Kiến thức khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Làm thế nào để khởi nghiệp trẻ có thể sống sót

Bức tranh khởi nghiệp Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực khi hàng loạt quỹ khởi nghiệp ra đời, nhiều tổ hợp văn phòng dành cho khởi nghiệp cũng mọc lên như nấm. Việc chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp đã tiếp thêm động lực cho phong trào này.

Làm thế nào để khởi nghiệp trẻ có thể sống sót

Thế nhưng, tín hiệu lạc quan này cũng khiến nhiều người lo lắng. Những lời hô hào của phong trào khởi nghiệp vẫn mang nặng tính hình thức, còn hiệu quả thực tế đến đâu đã thể hiện rõ trên con số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động mỗi năm.

Làm thế nào để những “startup” trẻ có thể “sống sót” qua những va vấp, thất bại, giữ vững tinh thần khởi nghiệp trên thương trường đầy cạnh tranh, đây là bài toán cho cả người trong cuộc và những người khởi xướng phong trào này.

Bài học đắt giá cho sự vội vàng

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2015, Việt Nam có 93.868 doanh nghiệp mới thành lập thì con số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng lên đến 71.391. Thực tế, nhiều doanh nhân chỉ thành công sau khi thất bại đến… vài lần, vậy mà điều đó cũng không ngăn được nhiều bạn trẻ bước vào con đường khởi nghiệp từ rất sớm và rơi vào bi kịch“vỡ mộng”.

Theo anh Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Secoin, giới trẻ khởi nghiệp hiện nay có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận các kiến thức chuyên môn gần với thực tế. Họ cũng có cơ hội làm việc và tích lũy kinh nghiệm phong phú tại các công ty đa quốc gia. Hội nhập cũng kéo Việt Nam gần hơn với thế giới để các bạn trẻ có cơ hội đặt ra những tham vọng vượt qua biên giới của đất nước. Thế nhưng, điều giới trẻ hiện nay thiếu nhất chính là bản lĩnh và khả năng ứng phó với những khó khăn, va vấp trên thương trường. Họ cũng thiếu sự kiên trì để theo đuổi mục tiêu đến cùng nên thường chỉ dừng lại ở “lập nghiệp” kiếm tiền chứ chưa thật sự khởi nghiệp.

Dữ liệu từ Global Entrepreneurship Monitor cho thấy hơn 80% vốn cho các doanh nghiệp mới là tiền tiết kiệm cá nhân hoặc huy động từ bạn bè và gia đình. Điều này có nghĩa là đa số các doanh nhân trẻ thường không có bệ đỡ vững chắc về tài chính và để khởi nghiệp, họ thường dốc hết vốn liếng tích lũy của bản thân và gia đình. Ở thời đại mà quan niệm “làm giàu không khó” nhan nhản trên mạng và trào lưu khởi nghiệp được khuyến khích từ trên ghế nhà trường, nhiều bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học hoặc làm việc ở một, hai công ty đã vội vàng thành lập doanh nghiệp. Với tuổi đời quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, họ chưa đủ bản lĩnh đối phó với những va vấp và nhanh chóng đuối sức. Vỡ mộng, mất đi vốn liếng và sự tự tin ban đầu là điều tất yếu, nhiều người thậm chí mất cả niềm tin để tái khởi nghiệp.

Mặc dù sở hữu một tập đoàn lớn về sản phẩm gạch men không nung có mặt tại hơn 50 quốc gia nhưng anh Đinh Hồng Kỳ cho biết anh không khuyến khích con mình làm chủ quá sớm. Sau khi con tốt nghiệp đại học, anh đã khuyên con… đi làm thuê cho các công ty nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm về quản lý, điều hành. Điều này không chỉ giúp con có được “độ chín” khi đảm nhận vai trò lãnh đạo doanh nghiệp mà còn tránh được việc phải trả giá cho những sai lầm.

Làm thế nào để khởi nghiệp trẻ có thể sống sót

Khởi nghiệp, đừng chỉ nghĩ đến làm giàu

Đề cập đến những khó khăn và nguyên nhân dẫn đến thất bại khi khởi nghiệp, đa số các startup trẻ đều cho rằng vấn đề đối với họ là nguồn vốn. Thế nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào dồi dào tài chính khi khởi nghiệp cũng thành công. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp chỉ xuất phát từ nguồn vốn cá nhân ít ỏi nhưng lại đạt những thành tựu. Bỏ qua lực đẩy từ các yếu tố như môi trường kinh doanh hay sự hỗ trợ tài chính, những tố chất cần thiết cho một startup bền vững là sự đam mê, kiên trì và ý chí vượt khó.

Theo anh Đinh Hồng Kỳ, đa số các doanh nghiệp trẻ hiện nay thường nghĩ đến việc lập doanh nghiệp để kiếm tiền chứ chưa nghĩ đến việc tạo ra một doanh nghiệp thực sự. Quá trình khởi nghiệp không phải ngày một ngày hai có thể thành công mà cần sự đam mê và tập trung cao độ.

Anh Đinh Hồng Kỳ chia sẻ, trước khi khởi nghiệp, các startup phải xác định được thế mạnh và mục tiêu của mình, khi xác định xong thì phải kiên trì dồn mọi nội lực để thực hiện. Chỉ có sự kiên trì bền bỉ và nỗ lực không ngừng mới giúp họ vượt qua những rào cản, thậm chí thất bại.

Trong nhiều ví dụ về các dự án khởi nghiệp thành công, người sáng lập các dự án chọn cách làm việc chăm chỉ nhiều năm và tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào con đường khởi nghiệp. Điều này giúp họ tránh được việc phải “mua” kinh nghiệm và “trả giá” bằng tiền.

Tháng 3/2016, thông tin một cô gái Việt Nam thắng giải cao nhất cuộc khi khởi nghiệp về giáo dục danh giá của Mỹ đã khiến cả cộng đồng khởi nghiệp xôn xao. Đó là Văn Đinh Hồng Vũ với ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh thông qua công nghệ nhận diện giọng nói Elsa. Mặc dù tâm huyết với các vấn đề giáo dục và mong muốn đóng góp cho cộng đồng nhưng cô hoàn toàn không vội vàng.

Tốt nghiệp đại học năm 2006, Hồng Vũ làm việc nhiều năm cho các tập đoàn tại nước ngoài rồi học cao học chuyên ngành giáo dục và quản trị kinh doanh để tích lũy vốn liếng thực hiện dự án của mình. Có thể thấy, con đường khởi nghiệp của Văn Đinh Hồng Vũ là một quá trình dài chuẩn bị với sự nỗ lực và kiên trì.

Sự thành công của dự án Elsa là nhờ người sáng lập ra nó đã đủ độ chín về ý tưởng, kinh nghiệm cũng như dự án giải quyết được nhu cầu rất thiết thực của nhiều người – đó là việc phát âm tiếng Anh đúng chuẩn để thành công hơn trên con đường sự nghiệp. Elsa đã được hai quỹ đầu tư rót vốn để phát triển hơn nữa trong tương lai.

Hiện nay, công nghệ thông tin là lĩnh vực tiềm năng cho khởi nghiệp bởi những ưu điểm như không có khoảng cách về mặt địa lý, không tốn nhiều chi phí cơ sở hạ tầng và đặc biệt là khả năng mở rộng thị trường. Thế nhưng, lĩnh vực này cũng chứng kiến nhiều vụ “ngã ngựa” của các startup, kể cả những doanh nhân đã từng thành công ở nước ngoài.

Theo anh Nguyễn Văn Phong, Giám đốc điều hành dự án siêu thị vé rẻ trực tuyến Atadi.vn, chi phí truyền thông, quảng cáo tốn kém và thói quen người dùng chưa thay đổi chính là khó khăn lớn khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Anh cũng nhấn mạnh mặc dù ý tưởng, kỹ năng chuyên môn là một trong những điều kiện tiên quyết để khởi động một dự án, thế nhưng, yếu tố quyết định sự thành công lại là tính khả thi của dự án cũng như khả năng vận hành, quản trị của chính các nhà sáng lập. Điều này chỉ có thể có được qua quá trình học hỏi và làm việc thực tế.

Để “sống sót” khi khởi nghiệp, lời khuyên của đa số các chuyên gia là đừng quá vội vàng. Dù có nguồn tài chính dồi dào, các startup cũng hãy tỉnh táo và thận trọng. Việc xác định thế mạnh, mục tiêu cần hướng đến và dành thời gian để tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm cho mục tiêu đó không bao giờ thừa. Không cần thiết để đem toàn bộ tài sản đổi lấy một vài kinh nghiệm từ những sai lầm.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Xem thêm: 8 tố chất cần có để trở thành người khởi nghiệp

 

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button