Tin mới

‘Start-up công nghệ là dạng doanh nghiệp kiếm tiền chật vật nhất ở Việt Nam’

Chàng trai sáng lập Trung tâm Nhật ngữ Akira khẳng định các start-up công nghệ là dạng doanh nghiệp khó kiếm tiền nhất ở Việt Nam vì rất nhiều lý do. 
'Start-up công nghệ là dạng doanh nghiệp kiếm tiền chật vật nhất ở Việt Nam' 1
Quách Đức Anh (bên trái) và doanh nhân Ngô Hùng Lâm (giữa) giao lưu cùng khán giả trong lễ ra mắt cuốn sách “Chinh phục đỉnh Phú Sĩ” do Quách Đức Anh viết hồi tháng 1. Nội dung cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông Ngô Hùng Lâm. Ảnh: Quách Đức Anh.

Ở Việt Nam, startup công nghệ chủ yếu tập trung vào phần mềm, vì những sản phẩm công nghệ hữu hình như điện thoại, máy tính đòi hỏi khoản đầu tư rất tốn kém. Nhiều người không đủ tiền để tập trung vào phần cứng, còn những người có đủ tiền lại không đủ “điên rồ” để đầu tư. Đó là quan điểm của Quách Đức Anh – người sáng lập Trung tâm Nhật ngữ Akira và đồng sáng lập Trung tâm Anh ngữ Elight.

Nếu bạn đầu tư công bỏ sức ra làm một sản phẩm công nghệ số, chỉ có 3 cách cơ bản để bạn có tiền: Bán quảng cáo, tạo “sàn giao dịch” để ăn tiền hoa hồng hoặc bán sản phẩm.

Đức Anh nói giá bán quảng cáo ở Việt quá thấp. Chẳng hạn, khi ứng dụng Học tiếng Nhật của Akira đạt 30.000 lượt tải, anh chỉ thu về 20 USD mỗi tháng.

“Đấy là ứng dụng của tôi còn có 60% người dùng là công dân quốc tế. Nếu 100% người dùng là công dân Việt Nam, doanh thu còn thấp nữa”, anh nhận định.

Đối với giải pháp tạo “sàn giao dịch” để hưởng tiền phần trăm (giống như các công t thương mại điện tử, hoặc dịch vụ cho thuê chỗ như AirBnB, bán vé như Ticketbox), doanh thu chỉ lớn khi lượng người sử dụng và lượng tiền giao dịch đạt mức cao. Giải quyết mục tiêu đạt một triệu người dùng đã khó, nhưng tìm giải pháp để xây hệ thống cho một triệu người vận hành ổn định còn khó hơn nhiều.

“Mục tiêu này cần khoản đầu tư ban đầu rất lớn, phải cỡ đại gia mới có thể thực hiện, chứ đa số start-up khó mà có đủ nguồn lực để thực hiện”, Đức Anh khẳng định.

Còn về hướng bán sản phẩm hoặc bán bản quyền? Đức Anh cho rằng hướng này không khả thi vì đa số người Việt Nam chưa có thói quen chi tiền để mua những sản phẩm công nghệ như phần mềm diệt virus, bản quyền máy tính, ứng dụng di động.

“Nếu không tính game, tôi khẳng định 99% người Việt Nam chưa từng bỏ tiền để mua những phần mềm công nghệ. Chúng ta đã quen với khái niệm dùng miễn phí hoặc crack. Sản phẩm công nghệ mà người ta bán được nhiều nhất ở Việt Nam có lẽ là game cá độ và trò đánh bạc. Giấc mơ có hàng triệu người dùng, nhận khoản đầu tư hàng triệu USD luôn là những giấc mơ đẹp và chúng chính là mật ngọt bóp chết những start-up trẻ”, anh nhấn mạnh.

Thị trường cho start-up công nghệ ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ

CEO của Akira giả định rằng mỗi năm khoảng 50.000 người Việt Nam học tiếng Nhật. Trung tâm Akira phát triển ứng dụng học tiếng Nhật trực tuyến với giá khoảng 20 USD. Như vậy, nếu 50.000 người mua, Akira sẽ có một triệu USD (gần 23 tỷ đồng).

“Vấn đề là chúng tôi sẽ cần đầu tư bao nhiêu tiền để tạo ra sản phẩm hoàn hảo đến mức 80% người học tiếng Nhật hài lòng? Và chúng tôi cần đầu tư bao nhiêu để chiếm hơn 80% thị phần? Đối thủ của Akira không chỉ là các phần mềm học tiếng Nhật, mà còn là các trung tâm dạy tiếng Nhật khác”, anh lập luận.

Công sức để chiếm 100% thị phần sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với việc mở vài trung tâm tiếng Nhật khác

”Nhiều người chỉ mất 3-4 năm để mở hơn chục trung tâm ngoại ngữ trên khắp Việt Nam, doanh thu hàng năm đều hơn 1 triệu USD”, Đức Anh nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đánh giá quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong 4 năm tới, con số này có thể đạt tới 10 tỷ USD. Nhưng Đức Anh ước tính doanh thu từ thương mại điện tử chỉ chiếm chưa tới 1% tổng doanh thu bán lẻ. Trong khi đó, rất nhiều đại gia đã nhảy vào TMĐT, như Alibaba hay Amazon.

“Rất nhiều start-up sẽ sụp đổ nếu họ nhảy vào TMĐT mà không biết rõ thực lực của họ”, anh bình luận.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button