Khởi Nghiệp | StartupÝ tưởng Khởi Nghiệp

3 câu chuyện khởi nghiệp từ trồng lan rừng truyền cảm hứng

Mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng khi bắt đầu khởi nghiệp, từ kinh doanh quán cafe, quán ăn, cửa hàng quần áo,… cho đến các công việc liên quan đến nông nghiệp, cây cảnh. Đặc biệt, đối với những ai đang muốn khởi nghiệp từ trồng lan rừng vẫn còn đắn đo về tiềm năng phát triển của ý tưởng này thì 3 câu chuyện về những người “truyền lửa” mà Khởi Nghiệp Trẻ sắp giới thiệu sau đây sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.

1. Anh Huỳnh Văn Hòa (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc)

Anh Hòa khởi điểm là một công chức, làm việc văn phòng ổn định tại UBND Thị trấn Gia Ray. Tuy vậy, khi niềm đam mê với việc trồng lan quá lớn, đặc biệt là lan rừng, anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng, bắt đầu khởi nghiệp trồng lan. Anh bắt đầu với những loại lan dễ trồng, như: vũ nữ, dendro, hồ điệp, ngọc điểm…rồi dần dần làm quen với các loại lan rừng. Vốn chỉ định mua về chăm sóc và ngắm các loại lan nhưng sau một thời gian, anh Hòa nhận ra điều này không còn thỏa mãn được mình nữa anh mới nghĩ đến việc kinh doanh.

Anh Hòa đi khắp nơi, nhất là các nhà vườn trồng hoa lan ở Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để tìm mua những loại hoa lan rừng vừa độc, vừa lạ, lại phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng đất Đông Nam Bộ. Đối tượng khách hàng của anh ngày càng đông, với những nhu cầu khắt khe hơn vì vậy anh Hòa bắt đầu săn lùng các loại lan đặc biệt trên cả những khu vực bán ở vỉa hè. Sau 2 năm mua đi bán lại, anh Hòa đã mạnh dạn mua các loại lan rừng chưa lên chậu về chăm sóc cho lan ra bông mới đem bán để có thể cung cấp nguồn hàng chất lượng nhất cho người mua.

3 câu chuyện khởi nghiệp từ trồng lan rừng truyền cảm hứng 1
Anh Huỳnh Văn Hòa bên cạnh vườn lan của mình

Với những loại lan rừng mua ở vỉa hè, người ta thường bán theo ký nên sau khi đem về, anh Hòa phải cẩn thận treo vào chỗ râm mát vài hôm để lan quen với khí hậu vườn nhà. Tiếp đến, anh cắt bỏ rễ đã chết, rễ đen, cắt bớt rễ (nếu rễ dài) rồi phun nước rửa sạch lan, treo ngược nơi râm mát vài ngày và phun sương giữ ẩm cho lan hàng ngày. Cùng với đó, anh Hòa tiến hành phun thuốc sát khuẩn để ngừa thối ngọn, thối gốc và vi khuẩn tấn công lan. Cuối cùng anh đem lan đi ghép, đưa lên chậu.

Anh Hòa dành nhiều thời gian từ sáng sớm để chăm sóc các chậu lan. Anh nâng niu và xem chúng như đứa con tinh thần quan trọng của bản thân. Với 2 năm chăm chỉ gầy dựng sự nghiệp từ tay trắng, hiện nay, vườn hoa lan rừng của anh có khoảng 500 giỏ, chậu với tổng giá trị ước tính khoảng 700 triệu đồng. Bản thân anh trở thành cái tên truyền cảm hứng đến những ai vẫn đang do dự trước đam mê và công việc.

2. Anh Trần Quốc Thắng (ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh (Bình Phước)

Tốt nghiệp Trường đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, thay vì thực hiện bước kế tiếp là chọn cho mình một công việc theo chuyên ngành đã học, anh Thắng quyết định rẽ hướng, bắt đầu khởi nghiệp với nghề trồng lan rừng. Quyết định này của anh khởi nguồn từ một vài giỏ lan được bạn bè và gia đình tặng. Anh cảm thấy hứng thú với vẻ đẹp của các giỏ lan và bắt đầu sưu tầm chúng. 

Đam mê ngày càng lớn, anh Thắng thử sức trồng lan. Lúc bắt đầu chăm lan rừng, vì chưa có kinh nghiệm, lan anh Thắng trồng có nhiều cây bị chết hoặc không ra hoa. Thế nhưng anh chưa bao giờ dừng lại, anh học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, thông tin trên mạng hoặc ở các vườn lan đã hoạt động nhiều năm. Sau một thời gian học hỏi và thử nghiệm, Thắng nhận thấy đây là lĩnh vực đầy tiềm năng, anh quyết định khởi nghiệp từ trồng lan rừng ngay sau đó.

3 câu chuyện khởi nghiệp từ trồng lan rừng truyền cảm hứng 2
Anh Thắng rẽ hướng theo đuổi đam mê

Thắng cho biết, muốn lan phát triển tốt, đặc biệt là lan rừng thì khâu kỹ thuật và quy trình chăm sóc cần được đặc biệt chú trọng. Ngoài 3 yếu tố cơ bản là độ ẩm, ánh sáng, sự thông thoáng thì yếu tố quan trọng không kém đó chính là tình yêu đối với hoa lan. Bởi khi đam mê sẽ dành thời gian chăm chút lan mỗi ngày, từ đó càng ra sức tìm hiểu mọi thứ về loại cây này để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi loại lan đều có cách trồng khác nhau nên để hoa đẹp và phát triển mạnh, anh phun thuốc định kỳ hằng tháng để hoa được phòng ngừa, sạch bệnh.

Hiện nay, trên diện tích hơn 1.000m2, vườn của Thắng đã có hơn 5.000 giò lan, gồm các loại: lan giả hạt, thủy tiên, ngọc điểm, hỏa hoàng, trầu rừng… Thị trường tiêu thụ hoa lan tương đối ổn định, thông qua mạng xã hội, bạn bè chơi lan giới thiệu, hoa lan của Thắng được khách hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đặt mua. Năm 2017, thu nhập từ vườn hoa lan của Thắng khoảng 150 triệu đồng. Quyết định rẽ hướng của Thắng vô cùng đúng đắn vì anh vừa có thể thỏa mãn niềm đam mê với lan rừng của mình, vừa tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.

3. Phạm Phước An (Ấp Thanh Thủy, An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long)

Từ khi còn là một cậu sinh viên lớp Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Tôn Đức Thắng, An đã có nhiều đam mê với vẻ đẹp của các loại hoa lan. An không tiếp tục với một nghề nghiệp chuyên ngành, năm 2014 là sinh viên năm cuối, được người anh tận Tây Bắc nhờ tìm mối bỏ lan phía Bắc vào, An mon men đến các cửa hàng bán lan tại thành phố Hồ Chí Minh chào hàng giúp anh và cũng tập tành làm quen với những cành lan rừng để tư vấn khách hàng.

An tìm được đam mê lan như thể “cá gặp nước” nhưng vào giai đoạn đầu gom vốn, An cũng gặp nhiều khó khăn. Để có vốn bước đầu, An dành tất cả thời gian rảnh để làm thêm kiếm tiền tích vốn, từ việc chạy xe ôm, làm thêm trong căng-tin trường, chạy bàn đám cưới đến bán hoa, bóng bay ngày lễ, giao hàng thuê, bán nước bình… May mắn, An gặp được người bạn chung chí hướng – Hải, cả hai cùng hỗ trợ nhau thành lập nên vườn lan An Hải.

3 câu chuyện khởi nghiệp từ trồng lan rừng truyền cảm hứng 3
Phạm Phước An thành công khởi nghiệp trồng lan rừng

Qua các diễn đàn về hoa tổ chức ở các tỉnh hay một số khu vực lân cận, An đều mang lan của mình đi giao lưu, từ đó nhiều khách hàng biết đến, liên hệ tham quan hoặc đặt hàng. Phía sau vườn lan đang khoe sắc rực rỡ và đầy đẹp đẽ, An tâm sự: Lúc đầu bố mẹ cũng không đồng ý với quyết định kinh doanh lan rừng của An, nhưng với đam mê kinh doanh, đam mê lan rừng An xin bố mẹ một cơ hội khẳng định mình. Sau thời gian dài chật vật với công đoạn tìm hiểu, rút kinh nghiệm, gom vốn và cả khi thất bại, lan chết vì chưa trải nghiệm nhiều, việc trồng và kinh doanh lan rừng dần trở thành một phần cuộc sống của An. 

Tại vườn lan An Hải hiện nay là hơn 1 nghìn giò lan rừng lớn nhỏ trong một không gian mê hoặc hương thơm sắc màu với trên 60 chủng loại khác nhau đua sắc như trúc phật bà, giả hạc, trầm, kèn, trúc mành Kon Tum, thủy tiên dẹt, hoàng lan… loại đơn thân trồng giò, thân thòng treo ngược hay những loại ghép lũa. Trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, một năm vườn lan An Hải cho lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng.

Khởi Nghiệp Trẻ vừa nêu cho bạn 3 cái tên cùng những câu chuyện đầy cảm hứng để tiếp thêm niềm tin cho bạn nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp từ trồng lan rừng. Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng bắt đầu bằng những thử thách và khó khăn nhưng chỉ cần chăm chỉ, miệt mài với một niềm đam mê bất tận thì sẽ không có gì có thể làm khó được bạn.

 

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button