Khởi Nghiệp | StartupPháp lý

Pháp lý trong khởi nghiệp công nghệ: nhiều điều phải bàn

Ông Dzũng Nguyễn, Trưởng đại diện của Công ty CyberAgent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan nhận định: Hành lang pháp lý chưa thông thoáng, công ty khởi nghiệp (startup) thiếu tầm nhìn, chất lượng sản phẩm thấp… là những nguyên nhân khiến thị trường startup công nghệ Việt Nam đang dần mất đi cơ hội nhận nguồn vốn đầu tư lớn.

Pháp lý trong khởi nghiệp công nghệ: nhiều điều phải bàn 1

Nguy cơ giới trẻ ra nước ngoài khởi nghiệp

Theo ông Dzũng Nguyễn, trải qua hơn nửa thế kỷ, sóng khởi nghiệp bắt đầu dâng ở Mỹ, sau lan đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, nay Đông Nam Á là thị trường tiếp theo mà các quỹ đầu tư đang hướng tới. Lý do bởi dân số trẻ, đông, đặc biệt sự trỗi dậy của kỷ nguyên điện thoại thông minh đang làm thay đổi mạnh mẽ thói quen tiêu dùng lẫn phương thức kinh doanh.

Chỉ riêng 15 startup đang dẫn đầu thị trường Đông Nam Á đã gọi được nguồn vốn lên đến 2,3 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, Lazada gọi được 686 triệu đô la (từ Summit Partners, Tengelmann Ventures, Temasek Holdings); Mall được 500 triệu đô la (Indonesia, quỹ đầu tư Lippo Group); GrabTaxi được 340 triệu đô la (từ GGV Capital, Tiger Global Management, Softbank); Tokopedia (Indonesia) được 100,7 triệu đô la (từ CyberAgent Ventures, Softbank, Sequoia); Viki 24,3 triệu đô la (từ Greylock Partners, Rakuten, Andreessen Horowitz)… Điều đáng suy ngẫm là trong số này không có startup nào đến từ thị trường Việt Nam, dù Việt Nam tham gia thị trường startup sớm hơn các nước.

Sự trung thực và có tầm nhìn chiến lược. Các dự án startup thất bại chủ yếu là nhìn sai người chứ không phải thất bại vì ý tưởng. Đây cũng chính là bài học cho các nhà khởi nghiệp trẻ.

Mặc dù đã có một số sản phẩm game đưa ra nước ngoài, song nhìn chung, sản phẩm startup Việt Nam thua về mặt giá trị cũng như tầm ảnh hưởng trong khu vực. Những startup chất lượng để thu hút các quỹ đầu tư còn thiếu. CyberAgent Ventures là một quỹ đầu tư của Nhật Bản chuyên hỗ trợ các startup công nghệ, đã chính thức có mặt ở Việt Nam từ năm 2008 và đã đầu tư cho 17 công ty tại Việt Nam như Vatgia, Baokim, Nhaccuatui, CleverAds, Tiki, Foody… Lý giải về sự yếu thế của các startup Việt, ông Dzũng Nguyễn cho rằng hành lang pháp lý chính là “điểm đen” khiến thị trường startup Việt Nam khó phát triển.

So sánh chính sách hỗ trợ, các thủ tục pháp lý liên quan đến startup và quỹ đầu tư tại Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ thấy các startup Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi, gần như không có ưu đãi cụ thể nào, có chăng là nếu làm trong lĩnh vực phần mềm thì được miễn giảm một phần thuế những năm đầu.

Liên quan đến các thủ tục, một công ty khởi nghiệp phải từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể nhận được vốn đầu tư. Khoảng thời gian này là quá dài đối với công ty khởi nghiệp cũng như nhà đầu tư, vì công nghệ thay đổi nhanh, sáu tháng là khoảng thời gian đủ quyết định sự thành bại của một dự án. Hoặc khi muốn tăng vốn, các nhà đầu tư phải qua các khâu đăng ký kinh doanh, chờ đợi hồ sơ được các cơ quan hữu quan ký duyệt, đóng dấu cũng mất thêm vài tháng. Trong khi đó, ở các nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia, thủ tục cấp phép được tiến hành rất nhanh, họ ứng dụng chữ ký điện tử trên diện rộng, việc cấp giấy phép chỉ trong một tuần.

Chính cái vòng luẩn quẩn, nhập nhằng của thủ tục pháp lý khiến các startup Việt sớm bị hụt hơi, vì lo chạy giấy tờ không còn nhiều thời gian chuyên tâm phát triển sản phẩm. Các nhà đầu tư theo đó cũng không còn nhiệt huyết.

Dòng tiền khởi nghiệp cho thị trường Đông Nam Á đang tăng, nhưng Việt Nam lại chưa thực sự cởi bỏ những rào cản pháp lý để đón nhận, cộng thêm yếu tố sản phẩm thiếu chất lượng và quy mô, thị trường startup Việt Nam dần đánh mất cơ hội. Hai vùng trũng thu hút vốn đầu tư hiện nay là Indonesia và Singapore.

Ông Dzũng Nguyễn cho biết một thực trạng đáng lo ngại hiện nay là đã có một số bạn trẻ Việt Nam sang Singapore kết hợp với bạn bè hoặc đối tác bên đó thành lập công ty khởi nghiệp tại đảo quốc này. Nếu thành công, sản phẩm đó không thể gọi là của người Việt, và nếu có dòng vốn đầu tư đổ vào thì đương nhiên thuộc về kinh tế Singapore.

Hiện có không ít startup theo con đường ra nước ngoài khởi nghiệp. Chỉ riêng tại TPHCM cũng có khoảng chục dự án. Thạc sĩ N.Q.Đ – một du học sinh trở về từ Hàn Quốc, rất tâm huyết thành lập công ty khởi nghiệp về công nghệ cảm biến không dây. Anh kể đã cùng vài người bạn bắt tay thực hiện ý tưởng, thuê mặt bằng, nghiên cứu làm sản phẩm, tìm kiếm nhà đầu tư… Nhưng đã có quá nhiều vấn đề phát sinh mà một người chuyên về kỹ thuật như anh không thể lường trước. Chưa đến một năm, anh quyết định đóng cửa công ty, chọn phương án hợp tác với một nhóm bạn ở Singapore để tiếp tục phát triển dự án và gây vốn. Anh N.Q.Đ cho rằng đây là hướng đi dễ về mặt thủ tục và có nhiều thời gian chuyên tâm phát triển sản phẩm, nghiên cứu công nghệ và phân tích thị trường.

Hệ sinh thái khởi nghiệp tăng tốc

Tính đến nay, các startup công nghệ thành công trong nước có thể kể đến là Vinagame (nay là VNG), Vatgia, Nhaccuatui, Tiki, Giaohangnhanh, VCCorp, Appota, Sendo, Cốc Cốc, Foody… Mức đầu tư cho những dự án này không lớn. Cốc Cốc với 14 triệu đô la Mỹ và VCCorp 17 triệu được xem là những khoản đầu tư công bố lớn nhất.

Ước tính Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.000 dự án công nghệ khởi nghiệp (theo khảo sát của F.P.T). Theo đánh giá của những người trong ngành, số lượng công ty khởi nghiệp tương đối đồng đều qua mỗi năm, chỉ khác về số lượng quỹ đầu tư tham gia, khi số lượng quỹ tăng lên sẽ tạo cảm giác sóng khởi nghiệp dâng cao.

Theo nhận định của ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Appota, với chu kỳ ba năm một lần thì 2015 được dự đoán là năm mà sóng khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu dâng cao. Đặc biệt lần này có sự xuất hiện của một số nhà đầu tư trong nước như FPT Ventures, Seedcom… Làn sóng khởi nghiệp mới này còn được tiếp sức bởi những công ty thành công quay trở lại hỗ trợ cho những startup mới, như Appota đang hỗ trợ đầu tư 5 startup nhỏ; Vatgia cũng rót lại vốn cho một số dự án mới… Số lượng quỹ đầu tư dưới 200.000 đô la Mỹ cũng đang tăng lên. Gần đây, các công ty đầu tư trong nước như VNP, Seedcom, VAF, MOG, IDT, PVNi… hay các vườn ươm (NATEC, FIRST, mLab, Vietnam Silicon Valley, Công viên Phần mềm Quang Trung…) đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc thi nhằm tìm kiếm các dự án tiềm năng.

Đối với tập đoàn FPT, việc lập quỹ FPT Ventures được xem là một động lực để tăng trưởng. Tại ngày hội công nghệ FPT Tech Day vừa diễn ra trong tháng 5-2015, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, tuyên bố mỗi năm sẽ bổ sung thêm vào quỹ FPT Ventures 3 triệu đô la Mỹ. FPT Ventures cam kết đồng hành dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, làm bệ phóng cho các startup công nghệ Việt, thậm chí hỗ trợ cả chỗ ngồi làm việc.

Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung cũng tích cực tìm kiếm, chào đón những ý tưởng khởi nghiệp khả thi về công nghệ thông tin. Vườn ươm Quang Trung gồm hai chương trình: chương trình tiền ươm tạo dành cho các nhóm bạn trẻ từ 2-5 người, và chương trình ươm tạo dành cho doanh nghiệp mới thành lập cần hỗ trợ hạ tầng, chỗ ngồi. Tại đây, các bạn trẻ được đào tạo tiền khởi nghiệp và hậu khởi nghiệp, được giới thiệu với các quỹ đầu tư, được hỗ trợ vốn khởi nghiệp… Sinh viên ra trường khởi nghiệp ở đây được miễn phí hoàn toàn trong ba tháng đầu về hạ tầng, chỗ ngồi, điện, nước, Internet…

Thị trường đánh giá cao sự nhập cuộc của các nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn công nghệ trong nước, dù muộn, nhưng còn hơn không. Các quỹ đầu tư và các chuyên gia cho rằng bốn mảng công nghệ chủ lực mà các startup nên tập trung khởi nghiệp trong thời gian tới bao gồm: phát triển ứng dụng trên nền tảng di động (smartphone, các thiết bị đeo…); phân tích, xử lý, tối ưu hóa dữ liệu; lưu trữ dữ liệu trên công nghệ điện toán đám mây; và khai thác nguồn lực kinh tế đang lãng phí.

Cùng với quỹ đầu tư nước ngoài, các bên sẽ tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo động lực cho các bạn trẻ, một điểm tốt cộng hưởng cho thị trường. Nhưng hệ sinh thái thì phải có sự luân chuyển, không thể như cái ao tù nước đọng. Vì vậy, bài toán của startup Việt Nam là phải giải quyết được đầu ra cho những dự án lớn và gia tăng những dự án tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư sẵn sàng đưa vốn ra.

Khi quyết định đầu tư vào một dự án, các nhà đầu tư thường dành ít nhất sáu tháng để tìm hiểu về người dẫn đầu dự án. Suy nghĩ và hành động phải thể hiện được niềm đam mê, mức độ sẵn sàng lăn xả thực hiện đam mê, sự trung thực và có tầm nhìn chiến lược. Các dự án startup thất bại chủ yếu là nhìn sai người chứ không phải thất bại vì ý tưởng. Đây cũng chính là bài học cho các nhà khởi nghiệp trẻ.

Nguồn http://www.thesaigontimes.vn/

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button