Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam

Bài viết là kết quả tìm hiểu kinh nghiệm dẫn tới thành công của một số hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của startup tại Việt Nam.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam 1

Hệ sinh thái khởi nghiệp là gì?

Khái niệm về hệ sinh thái khởi nghiệp gần đây được sử dụng rộng rãi trong ngữ cảnh sáng tạo và kinh doanh. Mặc dù không có định nghĩa riêng, chính thức về hệ sinh thái khởi nghiệp và thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, song về cơ bản, nó đề cập đến một khu vực địa lý cụ thể hoặc “điểm nóng” (ví dụ như Thung lũng Silicon) với sự tập trung đông đảo các công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phạm vi của hệ sinh thái khởi nghiệp có thể thay đổi từ một vài tòa nhà cho đến cả một quốc gia. Ví dụ, Báo cáo Xếp hạng Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu, được coi là phân tích tổng hợp quốc tế toàn diện nhất, định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp là “một khu vực đô thị hoặc khu vực địa lý (bán kính khoảng 100km) có sử dụng chung các nguồn lực” .

Giống như các hệ sinh thái tự nhiên, chẳng hạn rừng nhiệt đới, một đặc điểm của hệ sinh thái khởi nghiệp là sự phụ thuộc lẫn nhau (hoặc “có chung đời sống”) của các thực thể khác nhau trong hệ sinh thái đó. Nói cách khác, các hệ sinh thái không phải là các cá nhân hoặc nhóm các nhân, mà là mối quan hệ giữa họ. Các đặc điểm này cũng phân biệt hệ sinh thái với các khái niệm khác như là cụm.

Các thành viên chính của hệ sinh thái khởi nghiệp rõ ràng là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các thành viên khác được coi là một phần của hệ sinh thái, bao gồm: các quỹ và các nhà đầu tư, các vườn ươm, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) và các nhà cung cấp dịch vụ khác (cả nhà nước và tư nhân) cũng như các quá trình, các sự kiện và các thực thể khác (như các cuộc gặp gỡ trao đổi, các cuộc thi).

Một số kinh nghiệm quốc tế

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn tương đối non trẻ trong quá trình phát triển, do đó các hệ sinh thái đang phát triển tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có thể học hỏi từ kinh nghiệm ở các nước trên thế giới. Phần này sẽ nghiên cứu ba hệ sinh thái từ các lục địa khác nhau với thành công cũng rất khác nhau, đó là: New York, Singapore và Amsterdam. Tác giả sẽ trình bày tổng quan về mỗi hệ sinh thái và diễn giải các chính sách, các chương trình và công cụ chính được sử dụng để hỗ trợ hệ sinh thái.

New York

New York thường xuyên được xếp vào một trong những hệ sinh thái phát triển nhất thế giới. Trong thập niên vừa qua, New York ngày càng trở nên nổi tiếng vì là một thành phố công nghệ cao. Ước tính, hệ sinh thái công nghệ của New York bao gồm 291.000 công việc về công nghệ, tạo ra 541.000 việc làm nói chung, chiếm 12,6% tổng số việc làm trong thành phố.

Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào công nghệ hoặc liên quan đến công nghệ cũng tăng nhanh và các công ty này tạo ra một tỷ trọng đáng kể các doanh nghiệp khởi nghiệp trong hệ sinh thái. Đáng chú ý là vốn đầu tư mạo hiểm liên quan đến công nghệ ở New York cũng tăng lên giai đoạn 2007-2011, trong khi các khu vực dẫn đầu về công nghệ khác ở Mỹ đang đối mặt với sự sụt giảm về đầu tư mạo hiểm. Mặc dù Thung lũng Silicon đang là trung tâm công nghệ hàng đầu ở Mỹ, New York vẫn có tầm quan trọng trong lĩnh vực công nghệ và có tác động lớn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố.

Cũng liên quan đến xếp hạng cao của thành phố, New York có rất nhiều thế mạnh và chỉ có một chút yếu điểm liên quan đến khả năng và sự sẵn sàng đứng ra chủ trì và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động. Là một trong những trung tâm tài chính của thế giới, không có gì đáng ngạc nhiên rằng, một trong những thế mạnh dễ thấy nhất của New York là tiếp cập vốn.

Thành phố cũng có kết cấu hạ tầng vững chắc cho kinh doanh, thị trường vươn xa tính theo GDP của hệ sinh thái địa phương cũng như việc tiếp cận khách hàng tại các thị trường quốc tế. Những điểm mạnh khác của hệ sinh thái New York bao gồm kinh nghiệm khởi nghiệp dày dặn, có nghĩa là sở hữu nhiều cố vấn khởi nghiệp và những nhà sáng lập đã có kinh nghiệm khởi nghiệp trước đây, cũng như kinh nghiệm về phê duyệt và cấp vốn cho các startup.

Xét đến khía cạnh chất lượng, chi phí và mức độ sẵn có của các nhân tài kỹ thuật, New York là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới. Điểm yếu nhất của thành phố này là môi trường pháp lý, tức là không phải lúc nào cũng ủng hộ các mô hình kinh doanh mới và sáng tạo như Airbnb (dịch vụ chia sẻ chỗ ở thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại di động…) và Uber.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam 2

Digital.NYC, trung tâm trực tuyến chính thức của hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ New York, có gần 8.000 công ty khởi nghiệp có website riêng. Ở New York, có hơn 100 chương trình tăng tốc và ươm tạo, trong đó nhiều chương trình chuyên sâu vào một lĩnh vực tập trung nào đó (ví dụ một ngành cụ thể, các chủ doanh nghiệp là nữ…), và các công ty và doanh nghiệp khởi nghiệp có hơn 120 nơi làm việc và không gian làm việc chung để lựa chọn. Đồng thời, các lựa chọn cấp vốn cũng rất đa dạng bởi có đến hơn 200 quỹ mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các cơ hội tài trợ khác trong thành phố.

Mặc dù sự sôi động của hệ sinh thái khởi nghiệp New York dựa vào hoạt động của các thành phần tư nhân và cộng đồng khởi nghiệp (doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp thiên thần, các nhà đầu tư, các chương trình tăng tốc, các cuộc họp mặt…), các chính sách và hoạt động của khu vực công cũng đóng một vai trò quan trọng.

Ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho hệ sinh thái liên quan đến kết cấu hạ tầng, giáo dục, đại học và sức hấp dẫn chung của thành phố, cũng có một vài chính sách – cả ở cấp độ bang và cấp thành phố – có mục tiêu trực tiếp là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp. Hơn nữa, bang New York còn ban hành một số chính sách và sáng kiến để hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp trong phạm vi toàn bang.

Singapore

Singapore là một trong những trung tâm tài chính của thế giới và là một trong những trung tâm khởi nghiệp quan trọng ở Đông Nam Á. Sở hữu một môi trường kinh doanh thân thiện, vị trí địa lý thuận lợi cùng với số lượng người tiêu dùng và các tập đoàn đa quốc gia đủ lớn, Singapore trở thành một địa điểm lý tưởng cho doanh nghiệp khởi nghiệp khởi động kinh doanh. Ngày nay, đã có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp đặt tại đây và hệ sinh thái khởi nghiệp này đang tiếp tục phát triển và mở rộng.

Thế mạnh chính của Singapore là môi trường kinh doanh, môi trường chính trị thân thiện và cơ sở hạ tầng, nền kinh tế sôi động, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và đầu tư nước ngoài, cũng như hệ thống giáo dục chất lượng cao tạo ra nhiều nhân tài cho hệ sinh thái. Tuy nhiên, cũng có một số điểm yếu khi xét đến sự hấp dẫn của Singapore đối với các doanh nghiệp, ví dụ như chi phí sinh hoạt đắt đỏ và thị trường nội địa nhỏ.

Một trong những yếu điểm đáng ngạc nhiên nhất của hệ sinh thái là văn hóa Singapore, nơi mà các doanh nhân không có địa vị xã hội cao. Do vậy, những người trẻ tài năng gặp áp lực tìm kiếm công việc trong các công ty đa quốc gia lớn thay vì khởi nghiệp, điều này khiến cho việc thu hút những người giỏi nhất làm việc cho hệ sinh thái khởi nghiệp trở nên khó khăn – và buộc các startup Singapore phải dựa vào lực lượng lao động nước ngoài .

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam 3

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore bao gồm tất cả các thành phần cần thiết cho một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và sôi động; có nhiều loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp, vườn ươm, chương trình tăng tốc khởi nghiệp và các lựa chọn cấp vốn. Trong những năm gần đây, hệ sinh thái này có sự tăng trưởng nhanh chóng: số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến 2013, tương ứng 24.000 lên 42.000 doanh nghiệp. Có ít nhất 20-30 chương trình tăng tốc/ươm tạo ở Singapore; số vốn sẵn sàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ đã tăng đáng kể trong những năm gần đây; đầu tư đã tăng 5 lần từ năm 2012 đến 2015. Ngoài ra, cũng có một số lượng lớn các hiệp hội, sự kiện, cuộc thi và các không gian làm việc chung cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Chính phủ Singapore luôn hỗ trợ tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Những sáng kiến đầu tiên được đưa ra từ những năm 1990 dưới hình thức các chương trình cấp vốn và các biện pháp khuyến khích hướng tới doanh nghiệp khởi nghiệp. Vào giữa những năm 2000, các chính sách được đẩy mạnh, giúp gia tăng các sự kiện khởi nghiệp, các vườn ươm, các chương trình tăng tốc.

Từ năm 2011 đến 2015, chính phủ Singapore đã dành hơn 11 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu, đổi mới và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tính đến cuối năm 2015, có trên 10 chương trình cấp vốn khác nhau (cho vay, tài trợ, góp vốn cổ phần…) cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như nhiều chương trình khác nhằm giúp các doanh nghiệp có được không gian làm việc văn phòng và tiếp cận các chuyên gia cố vấn. Có thể nói rằng, các chương trình hỗ trợ tài chính ở Singapore đã giúp thu hút các doanh nghiệp trong toàn khu vực đến hệ sinh thái Singapore. Một đặc điểm quan trọng trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ tài chính là nó không nhất thiết phải phân bổ trực tiếp cho các công ty, mà cho các thành phần khác như vườn ươm và trường học nhằm giúp xây dựng hệ sinh thái.

Mặc dù các chương trình cấp vốn có thể được coi là công cụ chính sách quan trọng nhất ở Singapore, nhưng cũng cần lưu ý rằng nước này cũng chú trọng các loại hình hỗ trợ khác.

Ví dụ, Chương trình Thẻ Doanh nhân Singapore (EntrePass) được khởi động năm 2004 để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tới Singapore. Một ví dụ khác về hỗ trợ phi tài chính là sáng kiến Accreditation@IDA, nhằm chứng nhận các công ty công nghệ ở giai đoạn đầu của Singapore “có đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cho chính phủ và các doanh nghiệp lớn”, và “xây dựng hệ sinh thái kỹ nghệ để phát triển kinh tế, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, xây dựng nhiều sản phẩm sáng tạo và các công ty công nghệ có thể mở rộng ở nước ngoài”.

Chương trình ACE (Cộng đồng Hành động vì Doanh nghiệp) do Chính phủ chủ trì là một sáng kiến nhằm củng cố văn hóa và cộng đồng khởi nghiệp ở Singapore. Mục đích là cung cấp nguồn lực và mạng lưới cho các doanh nghiệp triển vọng, đại diện cho doanh nghiệp và vận động cho các thay đổi chính sách phù hợp. Chương trình này cũng hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường học và trong giới trẻ.

Singapore đã xây dựng được những thể chế đủ mạnh để thực thi các chính sách về đổi mới và khởi nghiệp. Ví dụ, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) có thể xây dựng các chính sách quốc gia, các kế hoạch và chiến lược cho nghiên cứu, đổi mới, cũng như các quỹ, sáng kiến chiến lược và xây dựng năng lực về R&D, đặc biệt thông qua chương trình Khuôn khổ Quốc gia về Sáng kiến và Doanh nghiệp (NFIE). NFIE bao gồm một loạt các chương trình được thiết kế cụ thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong đó, gồm các quỹ mạo hiểm giai đoạn đầu, qua đó NRF đầu tư với các quỹ mạo hiểm (tỷ lệ 1:1) ở các công ty công nghệ ở Singapore. Một công cụ khác là chương trình ươm tạo công nghệ, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo bởi các vườn ươm công nghệ.

Một tổ chức quan trọng khác là SPRING, trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghệ. Cơ quan này chịu trách nhiệm “giúp các doanh nghiệp Singapore tăng trưởng và xây dựng niềm tin vào sản phẩm và dịch vụ của Singapore”. SPRING cung cấp các khoản tài trợ khác nhau và các chương trình thuế cho các công ty. Mặc dù SPRING phục vụ hầu hết các doanh nghiệp ở Singapore, nhiều chương trình tài trợ (ví dụ như Hạt giống SPRING, Chương trình Kinh doanh Thiên thần và Chương trình Khởi nghiệp ACE) được thiết kế cho khởi nghiệp và các thành phần khác trong hệ sinh thái. Thông qua việc phối hợp với các cơ quan nhà nước và các đối tác trong các ngành, SPRING cũng vận hành một cổng thông tin cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp các thông tin về pháp luật kinh doanh, hỗ trợ của chính phủ, các thông tin cụ thể theo ngành.

Tổ chức quan trọng thứ ba là Cơ quan phát triển Thông tin và Truyền thông Singapore (IDA), một đơn vị tự chủ trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông. Cơ quan này có nhiệm vụ “xây dựng công nghệ và viễn thông ở Singapore nhằm phục vụ người dân ở mọi lứa tuổi và các công ty thuộc mọi quy mô”. Cơ quan này hỗ trợ sự phát triển của các công ty công nghệ sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển một “hệ sinh thái viễn thông sôi động, nơi mà các công ty đa quốc gia và các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thông tin truyền thông”. IDA cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Một công cụ quan trọng của việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp (công nghệ) là Công ty Đầu tư Thông tin truyền thông (IIPL), một công ty con của IDA.

Amsterdam

Amsterdam có một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động và đang phát triển, đây là một trong những hệ sinh thái lớn nhất ở châu Âu. Điểm mạnh của Amsterdam là nằm ở vị trí địa lý trung tâm, môi trường quốc tế, hệ thống giáo dục cao cấp tạo ra lực lượng lao động trí thức và đủ khả năng thử nhiệm các sản phẩm và dịch vụ mới.

Điều đáng chú ý nhất trong trường hợp của Hà Lan, đó là việc hệ sinh thái không bị giới hạn ở thủ đô Amsterdam, mà còn mở rộng 13 thành phố và khu vực khác của Hà Lan nữa. Những trung tâm này được liên kết nhau, mỗi địa điểm lại tập trung vào một lĩnh vực cụ thể (ví dụ: y tế, thực phẩm và nông nghiệp, an ninh mạng…). Ngoài 13 trung tâm khởi nghiệp, Hà Lan cũng có số lượng khá lớn các công ty khởi nghiệp và các thành phần liên quan khác, như các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, các nhà đầu tư và không gian làm việc chung.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Lan bao gồm hơn 3.000 công ty khởi nghiệp, 300 nhà đầu tư, 40-50 chương trình tăng tốc/ươm tạo và 10 tổ chức công (bao gồm cả các trường đại học). Ngoài sự tham gia hàng ngày của các tổ chức công trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Hà Lan cũng xây dựng hai chương trình khởi nghiệp lớn đó là Startup Delta (chương trình quốc gia) và StartupAmsterdam (sáng kiến địa phương).

Một vài năm trở lại đây, chính sách doanh nghiệp đầy tham vọng đã chuyển thành kế hoạch hành động (Kế hoạch Hành động về Kinh Doanh có Tham vọng), qua đó chính phủ ban hành một số biện pháp để hỗ trợ các startup và doanh nghiệp nói chung đạt được tham vọng của mình để tăng trưởng. Chính phủ đã dành khoản ngân sách trị giá 75 triệu Euro nhằm thúc đẩy tiếp cận vốn, kiến thức, sáng tạo và thị trường toàn cầu. Các biện pháp cụ thể bao gồm:           

– Cung cấp tài chính giai đoạn đầu để các doanh nhân có thể nghiên cứu liệu một ý tưởng hay sản phẩm có khả thi về mặt kỹ thuật và phù hợp với thị trường hay không.

– Tăng cường vị thế quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển kinh doanh và thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài đến Hà Lan thông qua sáng kiến StartupDelta.

– Cung cấp các giấy phép lưu trú tạm thời (visa khởi nghiệp) cho các doanh nghiệp không nằm trong EU, tạo cơ hội cho họ thành lập doanh nghiệp ở Hà Lan.

– Xây dựng sáng kiến Hà Lan tăng tốc (Nlevator) – một nền tảng tạo ra bởi các doanh nhân có tham vọng phát triển doanh nghiệp của mình nhanh hơn.

– Cấp vốn cho dự án Eurostar – các dự án phát triển công nghệ sáng tạo, đưa các đối tác về kinh doanh và kiến thức từ ít nhất hai nước châu Âu vào cùng tham gia.

 – Cấp vốn theo chương trình Horizon 2020 của Uỷ ban châu Âu để kích thích nghiên cứu và sáng tạo ở châu Âu. Bên cạnh các sáng kiến tập trung cụ thể vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, chính phủ Hà Lan đã có một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ sáng tạo và kinh doanh, có một số biện pháp hỗ trợ kinh doanh cho các startup. Những biện pháp này bao gồm bảo lãnh tính dụng chính phủ, cấp vốn, tín dụng cho đổi mới sáng tạo và ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Bức tranh startup Việt Nam chỉ mới bắt đầu nổi lên nhanh chóng trong những năm gần đây, song sự phát triển rất đáng chú ý: số lượng startup đã tăng 4 lần từ con số 400 trong năm 2012 lên 1.800 trong năm 2015. Cũng trong thời gian này, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã tăng gấp ba lần và số lượng các giao dịch cấp vốn tăng lên theo cấp số nhân. Theo xu hướng này, số lượng các dịch vụ và hoạt động của hệ sinh thái, các sự kiện khởi nghiệp, các vườn ươm danh nghiệp, chương trình tăng tốc và không gian làm việc chung đã tăng đáng kể, góp phần vào sự tăng trưởng chung của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh sáng kiến của khu vực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cùng các nước trong khu vực cũng đã rất tích cực trong việc đưa ra các sáng kiến cấp vốn hướng đến các công ty khởi nghiệp (ví dụ sáng kiến Thung lũng Silicon Việt Nam do Chính phủ tài trợ). Đây là một sự thay đổi về chính trị khi chuyển từ tập trung vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước sang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực tư nhân, việc này cũng góp phần vào sự thay đổi văn hóa cần có để có thể xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mới và năng động.

Trong MBI, chúng tôi hiểu rằng Việt Nam giờ đây đã chuyển từ Giai đoạn Mới Xuất hiện sang Giai đoạn Kích hoạt, tức là đang cố gắng bắt kịp với các hệ sinh thái khác bằng cách ứng dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng và lập sơ đồ các thành phần trong hệ sinh thái, mối quan tâm, nhu cầu hỗ trợ chính sách của họ. Trong khi đó, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng chính sách để củng cố các điều kiện chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tuy nhiên, dù đã có những bước phát triển đáng chú ý trong những năm qua, startup Việt vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Cần tiếp tục có sự ủng hộ về mặt chính trị và tạo lập môi trường văn hoá mới để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của bức tranh startup Việt Nam. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế đã phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất bốn khuyến nghị nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, như sau:

– Xác định, lập bản đồ và phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp tiềm năng và các thành phần trong đó, mối quan tâm và nhu cầu hỗ trợ chính sách. Tập trung xây dựng sự phối hợp và lòng tin giữa các thành phần. Các chỉ số và mức xếp hạng hiện tại có thể cung cấp một khuôn khổ tốt và là điểm xuất phát cho nghiên cứu, nhưng cũng cần có các nghiên cứu sâu khác nữa.

– Thiết lập mục tiêu chính sách chung (ví dụ như lộ trình) và kế hoạch thực hiện (với phân bổ trách nhiệm và nguồn lực phù hợp) để hỗ trợ các hệ sinh thái khởi nghiệp. Đảm bảo sự tham gia của các bên tham gia trong khu vực tư nhân và các bên liên quan chính khác trong quá trình này.

– Áp dụng biện pháp tiếp cận tổng thể và xử lý mọi nội dung trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung vào xác định và loại bỏ các rào cản pháp luật (liên quan đến đầu tư, nhân lực, đăng ký kinh doanh, phá sản và thoái vốn), hỗ trợ văn hóa và tư duy doanh nhân cũng rất cần thiết, nhưng cần có sự phân tích kỹ càng.

– Có không gian để thử nghiệm chính sách và áp dụng biện pháp tiếp cận “kết thúc nhanh khi thất bại” trong việc thiết kế và đưa ra các chương trình và sáng kiến chính sách, tránh các thông lệ quá cứng nhắc. Áp dụng quy trình theo dõi và đánh giá để tạo thuận lợi cho việc học hỏi và cải thiện sáng kiến.

Những biện pháp trên sẽ giữ cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đi đúng hướng. Kinh nghiệm của Singapore và Amsterdam cho thấy, cần cung cấp khoản trợ cấp đặc biệt và ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước để vượt qua những thách thức ban đầu và khó khăn sau đó. Mặt khác, cung cấp thị thực đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng đưa những ý tưởng mới, chuyên môn và thậm chí cả vốn vào hệ sinh thái.

Các liên kết khu vực cũng rất quan trọng. Giống như các doanh nghiệp Hà Lan đã tìm được các kết nối ở London, Berlin và Dublin, các startup Việt Nam có thể tìm kiếm lợi ích từ việc kết nối với các hệ sinh thái ở Bangkok và Singapore, cũng như các thị trường trong khu vực ASEAN. Các chương trình phát triển khu vực tư nhân như MBI có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các hệ sinh thái và thị trường khu vực.

Ở các nước phát triển, các hệ sinh thái có thể tự vận động, nhưng ở các nền kinh tế đang phát triển thì cần có sự kết hợp hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (development sector). Các ví dụ của New York, Singapore, và Amsterdam chứng minh rằng vế sau là đúng. Trên thực tế, các chính phủ đang tham gia tích cực trong việc xây dựng các hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới ở các nước phát triển. Việt Nam có tiềm năng lớn để hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa.

MBI tin tưởng một số lĩnh vực có tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, bao gồm: du lịch (công nghệ du lịch), nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), dịch vụ tài chính (công nghệ tài chính), và phát triển đô thị (xây dựng thành phố thông minh). Chúng tôi đang tích cực xây dựng hệ sinh thái đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong các ngành dọc này. Các hệ sinh thái như vậy không chỉ thu hút sự tham gia của các đối tượng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và chính phủ, mà còn cả các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư chuyên biệt.

Trung tâm Sáng kiến Sài Gòn (SIHUB) và Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) được thành lập bởi các chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của MBI vào năm 2016 nhằm hỗ trợ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp. Những vườn ươm khởi nghiệp này hình thành nên mạng lưới cố vấn, mạng lưới ngành và hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, các vườn ươm cũng tạo ra không gian hoạt động cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Nhờ đó, hoạt động đổi mới sáng tạo có thể được ươm mầm phát triển ở Việt Nam.

Các chương trình thí điểm của DNES và SIHUB đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và tư nhân. Môi trường cải thiện và khả thi cho startup có ảnh hưởng lớn đến các hệ sinh thái ở địa phương và trở thành kim chỉ nam cho các startup, nhà đầu tư, nhà tư vấn và quản lý vườn ươm.

Từ khi DNES và SIHUB ra đời, đã có hàng trăm sự kiện đã diễn ra, giúp kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm hỗ trợ tài chính. Để 2 tổ chức này phát triển mạnh mẽ, Việt Nam phải nhanh chóng tạo sân chơi công bằng giữa hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước.

Chốt lại, nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam được đánh giá là linh hoạt hơn so với New York, Thung lũng Silicon, Singapore và nhiều nước khác. Cụ thể, thị trường Việt Nam đang nhanh chóng thích ứng với công nghệ mới, chứng kiến sự bùng nổ trong phát triển đô thị và du lịch đang phát triển thăng hoa. Việt Nam cũng có lượng dân số trẻ tràn đầy năng lượng và tham vọng, có thể đoán trước những khoảng trống trên thị trường. Đồng thời, các chương trình ươm tạo được quan tâm, chú trọng. Qua phân tích kinh nghiệm thế giới, Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của châu Á.

* Tác giả là Chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB và Trưởng dự án MBI

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo)

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button