Kiến thức khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Huy động vốn cộng đồng: Cầu nối Kickstarter

Huy động vốn cộng đồng (crowdfunding) không mới với các startup trên thế giới, nhưng cách làm này vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, đây là một trong những hướng đi hiệu quả đối với những người khởi nghiệp trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn ban đầu.  

Huy động vốn cộng đồng: Cầu nối Kickstarter
Leo Trieu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại chuỗi workshop “Growth Hacking và Crowdfunding” do Inovatube Vietnam tổ chức hồi đầu năm 2016 – Ảnh: Innovatube Vietnam

Đáp ứng xu hướng này, nhiều nền tảng gọi vốn cộng đồng dành cho startup trên toàn thế giới đã ra đời, như Kickstarter, Indiegogo, Crowdfunder RocketHub, Crowdrise… Được thành lập từ tháng 4/2009 và phát triển ngày càng mạnh mẽ, Kickstarter được xem là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực crowdfunding và là nền tảng gọi vốn cộng đồng hàng đầu dành cho các dự án sáng tạo nghệ thuật.

Tất cả hoặc không gì cả

Với sứ mệnh “mang những dự án sáng tạo vào cuộc sống”, Kickstarter là cầu nối giúp huy động vốn cộng đồng cho các DA startup có tính sáng tạo cao trong các lĩnh vực nghệ thuật, truyện tranh, nhảy múa, thiết kế, thời trang, phim ảnh và video, thực phẩm, game, báo chí, xuất bản, âm nhạc, nhiếp ảnh, công nghệ, sân khấu…

Tất cả các dự án trên Kickstarter đều phải có mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như tạo ra một album, một cuốn sách hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Kickstarter giúp những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà làm phim, nhà thiết kế và nhiều người có khả năng sáng tạo tìm ra nguồn lực và sự hỗ trợ để hiện thực hóa ý tưởng ở mọi phạm vi quy mô.

Kể từ khi Kickstarter ra mắt đến nay, số người ủng hộ các DA sáng tạo trên website đã lên đến 11 triệu người, số vốn được cam kết đã lên đến 2,6 tỷ USD và có hơn 110.000 DA được tài trợ thành công. Mỗi DA trên Kickstarter đều được thực hiện một cách độc lập bởi các nhà sáng lập của từng startup, họ nắm quyền kiểm soát cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn về DA đó.

Họ dành ra nhiều tuần liền để xây dựng các trang giới thiệu DA, đăng tải các video và tìm ra cách hợp lý để mang lợi ích đến cho những người ủng hộ mình. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, họ sẽ giới thiệu DA cho cộng đồng.

Các nhà sáng lập DA cũng phải tự đặt ra mục tiêu vốn huy động và thời hạn cụ thể. Nếu cộng đồng thích DA thì sẽ dùng thẻ tín dụng để cam kết chi ra một số tiền nhất định cho DA được thực hiện. Nếu DA đạt được mục tiêu tài chính vào đúng thời hạn, thẻ tín dụng của những người cam kết ủng hộ mới bị trừ tiền. Ngược lại, nếu DA huy động vốn thất bại sẽ không bị trừ tiền. Việc huy động vốn cộng đồng trên Kickstarter vì thế được miêu tả là “tất cả hoặc không gì cả”.

Khi một DA huy động vốn thành công, Kickstarter sẽ thu một khoản phí bằng 5% tổng số vốn huy động được. Số tiền do cộng đồng cam kết ủng hộ cho DA sẽ được xử lý một cách an toàn bởi bên thứ ba với môt khoản phí bằng khoảng 3 – 5% số tiền ủng hộ. DA không đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra sẽ không bị trừ bất kỳ khoản phí nào.

Bệ phóng thành công

Cho đến nay, hàng chục ngàn DA sáng tạo đã đi vào cuộc sống nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng Kickstarter. Việc hỗ trợ này không chỉ đơn thuần là sự ủng hộ bằng tiền bạc mà còn tạo động lực cho những nhà sáng tạo, thúc đẩy họ có thể thực hiện được ước mơ tạo ra một điều gì đó độc đáo cho thế giới.

Có 6 bộ phim được cộng đồng Kickstarter hỗ trợ đã được đề cử giải Oscar, một trong số đó là Inocente thắng một giải Oscar năm 2013; nhiều album ca nhạc huy động vốn thành công trên Kickstarter lọt vào top đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard, thắng giải Grammy; nhiều tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại MoMA (thành phố New York, Mỹ), Trung tâm Kennedy, Trung tâm nghệ thuật Walker, Bảo tàng quốc gia Smithsonian, Bảo tàng nghệ thuật dân tộc Mỹ…; nhiều tác phẩm truyện tranh được đề cử giải thưởng Eisner (giải thưởng dành cho những thành tựu sáng tạo trong lĩnh vực truyện tranh của Mỹ, được ví như giải Oscar dành cho lĩnh vực truyện tranh)…

Một trong những DA nổi bật đã gọi vốn thành công trên Kickstarter là DA phát triển trực thăng vận hành nhờ sức người của đội ngũ kỹ thuật bay Aerovelo, được thành lập bởi hai kỹ sư Canada là Todd Reichert và Cameron Robertson.

Sau khi gọi vốn thành công 30.000USD nhờ cộng đồng trên Kickstarter, Aerovelo đã dùng số vốn đó để xây dựng sản phẩm trực thăng độc đáo và đem đi dự thi để giành giải Sikorsky của Hiệp hội Trực thăng Mỹ. Cuộc thi này được tổ chức lần đầu vào năm 1980 nhằm tìm ra một đội ngũ cũng như thiết bị bay thô sơ do con người điều khiển có khả năng bay liên tục trong 60 giây ở độ cao ít nhất 3 mét và không được vượt ra ngoài khuôn viên giới hạn với chiều dài và chiều rộng 10m.

Cuộc thi chưa tìm ra người chiến thắng trong suốt hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, vào ngày 13/6/2013, với độ cao bay tối đa 3,3m trong hơn 64 giây, trực thăng của Aerovelo đã trở thành chủ nhân đầu tiên của giải thưởng này và mang về phần thưởng trị giá 250.000USD.

Đặc biệt, có một startup Việt đã tham gia và thành công trong việc gọi vốn trên Kickstarter. Từ tháng 8 – 9/2015, Leo Trieu – nhà sáng lập Code4Startup (chuyên về các khóa học lập trình trực tuyến) đã gọi vốn thành công hơn 32.000USD trên Kickstarter, trong khi mục tiêu vốn huy động đặt ra ban đầu chỉ là 2.000USD. Bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 3/2015, hiện tại, công ty của Leo Trieu đã có doanh thu khoảng 20.000 USD/tháng.

Bích Trâm | Theo Doanh Nhân Sài Gòn

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button