Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Khởi nghiệp với 1 triệu đồng có được không?

Nghe có vẻ khó tin, nhưng lại là chuyện có thật khi khởi nghiệp thành công từ 1 triệu đồng.

LTS: Câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh của cô giáo trẻ Kim Thùy – hiện là Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Quốc tế Thùy Châu – sẽ là động lực cho những ai còn đang băn khoăn với câu hỏi “Cần bao nhiêu tiền mới có thể khởi nghiệp kinh doanh?”.

Và, những ai đang đứng ở vạch xuất phát của con đường lập nghiệp thì càng nên đọc câu chuyện này, bởi đây là minh chứng cụ thể nhất cho một trong những triết lý thành công mà bạn đã đọc được ở đâu đó – hãy ngừng suy nghĩ, và hành động ngay.

Khởi nghiệp với 1 triệu đồng có được không? 1

Trên Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, Kim Thùy đã chia sẻ hành trình khởi nghiệp gây xúc động và đáng tự hào của mình như sau:

Tự sự lập nghiệp – khởi đầu bằng số vốn 1 triệu đồng.

1. Khởi đầu – “năng nhặt chặt bị”

Mình và chồng kết hôn được 4 năm. Lúc mới lấy nhau, cả hai vợ chồng đều nghèo. Nhà mình bố bị bệnh, lại phải lo lắng nhiều khoản nên tiền lương dạy học của mình không dành dụm được bao nhiêu. Chồng mình làm xây dựng nhưng gần 1 năm không được thanh toán tiền lương, quyết định bỏ chỗ làm để tìm một công việc khác. 

Lương chỗ làm mới của chồng được 2,5 triệu/tháng. Lương của vợ được 5 triệu. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống và các khoản tiêu, tháng đầu tiên tiết kiệm được 1 triệu đồng. Thời gian đó mình rất mong có một đứa con, nhưng mình lại không dám đẻ. Vì nếu sinh con lúc đó chắc chắn không thể cho con một cuộc sống tốt. Mình kế hoạch và lên dây cót cho việc kiếm tiền. 

Làm gì với số vốn 1 triệu đây? Cả hai vợ chồng cứ loay hoay chưa tìm được câu trả lời. 

Bản thân mình là người hay quan sát, thấy lúc đó nhiều mẹ bán đồ lót rất đắt hàng nên mình nghĩ: Hay nhập một chút về bán nhỉ? Nhưng mối buôn ở đâu? 

Mình lên google tìm kiếm. Search hàng đống cụm từ liên quan đến nội y nhưng không ra được kết quả. Giữa lúc đó, lân la nói chuyện lại ra được một mối buôn có giá tốt. Như “chết đuối vớt được cọc”, hai vợ chồng phi xe đi lấy hàng. Đơn hàng lấy buôn đầu tiên của mình khoảng 700.000 đồng. Mình nhớ, lúc đó một chiếc quần chip mình nhập giá 20.000, bán 25.000, lãi được 5.000 đồng/chiếc. Đơn hàng đầu tiên, khách mua 2 cái áo chip, lãi tổng được 15.000 đồng, cộng 15.000 đồng tiền ship (cho đoạn đường gần 20 km). Trưa về nắng như đổ lửa mà vẫn thấy vui, vui kinh khủng. 

Giờ, nhiều bạn xin làm cộng tác viên mà thấy lãi 20.000 – 30.000/sản phẩm là chê. Còn mình hồi đó, chắc do nghèo quá nên lãi mấy ngàn cũng thấy rất to. 

Cứ như vậy, lãi mẹ đẻ lãi con. Bán đến đâu nhập hàng đến đấy. Mỗi lần đi lấy hàng mình chỉ có vốn mấy trăm nghìn thôi. Nhưng sau cứ tăng dần, 2 tháng sau nhập hẳn 3 triệu đồng tiền hàng, thấy sao mà mình oách thế!

Đang trên đà làm ăn được được thì mình bị tai nạn xe máy, gãy hai xương ngón chân và phải điều trị gần hai tháng. Vợ chồng mới tích được vài triệu thì cho vào viện cả. 

Vợ không đi làm được, chồng lao đi kiếm tiền như con thiêu thân. Ngày đi làm, tối về ship hàng cho vợ. Mặc dù vợ đau nhưng tinh thần kiếm tiền quyết liệt lắm, ngày nào cũng lôi máy tính ra ngồi post cả chục bài cơ. Còn chồng mình cũng chẳng ngại nắng mưa, cứ khách gọi hàng là ship. Có một ngày chủ nhật, khách ở cách hơn 20 km đặt một cái quần ngố nữ. Khách xem quần xong từ chối, không lấy vì không có túi, cũng không trả tiền ship. Chồng quay về, ấm ức kể với vợ. Mồ hôi nhễ nhại, lúc anh ấy vào nhà tắm rửa mặt, mình cứ ngồi khóc, vì tủi thân, vì thương chồng. Chồng thấy vợ khóc hỏi tại sao, chỉ dám nói em đau chân. Chồng lại ngồi xoa chân, an ủi vợ. Bản thân mình thấy mình có động lực để phấn đấu đến hôm nay là nhờ bên cạnh có người chồng lúc nào cũng ủng hộ, yêu thương hết mực. Đúng là “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. 

Sau 3 tháng mình mới đi lại được. Chồng đi làm, giấu chồng đi ship hàng, có hôm bị chồng phát hiện ra phải nói dối: “Ở nhà bí bách quá em không chịu được, em muốn ra ngoài hít thở không khí”. Ngồi ở nhà mãi sao sống được, còn bao nhiêu thứ phải lo. 

Mình vẫn đi dạy học, thứ bảy, chủ nhật lại đi giao hàng. Mình có nhập thêm áo phông nam về bán. Đến giao hàng cho khách thấy khách bảo “Ơ, áo này đẹp quá, em có mang màu tím không? Chị muốn mua thêm màu tím”, rồi khách đòi thêm màu này, màu kia nhưng có đâu. Về nhà mình nghĩ “Sao mình ngu thế nhỉ? Mỗi lần đi ship mang theo hàng có phải bán được thêm không”. Nói là làm, từ hôm đó, dù khách chỉ mua một chiếc áo mình cũng mang cả bọc theo. Có hôm, bán một đơn được lãi tổng hơn 1 triệu đồng, mặc dù ban đầu khách chỉ hỏi mua hai cái áo 200.000 đồng. Mình sướng lắm. Những đơn hàng khác mình vẫn duy trì cách bán hàng như vậy. Cách bán hàng này đến bây giờ mình vẫn đang áp dụng. 

Mình manh nha mở một cửa hàng. Mình có lên các nhóm hỏi ý kiến mọi người có nên mở cửa hàng không, có một bình luận của một người anh làm mình đọc đi đọc lại mãi: “Facebook của em là một cửa hàng lớn mà em không phải mất tiền thuê”. Chỉ một câu nói ấy thôi làm cho não của mình sáng hơn hẳn. Vì lúc đó mình mới có niềm tin lớn, thị trường online là thị trường tiềm năng nhất. Mình quyết tâm khai thác thị trường này.

2. Khai thác tối đa các mối quan hệ 

Bán hàng online, người mua không cầm nắm được sản phẩm, mua “bằng niềm tin”. Vậy làm sao để lấy được niềm tin của khách hàng đây? Phải cho khách hàng thấy mặt mình, biết tên mình cái đã. 

Mình tham gia rất nhiều buổi offline, hội thảo của các nhóm tổ chức. Xa mấy cũng đi, bận mấy cũng bỏ thời gian mà đi. Các buổi offline đó cho mình niềm vui, quen nhiều người và khách hàng đông dần lên. 

Đến bây giờ mình vẫn thấy nhiều người nghĩ bán hàng online chỉ cần ngồi đăng và tư vấn khách thôi. Cách đó cũng có thể bán được cho người thân quen, nhưng thị trường bị bó hẹp. Muốn mở rộng khách hàng phải xách xe lên và đi. Nếu vượt qua được 10 cây số thì có thêm khách phạm vi 10 cây số, nếu vượt qua được quãng đường 50 cây số sẽ có thêm khách cách 50 cây số.

3. Tích cực mở rộng nguồn hàng 

Mình bán nhiều thứ. Chăm chỉ đi các nơi tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo. Bạn bè đại học, chỗ thân quen, thỉnh thoảng lại kiếm được mối hàng từ họ. Rồi phụ huynh học sinh là chủ xưởng sản xuất, giám đốc nhà máy… cũng đều hỗ trợ mình lấy hàng. Mình thấy mình thật may mắn khi gặp được những người trân quý và tạo điều kiện cho mình đến vậy. Vì vậy, giờ nhiều cộng tác viên khởi nghiệp mình đều giúp đỡ họ, tạo điều kiện trong khả năng có thể của bản thân.

Đến giờ mình cảm thấy ở trong nước “chưa đủ” nên vẫn đang tận dụng các mối quan hệ ở nước ngoài để phát triển đam mê kinh doanh. Hy vọng thời gian tới mình sẽ làm tốt hơn nữa. 

4. Tìm may trong rủi 

Năm ấy, vợ chồng mình lấy bưởi Diễn về bán Tết. Bán đắt hàng lắm, có ngày bán hết cả nghìn quả. Buổi sáng 5 giờ hai vợ chồng đi chở bưởi, 7 giờ lại thay quần áo đi làm. Lúc mới có thai, mình không biết nên vẫn chở 300 quả bưởi trên xe máy. Chắc do chủ quan và làm việc hơi nhiều nên mình bị dọa sảy thai. Lại một hành trình dài nằm viện, tiêm thuốc, giữ con. 

Chồng đi làm cách bệnh viện 50 cây số, nhưng trưa nào cũng mang cơm vào viện cho vợ. Mình cố gắng vui vẻ nhất có thể, ăn uống điều độ vì con. 

Lại không di dạy học được vì phải nghỉ dưỡng thai. Nhưng mình vẫn bán hàng. Lúc này thì “đẳng cấp” hơn rồi vì đã thuê người ship. Cũng may mắn, mình gặp được các em cộng tác tốt bụng và ngoan. Đơn mình cứ ghi ra đó, các em đến soạn hàng rồi tự đi giao. Mình đòi trả thêm công soạn hàng, các em ấy đều gạt đi và bảo “Em soạn mấy phút là xong, chị cứ phải nghĩ làm gì”. Mình biết, thấy người phụ nữ có thai vất vả như vậy các em ấy dù nghèo cũng không cam tâm lấy thêm tiền. Cho nên đối với mình, mỗi một người đã từng giúp mình luôn khắc cốt ghi tâm.

Cuối cùng, thật may mình đã sinh được một bé gái khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

5. Ghi nhớ và biết ơn người tốt

Không ai trong số họ cho mình tiền. Nhưng họ cho mình kiến thức, kinh nghiệm, những lời chia sẻ, động viên. Đa số họ là những người phụ nữ tuổi ba mươi.

Họ chỉ cho mình bớt bồng bột, nông nổi. Họ bảo mình cách điều tiết cảm xúc. Trong cuộc sống, nếu không điều tiết được cảm xúc sẽ không thể làm tốt công việc một cách trọn vẹn.

Họ lặng lẽ chia sẻ, giúp đỡ mình tìm kiếm khách hàng, ủng hộ hàng của mình. 

Họ an ủi, họ động viên khi mình gặp khó khăn, vấp ngã. 

Cuộc đời này, nếu cho mình cơ hội trả ơn, mình sẽ trả ơn họ mãi mãi, yêu quý họ bằng tình cảm không gì đánh đổi được.

6. Trân trọng khách hàng 

Nay thì mình có nhiều nhân viên rồi, nhưng trước kia làm một mình, vừa chat, vừa soạn hàng, nhập hàng, chăm con nên mình hay làm mất lòng khách lắm. Có người hẹn lấy đồ cho con sinh nhật, 7h tối là bắt đầu rồi mà 6:40 khách gọi hỏi hàng vẫn hỏi hồn nhiên “Chị lấy gì ấy nhỉ?”. May là khách cũng bỏ qua cho, và nhiều người vẫn tiếp tục ủng hộ.  

Được khách yêu quý là điều tuyệt vời nhất đối với người bán hàng. 

7. Sống để không hối tiếc 

Mình yêu nghề dạy học. Đó cũng là ước mơ còn dang dở của bố mình mà ông đang muốn mình viết tiếp. Có được số vốn nhỏ rồi, mình mở lớp tiếng Anh, trường mầm non, công ty về giáo dục, và làm những thứ liên quan đến giáo dục. Mỗi ngày, dù rất bận rộn nhưng mình vẫn thấy cuộc sống thật ý nghĩa, vì mình đang được làm thứ mình thích, mình yêu. 

Thành quả lớn nhất đạt được hiện tại, sau 4 năm, một cô nhóc sắp tròn 2 tuổi, ngoan ngoãn, đáng yêu; một anh chồng thương con, chiều vợ; một ngôi nhà nhỏ xinh xinh đứng tên hai vợ chồng. 

Có người hỏi mình: “Sao chị làm được nhiều việc thế mà vẫn hoàn thành hả chị?”.

 Mình trả lời: “Vì chị làm hôm nay chứ không đợi ngày mai”. 

Ai cũng chỉ có một đời để sống, mình chọn cách sống để sau này không hối tiếc. 

Mình 29 tuổi.

Theo DNSG Online.

3.7/5 - (3 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button