Khởi Nghiệp | StartupTin khởi nghiệp

Nở rộ dự án khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam

Sự phổ biến của Intertnet, thiết bị di động cùng động thái rót vốn của hàng loạt quỹ đầu tư là nền tảng cho giới trẻ am hiểu công nghệ phát triển các dự án khởi nghiệp.

Nở rộ dự án khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam

Từ một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực. Nhiều công ty đa quốc gia và hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung hay Intel đã đầu tư vào đây hàng tỷ USD, thúc đẩy nhiều dự án khởi nghiệp trong ngành công nghệ phát triển.

Theo số liệu của ngân hàng SoftBank Group (Nhật Bản), có khoảng 1.500 dự án khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, nhiều hơn so với những quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Ấn Độ.

Hiện khoảng 44% trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam sử dụng Internet và lượng người truy cập web qua công nghệ không dây khá cao. Bên cạnh đó, mô hình quán cà phê Internet mọc lên khắp từ vùng thành thị đến nông thôn, giúp người dân lên mạng dễ dàng với chi phí thấp. Các thiết bị di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng ngày càng thông dụng nhờ mức giá rẻ. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển ứng dụng, chuyên gia kỹ thuật hay giới đầu tư cả trong và ngoài nước muốn khởi động việc kinh doanh của mình.

Vào năm ngoái, công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam là FPT thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm FPT Ventures và rót vào đây mỗi năm 3 triệu USD. Theo đó, quỹ sẽ tập trung hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được định giá dưới một triệu USD ở nhiều lĩnh vực gồm Internet, di động, giải pháp doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, giáo dục, giao thông và nền tảng công nghệ SMAC. Bên cạnh số vốn tối thiểu 50.000 USD, mỗi dự án được chuyên gia FPT hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm. FPT còn hợp tác chiến lược với nhiều quỹ và vườn ươm quốc tế để tạo ra môi trường khởi nghiệp cho mục tiêu 5.000 công ty công nghệ đến năm 2020.

Hay 500 Startups – quỹ đầu tư mạo hiểm lớn tại thung lũng Silicon hỗ trợ hơn 1.000 công ty trên khắp thế giới, đã ra mắt quỹ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 10 triệu USD vào tháng 3/2016. Dự kiến khoảng 150 nhóm khởi nghiệp sẽ nhận số vốn từ 100.000 USD đến 250.000 USD. Ngoài ra, họ còn có cơ hội tiếp cận gói vay ưu đãi lên đến 1,5 triệu USD từ Amazon, Facebook…  Mới đây, Goldman Sachs và Standard Chartered PLC đã đổ vào ví điện tử MoMo đến 28 triệu USD để phát triển dịch vụ này ra toàn quốc.

no-ro-du-an-khoi-nghiep-cong-nghe-tai-viet-nam

Sân chơi khởi nghiệp rộng mở hơn với giới trẻ khi Đại sứ quán Mỹ tổ chức cuộc thi The Ambassador’s Entrepreneurship Challenge nhằm khuyến khích các bạn trẻ tư duy khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Những đội chiến thắng vòng chung kết toàn quốc được nhận vốn khởi nghiệp cùng học bổng giá trị.

Các chuyên gia cho rằng, thành công từ những ứng dụng giao hàng thực phẩm hay vận chuyển hành khách như Grab Bike sẽ tạo hiệu ứng tốt, kích thích thị trường khởi nghiệp. Hoặc câu chuyện về trò chơi di động Flappy Bird thịnh hành trên cả nền tảng iOS và Android cho thấy giới trẻ Việt đủ khả năng xây dựng sản phẩm của mình vươn tầm ra thế giới. Những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn sẵn sàng bỏ ra từ 500.000 đến 2 triệu USD vào các dự án thể hiện được bản lĩnh, sự khác biệt.

Ông Neil Fraser – kỹ sư phần mềm kỳ cựu tại Google nhận xét, khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh không chỉ nhờ các quỹ đầu tư mà còn do giới trẻ có trình độ cao về công nghệ. Sự kết hợp của nguồn vốn đầu tư dồi dào cùng nhân lực tài năng sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp không ngừng nghỉ, vượt qua mọi trở ngại để sải bước thành công.

“Việt Nam có các sinh viên khoa học máy tính tài năng nhất mà tôi từng gặp. Học sinh trung học cũng tiếp thu kiến thức các môn toán và khoa học giỏi hơn bạn bè đồng trang lứa ở các nước phát triển giàu có. Có lẽ trong tương lai, thay cho hình ảnh người nông dân bên cánh đồng lúa chín vàng thì tấm bưu thiếp mang tính biểu tượng của quốc gia này sẽ in hình một kỹ sư đang thiết kế các ứng dụng công nghệ hữu ích”, ông Neil Fraser kỳ vọng.

Minh Trí | Theo Vnexpress

Xem thêm: Khởi nghiệp công nghệ: Dể sinh – khó dưỡng

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button