Khởi nghiệp than củi trấu tái chế từng những thứ bỏ đi
Bằng những nguyên liệu bỏ đi như vỏ trấu, vỏ lạc, chàng trai 9X ở Thanh Hóa đã khởi nghiệp than củi trấu tái thành công nhờ tái chế thành than đem bán, kiếm hàng vài trăm triệu đồng mỗi năm.
- Huấn luyện viên thể hình khởi nghiệp nuôi gà lực sĩ
- Khởi nghiệp nuôi dê vợ chồng nghỉ hưu kiếm nửa tỷ mỗi năm
- 50 tuổi vẫn khởi nghiệp làm hoa bất tử kiếm tiền tỷ mỗi năm
Cắm sổ đỏ, bán vàng để khởi nghiệp than củi trấu
Năm 2011, anh Hoàng Văn Công (31 tuổi, sống tại Thanh Hóa), tốt nghiệp Cao đẳng Hàng hải Hải Phòng, trở thành nhân viên hàng hải với mức lương gần 8 triệu đồng/tháng.
Cuối năm 2014, trong chuyến về quê nghỉ phép, tình cờ nghe anh trai vợ giới thiệu về mô hình làm than từ vỏ lạc, vỏ trấu… chàng thanh niên hàng hải vốn mạnh mẽ nơi đầu sóng ngọn gió đã đem lòng say mê món nghề này.
Anh Công tâm sự: “Vừa nghe giới thiệu tôi đã thấy rất thích thú, từ những phế phẩm của ngành nông nghiệp lại có thể tạo ra than để bán kiếm lời, vừa bảo vệ môi trường vừa giúp ích cho bà con nông dân. Từ đó, tôi quyết định thử sức khởi nghiệp than củi trấu”
Nghĩ là làm, được sự giúp đỡ của anh vợ, anh tập trung nghiên cứu quy trình làm than củi trấu. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng phải mất khoảng hơn 1 năm để học và thành thạo nghề, anh mới đi vào sản xuất những khúc than đầu tiên.
Đến năm 2016, sau khi đã thuần thục các quy trình làm than, anh động viên bố mẹ cầm sổ đỏ để vay ngân hàng rồi thuyết phục vợ đem toàn bộ của hồi môn đi bán để lấy vốn mở xưởng làm kinh tế. Có xưởng, anh bắt tay vào sản xuẩt những mẻ than đầu tiên lần lượt ra lò, đem mang theo nhiều hi vọng đổi đời cho chàng trai trẻ.
Thế nhưng, với kinh nghiệm ít ỏi, thị trường than củi trấu lúc bấy giờ chưa được nhiều người biết đến. Những sản phẩm làm ra không thể xuất bán được khiến anh Công thua lỗ ngay từ lần đầu tiên.
“Khi đó tôi chỉ muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến những gì mình đã tâm huyết suốt bấy lâu, tôi quyết tâm làm bằng được. Tôi bắt đầu nghĩ đến thị trường tiêu thụ, khi giải quyết được vấn đề này, số than làm ra sẽ không lo bị ế ẩm nữa”.
Không khuất phục trước những thất bại, anh Công quyết định đi tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Mỗi ngày, anh đều đặn chạy đến từng công ty, xí nghiệp trên địa bàn để chào bán với hy vọng sản phẩm được tiếp nhận.
Sau nhiều tháng gian nan, cuối năm 2016, than củi trấu của anh cũng được các ông chủ của công ty lớn tin dùng và nhận đặt hàng với số lượng lớn.
Từ nghề rẽ ngang trở thành ông chủ
Có thị trường đầu ra cho sản phẩm, anh Công tập trung vào sản xuất. Năm 2020, để mở rộng quy mô sản xuất, anh vay gần 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua Ngân hàng chính sách xã hội.
Đến nay, mô hình than củi trấu của anh nhanh chóng được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Số lượng đơn hàng cũng ngày một nhiều hơn.
Anh Công chia sẻ, than củi trấu được làm hoàn toàn từ những thứ tưởng chừng bỏ đi như vỏ lạc vỏ trấu… Loại than này có giá thành rẻ hơn nhiều so với than đá. Chính vì vậy, nhiều năm qua, mặt hàng này được nhiều công ty may mặc, các công ty sản xuất lớn ở khu công nghiệp tin dùng.
Không chỉ thay thế than truyền thống mà còn được làm từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở vùng quê, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đem lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Hiện tại, cơ sở của anh thu mua vỏ trấu với giá 4.000 đồng/bao, vỏ lạc 10.000 đồng/bao từ các cơ sở sản xuất lạc, xay xát gạo trên địa bàn huyện Nga Sơn và các huyện lân cận như Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Bỉm Sơn…
Về quy trình làm than củi trấu, “Thực chất đây là công nghệ ép nén vỏ trấu, vỏ lạc ở nền nhiệt cao. Tuy nhiên, việc vận hành và thực hiện các quy trình đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu không những khúc than làm ra sẽ bị hỏng”: Anh Công bật mí.
Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường 120-150 tấn than củi trấu, với giá bán ra 1.700 đồng/kg, mỗi tháng trừ chi phí, anh thu lời từ 30-35 triệu đồng.
Không chỉ là gương thanh niên giỏi kinh tế, cơ sở sản xuất than củi trấu của anh Công còn tạo công ăn việc làm cho 7-8 lao động tại địa phương với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Đầu năm 2020, anh Công còn mạnh dạn mở rộng kinh doanh sản xuất kẹo lạc ở địa phương. “Đây là mô hình được tôi học tập tại làng nghề ở Thái Bình. Với đặc thù là nơi trồng lạc nhiều của huyện Nga Sơn, tôi thấy nghề này ở quê rất phù hợp để phát triển. Hiện công ty đang phấn đấu sẽ đưa kẹo lạc thành sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
“Anh Công không chỉ là gương thanh niên khởi nghiệp giỏi mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân tại địa phương. Ngoài ra, những phế phẩm từ việc trồng lạc, lúa bỏ đi thì nay có thể đem về thêm một nguồn thu nhập đối với bà con”, Ông Ngô Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Nga Phượng cho biết.
Nguồn dantri