Khởi Nghiệp | StartupTin khởi nghiệp

Ở văn phòng khởi nghiệp ‘phẳng’, bạn trẻ ‘bắn’ tiếng Anh như gió

Ở những văn phòng khởi nghiệp “phẳng” (không gian làm việc mở) tại TP.HCM, hầu hết các bạn trẻ startup đều rất năng động, “bắn” tiếng Anh như gió.

Ở văn phòng khởi nghiệp 'phẳng', bạn trẻ 'bắn' tiếng Anh như gió
Không gian làm việc chung tại coworking space Dreamplex – Ảnh: Vũ Thủy

Khi từ khóa “khởi nghiệp” – startup ngày càng trở nên quen thuộc với người trẻ TP.HCM thì những coworking space, mô hình văn phòng “phẳng” hay không gian làm việc mở, cũng xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một bộ phận quan trọng của “hệ sinh thái” startup tại siêu đô thị này.

Trong không gian làm việc đầy mới mẻ này, người trẻ thoát ra khỏi bốn bức tường của môi trường làm việc truyền thống, tương tác nhiều hơn và cũng bị đòi hỏi nhiều hơn.

Ở những văn phòng “phẳng”, hầu hết các bạn trẻ đều rất năng động, “bắn” tiếng Anh như gió.

Đi làm ở văn phòng “phẳng”

Nơi làm việc của Toản – chàng trai trẻ sáng lập Công ty Perkfec – cùng với bốn thành viên còn lại là một chiếc bàn nằm trong một coworking space ngay trung tâm quận 1.

Perkfec khởi nghiệp một lĩnh vực cũng rất lạ: tư vấn, xây dựng văn hóa công ty. Công ty năm người thì thuê năm ghế cố định – một kiểu văn phòng “phẳng lì” – nơi mà Toản và đồng nghiệp ngồi cùng một chiếc bàn làm việc với nhân viên các công ty khác.

Có thể hình dung như văn phòng của một công ty lớn với nhiều dãy bàn, nhưng thay vì tất cả mọi người làm cùng một công ty thì ở đây, các bạn trẻ từ nhiều công ty khác nhau chia sẻ một văn phòng làm việc lớn.

Họ ngồi cùng một dãy bàn, sử dụng chung những studio cách âm khi cần không gian riêng để họp hội ý và khi không muốn gây ảnh hưởng đến những người làm việc khác, sử dụng chung phòng giải trí, chung những box điện thoại có ghế ngồi tiện lợi, chung hệ thống WiFi…

Toản cho biết bên cạnh chi phí rẻ, thích hợp cho các công ty, các nhóm startup còn ít nhân viên, việc chia sẻ không gian làm việc với một cộng đồng đa dạng đã làm nên “linh hồn” của các coworking space: giá trị kết nối, sẻ chia.

Với lĩnh vực tư vấn xây dựng văn hóa công ty, môi trường như các coworking space giúp anh tìm kiếm, kết nối được với các khách hàng là những công ty khác.

Nguyễn Gia Khánh (23 tuổi), nhân viên Công ty Elsa chuyên về công nghệ dạy phát âm tiếng Anh – một startup về giáo dục “đình đám” được hai cô gái Việt Nam sáng lập, cho biết anh làm công việc thiết kế và được công ty thuê một chỗ ngồi cố định ở một coworking space.

“Các sếp người ở Mỹ, người tại Bồ Đào Nha chỉ liên lạc qua Skype, email… Khánh đi làm hoàn toàn tự giác về giờ giấc, sáng đi chiều về và phải có khả năng tập trung vào công việc.

Bạn có thể cho rằng Khánh hoàn toàn có thể tự làm việc ở nhà, nhưng ngồi ở coworking space không khí làm việc bận rộn thì mình cũng bị cuốn vào.

Ở đây, khi Khánh thiết kế một cái gì đó mới mẻ, có thể đem đi hỏi những người xung quanh, những người làm cùng công việc để tham khảo ý kiến, chỉnh sửa cho hoàn hảo…” – Khánh chia sẻ.

Ở văn phòng khởi nghiệp 'phẳng', bạn trẻ 'bắn' tiếng Anh như gió
Những buổi nói chuyện tổ chức tại studio của các coworking space diễn ra thường xuyên. Đây là nơi để các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm, giao lưu, gặp gỡ – Ảnh: Vũ Thủy

Làn sóng văn phòng “phẳng”

Việc sử dụng văn phòng “phẳng” đang dần trở thành một xu hướng tại TP.HCM. Một loạt coworking space đang hoạt động sôi động tại thành phố năng động này: Work Saigon (quận 3), Saigon Coworking (quận Phú Nhuận), Start Saigon (quận 1), The Ventures (quận 1), Circo (quận 4)…

Mặc dù mọc lên liên tục nhưng những coworking space hầu như đều kín chỗ. Anh Võ Minh Toàn – phụ trách marketing của Dreamplex, một coworking space tại quận 1 – cho biết chỉ sau bốn tháng đi vào hoạt động, gần 500 chỗ ngồi của Dreamplex đã đầy.

Sau gần một năm mở địa điểm đầu tiên, sắp tới vào tháng 12, đơn vị này tiếp tục mở thêm chi nhánh thứ hai với diện tích gấp đôi.

Không chỉ có người Việt Nam, những coworking space còn là điểm đến của rất nhiều bạn trẻ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, từ Anh, Pháp, Mỹ đến Hong Kong, Thái Lan, Myanmar… Keith Teo – một bạn trẻ Singapore, CEO (giám đốc điều hành) của Công ty Raydar chuyên về hình ảnh bản quyền, đang làm việc cùng một nhóm nhân viên sáu người tại một coworking space – chia sẻ:

“Raydar là một công ty mới và vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển nên khi sang Việt Nam, những coworking space miễn phí rất thuận tiện cho các nhóm làm việc như chúng tôi. Giai đoạn này chúng tôi chủ yếu tập trung phát triển sản phẩm, hạn chế các chi phí quản trị, tăng cường kết nối nên coworking space thật sự là nơi lý tưởng. Các bạn trẻ Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm việc trong công ty của tôi cũng rất tài năng”.

Tại các công ty mới toanh như Raydar, CEO như Teo đi làm mặc quần short, áo thun, ngồi cùng bàn làm việc với nhân viên khác trong coworking space. Những người trẻ như Teo nhận thấy rằng những môi trường như coworking space sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn đối với các công ty đang trong giai đoạn khởi nghiệp.

“Trong các coworking space, chúng tôi có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài, những nhà đầu tư đến từ châu Âu, vươn ra thị trường rộng lớn hơn ở các quốc gia khác” – Teo cho biết.

Hiện tại Raydar của Teo được cung cấp nơi làm việc miễn phí, liên hệ ngay với một công ty khác cũng mới toanh về lĩnh vực nhân sự ở… bàn bên cạnh để tuyển dụng.

Tại nhiều coworking space, người dùng có thể lựa chọn không gian làm việc chung bằng cách thuê ghế ngồi cố định hoặc cũng có thể thuê các văn phòng nhỏ từ 4-8 chỗ ngồi để có không gian cách biệt hơn.

Ở các coworking space, họ chỉ đến và làm việc, không phải lo bất cứ vấn đề gì khác như thuê văn phòng làm việc, thuê người quản lý, vệ sinh, giữ xe…

Ở văn phòng khởi nghiệp 'phẳng', bạn trẻ 'bắn' tiếng Anh như gió
Nhóm bạn trẻ làm việc tại CirCO Co-working Space – Ảnh: KAT

Những “lò ấp trứng”

Bên cạnh các coworking space chủ yếu cung cấp không gian vật lý thì tại TP.HCM, một số mô hình, công ty hỗ trợ khởi nghiệp thật sự, coi coworking space chỉ là một dịch vụ cộng thêm để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp cũng đang thành hình, trở thành nơi kết nối các bạn trẻ có ý tưởng, có mô hình kinh doanh sáng tạo, tiềm năng với các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần (cách gọi những nhà đầu tư bỏ vốn vào các startup).

Coworking space mà công ty của Teo đang làm việc hoàn toàn miễn phí là của The Ventures – công ty chuyên có những hoạt động tự vấn, góp ý cho các ý tưởng khởi nghiệp, tìm kiếm nhà đầu tư… mới hoạt động tại TP.HCM từ tháng 3-2016.

Vượt lên trên khái niệm coworking space, những công ty như The Ventures tự định nghĩa mình là các “seed startup accelerator” – người tăng tốc các “hạt giống” startup tiềm năng.

“The Ventures là một công ty chuyên hỗ trợ các startup tại Hàn Quốc với một mạng lưới rộng lớn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư tại Hàn Quốc. Như bản chất của từ accelerator – máy gia tốc, chúng tôi tìm kiếm các ý tưởng startup tiềm năng, có khả năng phát triển mạnh mẽ để định hướng, tư vấn thêm và kết nối họ với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư Hàn Quốc để biến ý tưởng startup thành hiện thực, đưa startup phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh thị trường…” – anh Võ Minh Giang, phụ trách phát triển kinh doanh của The Ventures, cho biết.

The Ventures chủ yếu tập trung vào các startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các nhóm có thể đăng ký hồ sơ, trình bày về ý tưởng startup, có sản phẩm mẫu.

“Chúng tôi sẽ xem xét để từ đó giới thiệu các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư, hoặc chính chúng tôi tham gia đầu tư để nhận lại cổ phần. Phần lớn các bạn đều phải có ngoại ngữ tốt vì muốn tiếp cận vốn, kêu gọi đầu tư, họ cần phải đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài” – anh Giang nói thêm.

Việc cung cấp coworking space miễn phí vừa tạo môi trường cho các startup có nơi làm việc, giao lưu, học hỏi, đồng thời là cách để các accelerator tìm kiếm, phát hiện các startup tiềm năng.

Khi các startup phát triển đến một mức độ nào đó, quy mô nhân sự “bành trướng” thì họ sẽ bị “đuổi” khỏi các coworking space, nhường chỗ cho các nhóm startup mới.

Hình thành các cơ sở nhà nước hỗ trợ cộng đồng startup

Bên cạnh accelerator của nước ngoài, Sở Khoa học – công nghệ TP.HCM cũng có một “máy ấp trứng” cung cấp coworking space “cây nhà lá vườn” mang tên Saigon Innovation Hub (SIH) đã đưa vào hoạt động khoảng ba tháng.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương – sáng lập Color Pencils, đại diện SIH – cho biết SIH hiện đang hỗ trợ 26 nhóm có ý tưởng startup thuộc rất nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, giáo dục, bất động sản, thời trang, nông nghiệp công nghệ cao…, trước hết là cung cấp không gian để các nhóm làm việc.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các sự kiện Demo Day, Startup Night… cùng rất nhiều sự kiện giao lưu, chia sẻ của các startup đã thành công, các chuyên gia để hỗ trợ các bạn trẻ gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng, đồng thời kết nối họ với những nhà đầu tư để gọi vốn, tiếp cận vốn. Chúng tôi cũng có cả “ban giám khảo” để đánh giá ý tưởng, giúp họ hoàn thiện ý tưởng” – chị Hương chia sẻ.

VŨ THỦY – YẾN TRINH | Theo Tuổi trẻ

Xem thêm: Startup là gì? Mục tiêu của startup có phải là để bán?

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button