Kinh doanh

Những ngành kinh doanh phát triển nhanh nhưng chóng tàn

Bán cà phê mang đi, chụp ảnh Hàn Quốc lấy ngay hay cửa hàng đồng giá 10.000 đồng… là những dịch vụ đắt khách một thời nhưng càng ngày càng mất dần sức hút.

Ảnh minh họa.

Chụp ảnh Hàn Quốc lấy ngay thoái trào

Chủ một tiệm chụp ảnh Hàn Quốc lấy ngay đã đóng cửa ở TP HCM cho biết, năm 2005-2008, dịch vụ này nở rộ và khá hút khách. Kinh doanh dịch vụ ít vốn, nhanh thu lời, quy mô cửa hàng chỉ 15 m2 nhưng anh phải thuê đến 3 nhân viên. Vào cuối tuần, khách chen nhau xếp hàng, tiệm hoạt động hết công suất. Thế nhưng, một năm trở lại đây, cửa hàng liên tục lỗ nên anh quyết định đóng cửa.

Hiện nay, tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, điểm chụp ảnh Hàn Quốc cũng gần như biến mất. Những tiệm kinh doanh dịch vụ này ở phố Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM) hay đường Láng, Cầu Giấy (Hà Nội) đều chuyển thành cửa hàng photocopy, ảnh cưới, hàng ăn…

Nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi nói trên phần nhiều là thị hiếu chụp ảnh dần thay đổi. Máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh ra đời, mạng xã hội bùng nổ khiến cho người dùng, chủ yếu là giới trẻ, quay lưng với chụp ảnh Hàn Quốc lấy ngay.

Rạp chiếu phim 4D ế ẩm

Các rạp chiếu phim 4D du nhập vào Việt Nam từ năm 2008 gây được sự chú ý của nhiều người giờ đây cũng lâm vào tình cảnh ế ẩm.

Nhiều chủ đầu tư từng bỏ tiền tỷ để mở phòng chiếu 4D tiêu chuẩn tại các “điểm vàng” trong khu du lịch lớn, trung tâm thương mại hay siêu thị cũng đang phải nhượng lại hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. Nhiều phòng chiếu đã tung chiêu khuyến mại, giảm giá sốc nhưng tình hình vẫn không tiến triển.

Những ngành kinh doanh nhanh phát, chóng tàn
Giá đắt, số lượng phim 4D nghèo nàn khiến dịch vụ này ngày càng ế ẩm. Ảnh: Người Lao Động.

Tại một số rạp, giá vé xem phim 4D trước đây khoảng 40.000-80.000 đồng một lượt hiện nay giảm còn 30.000-55.000 đồng nhưng vẫn vắng khách. Phần lớn các chủ rạp lý giải, số lượng phim nghèo nàn nhưng họ không dám mua thêm phim mới vì sợ lỗ.

Về phía khách hàng, nhiều người cho rằng, chi phí để xem phim 4D quá lớn.Hơn nữa, họ thích cảm giác thoải mái với bạn bè khi xem một bộ phim bon tấn, hài hước dài 120-150 phút thay vì chỉ được cảm nhận vài ba phút cảm giác mạnh thậm chí là sợ hãi khi xem phim 4D.

Cà phê take away (mang đi) nhanh phát, chóng tàn

Một năm trở lại đây, mô hình cà phê mang đi (take away) nở rộ khắp Hà Nội và TP HCM với nhiều thương hiệu. Giá các loại cà phê mang đi khá mềm, khoảng 12.000-20.000 đồng một ly.

Theo quy trình, chủ sở hữu thương hiệu sẽ thiết kế, xây dựng quán, trang bị quầy kệ, máy xay cà phê, bàn ghế…. Mọi chi phí chủ quán chịu. Người bán được chủ thương hiệu chuyển giao công thức pha chế và cung cấp 100% cà phê nguyên liệu cho quán. Sau khi trừ các chi phí mặt bằng, thuê nhân viên…, chủ quán không phải chia lại phần lợi nhuận thu được cho chủ thương hiệu.

Những ngành kinh doanh nhanh phát, chóng tàn
Kinh doanh cà phê take away đang cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.

Chi phí đầu tư mở quán cà phê take away không quá lớn, khoảng 40-70 triệu đồng nên loại hình kinh doanh đồ uống này thu hút nhiều người tham gia. Trên cùng một đoạn đường ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có hàng chục quán treo biển “cà phê sạch”, “chất lượng”… với mức giá chỉ hơn kém nhau vài nghìn đồng. Thế nhưng, do phát triển quá nhanh với sức cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu, không ít quán take away bị ế ẩm, phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động.

Cửa hàng đồng giá 10.000 đồng thi nhau đóng cửa

Ít vốn, tiết kiệm chi phí, sản phẩm giá rẻ dễ tiêu thụ là những yếu tố khiến nhiều người “mơ tưởng” đầu tư chuỗi cửa hàng đồng giá 10.000 đồng. Khoảng 2 năm về trước, những khu đông sinh viên tại nhiều thành phố lớn, các cửa hàng đồng giá mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, theo quy luật đào thải của thị trường, hình thức kinh doanh này đang “đuối” dần.

Những ngành kinh doanh nhanh phát, chóng tàn

Nhiều cửa hàng đồng giá 10.000 đồng phải đóng cửa vì thua lỗ. Ảnh: Ngọc Lan.

Với nguồn hàng chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, nhiều cửa hàng đồng giá 10.000 đồng mất dần uy tín và không mang lại lợi nhuận trong một thời gian dài. Dù đã xoay chuyển sang hình thức kinh doanh đồng giá “ảo”: tăng các mặt hàng cũng như giá bán, nhưng số lượng cửa hàng đồng giá còn đứng vững không nhiều.

Chuyên gia e-marketing Nguyễn Phan Anh cho rằng, mô hình kinh doanh luôn tuân thủ theo quy luật đào thải của thị trường. “Nếu một hình thức kinh doanh thoái trào thì ắt sẽ có một hình thức khác mới, hiện đại hơn xuất hiện và nở rộ. Và khi nó thành trào lưu, sức cạnh tranh lớn, bản chất kinh doanh sẽ bị biến dạng, dẫn đến nhiều nguy cơ bị đào thải. Vì thế, người làm kinh tế giỏi phải luôn biết nắm bắt cơ hội cho mình”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Theo news.zing.vn

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button