Khởi Nghiệp | StartupKiến thức khởi nghiệp

Cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Vốn được xem như mạch máu của doanh nghiệp, với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) lại càng quan trọng hơn. Hiện đang có nhiều rào cản đối với việc tiếp cận vốn của các startup. Cơ hội nào cho starttup tiếp cận vốn ngân hàng?

efficient-usage-of-startup-capital

Thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy hơn 80% vốn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ bạn bè và gia đình. Nguồn vốn này thực sự chưa đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Hà Nội, việc khó tiếp cận vốn ngân hàng đã khiến nhiều SME, các startup mới khởi nghiệp mất đi các cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), có tới 30% doanh nghiệp “không thể tiếp cận” với nguồn vốn của ngân hàng và 30% doanh nghiệp khác cho biết “khó tiếp cận”. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi cũng rất ít SME được vay vốn.

Cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có những cải tiến trong chính sách phát triển sản phẩm tín dụng ngân hàng

Tìm hiểu về các điều kiện cấp tín dụng của các Ngân hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp, người viết thấy hồ sơ vay vốn bao gồm 4 nhóm: nhóm hồ sơ về pháp lý; nhóm hồ sơ về năng lực tài chính; nhóm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn; nhóm hồ sơ về tài sản bảo đảm.

Để được Ngân hàng cấp tín dụng, hồ sơ khách hàng phải rất đầy đủ để qua đó Ngân hàng có thể đánh giá khách hàng và dẫn đến kết luận việc cấp tín dụng là ít rủi ro nhất đối với Ngân hàng.

Trong 4 nhân tố trên, nhóm hồ sơ về pháp lý yêu cầu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải minh bạch rõ ràng theo đúng quy định của pháp luật, về năng lực tài chính yêu cầu phải kinh doanh có hiệu quả, có dòng tiền qua tài khoản ngân hàng, kê khai nộp thuế đầy đủ liên tục.

Phải có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, có nguồn vốn đối ứng tham gia dự án đầu tư, kinh doanh. Có tài sản hợp pháp, giá trị định giá của tài sản lớn hơn giá trị khoản vay, thường giới hạn là các bất động sản.

Xuất phát từ việc kinh doanh của Ngân hàng, thì việc đưa ra các điều kiện chặt chẽ khi cấp tín dụng là điều cần thiết của các nhà Quản trị Ngân hàng, nhằm bảo toàn đồng vốn kinh doanh.

Với đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp, các điều kiện vay vốn hiện nay thực sự là các rào cản để họ có thể tiếp cận với nguồn vốn vay Ngân hàng. Khi mọi việc mới chỉ là bắt đầu từ các ý tưởng kinh doanh, thì thật khó để có đầy đủ các hồ sơ đánh giá về năng lực tài chính theo yêu cầu của Ngân hàng, thật khó để có đủ tài sản thế chấp khi chưa làm đủ để có tích lũy về tài sản.

Cũng vì khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm vốn thông qua việc huy động vốn từ bạn bè, gia đình và thị trường tín dụng đen. Việc vay vốn từ thị trường tín dụng đen với mức lãi suất “cắt cổ” khiến cho start-up tăng gánh nặng trả nợ, trong khi thành bại của dự án khởi nghiệp chưa rõ ràng.

Những vấn đề nêu trên vừa là khó khăn vừa là cơ hội phát triển các dòng sản phẩm mới cho Ngân hàng, nhằm lấp đầy thị phần đầy tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, một thị trường đang nhận được sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội. Giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp những ý tưởng khởi nghiệp cho kết quả thực tiễn góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Thực tế cho thấy việc Ngân hàng thương mại nới lỏng các điều kiện tín dụng là việc rất quan trọng và cần thiết, nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đang có một lượng không nhỏ xuất phát từ thị trường tín dụng đen. Điều này ảnh hưởng lớn tới kết quả thành công của dự án khởi nghiệp, cũng như làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các chuyên gia tài chính, ngân hàng sau khi phân tích các vướng mắc khó khăn về vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng Ngân hàng đã đưa ra đề xuất: Các gói sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của các Ngân hàng thương mại cần được thiết kế riêng, như: giảm bớt các điều kiện đánh giá về năng lực tài chính, tăng thêm các tiêu chí đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh, nhằm kiểm soát rủi ro, và đặc biệt không dùng tài sản bảo đảm (cho vay tín chấp), với mức lãi suất ưu đãi.

Với những gói sản phẩm đáp ứng các điều kiện nêu trên sẽ giải quyết bài toán tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang trở thành rào cản của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay.

Theo Báo Công Lý

Xem thêm: Startup và những chiếc bẫy đầy cám dỗ về vốn đầu tư

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button