và công việc tạo ra giá trị làm trọng tâm, ở đó tiền là công cụ, sẽ đến hoặc chắc chắn quay lại khi mình mang đến cho cộng đồng giá trị tốt đẹp”, bà Thảo chia sẻ.

Theo DNSG Online.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button