Kỹ năng mềmQuản trị

4 sai lầm nên tránh nếu muốn trở thành người kể chuyện giỏi

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chia sẻ với giới trẻ Việt Nam: “Một trong những điều mà tôi học được trong sự nghiệp lãnh đạo của mình, là đôi lúc chúng ta cứ nghĩ rằng con người chỉ có thể được thôi thúc bởi tiền bạc, quyền lực hay những thứ lợi ích khác. Nhưng thực ra mọi người cũng được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện, những điều mà họ tự kể cho bản thân rằng chuyện gì là quan trọng đối với bản thân họ, với cộng đồng và quốc gia của họ.

4 sai lầm nên tránh nếu muốn trở thành người kể chuyện giỏi

“Dù bạn đang hoạt động trong lĩnh vực nào đi nữa, cũng rất đáng giá để bỏ thời gian ra lắng nghe những người khác và tìm hiểu xem những câu chuyện nào là quan trọng với họ. Khi chúng ta tìm đến với nhau để cùng làm những việc quan trọng, đó thường là vì chúng ta được kể cho nghe một câu chuyện hay về lý do tại sao chúng ta nên làm việc cùng nhau.”

“Hãy nghĩ về nước Mỹ. Chúng tôi có một câu chuyện thật hay. Nó được mang tên là Tuyên ngôn Độc lập: ‘Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc’.”

Biết cách kể chuyện sao cho thu hút người nghe luôn là một hình thức truyền đạt đầy hiệu quả. Tuy nhiên, nó có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu bạn quá tự tin vào năng lực của mình trong khi không thực sự hiểu cách kể chuyện. Dưới đây là 4 lỗi sai phổ biến khiến câu chuyện của bạn trở nên kém hấp dẫn.

Lỗi số 1: Những gì bạn kể chưa thật sự là một câu chuyện.

Nếu bạn muốn có được các lợi ích của việc kể chuyện (dễ nhớ, hấp dẫn, lôi cuốn cảm xúc người nghe) thì bạn cần phải biết cách kể được một câu chuyện thật sự. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, thế nhưng không phải lúc nào cũng trở thành dễ làm.

Nếu bạn hay bắt đầu bằng những câu đại loại như “Tầm nhìn của chúng tôi đã chỉ ra 4 điều phải thực hiện trong thập kỷ này…” hay “6 yếu tố tạo nên thương hiệu của chúng tôi…”, “Có ba lý do khiến bạn nên đầu tư vào công ty của chúng tôi…” thì đó không phải là kể chuyện. Chúng không phải là những câu chuyện, đó đơn giản chỉ là danh sách liệt kê.

Một câu chuyện thực sự là một chuỗi những sự kiện đã xảy ra với một ai đó, có thời gian cụ thể và rõ ràng. Nếu bạn có thể bắt đầu bằng: “Vào một buổi sáng thứ bảy, khách hàng lớn nhất của công ty hoảng loạn gọi điện cho CEO của chúng tôi…” hoặc “Lần đầu tiên Janet thử thương hiệu của chúng tôi, cô ấy đã…” hoặc “Tôi đã có ý tưởng để gây dựng công ty này ngay khi tôi vừa bị đuổi việc, và đây là những gì đã xảy ra…” thì đấy mới là kể chuyện.

Lỗi số 2: Xin phép hoặc xin lỗi trước khi kể chuyện.

Hãy tưởng tượng có người nào đó làm gián đoạn buổi họp và nói “Tôi xin lỗi, liệu tôi có thể kể một mẩu chuyện ngắn được không ? Tôi hứa là chỉ mất một phút thôi.” Cách nói như thế sẽ khiến người nghe nhầm hiểu rằng bạn chỉ đang cố kể một câu chuyện cho có lệ.

Nếu bạn đã nghĩ câu chuyện của mình là thực sự quan trọng, hãy kể lại nó. Người lãnh đạo không cần phải xin để được phép lãnh đạo. Đừng bao giờ khách sáo nói xin lỗi hoặc xin phép trước khi kể một câu chuyện, nhất là khi bạn đã dành tâm huyết để làm cho nó trở nên thú vị hơn.

4 sai lầm nên tránh nếu muốn trở thành người kể chuyện giỏi

Lỗi số 3: Mở đầu bằng câu: “Hãy để tôi kể một câu chuyện”.

Thử tưởng tượng bây giờ đang là 9 giờ sáng thứ Hai và cuộc họp giao ban đầu tuần sắp bắt đầu. Sếp của bạn bước vào và nói “Được rồi, bắt đầu nào, tôi sẽ bắt đầu cuộc họp bằng cách kể cho mọi người nghe một câu chuyện…” Thừa nhận đi, bạn đang ngồi nghiến răng ken két rồi đấy.

Nào bây giờ hãy tưởng tượng, thay vì như thế, sếp bước vào và nói “Được rồi, chúng ta hãy bắt đầu. Theo như một số người trong nhóm đã biết, đã có vài điều thực sự quan trọng xảy ra trong thời gian qua, và làm thay đổi cách nghĩ của tôi về bộ phận này. Tôi muốn nói về…” Bạn có háo hức muốn nghe không? Dĩ nhiên là có.

Trong cả hai tình huống, bạn đều nghe một câu chuyện. Nhưng trường hợp đầu tiên khiến bạn chán ngán và khiếp sợ ngay từ ban đầu, còn trường hợp thứ hai cho bạn cảm giác tò mò, khiến bạn nóng lòng muốn nghe câu chuyện. Đó là lý do câu dẫn chuyện ban đầu rất quan trọng, nó là điểm mấu chốt để thu hút sự chú ý của khán giả và khiến họ tò mò về một điều gì đó quan trọng sắp được chia sẻ. Và trong bất cứ trường hợp nào, tốt nhất đừng nên sử dụng từ “câu chuyện”.

Lỗi số 4: Bỏ lỡ cơ hội để tận dụng một câu chuyện tuyệt vời.

Vào đầu những năm 1980, chàng trai Sterling Price đang làm việc tại một cửa hàng pizza ở Springdale, Arkansas. Đêm nọ, có một cô gái đến và yêu cầu món bánh mì kẹp thịt viên. Sterling bảo rằng cửa hàng không có, khiến cô gái rất buồn. Cô này cho biết, chồng mình đang bị bệnh nặng và đã mất đi cảm giác ăn uống, nhưng cô tin chắc rằng chồng mình sẽ thèm ăn trở lại nếu có món bánh mì kẹp thịt viên. Không do dự, Sterling đã chủ động lấy bánh mì sandwich, sốt cà chua, và phô mai mozzarella đang có trong nhà bếp, và tự tay làm cho cô gái món bánh mì kẹp thịt viên ngon nhất mà anh từng làm. Cô gái cảm ơn Sterling và ra về.

Sterling đã không nghĩ ngợi gì thêm cho đến ngày hôm sau, cô gái gọi đến cửa hàng và hỏi tên người đầu bếp đã làm món bánh mì kẹp thịt viên tối hôm qua. Cô cho biết đó là món bánh mì kẹp thịt viên ngon nhất mà chồng cô đã từng ăn, và cô rất lấy làm biết ơn. Sau đó, cô giải thích thêm rằng chồng cô được chẩn đoán bị ung thư giai đoạn 4 vài tháng trước. Điều này đã khiến cho anh ấy mất đi cảm giác ngon miệng và chán ăn, tuy nhiên món bánh mì kẹp thịt viên mà Sterling làm ra đã khiến cho chồng cô cảm thấy thoải mái trở lại. Vì vậy, cô rất biết ơn Sterling vì đã giúp đỡ cô. Cô gái cho hay chồng cô đã ra đi vào tối hôm qua. Bánh mì kẹp thịt viên là bữa ăn cuối cùng, và cũng là bữa ăn ngon nhất của anh ấy.

Đã hơn 30 năm kể từ khi câu chuyện này xảy ra, lần đầu tiên nó được ghi lại là vào năm 2012 trong quyển “Lead With a Story” (Mở màn bằng một câu chuyện) của Paul Smith. Thật đáng buồn là một câu chuyện hay như vậy lại bị lãng phí. Hãy thử tưởng tượng xem, câu chuyện cảm động như vậy sẽ tác động như thế nào đến tư duy của chuỗi nhà hàng pizza kể trên. Nó sẽ giúp các nhân viên hiểu thế nào là dịch vụ chăm sóc khách hàng xuất sắc, và sự cảm thông là như thế nào. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra, tại sao? Bởi vì không ai buồn ghi lại câu chuyện đó, không ai nhìn thấy giá trị của nó. Đó là một tài sản vô giá bị lãng phí.

Những khoảnh khắc tuyệt vời và cảm động như thế diễn ra xung quanh chúng ta mỗi ngày. Đó là những trải nghiệm mang đậm màu sắc nhân văn, không thể bị ngụy tạo hoặc lãng quên. Khi đó, việc một câu chuyện tuyệt vời sẽ được tạo ra hoặc bị mất đi mãi mãi, chính là phụ thuộc vào quyết định của bạn.

Ý Nhi | Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Xem thêm: 5 bước xây dựng nhận diện thương hiệu nhất quán

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button