Kiến thức khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Xây dựng bản sắc doanh nghiệp riêng cho startup

Một trong những bài toán khó giải của các doanh nghiệp khởi nghiệp là nên chọn phương án đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh để tăng doanh thu, hay tập trung nguồn lực để phát triển một sản phẩm cốt lõi.

Tập trung hay tạo sự khác biệt khi khởi nghiệp kinh doanh?

Đó là câu hỏi luôn được các doanh nghiệp đặt ra khi khởi nghiệp, thậm chí sau một thời gian khởi nghiệp thành công và đã có nguồn lực trong tay. Bởi đó chính là lúc các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược phát triển dài hơi hơn cho mình.

Vì là một chiến lược dài hơi, nên bài toán đó càng không dễ giải. Cũng bởi thế, dễ hiểu vì sao khi câu chuyện của doanh nghiệp Salad Việt “lên sóng”, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, giống như những tranh biện cũng rất khác biệt của CEO và các cổ đông trong Chương trình CEO – Chìa khóa thành công với chủ đề “Khởi nghiệp – Tập trung và khác biệt”, phần 1.

Doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi - CEO của Chương trình
Doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi – CEO của Chương trình

Mọi chuyện bắt đầu khi Salad Việt, chuyên sản xuất và cung cấp Diet Food (các loại salad) online, sau hai năm kinh doanh, đang trên đà phát triển thì gặp khủng hoảng về thị trường, khiến đơn hàng chững lại và giảm sút. Để giải quyết tình trạng đó, các cổ đông muốn mở rộng mặt hàng, đa dạng hóa sản phẩm (theo hướng thuận tay dắt bò), còn CEO thì muốn phát triển chiến lược theo hướng tập trung hóa.

Cổ đông cho rằng, để tăng doanh thu và lợi nhuận, doanh nghiệp cần mở rộng và đa dạng hóa các mặt hàng. Thay vì chỉ cung cấp mỗi sản phẩm salad, nên cung cấp thêm những mặt hàng khác liên quan đến đến salad như rau sạch, trái cây, nước sốt… Thậm chí, nếu khách hàng yêu cầu, thì có thể giao cả bia, nước ngọt và các mặt hàng khác để đẩy mạnh kinh doanh theo nhu cầu cung ứng

Nhưng theo quan điểm của CEO, để ổn định và phát triển, không nên mở rộng sản phẩm, mà cần phát triển theo hướng tập trung và khác biệt, không pha loãng thương hiệu; tập trung phát triển mạnh sản phẩm chính thuộc ngành salad. Nếu có đa dạng sản phẩm, thì chỉ nên đa dạng hóa các loại salad, thay vì các sản phẩm ngoài salad. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thời gian giao hàng.

Các khán giả sau khi theo dõi phần 1 của Chương trình, người ủng hộ CEO, người lại cho rằng doanh nghiệp nên đi theo phương án đa dạng hóa sản phẩm mà các cổ đông đã đề xuất.

“Tập trung trở thành một ‘chuyên gia’ trong mặt hàng mình kinh doanh là chiến lược tối ưu để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Khách hàng muốn gọi salad thì sẽ nghĩ ngay đến Salad Việt”, khán giả Ninh Nghĩa bày tỏ.

Đồng quan điểm, khán giả Hoàng Anh Minh cho rằng, tạo sự khác biệt trên thị trường chính là chiến lược tập trung xây dựng “bản sắc” riêng cho doanh nghiệp. Thậm chí, khán giả Thu Hoài còn thẳng thắn, doanh nghiệp khởi nghiệp không nên vội vàng mở rộng nhiều mặt hàng kinh doanh, mà nên tập trung tạo sự khác biệt.

“Sản phẩm cốt lõi là salad thì công ty nên tập trung làm đa dạng thực đơn chỉ xoay quanh salad thôi”, khán giả Hoàng Khải nêu ý kiến.

Trong khi đó, một cách lạc quan, khán giả Nguyễn Hưng Quốc cho rằng, nếu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã đến, thì CEO nên nhanh chóng mở rộng sản phẩm để tranh thủ thị trường.

“CEO có thể tính đến đa dạng hóa sản phẩm như một chiến lược để tăng tính cạnh tranh so với đối thủ”, khán giả Nguyễn Quang Vũ ủng hộ quan điểm của các cổ đông.

Cũng ủng hộ cổ đông, khán giả Đào Huy Hoàng cho rằng, ở mỗi giai đoạn phát triển, doanh nghiệp đều có một chiến lược kinh doanh riêng. “Sau 2 năm phát triển, CEO có thể tính đến chiến lược đa dạng hóa sản phẩm”, khán giả Huy Hoàng “hiến kế”.

Với quá nhiều quan điểm trái chiều từ phía khán giả, CEO sẽ càng khó khăn hơn khi phải đưa ra quyết định dứt khoát.

Hai chuyên gia của Chương trình CEO – Chìa khóa thành công, ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Mắt Bão và ông Lâm Minh Chánh, Sáng lập kiêm Giám đốc Super Vip, đồng sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp, có thể sẽ giúp CEO tìm được câu trả lời cho bài toán không dễ giải của mình. Bài toán này không chỉ dành riêng cho CEO của Salad Việt, mà còn là CEO của Chương trình – bà Phạm Thị Yến Nhi, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Mầm Trúc, cũng như CEO của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nói chung.

Theo baodautu
Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button