Khởi Nghiệp | StartupTiêu điểmÝ tưởng Khởi Nghiệp

Không ngại khó khởi nghiệp ở vùng núi với 3 câu chuyện đi trước

Tưởng chừng chỉ có ở những khu dân cư đông đúc tại khu vực đồng bằng mới là địa bàn phù hợp để thành công khi khởi nghiệp nhưng thực chất, vùng núi cũng là địa điểm lý tưởng cho những ai muốn khởi nghiệp chỉ cần bạn có nhiệt huyết và sự kiên trì. Khởi Nghiệp Trẻ sẽ giới thiệu đến bạn 3 câu chuyện sau đây nhằm truyền cảm hứng và sự dũng cảm nếu bạn còn đang phân vân trước việc khởi nghiệp ở vùng núi.

1. Lê Thị Thư (Đắk Lắk)

Sinh ra ở một xã miền núi thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, thay vì quyết định lập nghiệp và sinh sống ở TPHCM, Lê Thị Thơ lại quyết định rẽ hướng, trở về quê nhà khởi nghiệp. Đỗ đại học, Thư bắt đầu cuộc sống tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, Thư làm việc tại một ngân hàng cùng với những khoản thu nhập thêm. Một ngày cuối năm 2017, sau khi đọc đi đọc lại cuốn sách truyền cảm hứng cho mình, Thư quyết định về quê để khởi nghiệp.

Từ rất lâu, củ nghệ không chỉ là một loại gia vị mà còn được tận dụng trong các mẹo làm đẹp của các bà, các mẹ. Nắm bắt được điểm trọng yếu này, Thư đã quyết định trở về quê thực hiện ý tưởng khởi nghiệp ở vùng núi với nghệ. Bằng số vốn tích lũy ban đầu ít ỏi, Thư vay mượn thêm bạn bè để bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Và rồi, từ “nhà xưởng” với diện tích chỉ hơn 15m2, các sản phẩm son dưỡng nghệ, mặt nạ nghệ, xà bông nghệ mang thương hiệu EPIS ra đời.

Không ngại khó khởi nghiệp ở vùng núi với 3 câu chuyện đi trước 1
Lê Thị Thư tại lễ tuyên dương cá nhân tiêu biểu khởi nghiệp ở Đắk Lắk

Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, Thư đã đem nhiều giống nghệ khác nhau đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng QUATEST 3 tại TP.HCM để kiểm định. Cuối cùng, Thư chọn nghệ nếp đỏ – giống nghệ bản địa có hàm lượng tinh nghệ (curcumin) rất cao – để chế biến sản phẩm. Trong thời gian tới, EPIS sẽ tiếp tục nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm từ thiên nhiên với nguồn nguyên liệu bản địa có sẵn như dầu sachi, dầu mắc ca, dầu bơ, dầu ca cao… để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu bảo vệ sức khỏe và làm đẹp từ thiên nhiên

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp ở vùng núi khó tìm thị trường và nguồn nguyên liệu lại càng khó hơn. Thấy ở đâu có tổ chức cuộc thi khởi nghiệp Thư cũng hào hứng tham dự, từ đó được chính quyền địa phương quan tâm và hỗ trợ rất nhiều trong không khí cả nước cùng nô nức khởi nghiệp. Thư tin nếu cống hiến, tạo giá trị cho quê hương, tạo thêm nhiều việc làm cho làng cho xóm, bạn sẽ được chính quê mình đền đáp thật xứng đáng

2. Nguyễn Văn Sơn (thôn Kim Lịch, xã Kim Hóa)

Cụm từ “khởi nghiệp” trở nên phổ biến với thanh niên cả nước nhưng nó vẫn còn là bài toán nan giải, là “điểm nghẽn” cần tháo gỡ của thanh niên miền núi. Trong bối cảnh đó, anh Nguyễn Văn Sơn trở thành gương mặt tiêu biểu đạp lên những khó khăn thành công khởi nghiệp ở vùng núi. Nhận thấy giống lợn rừng lai có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, thị trường ổn định anh đã đầu tư 130 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống để thực hiện ý tưởng của mình.

Qua 03 năm triển khai, mô hình chăn nuôi của anh luôn duy trì 10 lợn nái, hàng chục con lợn giống, lợn thịt mang về nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Thành công trong chăn nuôi đã tạo động lực để anh thực hiện những dự định về trồng trọt đã ấp ủ từ lâu. Từ đó, anh Sơn mở rộng ý tưởng khởi nghiệp ở vùng núi ban đầu sang lĩnh vực trồng trọt. Sau 02 năm triển khai, nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chăm sóc, đến nay, vườn bưởi của anh đang phát triển xanh tốt hứa hẹn sẽ cho những vụ mùa bội thu.

Không ngại khó khởi nghiệp ở vùng núi với 3 câu chuyện đi trước 2
Nguyễn Văn Sơn chăm sóc lợn rừng lai

Anh Sơn chia sẻ: “Với mong muốn cung cấp trái cây sạch cho bà con Nhân dân trên địa bàn, tôi đã mạnh dạn tận dụng diện tích đất gò đồi của gia đình, được Huyện đoàn Tuyên Hóa tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác do huyện đoàn đảm nhận, cộng thêm số vốn tích góp được từ những năm chăn nuôi, anh đã đầu tư 350 triệu đồng để trồng 1.000 gốc bưởi Phúc Trạch trên diện tích 2,5 ha”. 

Mô hình nuôi lợn rừng lai cũng như những thành công trong trồng trọt của anh Sơn chẳng những tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ quyết định khởi nghiệp ở vùng núi mà còn để lại nhiều kinh nghiệm, vẽ trước đường đi cho thế hệ sau tham khảo và tích lũy kinh nghiệm.

3. Lý Văn Quyết (thôn Tác Chiến, xã Nam La, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn)

 Sau khi ra trường với tấm bằng cử nhân loại khá của trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên, Lý Văn Quyết đưa ra quyết định trở về quê nhà, thực hiện việc khởi nghiệp ở vùng núi. Ban đầu, Lý Văn Quyết chọn nuôi con dúi nhưng do chưa nắm vững được kỹ thuật nuôi nên được một thời gian sau đàn dúi chết hết. Sau thất bại đó, Quyết mày mò, tìm kiếm trên mạng Internet cách làm giàu, khởi nghiệp ở vùng núi. Lý Văn Quyết rất ấn tượng với các mô hình nuôi giun quế dù tại thời điểm đó, đây là mô hình còn khá lạ lẫm ở vùng nông thôn miền núi quê anh.

Theo Quyết, trong nông nghiệp giun quế không chỉ là thức ăn cho vật nuôi mà còn có tác dụng cải tạo, tăng sự màu mỡ cho đất, kích thích các loại cây trồng phát triển. Động vật này được coi như “chiếc máy xử lý rác”. Chúng có thể xử lý triệt để các chất thải hữu cơ từ nông nghiệp như rau, củ, quả thối, khử mùi hôi chuồng trại, nước ao bẩn… Đặc biệt, trong cơ thể giun quế có chứa hàm lượng đạm rất cao, còn nhiều các axit amin, vi sinh vật và nhiều khoáng chất có lợi khác…

Không ngại khó khởi nghiệp ở vùng núi với 3 câu chuyện đi trước 3
Lý Văn Quyết bên cạnh mô hình giun quế của mình

Lý Văn Quyết tận dụng sự hiện đại của công nghệ ngày nay để phục vụ cho việc quảng bá bằng cách đăng tải các bài viết, hình ảnh, clip của cơ sở mình lên các trang mạng xã hội như Facebook. Nhờ đó, nhiều người đã biết tới anh và thường xuyên liên hệ đặt hàng với cơ sở nuôi giun quế do Lý Văn Quyết làm chủ. Hiện tại, Quyết đang nuôi hơn 20m2 giun quế. Mỗi ô nuôi có diện tích 4m2. Mỗi tháng, sinh khối thu được 30 – 40 kg. Do cơ sở còn bé nên Quyết tạm thời chưa thể cung ứng ra ngoài được. Quyết chủ yếu tập trung, lo cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi cho các huyện trong tỉnh trước.

Theo ước tính, chàng trai trẻ Lý Văn Quyết, từ mô hình chăn nuôi tạo thành vòng khép kín, mỗi tháng anh trung bình bỏ túi hơn 10 triệu đồng từ tiền bán giun và gà thịt. Với mô hình này, điều mà Quyết thành công thực hiện không chỉ là tạo  động lực để bản thân anh viết tiếp giấc mơ khởi nghiệp ở vùng núi mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác mạnh dạn nối gót. 

Khởi Nghiệp Trẻ vừa giới thiệu đến bạn 3 câu chuyện đầy cảm hứng của những startup không ngại khó khăn, điều kiện chưa đủ đầy ở vùng núi mà lựa chọn hiện thực hóa tâm huyết của mình ở đó. Khởi nghiệp ở vùng núi sẽ không còn quá khó khăn nếu ngọn lửa trong bạn luôn được duy trì tình trạng rực cháy.

 

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button