Tin khởi nghiệpKhởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin mới

Một cơ hội mới, phá rào cản, startup Việt bứt phá

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là động lực để các công ty công nghệ và khởi nghiệp của Việt Nam có cơ hội để bứt phá.

Cơ hội bứt lên

Khởi nghiệp đang dần trở thành làn sóng có sức lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam và là con đường ngắn nhất để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, chính các thành viên Chính phủ, trên hết là người đứng đầu Chính phủ, đã luôn giành sự quan tâm đến phong trào khởi nghiệp với những thông điệp và hành động cụ thể, mạnh mẽ.

Với những người khởi nghiệp, điều họ cần nhất là một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo và ươm mầm cho các ý tưởng sáng tạo được triển khai trong thực tế. Việc phê duyệt mô hình kinh tế chia sẻ của Thủ tướng, có thể thấy rõ quan điểm của Chính phủ trong câu chuyện này là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới.

Một cơ hội mới, phá rào cản, startup Việt bứt phá
Một cơ hội mới, phá rào cản, startup Việt bứt phá

Theo ông Phạm Hữu Ngôn, CEO AhaMove, đề án sẽ góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ như AhaMove phát triển thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý.

Các cơ quan ban, ngành của Nhà nước cũng sẽ đón nhận hình thức kinh tế chia sẻ tích cực hơn để từng bước đưa ra những văn bản hướng dẫn thi hành hợp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm tập trung vào bài toán cốt lõi nâng cao chất lượng của mình.

Đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thuế, quyền lợi và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ. Khi có khung pháp lý rõ ràng và sự thống nhất của các cơ quan ban ngành thì các đơn vị cung cấp nền tảng và người cung cấp dịch vụ sẽ dễ dàng giao kết hợp đồng và trách nhiệm lẫn nhau hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tuất – Chủ tịch và sáng lập FastGo, đây là một tín hiệu, một động lực tốt cho các công ty startup, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ là một trong những thành phần quan trọng, đang dẫn dắt các mô hình kinh tế mới dựa trên ứng dụng công nghệ để khai thác các nguồn lực dư thừa trong xã hội; tạo ra cơ hội việc làm mới, giúp cho phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Nguyễn Hữu Ân, đại diện của Tesco, khẳng định sẽ làm hết sức cùng các cộng sự đưa sản phẩm phần mềm Việt ra khu vực và thế giới. Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng khởi nghiệp bùng nổ, người trẻ đang có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Việt Nam đang dịch chuyển nhanh nhạy, luôn là nước đi đầu, xu thế bắt kịp công nghệ mới như AI, Big data,… “Việt Nam đang hội tụ đủ các yếu tố để startup thành công”, ông Ân nhấn mạnh.

Đề án đã tạo ra động lực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam và chính cơ hội này giúp Việt Nam trở thành điểm sáng về phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong công nghệ tại châu Á.

“Đề án sẽ giúp khơi thông các dự án công nghệ, đặc biệt dành cho các startup công nghệ với các dự án về dữ liệu lớn, giúp dễ triển khai hơn bởi đã có sự khích lệ, cho phép làm và được quyền khai thác thông tin”, ông Phạm Anh Cường – nhà sáng lập kiêm CEO Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB, nhận định với báo giới.

Cuộc đua trong nền kinh tế chia sẻ

Bất chấp nhiều rào cản, kinh tế chia sẻ vẫn đang lan tỏa, đặc biệt là trong cộng đồng khởi nghiệp. Riêng Việt Nam đã có rất nhiều nhà sáng lập lựa chọn xây dựng ước mơ của mình bằng mô hình kinh tế này.

Đầu tiên có thể kể đến GotIt! của Trần Việt Hùng. Đây là một ứng dụng giáo dục trên điện thoại, được xây dựng trên nền tảng hỏi đáp giữa các học sinh và chuyên gia. Ứng dụng này đã lọt top 10 ứng dụng giáo dục trên Apps Store tại Mỹ.

Hay như Luxstay, mô hình áp dụng kinh tế chia sẻ vào ngành bất động sản và du lịch, kết nối các chủ nhà với người thuê nhà ngắn hạn được nhà sáng lập Nguyễn Văn Dũng kỳ vọng sẽ trở thành startup tiên phong khi thị trường dịch vụ lưu trú ngắn hạn bùng nổ.

Tương tự, WeFit không sở hữu bất cứ phòng tập nào nhưng thành viên của Công ty có thể sử dụng hơn 600 phòng tập trên toàn quốc.

Một cơ hội mới, phá rào cản, startup Việt bứt phá 1

Nhận vốn từ quỹ đầu tư CyberAgent Ventures của Nhật Bản để mở rộng quy mô, JupViec.vn là công ty khởi nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ giúp việc chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Ngoài ra, lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp còn xuất hiện hàng loạt website như: Ahamove (ứng dụng kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải với người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa), Shipg (ứng dụng kết nối người đi nước ngoài với người có nhu cầu mua hàng xách tay) hay Commenau (bán cơm văn phòng vào buổi trưa, tạo việc làm và kiếm thêm thu nhập cho các bà nội trợ),…

Thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ Việt đang nở rộ với cả chục ứng dụng gọi xe tham gia kết nối xe công nghệ như Grab, FastGo, Go-Viet, Be, Mailinh, Aber, MyGo,…

Kinh tế chia sẻ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối cung – cầu, mà còn là những nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp trong cùng chuỗi ngành có thể kết nối với nhau để tối thiểu hóa chi phí.

Chẳng hạn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ số liên thông các kho dự phòng thiết bị giữa các đơn vị. Nhờ đó, các đơn vị chia sẻ với nhau thiết bị dự phòng nên giảm đáng kể thiết bị tồn kho.

Có thể nói, cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi tư duy để mở rộng cơ hội trong nền kinh tế chia sẻ. Nhưng việc tận dụng cơ hội thế nào lại thuộc về tư duy của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Quý – Chủ tịch Tập đoàn Novaon, để thành công, startup và doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ cần 3 yếu tố: Thứ nhất, năng lực công nghệ vì làm nền tảng; thứ hai, mô hình mới đòi hỏi tính sáng tạo và đổi mới rất mạnh; thứ ba, do thị trường và mô hình có nhiều đối thủ lớn, nên việc lựa chọn đối đầu hay chọn ngách cũng là chuyện sống còn.

Duy Anh/ Vietnamnet.

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button