Luật Doanh nghiệpPháp lý

Vì sao hình sự hóa kinh doanh trên mạng gây tranh cãi

Điều 292 Bộ luật hình sự 2015 đang được cho là hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; là chính sách đối xử không công bằng so với ngành nghề kinh doanh khác.

Vì sao hình sự hóa kinh doanh trên mạng gây tranh cãi

Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập cuộc họp bất thường để biểu quyết hoãn thi hành Bộ luật hình sự 2015 do phát hiện có khá nhiều sai sót, cũng như đem lại nhiều lo ngại cho người dân. Dự kiến hôm nay, kết quả sẽ được công bố. Trong hơn 90 lỗi kỹ thuật được phát hiện tại Bộ luật này có quy định tại Điều 292 (tội Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) đang gây ra nhiều tranh cãi và cả lo lắng đối với cộng đồng startup nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Điều 292 là một trong số những tội danh mới của Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau: (i) Kinh doanh vàng trên tài khoản; (ii) Sàn giao dịch thương mại điện tử; (iii) Kinh doanh đa cấp; (iv) Trung gian thanh toán; (v) Trò chơi điện tử trên mạng; và (vi) các loại dịch vụ khác theo quy định của pháp luật trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép thì có khả năng bị truy tố hình sự.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc này được xem là hình sự hóa vi phạm hành chính. Bởi lẽ, Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ luật hình sự 2015 bằng Điều 292 đã tập trung hình sự hóa những vi phạm kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, trong khi không hình sự hóa phần lớn những vi phạm tương tự của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác. Đây có thể bị xem là chính sách đối xử không công bằng khiến giới đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp cho rằng có sự phân biệt đối xử, hạn chế những người cung cấp dịch vụ trên mạng so với ngành nghề khác. Chính sách này còn có thể kìm hãm sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ trên mạng nói riêng, và ngành công nghệ thông tin nói chung tại Việt Nam, trong khi những ngành nghề này đang được mong đợi và tin tưởng là hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Nhường lại thị trường dịch vụ mạng cho doanh nghiệp nước ngoài

Trên thực tế, không chỉ Facebook mà có nhiều dịch vụ trên mạng Internet được cung cấp từ cá nhân, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam, họ vẫn thu tiền của người sử dụng và Nhà nước Việt Nam khó có thể quản lý, đánh thuế họ. Với Điều 292 cũng khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài này. Nói cách khác, Điều 292 chỉ khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam càng không dám phát triển, để lại thị trường màu mỡ cung cấp dịch vụ trên mạng cho cá nhân, tổ chức nước ngoài chiếm lĩnh, khiến tương lai phát triển công nghệ Việt Nam ngày càng mờ mịt, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế của đất nước

Tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp vào ngày 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, và đặc biệt khuyến khích khởi nghiệp để Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp sáng tạo giữ vai trò quan trọng. Ngoài ra, nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đã tuyên bố một trong các nguyên tắc phát triển doanh nghiệp là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Như vậy, việc hình sự hóa vi phạm cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng theo Điều 292 có khả năng vô hiệu những chủ trương, chính sách trên của Chính phủ do mạng máy tính, mạng viễn thông là phương tiện, công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực và là xu hướng chung của thế giới.

Từ ngày 20/6, một nhóm trong cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đã soạn thảo một bản kiến nghị hủy bỏ Điều 292 Bộ luật hình sự 2015 gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo có liên quan khác. Bản kiến nghị này được kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và những người quan tâm ký trực tuyến hoặc ký trực tiếp trên 6 địa điểm tại Hà Nội và TP HCM. Sau một tuần, bản kiến nghị đã thu thập được hơn 6.000 chữ ký.

Luật sư Trần Đức Hoàng | Theo Vnexpress

Xem thêm: 3 vấn đề pháp lý cần quan tâm khi khởi nghiệp kinh doanh

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button