Nhân vậtTin mới

“Nghĩ thành công, phòng thất bại” – DN Võ Thị Dịu Hiền chia sẻ

“Ghế nóng” CEO của Sacomreal-S, một thương hiệu mũi nhọn phân phối của Cty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín Sacomreal, đang được đảm đương bởi nữ doanh nhân Võ Thị Dịu Hiền, người sở hữu một  “phong cách điều hành” bài bản, trẻ trung và táo bạo.

"Nghĩ thành công, phòng thất bại" - DN Võ Thị Dịu Hiền chia sẻ 1Cũng cần khẳng định rằng, dù không quá “nóng” như “ghế” các lãnh đạo ngân hàng, nhưng các vị trí điều hành trong doanh nghiệp địa ốc nói chung thời gian qua cũng thường có nhiều thay đổi. Để “ngồi vững” được vị trí này, thông thường nếu không phải ông bà chủ thì cũng phải là các nhà quản lí dày dạn kinh nghiệm và có năng lực dám nghĩ, dám làm. Và vì vậy, một người trẻ ngồi ở vị trí này thật sự không dễ dàng. Có trò chuyện với Tổng giám đốc Sacomreal-S mới cảm nhận rõ hơn điều đó…

Cẩn trọng + Chi tiết = Lợi thế

– Trên thương trường không ít các nữ doanh nhân kinh doanh địa ốc. Và có rất nhiều người trở thành “đại gia”. Ở góc độ điều hành, chị có nghĩ nữ doanh nhân là sự phân biệt, hay cũng là một lợi thế?

Khi đi vào con đường kinh doanh, rất nhiều người hỏi tôi câu này. Ai cũng nghĩ là phái nữ thì có lợi thế của phái nữ. Có lẽ suy nghĩ đó là đúng. Bởi phụ nữ thường hay lo xa, cẩn thận, thận trọng. Lo xa mà tôi muốn nói chính là việc phải suy nghĩ nhiều hướng, nhiều “kịch bản” cho hoạt động kinh doanh của mình. Chẳng hạn muốn nghĩ đến thành công thì cũng phải nghĩ đến nguy cơ thất bại, muốn nắm bắt cơ hội thì cũng cần nghĩ đến các rủi ro có thể xảy ra. Ông bà ta hay có câu: “Cần tắc vô ưu” – cẩn thận thì sẽ hạn chế được lo lắng. Hay nói cách khác là muốn nghĩ tới thành công thì cũng phải biết phòng thất bại – để loại trừ yếu tố rủi ro, thất bại với một tỷ lệ thấp nhất. Với lĩnh vực kinh doanh địa ốc, cẩn tắc, thận trọng, phòng rủi ro lại càng không thừa, bởi đối với những tài sản, hàng hóa kinh doanh giá trị lớn, thì đôi khi chỉ quyết “sai một ly”, có thể “đi cả dặm”.

– Nhưng sự cẩn trọng đôi khi cũng sẽ cản trở việc nắm bắt cơ hội, mất tính “mạo hiểm, phiêu lưu” cần có của một nhà kinh doanh ở một số thời điểm nhất định?

Không hẳn như vậy. Sự cẩn trọng của phụ nữ ở đây được hiểu như soi xét cẩn thận mọi tình huống, rồi mới ra quyết định. Bên cạnh đó, việc đi sâu vào chi tiết công việc cũng giúp sự cẩn thận này “có giá” – các quyết định đều có một nền tảng vững chắc. Và những điều đó không hề cản trở tầm nhìn của một người lãnh đạo. Là người lãnh đạo thì bắt buộc phải có tầm nhìn, nhưng cũng cần phải rất chi tiết để thực hiện được tầm nhìn đó.

– Trong công việc tại Sacomreal-S, tính cẩn trọng cũng như khả năng nắm bắt, ra quyết định đúng thời điểm của chị có thường xuyên được thử thách?

Tất nhiên. Ban điều hành Sacomreal-S hoạt động theo định hướng chiến lược mà Công ty mẹ, Hội đồng Quản trị Công ty mẹ với sự đồng thuận của các cổ đông, đề ra. Song với vị trí tổng giám đốc, tôi phải thường xuyên quyết định các yếu tố mang tính thời điểm, đối với các dự án. Chẳng hạn như với dự án nhà ở xã hội Jamona Apartment mà trong tháng 3 này Sacomreal vừa mới ra mắt trên thị trường, thì việc ra mắt, ở bán dự án giai đoạn đầu tiên với bài toán làm thế nào để đáp ứng trúng nhu cầu khách hàng, thu hút người mua… được xem là một thử thách. Dự án này đã được khách hàng đăng kí mua tới 500 căn/ tổng số 1.290 căn hộ ngay trong ngày đầu tiên mở bán dự án, đối với chúng tôi là một bước “vượt qua thử thách” và cho thấy định hướng điều hành Sacomreal-S đang đi đúng.

Chiến lược “mở” trên thị trường

– Thực tế thì nhà ở xã hội không phải thế mạnh của Sacomreal. Chị có thể cho biết vì sao DN quyết định đi vào khai thác phân khúc này?

Chúng tôi đã có bước thử nghiệm với 20% là nhà ở xã hội tại dự án Carillon Apartment. Thành công ở dự án này cho Ban điều hành niềm tin và kinh nghiệm để phát triển các dự án khác. Quan trọng hơn, Sacomreal đang có quỹ đất lớn, ở những vị trí đắc địa và việc phát triển thêm dự án nhà ở xã hội là nhắm trúng nhu cầu thị trường, phù hợp quy hoạch tổng thể của tổng dự án nói chung.

Cũng phải nói thêm Nhà ở xã hội hiện đang là thị trường được “ưu tiên” trong chính sách phát triển Nhà ở theo Chiến lược phát triển Nhà ở quốc gia từ nay đến 2020 – một chiến lược đúng đắn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, nhất là những người có thu nhập thấp được sở hữu nhà ở, góp phần hỗ trợ an sinh xã hội. Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi để kích thích thị trường này. Ngoài ra, nhu cầu thực của người dân đang cho thấy việc tăng nguồn cung dòng sản phẩm này và nhiều doanh nghiệp đi vào khai thác dòng sản phẩm này là hoàn toàn hợp lí. Trong khi đó, việc tăng cung trên thị trường cũng được Sacomreal phân tích ở thời điểm hiện nay chưa hề rơi vào ngưỡng “bão hòa” hay bội thực mà ngược lại nguồn cung đang chưa đáp ứng đủ cầu. Do đó tung dự án đúng thời điểm, càng sớm, càng lợi thế.

Chúng tôi vẫn kì vọng sức mua ở phân khúc nhà ở xã hội sẽ tăng mạnh không chỉ trong năm 2015 mà còn trong những năm sắp đến.

– Nói như vậy, Sacomreal-S sẽ “bỏ bê” những phân khúc khác, hoặc không tập trung “làm thị trường” cho các phân khúc đó?

Ngược lại, chúng tôi duy trì chiến lược mở, đa dạng hóa các dòng sản phẩm trên thị trường.Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, bên cạnh dự án thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội như đã đề cập, Công ty Sacomreal tiếp tục phát triển các phân khúc vốn là thế mạnh của mình: đất nền biệt thự, căn hộ thương mại cao cấp, nổi bật với các dự án như: Khu đô thị phức hợp Jamona City, Celadon City, Arista Villas, Belleza. Các dự án này sẽ đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Cty năm nay.

– Chị có thể cho biết cụ thể hơn là riêng trong năm 2015, Sacomreal –S sẽ “đảm trách” đưa ra thị trường những dự án nào? Và như chị chia sẻ, “phòng rủi ro” là yếu tố không thể thiếu trong một kế hoạch kinh doanh, vậy chị đã tính toán đến “kịch bản” rủi ro cho các dự án này?

Sắp tới, Sacomreal sẽ tiếp tục tung ra thị trường các dự án căn hộ, đất nền biệt thự và nhà phố, điển hình là dự án Jamona City (Đào Trí, Q.7),) The Arista Resort (Q. Thủ Đức), Jamona Riverside (Q. 7)… Đây là phân khúc được đánh giá có rủi ro vì lượng khách hàng khắt khe hơn, lượng cung lớn lượng cầu ít. Nhưng trên thực tế cầu đối với các dự án có vị trí đẹp, giá hợp lý, thanh toán linh hoạt, thì lại rất lớn. Do vậy việc phòng rủi ro của Sacomreal là phải làm sao kiểm soát được các dự án triển khai thể hiện, phát huy được các tiêu chí, yêu cầu mà các khách hàng trên thị trường mong muốn.

Cơ hội của người trẻ

– Chủ tịch Sacomreal- doanh nhân Đặng Hồng Anh từng nói rằng Sacomreal là nơi hội tụ của rất nhiều công sự trẻ và là sân chơi để họ khẳng định mình. Chị có thể nói thêm về quá trình khẳng định mình ở sân chơi Sacomreal? Và việc có tuổi đời quá trẻ trên sân chơi này đối với chị, có là một áp lực?

Ở cương vị điều hành Sacomreal-S, với tôi đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. Thách thức không chỉ đến từ vị trí điều hành mà còn từ sự “ấm-lạnh” khó đoán của thị trường bất động sản thời gian qua và cả giai đoạn hiện nay. Năm 2015, những tín hiệu ấm lên của bất động sản đã rất rõ ràng. Do đó,  tận dụng mọi cơ hội để công ty phát triển lúc này là trách nhiệm lớn nhất đồng thời cũng là tâm huyết của tôi. Tôi nghĩ rằng, càng trẻ thì càng có nhiều cơ hội để học hỏi, hoàn thiện và phát huy năng lực nhiều hơn, bởi vậy trong khả năng nhiều nhất, tôi quyết tâm đưa Sacomreal-S thành một trong những công ty phân phối bất động sản phát triển vượt bậc trong thời gian sắp tới.

Sự cẩn trọng của phụ nữ “có giá” khi các quyết định đều có một nền tảng vững chắc. Và điều đó không hề cản trở tầm nhìn của một người lãnh đạo.

– Đặc trưng của Sacomreal-S là hoạt động kinh doanh trên nền tảng năng lực hệ thống phân phối, năng lực của các nhân viên kinh doanh – các nhân viên môi giới địa ốc. Giữ chân nhân viên giỏi để phát huy lợi thế đó vào lúc mà thị trường đã ấm lên như chị nói, đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện cạnh tranh nhân sự khốc liệt –  với Sacomreal-S có là vấn đề?

Với những bước chuyển mình của thị trường bất động sản, các công ty bất động đua nhau bung ra các dự án mới. Muốn bán được hàng, muốn trụ vững giữa thời buổi cạnh tranh khốc liệt này, yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp bất động sản chính là đội ngũ nhân sự, nhất là đội ngũ nhân viên kinh doanh. Là tổng giám đốc của Sacomreal-S, tôi luôn cùng với ban lãnh đạo của công ty, tìm mọi cách để đảm bảo môi trường làm việc năng động, thân thiện, cơ hội phát triển bản thân chuyên nghiệp, quan trọng nhất là đảm bảo thu nhập cho anh em kinh doanh.

Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng xây dựng văn hóa công ty để mỗi một nhân viên đều xem công ty là gia đình thứ hai và nỗ lực hết mình vì sự phát triển của công ty.

– Cuối cùng, xin hỏi là một nhà điều hành giỏi ở một DN dịch vụ địa ốc, theo chị liệu có cần thiết trước hết phải là một nhà bán hàng giỏi? Và để thuyết phục khách hàng, nhà đầu tư “xuống tiền” mua sản phẩm tại dự án của mình vào thời điểm hiện nay, chị sẽ nói/ hay làm gì?

Một người bán hàng giỏi chưa chắc là một nhà điều hành giỏi, nhưng một nhà điều hành giỏi phải là một người bán hàng giỏi. Chỉ có người bán hàng giỏi mới có thể hiểu rõ được sản phẩm của mình, tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm đó bằng tất cả tình yêu và tâm huyết. Ngoài ra, chỉ người bán hàng giỏi mới có thể hiểu được khách hàng mong muốn điều gì để đáp ứng nhu cầu đó.

Để khách hàng mua sản phẩm của mình, chúng tôi không nói mà chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng sản phẩm hoàn thiện nhất, hơn cả một sản phẩm mà khách hàng “cần”, đó là sản phẩm mà khách hàng “muốn”!

– Xin cảm ơn và chúc chị luôn thành công với những lựa chọn của mình!

Lê Mỹ thực hiện

Theo Diễn đàn doanh nhân

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button