Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Vợ chồng cùng khởi nghiệp nỗi lo tan vỡ hôn nhân

Phân chia quyền hạn rõ ràng, lập quỹ dự phòng, tôn trọng và cởi mở với nhau là những quy tắc cần thiết để các đôi vợ chồng cùng khởi nghiệp giảm thiểu nguy cơ tan vỡ. 

Khi các cặp vợ chồng cùng khởi nghiệp, hôn nhân và kinh doanh là hai yếu tố gắn bó, tác động trực tiếp tới nhau. Hai vợ chồng phải vừa làm tốt công việc kinh doanh, vừa giữ mối quan hệ gia đình tốt đẹp.

Rủi ro trong kinh doanh là điều không thể tránh. Cùng điều hành công ty, khi kinh doanh gặp trắc trở thì quan hệ vợ chồng cũng ảnh hưởng. Doanh nghiệp lớn dần khiến vai trò quản lý của vợ, chồng trong công ty thay đổi theo. Nhiều mâu thuẫn cũng từ đó mà phát sinh. Cuộc ly hôn nghìn tỷ đồng của vợ chồng “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, vụ tranh chấp chia tài sản 25 tỷ đồng giữa vợ chồng sáng lập Công ty Cổ phần Hotdeal, rùm beng trong thời gian gần đây làm dấy lên câu chuyện vợ chồng cùng khởi nghiệp.

Mỗi người một ý

Gia đình và công việc bổ trợ, tác động lẫn nhau. Vợ chồng chung tay xây dựng sự nghiệp, sự tác động đó càng rõ nét hơn. “Công tư phân minh” trong hoàn cảnh vợ chồng khởi nghiệp không phải việc dễ.

Lê Bảo Nguyên – người đồng sáng lập & Phó Giám đốc Tài chính Homicare – nhận định rằng, nếu xét trên lý thuyết, trong trường hợp công việc thuận lợi, vợ chồng cùng kinh doanh dễ đồng cảm, chia sẻ khó khăn, tương trợ nhau. Sự đồng cam cộng khổ sẽ giúp tình cảm gia đình khăng khít hơn. Tuy nhiên, khi kinh doanh không như ý, quan hệ vợ chồng cũng từ đó mà lục đục, rạn nứt. Công ty nhỏ đối mặt những bất đồng quan điểm về nhân sự, tiền bạc, khách hàng, chất lượng, còn công ty lớn lại gặp vấn đề về điều hành, lợi ích.

Vợ chồng cùng khởi nghiệp nỗi lo tan vỡ hôn nhân 1

“Công ty giống như đứa con tinh thần của hai vợ chồng. Khi con ốm, mỗi người lại muốn chăm sóc con theo ý mình. Bất đồng quan điểm gây ra mâu thuẫn, phá vỡ tình cảm gia đình. Đôi khi, đơn giản việc người ngoài khích bác, cố ý chia rẽ cũng làm vợ, chồng hoang mang, mất tin tưởng nhau”, anh Nguyên nói.

Cùng điều hành Công ty TNHH Chế biến và Kinh doanh thực phẩm 9MEAL, hai vợ chồng chị Phạm Nhung, anh Đỗ Tất Công từng đứng trước sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Chị Nhung cho biết vợ chồng cùng làm việc, gặp nhau, va chạm cả một ngày là điều kiện nảy sinh nhiều vấn đề, mâu thuẫn trong công việc, gia đình. Số lượng công việc quá nhiều, áp lực đồng tiền đè nặng trên vai khiến cả hai mất thời gian dành cho gia đình.

“Thương hiệu 9MẮM là tâm huyết của vợ chồng tôi. Cả hai đều bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để xây dựng công ty như ngày hôm nay. Nhưng nhắc tới thực phẩm 9MẮM, mọi người thường nghĩ tới tôi mà quên người đàn ông cùng tôi sát cánh. Đó từng là nguyên nhân khiến anh Công cảm thấy chán nản, gia đình tôi gần như đổ vỡ. Lúc đó, tôi và anh đã cùng nhau nhìn lại, tìm nguyên nhân bắt nguồn những mâu thuẫn và đưa ra giải pháp khắc phục”, chị Nhung thổ lộ.

Quy tắc để vợ chồng kinh doanh hiệu quả, giảm thiểu xung đột

Kinh doanh để làm giàu, giúp cuộc sống gia đình sung túc. Nhưng nếu hạnh phúc gia đình ngày càng lỏng lẻo, vợ chồng cần xem xét lại mối quan hệ, công việc của mình và đưa ra những giải pháp hợp lý.

Hai vợ chồng cùng điều hành công ty là ý tưởng hay, mơ ước của nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dung hòa, hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh và nắm giữ hạnh phúc gia đình. Anh Lê Bảo Nguyên cho rằng, trước khi quyết định cùng khởi nghiệp, hai vợ chồng cần trả lời những câu hỏi như: Bạn đời có thích làm việc, chịu khổ cùng mình không? Cả hai có cùng quan tâm, nhất trí kinh doanh lĩnh vực họ đã chọn?

Nhiều cặp vợ chồng có suy nghĩ rằng bạn đời luôn hiểu ý tứ của họ ngay khi họ không thổ lộ. Suy nghĩ ấy vô tình tạo ra những mâu thuẫn không đáng có trên chặng đường khởi nghiệp.

Chị Trần Thanh Huyền – Người sáng lập công ty nước ép rau củ nguyên chất True Juice, cho biết, một quy tắc vợ chồng Huyền đặt ra và cố gắng tuân thủ là cởi mởi và tôn trọng. Cởi mở để khi bất đồng quan điểm, không hài lòng về nhau sẽ góp ý thẳng thắn, cùng tranh luận nhằm giải quyết vấn đề. Tôn trọng giúp vợ chồng không vượt quá giới hạn mà gây tổn thương cho nhau.

Vợ chồng cùng khởi nghiệp nỗi lo tan vỡ hôn nhân 2

Giống như bao doanh nghiệp khác, công ty gia đình do vợ chồng đồng sáng lập cũng cần phân chia quyền hạn, trách nhiệm cho mỗi thành viên.

Phạm Nhung cho rằng áp lực công việc là một trong những yếu tố gây rạn nứt hạnh phúc gia đình. Với một công ty bắt đầu khởi nghiệp, số lượng công việc quá nhiều mà nhân lực lại hạn chế, vợ chồng chị phân chia công việc rõ ràng dựa theo năng lực, ý muốn của từng người. Bởi khi làm công việc ưa thích, họ sẽ tạo ra hiệu quả công việc tốt hơn. Quyền hạn quản lý cũng cần được phân chia theo từng hạng mục như tài chính, marketing để không can thiệp vào nhau, giúp hạn chế bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, sự phân chia rõ nhiệm vụ phải dựa trên sự trao đổi thống nhất trước những quyết định quan trọng của công ty.

Vợ chồng cùng khởi nghiệp nỗi lo tan vỡ hôn nhân 3

Mọi doanh nghiệp đều có thể gặp khó khăn, thất bại. Hai vợ chồng cùng khởi nghiệp khiến gia đình và công ty có chung nguồn tài chính. Bởi vậy, vợ chồng cần chuẩn bị quỹ dự phòng cho gia đình để sẵn sàng vượt qua cơn nguy khó.

“Qũy dự phòng có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp như cần vốn hỗ trợ truyền thông, nghiên cứu sản phẩm mới, đặc biệt là phao cứu sinh cho gia đình khi công ty thua lỗ, thất bại”, anh Lê Bảo Nguyên nhấn mạnh.

Các cụ ngày xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Việc lập ra quy tắc chung thống nhất giữa hai vợ chồng và cùng nhau thực hiện sẽ giúp vấn đề điều hành công ty trở nên dễ dàng hơn.

“Kinh doanh là để phục vụ cuộc sống gia đình. Vì vậy, hạnh phúc gia đình vẫn là mục tiêu lớn nhất”, Phạm Nhung khẳng định.

Bùi Mến

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button