Kỹ năng mềmQuản trịTin mới

Kỹ năng nào quan trọng trong thời đại 4.0 ?

Chúng ta đang bước đi trong “Thời đại kết nối”, “Thời đại 4.0”. Muốn hội nhập đừng bỏ qua kỹ năng giao tiếp – xây dựng mối quan hệ – một trong top 5 kỹ năng quan trọng nhất của tương lai, theo báo cáo Lao động tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017.

Kỹ năng nào quan trọng trong thời đại 4.0 ? 1

Nghệ thuật xây dựng mối quan hệ, cách mở rộng mối quan hệ luôn là một chủ đề có sức thu hút mạnh mẽ trong các cuộc khảo sát tại cộng đồng UEH Connected (gần 6.000 thành viên có xuất thân khác nhau từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ).

Xuất phát là một anh chàng nhà quê, không địa vị, không danh phận, không mối quan hệ, không du học, không trường quốc tế…, tôi may mắn được kết nối, làm việc với nhiều nhà lãnh đạo và các doanh nhân từ khắp thế giới. Đặc biệt nhận được sự tin tưởng của cộng đồng doanh nhân Pháp, Mỹ, Úc, Canada… tại Việt Nam.

Các đối tác Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines thường xuyên tìm đến tôi mỗi khi họ muốn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, muốn được tư vấn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua kênh tư nhân.

Không ít lần tôi đã nhận được các câu hỏi, tin nhắn, email thắc mắc về cách xây dựng network của mình. Thành thật mà nói, bí quyết của tôi rất đơn giản, tôi xây dựng tất cả tài sản vô giá của mình bằng sự chân thành.

Dưới đây là bài chia sẻ đầu tiên của tôi với cộng đồng của mình về chủ đề “How to build your network” (Cách xây dựng mối quan hệ của bạn) nhân dịp kỷ niệm 4 năm thành lập YSEALI – tổ chức mang tên Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á mà tôi đang hoạt động với tư cách cựu thành viên.

Mối quan hệ là gì?

Nhiều bạn trẻ ngày nay có suy nghĩ rất đơn giản, họ tự tin với danh sách bạn bè toàn người nổi tiếng của mình trên Facebook, họ hãnh diện với số lượng namecard họ có được khi tham dự các sự kiện, các buổi networking.

Với tôi, mối quan hệ là có một người:

Sẵn sàng có mặt cạnh tôi chỉ sau một cuộc điện thoại.

Luôn tin tôi dù cho cả thế giới ngoài kia quay lưng vói tôi.

Nghĩ đến tôi khi họ có bất kỳ cơ hội nào.

Và quan trọng nhất là nghĩ đến tôi khi họ đi đến ngõ cụt của cuộc sống.

Đơn giản mà nói, “xây dựng mối quan hệ” là biến một người lạ thành quen, rồi từ người quen thành người bạn, từ bạn bình thường thành thân thiết rồi tin tưởng và luôn nghĩ đến nhau khi muốn được chia sẻ.

Làm sao để khởi tạo mối quan hệ khi ta chưa có danh?

Nhiều người chỉ chú trọng vào các mối quan hệ ngoài xã hội, quên rằng gia đình, người thân cũng là những mối quan hệ cần được chăm sóc trước nhất. Nếu ngay cả với người thân của mình, bạn còn chưa xây dựng được mối quan hệ tốt thì có bao nhiêu người xa lạ ở ngoài kia muốn giữ sợi dây liên kết với bạn?

Trở lại với câu hỏi trên, không gì có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị.

Trước khi gửi lời mời kết bạn trên mạng xã hội, bạn có gửi tin nhắn làm quen, đề cập đến lý do muốn kết nối hay không?

Trước khi tham dự sự kiện, bạn có tìm hiểu về những người bạn sẽ tiếp xúc hay không?

Trước khi kết nối cùng một nhân vật nào đó, bạn có biết họ là ai, sở thích của họ là gì, họ quan tâm đến vấn đề gì, nghề nghiệp hay lĩnh vực họ đang công tác là gì hay không?

Ai trong chúng ta cũng yêu thích được quan tâm, được ghi nhớ, muốn nhận được những điều tương tự, ta cần thực hành nó trước.

Đối với các trường hợp ngẫu nhiên, có công thức nào giúp ta kết nối dễ dàng hơn không?

Phần lớn mọi người đều mong muốn có một vài thủ thuật (tip) để có thể  gây ấn tượng với ai đó trong vòng 30 giây đầu tiên tiếp xúc, hay làm sao cùng một lúc có thể có quen biết nhiều người, hay công thức chung để bắt đầu trò chuyện với một ai đó.

Nhưng việc áp dụng máy móc các tip này này có thể mang đến tác dụng ngược – để lại hình ảnh nhàm chán trong mắt người tiếp xúc. Tại sao vậy?

Mỗi người có một tính cách, một mối quan tâm khác nhau, áp dụng một kịch bản cho tất cả những ai bạn tiếp xúc là tự mở lối cho cuộc nói chuyện đi vào ngõ cụt.

Xuất phát từ sự chân thành, kết hợp cùng sự chuẩn bị kỹ càng, khả năng quan sát, sự tinh tế, khéo léo trong giao tiếp là công thức cho một sự khởi đầu thành công.

Làm sao để phát triển các mối quan hệ?

Có 5 từ khóa mà bạn cần nhớ:

1. Conversation (Trò chuyện)

Không có mối quan hệ nào có thể phát triển nếu những mắt xích ở trong đó không trò chuyện, chia sẻ cùng nhau. Đơn giản chỉ là vài phút điện thoại hỏi thăm sức khỏe, một tấm thiệp cùng vài lời chúc tự viết bằng tay mỗi dịp lễ, tết, hay vào một ngày kỷ niệm đặc biệt, hay thậm chí là những email/ tin nhắn chia sẻ cùng nhau những điều bình dị trong cuộc sống.  

2. Asking each other  (Quan tâm đến nhau)

Con người – ai cũng muốn được lắng nghe, được tôn trọng. Muốn ai đó yêu mến bạn hơn, trước tiên hãy cho họ biết bạn cũng rất yêu mến họ, tôn trọng họ, mong đợi được nghe họ chia sẻ.

Kỹ năng nào quan trọng trong thời đại 4.0 ? 2
Muốn ai đó yêu mến bạn hơn, trước tiên hãy cho họ biết bạn cũng rất yêu mến họ, tôn trọng họ, mong đợi được nghe họ chia sẻ

3. Support/ Help (Hỗ trợ/ Giúp đỡ)

Trước khi “nhận lấy” hãy tập cách “cho đi”. Một sự có mặt, sự trợ giúp đúng lúc ý nghĩa hơn vạn lời hoa mỹ mà sáo rỗng. Quan tâm vừa đủ, tinh tế vừa đủ là nguyên liệu cần thiết cho công thức này.

Tôi có một anh bạn, khởi đầu là một nhân viên kinh doanh tại một công ty khá lớn. Hằng ngày, anh quan sát thấy sếp của mình sáng thì đi làm khá trễ, chiều thì vội vàng rời công ty, lúc nào cũng rất gấp gáp, khác hẳn với phong cách điềm tĩnh khi giải quyết công việc. Rồi anh phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng đó là do sếp phải đưa đón 2 con nhỏ đi học. Vốn tính hay quan tâm giúp đỡ người khác, lại đặc biệt yêu mến trẻ em, bạn tôi nhiều lần đề nghị sếp cho mình được giúp đỡ – thay sếp chở hai bé đi học. Cũng trải qua 5 – 6 lần từ chối, cuối cùng sếp mới chấp nhận để anh hỗ trợ.

Về phía bạn tôi, để hoàn thành tốt công việc đưa đón trẻ và đến công ty đúng giờ, mỗi sáng phải chịu khó dậy sớm hơn một vài tiếng, đi ngược một đoạn đường xa xa. Nhưng nhờ đưa đón hai đứa nhỏ, bạn tôi được tiếp xúc gần hơn với sếp, từ đó mới biết được cuộc sống của sếp rất lành mạnh, rồi học hỏi được cách tổ chức sắp xếp công việc, được sếp tặng cho vài cuốn sách để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Vài tháng sau, công ty nhận một dự án lớn, sau khi cân nhắc, sếp quyết định giao cho bạn tôi. Xét về năng lực, bạn tôi chắc chưa sánh bằng nhiều cái tên khác cùng  phòng, nhưng xét về cái tâm, sự nhanh nhạy trong quan sát, giải quyết công việc, hay làm việc giữa người với người, bạn tôi có “điểm cộng”.

Có thể thấy rằng, người xây đắp mối quan hệ bằng sự chân thành, sẻ chia, luôn xứng đáng được nhận lại sự yêu mến và tin tưởng.

4. Create value (Tạo nên giá trị)

Vì sao bạn muốn kết nối với ai đó? Lợi ích! Dù vô hình hay hữu hình, chắc chắn không có mối quan hệ nào được xây dựng mà những nhân tố ở trong đó không thấy được lợi ích của mình. Việc của bạn là xác định giá trị của bản thân mình và của đối phương trong từng mối quan hệ để chọn lọc ra: Ai thực sự là người nên ở trong vòng tròn kết nối” của mình và đừng quên tạo thêm giá trị cho các mối quan hệ của mình.

Sau 75 năm nghiên cứu, qua 4 thế hệ khoa học gia tiếp nối, cuối cùng, Đại học Harvard đã chứng minh được thứ gì là quan trọng nhất để có một cuộc sống hạnh phúc.

“Chất lượng cuộc sống của bạn không chỉ được quyết định bởi số lượng bạn bè bạn có, mà còn liên quan đến việc bạn có sở hữu một mối quan hệ cam kết lâu dài hay không. Chất lượng mối quan hệ là vấn đề chính”, ông Robert Waldinger – nhà khoa học thế hệ thứ tư Đại nghiên cứu của Harvard  khẳng định.

5. Keep promise (Giữ lời hứa)

Giữ lời hứa chính là nhân tố tạo dựng nên thương hiệu cá nhân của mỗi người. Giữ lời hứa giúp hình thành sự tin tưởng – thứ mà con người ở xã hội hiện đại rất dè chừng, đề phòng khi muốn trao cho ai, bởi vì, không nhiều người coi trọng cam kết, coi trọng lời hứa của mình. Và còn sai lầm hơn nữa, không ít người xem nhẹ việc giữ lời hứa với gia đình, người thân chỉ vì suy nghĩ “người thân nên sẽ thông cảm cho mình”.

5 năm trước, network của tôi chưa đủ mạnh và có chiều sâu, lúc đó, tôi cũng chưa có nhiều mối quan hệ quốc tế, chưa nhận nhiều dự án xúc tiến thương mại như hiện nay, nhưng chỉ nhờ một lời hứa, con đường sự nghiệp của tôi đã bước sang một trang hoàn toàn mới.

Chuyện là, một Việt Kiều Pháp về Việt Nam mang theo mong muốn xây cầu, xây trường cho người dân miền Tây Nam Bộ. Ông tìm người có thể lo giấy tờ thành lập tổ chức phi lợi nhuận ở Việt Nam. Thời đó tôi đang học luật, mọi kiến thức vẫn còn trên giấy, nhưng vẫn tự tin là mình sẽ lo mọi chuyện ổn thỏa, cộng thêm niềm mong mỏi người dân sớm được hỗ trợ để di chuyển bớt cực nhọc hơn, thế là tôi hứa lo giấy tờ cho ông ấy. Đến lúc bắt tay vào việc, tôi “tá hỏa” khi nghe mức giá mà mình phải bỏ ra – nó gấp 10 lần số tiền tôi hứa với bác Việt kiều, và thời gian thì phải cả năm trời mới có.

Tôi đứng giữa hai lựa chọn, một là giữ lời hứa, tự bỏ tiền túi ra lo giấy tờ, hai là từ chối làm tiếp và trở thành kẻ thất hứa. Suy nghĩ đủ đường, cuối cùng tôi quyết định “ăn dầm nằm dề” tại Sở kế hoạch và Đầu tư cả tuần trời, hỏi hết người này đến người kia, đến khi nhân viên của Sở dần quen mặt, cũng là lúc tôi tìm được giải pháp với chi phí rẻ hơn một nửa mà lại nhanh hơn rất nhiều.

Sau 6 tháng, đánh đổi một khoản tiền cùng hai tuần chạy vạy khắp nơi, tôi mang được giấy tờ về cho bác, và đó cũng là lúc cái tên Huỳnh Công Thắng trở nên có giá trị trong cộng đồng người Pháp. Cứ 10 người Pháp muốn vào tìm hiểu thị trường Việt Nam thì hết 8 người kết nối với tôi và đặc biệt hơn, mọi mức giá tôi đưa ra họ đều tin tưởng chấp nhận.

Sau rất nhiều trải nghiệm, tôi rút ra bài học “Gieo quá nhiều hạt giống nhưng không dành thời gian chăm sóc, bón phân cho nó thì chẳng khác nào kết liễu một sự sống”

* Tác giả là nhà sáng lập UEH Connected và Vicgo

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button