Bật mí 5 đặc điểm của người hướng nội dễ nhận thấy nhất
“Người hướng nội là người khó gần”, “người hướng nội quá nhút nhát” hay “người hướng nội luôn giữ cảm xúc bi quan” là những nhận định hoàn toàn sai lầm về một cá nhân hướng nội. Trên thực tế, trong mỗi người đều tồn tại 2 loại tính cách là hướng nội và hướng ngoại, chỉ là chúng ta sẽ thiên về phía nào hơn mà thôi. Hôm nay, Khởi Nghiệp Trẻ sẽ cùng bạn giải đáp câu hỏi “Những đặc điểm của người hướng nội là gì?” để bạn có thể “dò ra-đa” xem liệu xung quanh mình có một người bạn hướng nội nào hay bản thân bạn cũng là một người hướng nội.
1. Không thích ở những nơi quá đông người
Người hướng nội có xu hướng dành nhiều thời gian cho riêng mình hoặc bên một nhóm người quen thân thuộc hơn là tham gia vào những cuộc vui đông đúc. Sophia Dembling – tác giả cuốn The Introvert’s Way: Living a Quiet Life in a Noisy World cho rằng: “Họ không có vấn đề gì với con người hay cuộc sống này. Họ có thể thích những buổi gặp mặt ít người, ưu tiên chọn vị trí đứng từ xa ngắm nhìn, đơn giản vì đó là cách hưởng thụ niềm vui của họ.” Có thể ví von đặc điểm này của nhóm người hướng nội là “chất lượng hơn số lượng”.
Điều này không có nghĩa là họ sợ giao tiếp, đơn giản là những người hướng nội cảm giác an toàn hơn, thoải mái hơn khi đặt bản thân vào những không gian tương đối nhỏ, êm đềm, không quá náo nhiệt. Làm việc với nhiều người dễ phát sinh nhiều vấn đề hơn, từ đó tạo áp lực và khiến người hướng nội cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, nhóm ít người tạo cho họ cảm giác thoải mái, có cơ hội và thời gian để tiếp xúc, tìm hiểu mọi người nhiều hơn.
2. Thích viết hơn nói
Giao tiếp thì không phải lúc nào cũng nhất thiết phải bằng lời nói và đây là suy nghĩ của hầu hết những người hướng nội. Đây là đặc điểm nhận diện người hướng nội khá phổ biên và đặc điểm này của người hướng nội thể hiện thông qua nhiều thói quen trong cuộc sống hằng ngày. Họ thích nhắn tin hơn gọi điện, ưa đọc sách hơn xem phim và thư tay cũng là một trong những lựa chọn ưu tiên của họ. Có nghĩa là người hướng nội tìm được cảm giác thả lỏng hơn khi họ có không gian riêng để suy nghĩ trước khi nói bất cứ điều gì với bạn.
Nhiều người cho rằng họ lỗi thời và bảo thủ, tuy nhiên, mỗi người đều có một phương thức giao tiếp riêng và viết đơn thuần là sở thích của họ. Nếu bạn muốn xây dựng niềm tin nơi họ để được lắng nghe chia sẻ từ họ nhiều hơn thì nhắn tin là một hình thức nên cân nhắc. Bởi khi đó họ sẽ cởi mở hơn rất nhiều vì có nhiều thời gian để tiếp nhận thông tin từ bạn.
3. Làm việc cá nhân hiệu quả hơn làm việc nhóm
Một trong những đặc điểm của người hướng nội dễ gây hiểu lầm, mất thiện cảm cho mọi người xung quanh là việc họ thích làm việc một mình hơn. Cũng như đặc điểm đầu tiên, người hướng nội e ngại về những vấn đề sẽ phát sinh nếu làm việc trong một môi trường quá đông đúc. Họ cho rằng bản thân có phần “lạc lõng” giữa một tập thể nhiều người. Vì vậy họ chọn cách giải quyết vấn đề một mình, tự làm việc với chính bản thân mình để không gây rắc rối và cũng không nhận rắc rối.
Sở hữu đặc điểm này không có nghĩa là họ “chảnh chọe”, “tự cao” hay “lập dị”, họ chỉ đang tìm phương pháp làm việc phù hợp với tính cách của mình. Họ không bày xích những hoạt động nhóm mà nói đúng hơn là họ sẽ phát huy thế mạnh của mình nhiều hơn khi làm việc cá nhân. Vì vậy, có thể thấy, kết quả của những công việc người hướng nội làm độc lập sẽ có phần nhỉnh hơn những bài tập, công việc yêu cầu làm việc nhóm.
4. Hay “lạc” trong luồng suy nghĩ riêng tư
Người hướng nội rất hay chìm đắm trong suy nghĩ của chính bản thân mình. Họ nghĩ nhiều nhưng lại chia sẻ rất ít. Mọi thứ gần như hoạt động không ngừng nghỉ trong đầu họ, giống như họ rất khó có cơ hội cũng như có ý định thoát ra những suy nghĩ của mình. Thậm chí những suy nghĩ trong đầu đôi lúc khiến họ quên mất mọi việc tồn tại bên ngoài và xung quanh họ, họ chẳng còn để ý đến gì mà chỉ tập trung vào suy nghĩ của chính mình.
Điều ảnh hưởng đến đặc điểm này của họ là việc họ rất coi trọng không gian cá nhân, vì vậy việc chọn lọc người có thể “mở cửa” bước vào không gian của riêng họ phải hết sức kỹ lưỡng. Họ vẫn có khả năng “thao thao bất tuyệt” với những người họ tin tưởng như bạn bè, người thân. Tuy nhiên, phần lớn thời gian họ dùng để trò chuyện với chính mình, chìm trong những luồng suy nghĩ của bản thân họ.
5. Nhạy cảm với tiếng ồn
Đặc điểm của người hướng nội có thể bạn chưa biết đó là họ khá nhạy cảm với tiếng ồn xung quanh. Họ không thoải mái nếu phải tiếp xúc với tiếng động quá lớn như ở quán bar, những cuộc gặp mặt đông người, các bữa tiệc náo nhiệt,… Là những người tôn trọng chủ nghĩa riêng tư, họ có xu hướng thích các âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng, không gian càng yên tĩnh càng tạo cảm giác an toàn cho họ.
Có nhiều người thắc mắc “Vì sao người hướng nội lại quá nhạy cảm với yếu tố nhỏ như tiếng ồn?”. Lí do là vì họ có năng lực kết nối trực tiếp đến môi trường xung quanh rất mạnh. Người hướng nội cực kỳ nhạy cảm với những tình huống xung quanh mình, kể cả âm thanh. Điều này dễ khiến nhiều người sẽ thấy kì lạ trước những hành động hay trạng thái của họ. Thực chất, đây là điều có thể lý giải được nếu bạn chịu lắng nghe và tìm hiểu về những người bạn hướng nội.
Người hướng nội không bao giờ muốn họ phải một mình đối đầu với số đông, họ yêu thích sự riêng tư nhưng cũng cần được quan tâm và chia sẻ. Trước khi đánh giá thấp bất kì một xu hướng tính cách nào thì bạn phải thực sự nắm rõ được những kiến thức xoay quanh nó. Dù là hướng nội hay hướng ngoại thì đều có những thế mạnh và trở ngại riêng. Vậy nên không có gì là “lập dị” nếu bạn hay bất kì ai là một người hướng nội.