Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh

Đại diện các nhóm trong hệ sinh thái khởi nghiệp đều ủng hộ chủ trương của Thành phố, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng Trung tâm thực sự vì cộng đồng khởi nghiệp.

Sáng hôm 17/07, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng về xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM với sự tham gia của lãnh đạo các ban ngành tại TP.HCM, cùng đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng startup.

– Địa điểm xây dựng dự kiến nằm ở số 123 Trương Định, Quận 3, TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 323 tỷ đồng và sẽ khởi công đầu năm 2020.

– Trung tâm sẽ là đầu mối về Đổi mới sáng tạo, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ KH&CN, quản trị tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh… Đây cũng sẽ là đầu mối hợp tác quốc tế về Đổi mới sáng tạo của TP.HCM và thế giới.

– Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khởi nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất tâm huyết nhằm xây dựng Trung tâm thực sự vì cộng đồng và của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh
Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh

11h15: Hội thảo kết thúc.

10h45: Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đã gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, đại diện vườn ươm, doanh nghiệp, startup đã đưa ra nhiều ý kiến đề xuất tâm huyết.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 1

Theo ông Dũng, dự án Trung tâm khởi nghiệp ĐMST đã được HĐND TP.HCM thông qua. Mục đích cuối cùng là hỗ trợ ban đầu về cơ sở hạ tầng cho cộng đồng khởi nghiệp. Kết luận hội nghị, ông Dũng nhận định, về cơ bản, cộng đồng hết sức ủng hộ chủ trương xây dựng Trung tâm của Thành phố. Thông qua hội thảo hôm nay, Sở KH&CN TP.HCM sẽ ghi nhận các ý kiến tại hội thảo và thiết kế lại thông tin chi tiết hơn. Từ đó sẽ có tham mưu chính xác hơn cho Thành phố để sớm đưa tòa nhà vào vận hành.

10h30: Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, dự án Trung tâm Khởi nghiệp TP.HCM đặt tại 123 Trương Định, quận 3 có tổng đầu tư 323 tỷ đồng và sẽ khởi công đầu năm 2020. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách thành phố.

10h20: Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia khởi nghiệp, cho rằng việc xây dựng Trung tâm không chỉ là động lực cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở TP.HCM mà còn ở cả vùng và Việt Nam. Với quốc tế Trung Tâm cần mang khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ khu vực và thế giới vào Việt Nam.Trung tâm sẽ là cầu nối kết nối doanh nghiệp lớn như Microsoft, IBM… với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Việc kết nối quốc tế có thể lôi kéo nhà khoa học nước ngoài về và nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thương mại hóa ra thị trường quốc tế.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 2

Ở chiều ngược lại Trung tâm cần là bệ phóng mang startup và đổi mới sáng tạo Việt Nam ra khu vực và thế giới. Trung tâm cần đóng vai trò quan trọng trong các chính sách lớn của TP cũng như Trung Ương như TP.HCM là TP khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Khu phố đông đổi mới sáng tạo của TP.HCM, Chương trình Make in Vietnam hoặc chương trình kết nối các nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam.

Theo ông Tuấn Anh, cần xác định rõ vai trò của trung tâm là vì lợi nhuận, hay nơi hỗ trợ ĐMST. Việc xây dựng Trung tâm cần thực hiện đấu thầu công khai để tạo giá trị tốt nhất cho cộng đồng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần lấy mô hình làm thử nghiệm (có thể là vườn ươm) trên một phạm vi nhỏ để kiểm chứng trước khi công khai. Song song với phần cứng hạ tầng để sử dụng hiệu quả Trung tâm cần có một chương trình dài hạn phát triển nguồn nhân lực – chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp và nguồn nhân lực khởi nghiệp. Cơ chế quản lý trung tâm cần lấy cộng đồng làm trọng tâm, do cộng đồng vì cộng đồng và tạo giá trị cho cộng đồng.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 3

10h10: Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó giám đốc BSSC cho rằng, cần xác định startup là đối tượng chính cần được hỗ trợ. Mục tiêu của trung tâm là phục vụ cộng đồng, từ đó tạo ra dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng (luật, ươm tạo,…). Trung tâm phải tự chủ tài chính, có nguồn thu ổn định, như vậy mới đảm bảo tính bền vững. Đội ngũ vận hành trung tâm cần có khả năng kết nối với cộng đồng, hiểu về cộng đồng. Từ sự gần gũi đó mới có thể đưa ra chính sách sát sườn hơn.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 4

9h55: Ông Lý Trường Chiến cho rằng, Trung tâm phải có tính hỗ trợ với doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta nên học hỏi mô hình nước ngoài nhưng cần phù hợp với điều kiện VN. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo hiệu quả cho các bên, nhà nước, startup.

Cũng theo ông Chiến, cần có đầu tư chiều sâu để đảm bảo tính hiệu quả ở các phòng lab, phục vụ nhu cầu thành phố, ví dụ như thành phố thông minh. Nhà nước nên theo mô hinh Syndney, cần có quản lý tổng quát, điều phối hoạt động đúng mục tiêu nhưng không can thiệp quá sâu về hoạt động của Trung tâm.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 5

9h50: Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch một doanh nghiệp về y tế, cho rằng cần xác định rõ, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề nào cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Theo ông Huy, cần ưu tiên lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển thành phố.

Về ĐMST y tế cần có vườn ươm khởi nghiệp chuyên về y tế. Theo đó, cần hỗ trợ tư vấn vốn, quản trị, kết nối đầu tư cho doanh nghiệp. Trung tâm Đổi mới sáng tạo phải có phòng R&D, phòng lab mô phỏng để phát triển sản phẩm. Việc xây dựng Trung tâm phải rõ ràng về mặt pháp lý, thống nhất quan điểm. Nhà nước chỉ cung cấp một số nền tảng cơ bản và để doanh nghiệp tự chủ và tự chịu trách nhiệm hoạt động của mình. Việc thiết kế tòa nhà phải phù hợp với đặc thù ngành nghề.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 6

9h45: Anh Hoàng Linh, CEO Circo (Start-up về không gian làm việc chung tại TP. HCM) đề xuất, việc xây dựng Trung tâm phải đem lại cảm hứng cho cộng đồng. Theo đó, cần có công ty kiến trúc đủ khả năng để thiết kế tòa nhà hợp lý. Khi có không gian rồi, thì dễ kéo nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn tham gia và mang lại luồng sinh khí mới cho Trung tâm.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 7

9h40: Ông Trần Vũ Nguyên (Bung Trần), Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn SIHUB, cho rằng chính sách là thứ mà Trung tâm phải chuẩn bị để làm việc với nhà đầu tư, các trường ĐH, tập đoàn quốc tế. Thành phố nên có buổi gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế để phản biện tốt hơn ở tầm quốc tế.

Ngoài ra, nhà đầu tư cần quan tâm đến vấn đề pháp lý. Ông Nguyên cũng đề xuất nếu Trung tâm đổi mới sáng tạo học hỏi mô hình ở Sydney thì nên mời chuyên gia ở đó tham gia thiết kế.

9h29: Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc khối phát triển ứng dụng Microsoft Vietnam (2012 -2017) và hiện là chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương, phát biểu.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 8

Theo ông Tuấn Anh, hiện có 7 trung tâm đổi mới sáng tạo lớn trên thế giới. Việc tạo cơ sở đổi mới sáng tạo thì dễ nhưng thổi hồn vào nó mới khó. Các doanh nghiệp startup phải có một bằng sở hữu trí tuệ nào đó, có ý tưởng độc đáo, chiều sâu. Việc đánh giá sự thành công của Trung tâm ĐMST phải dựa trên KPI, Trung tâm cần có những startup có tầm nhìn quốc tế.

9h21: Ông Nguyễn Việt Dũng chủ trì hội thảo.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 9

– Ông Nguyễn Việt Dũng đề xuất một số ý như sau: Thứ 1, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các nước thường là chính quyền xây nhà, sau đó mời gọi cộng đồng tự thiết kế. Trung tâm tại Sydney, Australia cũng là một tòa nhà cũ, chính quyền kêu gọi vườn ươm vào đầu tư. Đây cũng có phòng lab đặc thù cho từng ngành nghề, có thể ươm tạo ngay tại chỗ. Thứ 2: Đầu tư công – tư, theo chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư, và có chính sách hỗ trợ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Thứ 3: Mô hình vận hành ra sao để nơi đây đúng nghĩa là nơi diễn ra hoạt động và không phải cho thuê văn phòng.

9h15: Bà Phan Quý Trúc, Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM, trình bày sơ lược về mô hình của Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo TP.HCM.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 10

Theo đó, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công – tư. Nhà nước chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, đất đai, và khối tư nhân sẽ tham gia hoạt động ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp.

Địa điểm xây dựng dự kiến nằm ở số 123 Trương Định, Quận 3, TP.HCM. Đây là vị trí thuận tiện cho việc tổ chức sự kiện, đi lại thuận tiện. Với diện tích hơn 20 nghìn mét vuông, Trung tâm sẽ được phân thành nhiều khu vực: Hoạt động chung (đào tạo, tập huấn, sự kiện kết nối, triển lãm sản phẩm); Khu ươm tạo: có vườn ươm trong lĩnh vực khác nhau; Các cơ sở tăng tốc khởi nghiệp, phòng thí nghiệm; Khu vực văn phòng: sẽ là nơi các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, đặt văn phòng.

Theo bà Phan Quý Trúc, khu hoạt động chung nhà nước sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, khu còn lại thì sẽ do cộng đồng đầu tư.

Trung tâm sẽ có chức năng tổ chức đầu mối về Đổi mới sáng tạo, kết nối các đơn vị trong hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng tiến bộ KH&CN, quản trị tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình kinh doanh…

Đây cũng sẽ là đầu mối hợp tác quốc tế về Đổi mới sáng tạo của TP.HCM và thế giới.

Bà Trúc mong muốn nhận được những chia sẻ cộng đồng để Trung tâm hoạt động hiệu quả.

Động lực đổi mới sáng tạo cho cộng đồng startup Thành phố Hồ Chí Minh 11

9h10: Hội thảo Tham vấn xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM khai mạc. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức sáng nay (17/07), tại hội trường Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, số 244 Điện Biên Phủ, Q.3 với sự tham gia của lãnh đạo các ban ngành tại TP.HCM, cùng đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng startup.

Thông qua hội thảo, Sở KH&CN muốn lắng nghe ý kiến, đề xuất, chia sẻ của chính cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp khối tư nhân trong hệ sinh thái. Từ những đề xuất này, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM để xây dựng trung tâm đúng nghĩa là của cộng đồng khởi nghiệp.

Ngoài ra, hội thảo cũng là cơ hội để các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp cùng hiến kế giúp thành phố triển khai hiệu quả những chính sách đang có cũng như đặt hàng thêm những yêu cầu mới.

Việc xây dựng và phát triển Trung tâm là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM. Đây cũng chính là xu thế tất yếu của thế giới nhằm phát huy tối đa tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo mà các quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang tổ chức rất thành công.

Nhóm PV – Khám phá

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button