Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Thiếu sandbox liệu doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech liệu có gặp rủi ro ?

Vì thiếu sandbox (khung pháp lý thử nghiệm) nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech (tài chính công nghệ) lo lắng gặp phải rủi ro.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Song tại nước ta, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tới 90% các giao dịch hàng ngày.

Đẩy mạnh giải pháp “số hoá” trong ngành tài chính ngân hàng, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ (gọi tắt là FinTech)… là những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp FinTech đang cần nhiều hơn nữa những chính sách phù hợp, để bảo vệ doanh nghiệp, thúc đẩy tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại nước ta.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, những giao dịch dưới 100.000 đồng vẫn được người dân thanh toán bằng tiền mặt. Chưa kể, số người trưởng thành tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng chỉ đạt khoảng 30%. 70% còn lại là những người trưởng thành ở vùng sâu, vùng xa, người dân nông thôn, người nghèo hoặc thu nhập thấp, nên ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đem đến nhiều thách thức cho việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thiếu sandbox liệu doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech liệu có gặp rủi ro ?
Thiếu sandbox liệu doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech liệu có gặp rủi ro ?

Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho biết, thói quen về sử dụng tiền mặt của người dân ở Việt Nam đang là rào cản khá lớn. Theo thống kê, có tới 60% người dân từ đủ độ tuổi mở tài khoản thì cũng chỉ có 20% là sử dụng hình thức thanh toán bằng tài khoản; còn lại 80% vẫn thanh toán bằng tiền mặt.

“Đối với việc để thúc đẩy thanh toán điện tử nói chung và cụ thể là thay đổi thói quen thanh toán cho cả người dân và doanh nghiệp, thì cần có chính sách ưu đãi, chính sách thuế phù hợp; đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tham gia thanh toán điện tử”, ông Tuấn cho hay.

Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan ở 63 tỉnh, thành phố cùng 768 quận, huyện trên cả nước. 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.

Đến hết quý 1/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2020 chiếm hơn 30% tổng phương diện thanh toán, thì đang cần có nhiều chính sách phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới.

Ông Trần Việt Vĩnh, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin chia sẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn sự minh bạch trong thị trường tài chính công nghệ.

“Chúng tôi luôn mong mỏi các cơ quan quản lý sẽ sớm có được các khuôn khổ, các văn bản hành lang pháp lý, để cho doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong sự giám sát dưới khuôn khổ của pháp luật và được sự bảo vệ cho chính doanh nghiệp, khách hàng”, ông Vĩnh cho biết.

Hội truyền thông số Việt Nam cho biết, trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần phải giải được bài toán SandBox.

Còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, nếu như không có khung chính sách pháp lý thử nghiệm SandBox, với những chính sách cụ thể khi cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm dịch vụ mới, thì hoàn toàn có khả năng chịu rủi ro lớn về mặt pháp lý, bị cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: “Sandbox chính là cách ứng xử của cơ quan Nhà nước đối với những công nghệ mới. Không có Sandbox chúng ta không thể ứng xử với cái mới được, vì khung pháp lý thường đi sau thực tế”.

“Nếu chúng ta không có cái gì ứng xử với cái mới thì làm sao mà chúng ta làm được? Tôi nghĩ rằng cần có sự công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới, khi cùng kinh doanh một loại dịch vụ”, ông Dũng cho biết thêm.

Không chỉ tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, khung pháp lý thử nghiệm SandBox trong một thời gian, giới hạn thử nghiệm còn hạn chế được việc các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, nhưng lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài.

Thực tế, một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain ở Việt Nam, do người Việt sáng lập ra nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Singapore. Lý do mà Singapore đang trở thành điểm dừng chân của các doanh nghiệp – cá nhân khởi nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam là vì đất nước này đang có nhiều chính sách ưu đãi.

Ví như thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế trong các năm đầu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài mở công ty ở Singapore, hệ sinh thái khởi nghiệp linh động với cơ chế cho phép áp dụng Khung pháp lý thử nghiệm SandBox, cơ hội gọi vốn và vươn ra thế giới dễ dàng hơn. Do đó, nếu chính sách SandBox không sớm được triển khai, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn về mặt pháp lý./.

Mai Hạnh/VOV1

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button