Không cạnh tranh nổi với Grabfood, Lala chuyển sang cung cấp giải pháp bán hàng online
Dừng tham chiến trên thị phần giao đồ ăn, Lala dự kiến chuyển sang cung cấp trọn bộ giải pháp đặt đồ ăn trực tuyến giúp mọi nhà hàng có thể tự vận hành hệ thống bán hàng online riêng của mình.
Ngay trước thềm năm mới 2019, startup trong lĩnh vực giao đồ ăn Lala đã chính thức dừng cung cấp dịch vụ sau hơn 1 năm ra thị trường. Trao đổi với ICTnews, ông Trường Bomi, nhà sáng lập Lala cho biết, lý do Lala dừng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn là “Để tập trung cho mục tiêu hiệu quả hơn và phát triển lợi thế cạnh tranh hiện tại đang cần”. Trước đó hôm 23/11, Lala mới tổ chức lễ sinh nhật 1 tuổi.
Lala cũng đã gửi thư thông báo tới các đối tác (các shop bán đồ ăn trên Lala – PV) thông báo việc: “Từ ngày 26/12/2018, Lala sẽ tập trung cung cấp giải pháp phần mềm bán hàng online cho toàn bộ các nhà hàng quán ăn (bao gồm app đặt hàng, POS tại nhà hàng, và dịch vụ giao hàng). Lala dự kiến cung cấp trọn bộ giải pháp đặt đồ ăn trực tuyến giúp mọi nhà hàng có thể tự vận hành hệ thống bán hàng online riêng của mình.
Lala chính thức chuyển sang cung cấp giải pháp bán hàng.
Việc Lala chuyển sang cung cấp giải pháp bán hàng là một bước thay đổi khi Lala nhìn thấy trước khó có thể chống lại sự tấn công như vũ bão của đối thủ siêu mạnh là Grabfood. Dù mới nhảy vào thị trường giao đồ ăn nhưng GrabFood thực sự làm các đối thủ choáng váng khi liên tục tung ra những khuyến mãi khủng dành cho người dùng từ 25.000 – 50.000 – 100.000 đồng cho mỗi đơn hàng.
Trước khi Lala đóng cửa, thị trường Hà Nội và TP.HCM có tới 7 ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến tham chiến, bao gồm: Now, Lala, Vietnammm, Lixi, Loship, Grabfood, Go-Food và Zalofood bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng. Trước khi Grabfood ra đời, Lala được coi là có thế mạnh nổi trội vì ứng dụng này có liên kết với tài xế của Ahamove nên có lợi thế cạnh tranh khá lớn về khả năng giao hàng nhanh hơn so với các ứng dụng khác.
“Super App sẽ là cuộc chiến của những người khổng lồ, một cuộc chiến “đẫm máu” mà những đơn vị nhỏ sẽ không thể theo đuổi. Đây sẽ là sân chơi của những ông lớn nhiều tiền. Công nghệ tốt chỉ là yếu tố thứ hai, yếu tố thứ ba là doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung cấp những sản phẩm và lập chiến lược có thể cạnh tranh với các đối thủ của mình”, ông Trường Bomi cho hay.
Theo ông Trường Bomi, Lala đã tìm được công thức phát triển, nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, giai đoạn khởi nghiệp chưa đủ nguồn lực, chủ yếu là tài chính để sẵn sàng cho bước chuyển lớn ở giai đoạn này.
Hiện các siêu ứng dụng đang có xu hướng phát triển khá mạnh mẽ và mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi khác nhau. Theo đó mô hình doanh Online-to-Offline (O2O) là một xu hướng khá phát triển trong thời gian gần đây. Ví dụ, The Coffee House là một chuỗi cà phê với khoảng 80 cửa hàng. Việc bán cà phê tại 80 cửa hàng tại chỗ là kinh doanh Offline. Còn việc bán đồ uống qua các kênh online của chính họ và của đối tác như Lala.vn, Grab hay các ứng dụng giao đồ ăn khác là bán Online.
Ở mô hình bán Offline, 80 cửa hàng The Coffee House là 80 điểm bán hàng. Ở mô hình bán Online, các cửa hàng kia trở thành “nơi pha chế” hay “nhà kho” – nơi các đối tác giao hàng như AhaMove, Grabbike đến lấy hàng và chuyển tới tay người dùng cuối trong 20 – 25 phút.
Cũng theo ông Trường Bomi, hiện đồ ăn là mảng cạnh tranh”đẫm máu” nhất trong lĩnh vực O2O (Online-to-Offline) khi các ông lớn như : GrabFood, Now, Go – Viet đang đổ tiền đầu tư rất mạnh. Cuộc chiến dành người dùng rất khốc liệt và xu thế sẽ hình thành lên các liên minh giữa các nhà bán hàng, ứng dụng giao hàng và thanh toán online.
Nhìn nhận về thị trường O2O của Việt Nam, CEO AhaMove nhìn nhận các đơn vị O2O thường tập hợp với nhau thành những hệ sinh thái. Ví như trong ngành bán lẻ, hệ sinh thái rót vốn của Tập đoàn SEA gồm Shopee (thương mại điện tử), Foody (review nhà hàng/quán cà phê), Delivery Now (giao hàng thực phẩm), Airpay (thanh toán điện tử), Ocha (ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà hàng)…
Đình Anh | Theo ICTnews