Xử lý khủng hoảngMarketing - Brands

Xử lý khủng hoảng kiểu Vietcombank: 4 lỗi sai căn bản

Nhìn nhận vụ việc mất tiền của khách hàng tại Vietcombank dưới con mắt của người làm truyền thông, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng ngân hàng đã xử lý khủng hoảng chưa tốt, có ít nhất 4 lỗi sai ở đây. Đặc biệt việc để nhân viên lên mạng đôi co với cộng đồng càng khiến Vietcombank lún sâu vào khủng hoảng.

Ngay sau khi chị Hoàng Thị Na Hương thông báo việc mình bị mất số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Vietcombank đã kịp khoanh giữ ngay 300 triệu, hoàn trả khách hàng và nhờ công an vào cuộc.

Tuy nhiên, chưa kịp đợi công an điều tra, kết luận, Vietcombank đã nhanh chóng kết luận rằng khách hàng đã click vào đường link lạ, làm mất tài khoản và bị kẻ gian lợi dụng lấy tiền. Như thế đồng nghĩa với việc Vietcombank phủi sạch trách nhiệm, đổ lỗi cho khách hàng.

Hành động của ngân hàng Vietcombank đã vấp phải chỉ trích của dư luận. Cuộc đấu tranh tìm thủ phạm chưa ngã ngũ thì một cuộc khẩu chiến trên mạng cũng nổ ra giữa phía ngân hàng và người dùng, biện luận xem ai là người có lỗi trong việc này.

Liên quan đến vụ việc này, chuyên gia truyền thông thương hiệu Nguyễn Thanh Sơn, TGĐ T&A Ogilvy cho biết: Nhìn từ góc độ truyền thông, bất cứ ai có kinh nghiệm cũng nhìn ra những chỗ yếu trong hoạt động truyền thông trong khủng hoảng của VCB.

Xử lý khủng hoảng kiểu Vietcombank: 4 lỗi sai căn bản
Ảnh minh họa: VTC News.

Lỗi đầu tiên, chính là Vietcombank đã thể hiện sự thiếu quan tâm đến khách hàng mà chỉ bảo vệ mình.

Cần nhớ rằng, trong khủng hoảng truyền thông, về lý, khách hàng có thể hoàn toàn có lỗi, nhưng kể cả như vậy, phần đầu tiên của phát ngôn phải thể hiện sự quan tâm đến khách hàng.

Thể hiện sự quan tâm đến khách hàng như thế nào? Một cách khéo léo nhất, thì nên thông báo trường hợp của chị Hương dưới dạng một cảnh báo của ngân hàng tới tất cả các khách hàng, theo đó, nêu trường hợp chị Hương đã bị đánh mất mật khẩu và bị rút tiền trong tài khoản như một trường hợp mà ngân hàng đang thụ lý và yêu cầu các khách hàng đề cao cảnh giác và nhắc lại một lần nữa những nguyên tắc bảo mật tài khoản cơ bản. Cách này vừa thông báo được sự việc, vừa thể hiện sự quan tâm đến các khách hàng khác, vừa gián tiếp giải thích lỗi là ở khách hàng mà không nói lỗi là ở khách hàng.

Nếu không muốn đưa thông tin dưới dạng cảnh báo cho các khách hàng khác, thì thông điệp được đưa ra phải được thiết kế “tiêu chuẩn”, gồm:

  1. Giải thích một cách ngắn gọn sự việc đã diễn ra như thế nào, trong khi giải thích, tuyệt đối không nói lỗi của ai mà chỉ mô tả để sự việc bản thân nó nói ra ai là người có lỗi.
  2. Các biện pháp ngân hàng đã làm để bảo vệ tài sản của chị Hương.
  3. Các biện pháp mà ngân hàng sẽ làm để trường hợp này không xảy ra trong tương lai.
  4. Khuyến nghị với các khách hàng khác cũng như trách nhiệm của ngân hàng trong vấn đề này.
Xử lý khủng hoảng kiểu Vietcombank: 4 lỗi sai căn bản
Ảnh minh họa: VTC News.

Lỗi thứ hai, đó là Vietcombank không có người phát ngôn có đủ uy tín và trách nhiệm trong vụ việc này, dẫn đến tình trạng có hai phát ngôn từ Trung tâm thẻ và Phòng Quan hệ công chúng. Cả hai vị trí này đều không tương xứng với mức độ của khủng hoảng, và giám đốc Trung tâm thẻ cũng dùng cách nói chuyện và ngôn ngữ không phù hợp với người phát ngôn. Trong khủng hoảng, cần phải duy trì giọng điệu chuyên nghiệp của người phát ngôn, tránh tình trạng “chị đã nói, chị bảo…”

Lỗi thứ ba, lẽ ra Vietcombank nên tìm cách giải quyết vấn đề tài chính (200 triệu cho khách hàng) một cách êm ả ở bên ngoài. Nhiều khi, đền 200 triệu cho dù mình không sai cũng sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng dẫn đến “bốc hơi 4000 tỷ” như chúng ta được biết qua báo chí (cho dù con số 4000 tỷ nghe hơi ảo, nhưng rõ ràng số tiền mất quá nhiều so với 200 triệu)

Lỗi thứ 4, tình trạng không có chỉ đạo và qui định về phát ngôn trên mạng xã hội cho nhân viên đã dẫn đến việc các nhân viên của Vietcombank tức khí xông vào đôi co với cư dân mạng, tạo ra một cuộc chiến tranh ngôn ngữ trên mạng xã hội. Cuộc chiến này làm khủng hoảng càng lan rộng và mọi người càng mất thiện cảm với Vietcombank.

Nguyễn Thanh Sơn, General Director, T&A Ogilvy
Đức Minh | Theo BrandsVietnam

* Cập nhật: 4.000 tỷ: Cái giá Vietcombank phải trả cho 500 triệu của khách hàng

Vụ việc khách hàng mất 500 triệu trong tài khoản cá nhân Vietcombank đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến thương hiệu và uy tín của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt lại là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Vietcombank. Rất nhiều phương tiện  truyền thông, báo chí, các chuyên gia về xử lý khủng hoảng truyền thông hàng đầu đều bàn luận nhiều về sự việc này. Bài viêt sẽ cung cấp một góc nhìn khác, toàn cảnh hơn.

Sáng 15/8, các nguồn tin đồng loạt đăng bài viết, giá trị cổ phiếu của Vietcombank giảm gần 4.000 tỷ VNĐ

Xử lý khủng hoảng kiểu Vietcombank: 4 lỗi sai căn bản
Biểu đồ: Số lượt đề cập cũng như các sự kiện nổi bật trong thời gian từ 05/8 đến 15/8 về Vietcombank

Một số mốc chính:

1.    Ngày 05/8: Các báo đăng tin việc quỹ đầu tư chỉnh phủ Singapore muốn đầu tư vào Vietcombank. Tuy nhiên, giá cổ phiếu VCB lên càng cao có thể càng khiến việc đàm phán về giá với các đối tác khó…

2.    Trong các ngày sau đó, từ ngày 09/8 đến 11/8, một loạt cảnh báo được phát đi từ ngân hàng Vietcombank về việc lừa đảo qua ngân hàng điện tử… Tuy nhiên, các thông tin này chỉ đặc được nhiều trên báo chí chính thống. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, gần như các thông tin này rất mờ nhạt.

3.    Chiều ngày 11/8, VTC chính thức phát đi thông tin về vụ việc 500 triệu, mặc dù vụ việc này đã xảy ra từ 04/8, và đã được Vietcombank xử lý.

Nhìn qua vấn đề này, ta có thể thấy một số việc Vietcombank xử lý không hiệu quả như:

Xử lý vụ 500 triệu không hiệu quả, dẫn đến người dùng của mình không thỏa đáng, đưa thông tin lên các phương tiện khác.

Đăng tin cảnh báo không hiệu quả, chỉ đăng vào những nguồn báo chính thống, không tạo được tiếng vang đến cộng đồng mạng. Sự việc này chính là nguồn gốc cho những nghi ngờ, giải thích không rõ ràng sau này của người dùng.

Xử lý khủng hoảng không hiệu quả, đổ trách nhiệm cho người dùng chứ không phải cho mình, tạo ra ấn tượng xấu với người dùng về hệ thống ngân hàng.

Hậu quả là Vietcombank đang phải trả một cái giá rất đắt, mất đi gần 4.000 tỷ VNĐ giá trị cổ phiếu chỉ trong mấy ngày.

Theo Xã Hội Thông Tin

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button