Tin mới

Tương lai của tăng trưởng nằm ở việc khởi nghiệp sáng tạo

Làm thế nào để doanh nghiệp (DN) Việt Nam sáng tạo, có cách kinh doanh mới hơn, sản phẩm lạ và tạo ra giá trị gia tăng cao cho phát triển bền vững là vấn đề được các chuyên gia và doanh nhân quan tâm tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra ở TP.HCM cuối tuần rồi.

Tương lai của tăng trưởng nằm ở việc khởi nghiệp sáng tạo 1

Startup sẽ thay thế mô hình cũ

Cách nay hai năm, Việt Nam bắt đầu khởi xướng phong trào khởi nghiệp (startup) theo tinh thần một “quốc gia khởi nghiệp” (startup nation). Liệu có đủ niềm tin cho thông điệp này? GS. Nguyễn Đức Khương – thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng khẳng định: “Tôi rất tin và nghĩ rằng nhiều người chia sẻ quan điểm này”.

Ông Khương cho rằng phải nhìn vào số lượng DN hình thành (sáng nghiệp và khởi nghiệp) trong một giai đoạn của một quốc gia. Việt Nam quan tâm đến lực lượng trẻ startup trong những lĩnh vực có sản phẩm, dịch vụ, quy trình và công nghệ cùng khả năng huy động vốn của họ cho các hoạt động tương lai.

Theo ông Khương, “quốc gia khởi nghiệp” trước tiên bắt đầu từ tinh thần, tiếp theo là nỗ lực của hệ sinh thái và năng lực biến họ thành những tác nhân có ảnh hưởng trên quy mô lớn. Ông ví dụ, năm 2015, Israel với 8.000 startup và huy động được 3,4 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trở thành trung tâm công nghệ thứ 2 sau Silicon Valley.

Tại Pháp có 10.000 startup nhưng chỉ huy động được 1,8 tỷ USD, và để có được kết quả này, từ 2012 chính phủ Pháp đã đánh giá lại quá trình phát triển kinh tế và nhận định các startup sẽ thay thế những tập đoàn hùng mạnh từng đưa nước Pháp trở thành 1 trong 5 cường quốc kinh tế trên thế giới sau 30 năm Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc.

Bài học này, theo ông Khương, là cần thiết cho phong trào startup tại Việt Nam hiện nay. Chỉ trong 5 năm, Pháp thay đổi hoàn toàn khái niệm, xem startup là tương lai của tăng trưởng kinh tế. Một startup có doanh thu 1 tỷ franc được xem là con kỳ lân trong hệ sinh thái, được chăm sóc để đi vào những sàn chứng khoán toàn cầu. Pháp nhận định 30 con kỳ lân sẽ thay thế 40 DN hàng đầu nước Pháp hiện nay trong vòng 30 năm tới. “Như vậy, tất cả các startup đang được xem là tương lai của tăng trưởng”, ông Khương nói.

Theo số liệu Chính phủ công bố gần đây, năm 2016 Việt Nam có 800 DN startup sáng tạo và năm 2017 đã tăng lên 3.000 DN với khoảng 60 quỹ đầu tư hỗ trợ. Dù tăng nhưng quy mô còn khá nhỏ, trong khi 90% startup sẽ mất đi trong khoảng từ 3 – 5 năm. “Song song với các chính sách phát triển hệ sinh thái startup, nguồn vốn là yếu tố quan trọng đưa startup thoát khỏi chu kỳ đầu startup để trở thành DN lớn có tầm ảnh hưởng trong tương lai”, ông Khương cho biết.

Đổi mới sáng tạo là tiên quyết

Theo ông Nguyễn Duy – Giám đốc Điều hành Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF), hệ sinh thái startup Việt Nam đang phát triển khá khả quan. Đặc biệt Đề án 844 về hỗ trợ đổi mới sáng tạo startup đã tạo ra phong trào startup trên cả nước thời gian gần đây, hỗ trợ cho các quỹ, tổ chức triển khai và hỗ trợ startup đến tận các địa phương.

Gần đây, Chính phủ cũng đã có nghị định về đầu tư cho các DN nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo. “Điều này cho thấy Nhà nước đóng vai trò tích cực khi có chính sách hỗ trợ và ủng hộ startup. Tuy nhiên, bản chất của startup phải đến từ khối tư nhân, các cá nhân, từ đào tạo và từ những ý tưởng hoặc dự án rất nhỏ đi lên”, ông Duy nói.

Tương lai của tăng trưởng nằm ở việc khởi nghiệp sáng tạo 2

Một trong những hạn chế lớn là rào cản đối với hệ sinh thái startup, đó là thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo. Theo ông Duy, Đề án 844 mới nhấn mạnh đến số lượng startup hay nguồn vốn thu hút mà chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo, có bao nhiêu bằng sáng chế hoặc có chính sách gì bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… “Nếu không quan tâm đến sở hữu trí tuệ thì nhiều năm nữa hệ sinh thái startup sẽ như xây “lâu đài trên cát”. Vì không thể có một hệ sinh thái mà không đổi mới sáng tạo”, ông Duy lý giải.

Là người điều hành quỹ startup đồng thời điều hành Sơn Kova – một DN thành công từ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ông Duy cho rằng nếu không quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN và quyết tâm startup của nhiều người, họ dễ dàng rời bỏ để đi theo những lĩnh vực thiếu bền vững, chỉ số đầu tư cho đổi mới sáng tạo và sản xuất rất thấp. “Nếu không bảo vệ sáng chế thì sẽ ảnh hưởng đến sáng tạo. Vì tôi đầu tư nhiều công sức, tiền bạc cho R&D nhưng rồi sáng chế của tôi bị đánh cắp, lúc đó ai bảo vệ tôi?”.

Ông Duy cũng cho biết Quỹ SVF đã ký với Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam về vấn đề startup. Hằng năm Nhà nước chi rất nhiều tiền cho các đề tài nghiên cứu khoa học nhưng không có nhiều đề án được thương mại hóa. Một trong những vướng mắc là do quyền sở hữu trí tuệ không rõ ràng, nên chưa hỗ trợ “startup hóa các công trình khoa học”.

Hàng ngàn công trình trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia giải quyết những vấn đề rất nhỏ của xã hội đang cần được đưa vào thực tiễn thương mại. “Chúng ta đưa ra thông điệp “quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” chứ không chỉ “quốc gia khởi nghiệp”, ông Duy đề nghị.

Theo DNSG Online.

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button